Chi tiết tin tức Ngôi nhà ấu thơ 07:49:00 - 02/10/2014
(PGNĐ) - Những bài viết của tác giả Minh Hà luôn khơi gợi cho chúng ta nhớ về một thời đã qua, thời của bao khốn khó, vất vả và lam lũ trong cuộc sống mưu sinh. Giờ đây, đât nước đã sang trang mới, đang thay da đổi thịt từng ngày, cuộc sống của người dân ngày càng được nâng cao về mọi mặt. "Ngôi nhà ấu thơ" như một tiếng chuông lòng, nhắc nhở chúng ta không bao giờ được quên về nỗi vất vả của cha, của mẹ, về những người thân trong gia đình để cho chúng ta một cuộc sống tốt đẹp như ngày hôm nay.
Năm tôi gần 6 tuổi, làng xóm xác xơ, bố không ở nhà. Mẹ tôi bảo bố đi đào vàng thuê tít tận Lâm Đồng. Tôi cũng không nhớ rõ lúc ấy tôi buồn và nhớ bố nhiều ít ra sao. Kí ức của tôi về khoảng thời gian ấy chỉ còn là những mảnh rời rạc trôi bồng bềnh. Lần trong biển sương mờ, hình ảnh đầu tiên và đậm nét nhất mà tôi tìm thấy là ngôi nhà nhỏ của chúng tôi. Nói đúng hơn nó là một túp lều nhỏ xíu, lụp xụp. Tường bằng gạch xỉ trát bùn nâu xịt, nứt nẻ những đường ngoằn nghèo. Một cái mũ rơm nhàu nát, lòa xòa chụp lên trên bốn bức tường méo mó. Tôi nhớ chỉ vì thế mà một lần từ xa trông lại, tôi không tin nổi vào mắt mình: ngôi nhà đã biến thành cây nấm! Chắc mẩm là do phép thuật của mụ phù thủy độc ác nào đó, tôi hoảng sợ lao về nhà với nỗi lo thắt tim rằng có thể mẹ tôi đã bị bắt đi. Tất nhiên, trước sự ngơ ngác của tôi, mọi thứ vẫn chẳng có gì thay đổi, còn mẹ tôi lo lắng hết sức thấy thằng con mắt mũi lem nhem, đứng ngẩn nhìn túp nhà nát. Càng ngày tôi càng phát hiện được nhiều điều thú vị xung quanh ngôi nhà nhỏ bé. Cái sân đất mọc trạt những mạ và cỏ ấu. Tôi ngây thơ tin chắc rồi nhất định những cây mạ kia sẽ lớn thành cây lúa, và khi lúa chín tự tay tôi sẽ gặt chúng, giống như mẹ tôi thường làm mỗi mùa gặt. Sau đó có lẽ tôi bán một phần, còn một phần để nấu cơm ăn. “ Mảnh ruộng” của tôi được chăm sóc ghê lắm, mà theo tôi hơn cả việc mẹ tôi chăm cái vườn “ bé như mắt muỗi” (lời mẹ tôi than thở mỗi lần ngắm mấy luống rau). Phần lớn thì giờ rỗi rãi, tôi dành cho việc trông nom vài ba cái cây nhỏ mọc trên tường. Chúng trông khá đẹp mắt, và còn ai vào đây chính tôi đã phát hiện ra. Tôi một mực bảo vệ chúng khỏi bàn tay mẹ tôi. Chỉ cho đến khi mẹ tôi bảo mấy cái cây ấy mà lớn thì sẽ làm đổ nhà, tôi đành ngậm ngùi để mẹ nhổ đi. Vì chuyện này, tôi nhịn ăn mất một bữa.
Ngôi nhà gắn với bao ước mơ (Ảnh mang tính chất minh họa)
Nếu bạn muốn tham quan nội thất của ngôi nhà, chỉ việc đẩy tấm liếp chắn lối ra vào. Nhưng nhớ nhẹ tay thôi kẻo nó lỏng lẻo lắm rồi. (Chắc tại tôi hay nghịch ngợm kéo ra, kéo vào mỗi lúc chơi trò ú tim với mẹ tôi). Thật ra, chuyện “cửa” không chắc chắn cũng chẳng làm mẹ con tôi lo lắng lắm. Người quanh đây đều khá tốt bụng. Với lại, nếu vinh dự có vị trộm nào ghé thăm nhà tôi hẳn sẽ ngán ngẩm bỏ đi ngay, không quay lại một lần. Một cái bàn thờ thấp. Một cái hòm chưa bao giờ thóc lấp nửa, một chõng tre kẽo kẹt với bốn chiếc gỗ lung lay, và cái giường ọp ẹp góc nhà. Có thể bạn sẽ gặp cả vị khách lì lợm trú ngụ trong lỗ nhỏ sâu hút ở góc tối ẩm nhất. Đôi lần tôi bắt gặp chú chuột nhắt kia thò cái mõm nhọn lên, mấy sợi râu rung rung. Tôi chờ chú ra chơi cùng nhưng cú thật kênh kiệu hết sức! Gắn với hình ảnh căn nhà gianh tàn tạ là bóng dáng khắc khổ của mẹ tôi. Người mẹ tôi mảnh khảnh và có gò má rất cao, đôi mắt hơi trũng sâu thâm quầng, mệt mỏi. Tôi nhớ mẹ tôi khá nghiêm khắc. Tôi bị mẹ gọi là “ thằng quỷ nhỏ”, “ thằng giặc non” và bị phạt mỗi lần nghịch tinh. Bà mẹ tội nghiệp của tôi chắc đau đầu vì thằng con bướng bỉnh lắm. Hình như nghiêm trọng nhất là hôm tôi trốn mẹ theo lũ trẻ trong xóm ra đồng chơi. Chiều đông xám ướt mưa lạnh. Bờ ruộng mấp mô, trơn trượt. Sẩm tối mò được về nhà thì tôi đã “ không ra hình người”. Mặt tôi đen xỉn, tay chân lấm lem. Tệ nhất là bộ áo ấm quý nhất của tôi (vì là bộ duy nhất) nặng trịch bùn đất. Giận tím, mẹ vớ ngay cái roi quất mấy phát vào mông tôi đau điếng. Giọng mẹ bừng bừng. Tôi ngoác miệng khóc hu hu hình như át cả tiếng mẹ. Lúc bấy giờ người tôi cóng lạnh, nhưng tôi chỉ thấy tức vì đau thôi. Tôi gào lên chắc thảm thiết lắm. Mẹ sững lại cây roi rớt xuống, rồi mẹ ôm chầm lấy tôi, dỗ dành. Một lúc sau tôi mới nín, mắt vẫn còn rơm rớm. Những giọt nước mắt còn lăn dài trêm má tôi. Không phải của tôi... người mẹ tôi run lên. Tôi cuống cuồng: “Mẹ...mẹ...” Chưa bao giờ tôi thấy mẹ khóc... Những ngày mùa đông lạnh lẽo trôi đi trong hơi xám mờ mịt. Đôi chút ánh sáng le lói đưa lại cảnh tôi cùng mẹ ngồi bên nồi cơm hấp khoai vàng nghi ngút khói. Tôi không nhớ năm đó mẹ con tôi được ăn mấy bữa như vậy và cả mùa đông có mấy buổi tối như thế kia. Ánh đèn dầu chập chờn, lung linh trong đôi mắt mẹ tôi. Mẹ sẽ sàng đặt vào bàn tay tí xíu của tôi bát cơm thơm phức, rồi vừa ăn khoai mẹ vừa chăm chú nhìn tôi. Chẳng hiểu sao mắt mẹ tôi cứ long lanh ướt như là mẹ sắp khóc đến nơi. Tôi tưởng mẹ tôi muốn ăn cơm bèn dành đổi bát khoai của mẹ. Thế mà mẹ nhất định không chịu, kì lạ thật! Mẹ bắt tôi ăn hết cơm mới được ăn khoai. Tôi ngạc nhiên: Vậy mẹ ăn gì? Sao mẹ lại không thích cơm nhỉ? Mẹ tôi bảo thích ăn khoai hơn nhưng tôi chẳng tin. Cơm ngon thế này cơ mà... Sau cùng tôi thủng thẳng đề nghị mỗi mẹ con nếm mỗi thứ một chút. Mẹ tôi có vẻ rất vui. Trong kí ức của tôi thì hình ảnh bố tôi mờ nhạt. Bố gần như không về nhà suốt gần năm trời. Mãi gần tết bố về xanh xao trong bộ đồ bạc phếch. Mẹ khóc lúc vừa nhìn thấy bố tôi điềm đạm bước vào ngõ. Hỏi han mấy câu, bố bế tôi, lên giọng khàn khàn: “ Chà con trai bố lớn thế!...” Mắt bố tôi đỏ hoe. Tôi ngạc nhiên, chẳng phải bố vẫn bảo con trai thì không được khóc sao? Bố tôi lại đi liền sau đó mấy ngày. Mẹ lặng lẽ, đôi lúc thở dài xa xăm. Thằng bé 6 tuổi không hiểu lắm chỉ lờ đờ đoán mẹ nhớ bố. Tôi cũng nhớ bố nhưng thầm trách tôi nói mà chẳng giữ lời. Bố từng bảo đến tết bố về sẽ xây mới cơ mà? Chưa kịp thắc mắc, bố tôi đã lại đi mất rồi. Tháng 6 về cùng cái nắng gay gắt và những cơn mưa dữ dội. Ngôi nhà “ nấm lùn” của chúng tôi càng xiêu vẹo. Cái mũ rơm bị gió quật nhàu nát thêm. Mỗi lần mưa to, tôi lăng xăng chạy khắp nhà để hứng nước. Nền ướt sũng, trơn nhẫy. Tôi mấy lần bị trượt ngã dập mặt, bị mẹ mắng mà vẫn không chịu ngồi yên. Chán cái nhà quá, chắc vị khách trọ ở góc nhà đã bỏ đi từ lâu rồi. May cho chuột ta nếu ở lại thế nào cũng phải hứng chịu cái cảnh khủng khiếp mà mẹ con tôi đã phải hứng chịu sau đó.
Những gì còn lại sau bão (Ảnh mang tính chất minh họa)
Có lẽ trong đời không bao giờ tôi gặp lại cảm giác hãi hùng vì một cơn bão như thế nữa. Đêm ấy, hình như rất khuya rồi tôi bất chợt tỉnh giấc bởi những tiếng lạch xạch ghê rợn. Lưỡi tôi gần như líu lại khi không sờ thấy mẹ tôi đâu. Một lúc sau tôi mới cất được tiếng, giọng lạc đi: “ Mẹ...Mẹ ơi!... Mẹ ơi!...”. Mẹ vội chạy lại ôm lấy tôi trấn an. Thì ra mẹ đi tìm cây đèn dầu nhưng hết mất rồi. Căn nhà chìm trong tối thui, tôi thậm chí không nhìn thấy mẹ tôi. Thỉnh thoảng vài dịp sáng lóe lên, tôi co rúm lại. Sấm ì ùng, gió rít từng cơn. Bất giác tôi ngó ra ngoài, một vệt dài rạch ngang trời. Tôi kịp nhận ra cái cánh cửa mới được sửa lại cho chắc chắn đã biến mất tiêu, nằm chỏng gọng ngay lối ra vào. Một tiếng nổ khô khốc rọi xuống. Tôi giật thót, kinh hãi rú lên, nép sát vào ngực mẹ tôi. Có cái gì bất khờ trùm lên người tôi và mẹ tôi. Hình như là chiếc chăn mỏng, chắc mẹ vừa rũ nó ra. Người tôi vương cái gì bận bận. Rơm thì phải? Tôi sờ xung quanh thấy toàn rơm và sạn. Mẹ thì thầm: “ Ngồi yên...”. Gió thốc từng cơn như muốn giật mất cái chăn đi, mà có khi còn cuốn cả hai mẹ con chưa biết chừng! Ngạt quá! Ngực như muốn vỡ ra. Bỗng nghe lộp độp, rồi ào ào. Tôi thì thào: “ Mưa hả mẹ?”. Chưa hỏi hết câu tôi cảm thấy hình như nước ở đâu tuôn xối xả ngay trên đầu. Mẹ gập người che cho tôi, cằm mẹ tì vào một bên má tôi nóng bừng. Mưa lạnh vẫn thấm qua chăn và không ngừng chảy xuống lưng, xuống bụng tôi. Vài hạt nước nóng bỏng nối nhau chảy tràn một bên má tôi, rỉ vào môi mặn chát. Tôi sụt sùi: “ Mẹ, bao giờ bố về?...Bố bảo...”. Cắt lời tôi là tiếng sét chói tai. Tôi im bặt, ôm chặt lấy mẹ. Từ lúc ấy, tôi không dám nhúc nhích nữa, thỉnh thoảng chỉ nấc lên một tiếng. Gần sáng, tôi thiếp đi... Sáng hôm sau, tôi tỉnh dậy trên chiếc giường quen thuộc, vừa mở mắt đã thấy một khoảng trời trong trẻo ngay trên đầu. Tôi bật dậy, sửng sốt: “ Cái mũ rơm bay đi đâu mất rồi?”. Trong nhà sáng sủa như bên ngoài. Tôi cứ ngồi ngẩn trên giường, thích thú ngắm cái khoảng không trên đầu,chẳng để ý thấy mẹ tôi bên chõng buồn rười rượi. Tôi đã tạm quên đi nỗi khủng khiếp tối hôm trước vì còn bận ngắm cái cảnh tượng lạ lùng trước mắt... Đó là kỉ niệm còn in đậm trong kí ức của tôi thời ấu thơ. Năm tháng qua đi, tôi đã trở thành sinh viên đại học ở mảnh đất miền Trung xa cách. Ngôi trường của tôi nằm sát bên bờ biển Quy Nhơn chạy dài tít tắp. Cứ mỗi chiều rảnh rỗi, tôi lại rủ lũ bạn chơi bóng chuyền trên bãi cát mịn màng. Nhìn những con sóng nhấp nhô, tung bọt trắng xóa nỗi nhớ quê lại ùa về trong tôi...Tôi nhớ mẹ, nhớ bố, nhớ ngôi nhà ấu thơ da diết...Cổ họng tôi như nghẹn ứ một niềm xúc cảm lâng lâng...Tôi muốn thốt lên: “ Cha mẹ ơi, hãy cùng con đi suốt cuộc đời này!!!”....
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |