Chi tiết tin tức Cảm Nhận Một Chuyến Đi 20:24:00 - 11/10/2014
(PGNĐ) - Nhân dịp rước 5 cây Bồ Đề từ Ấn Độ về trồng tại
Linh Sơn Tự, Chùa Lộ Xuyên, Nam Định.
Lễ Phật tại Bodhgaya (Bồ Đề Đạo Tràng)(1) Quý Tỵ mùa xuân tiết tháng hai Trời xanh mây trắng rộn trần ai Nhân duyên con được về Ấn Độ Kính lễ Đạo Tràng buổi sớm mai
Bồ Đề Đạo Tràng tháp vút cao Xuống bao nhiêu bậc bởi thuở nào Thiên nhiên bồi đắp mà như vậy Bốn phía bao quanh, thế đất cao
Lặng lẽ trang nghiêm tay trước ngực Thầy bước, trò theo bậc từng bậc Chính niệm mà sao lòng thổn thức Bởi đã khi nào những phút giây
Lòng thấy bâng khuâng cửa Tháp đây Bao ngàn năm trước ở nơi này Thế Tôn(2) chứng đắc ngôi Vô Thượng(3) Thế giới muôn loài Đạo từ đây
Phật ngự tòa cao áo hở vai Bờ vai bên hữu tròn lại đầy Phật đang nhập định tìm Diệu Pháp(4) Trị bệnh chúng sinh khắp muôn loài
Đã đến lượt con vào lễ Phật Ba lạy lùi ra lòng ngây ngất Không khói hương tỏa nơi Tĩnh Thất(5) Không rộng, người đông vẫn nhường nhau
Nhiễu tháp kinh hành vẫn trước sau Gốc Bồ Đề lớn(6) gục mái đầu Phát tâm con nguyện xin hạt giống Linh Sơn chùa cổ được gieo trồng
Lễ Phật ở Chùa Việt Nam tại Bodhgaya Việt Nam Quốc Tự ở nơi đây Hòa Thượng Huyền Diệu đã dựng xây Con vào kính lễ ngôi Tam Bảo(7) Quốc Thái Dân An – Nguyện nơi này
Thăm Tháp Tín Nữ Sujata Bái tạ Đạo Tràng Bodhgaya Kính lễ tín nữ Sujata(8) Xưa dâng bát sữa lên Bồ Tát(9) Danh thơm nức tiếng khắp gần xa
Thăm Đền Thờ Ông Lão Kusa Đây ngôi miếu cổ viếng cụ Ông Ông cụ làm nghề của nhà nông Bó cỏ Cát Tường dâng Bồ Tát Làm đệm ngồi thiền, kính lễ Ông
Lễ phật ở Khổ Hạnh Lâm (Rừng Uruvela) Dãy núi đá cao Khổ Hạnh Lâm(10) Cúi vào hang đá khói hương trầm Lễ Đức Thích Ca tu khổ hạnh Lòng thấy nao nao Khổ Hạnh Lâm
Thăm Sông Ni Liên Thiền Sông Ni Liên Thiền(11) địa danh xưa Uống xong bát sữa Tín nữ đưa Liệng bát xuống sông Bồ Tát nguyện Bát ngược dòng trôi dấu Đạo xưa.
Lễ Phật ở vườn Lộc Uyển(12), Tháp Chuyển Pháp Luân Trụ đá Dục Vương(13) dấu tích danh Mốc giới ghi nơi Phật du hành Theo chân Đức Phật con được đến Bài Pháp đầu tiên, thuyết độ sanh.
Năm vị khổ hạnh Kiều Trần Như Khi xưa bỏ Phật tu ẩn cư Ngàn dặm xa xăm Phật tìm đến Thuyết Pháp độ thành bậc chân tu
Nơi Chuyển Pháp Luân tháp cổ xưa Bóng nắng đổ dài buổi xế trưa Thày trò trang nghiêm thành tâm tụng Kinh Chuyển Pháp Luân(14) – duyên khởi xưa
Kinh hành Thánh địa Sarnath Nhiễu Tháp Tọa Thiền mới tạm xa Cô Bác nơi đây thân thiện quá Nghỉ lại một đêm Ba Nại La (Ba La Nại) (15)
Thăm Sông Hằng Mờ sáng trên đường đến bên sông Sông Hằng(16) nước chảy rộng xanh trong Bãi cát dấu xưa dài rộng quá Trong Kinh Phật nói Hằng Hà Sa(17)
Ngắm cảnh bình minh bến Sông Hằng Giữa dòng nước chảy một màu xanh Ngồi thuyền buông mái theo dòng nước Phong cảnh tựa hồ vạn bức tranh
Đi Sravasti (Xá Vệ Quốc) Đi Sravasti một chặng đường Ba trăm cây số cảnh quê hương Cánh đồng lúa mạch vàng màu áo Tỳ Kheo theo Phật độ muôn phương
Lễ Phật ở Kỳ Viên Tịnh Xá Tịnh Xá Kỳ Viên - Xá Vệ Quốc(18) Thuở xưa Cư Sĩ Cấp Cô Độc(19) Đã trải vàng ròng mua mảnh đất Xây dựng Tịnh Xá cúng dàng Phật
Hai lăm (25) mùa mưa Phật ở đây An cư kiết hạ Thánh Địa này A Di Đà Kinh nhất tâm tụng Nguyện đoạn não phiền tâm chẳng lay.
Thăm nhà Cư sỹ Tu Đạt Đa – Cấp Cô Độc Điền trang cư sỹ Tu Đạt Đa Nền gạch cổ xưa không còn nhà Nơi đây của báu nhiều vô kể Cúng dàng, bố thí khắp gần xa
Thăm tháp kỷ niệm ngài Vô Não – Angulimala Tháp ngài Vô Não – Angulimala Đã giết nhiều người khắp gần xa Từ khi quy y tu theo Phật Chứng quả vị Thánh Arahanta (A La Hán)
Thăm di tích ngoại đạo đòi thi triển thần thông với Đức Phật Xưa có ngoại đạo ở nơi đây Học được phép gì chẳng ai hay Thần thông đòi đấu thi với Phật Dấu tích còn ghi ở nơi này
Phật hiện thần thông làm phép bay Trên phun ra lửa, dưới mưa dày Thoắt ẩn, thoắt hiện, hư không biến Hàng phục ngoại đạo trong phút giây
Đến biên giới Ấn Độ - Nepal Xe dừng người xuống để kiểm tra Hộ chiếu visa mở sẵn ra Đi đâu? – Lễ Phật – Không xem nữa Hộ chiếu trả về được đi qua
Tiếp tục hành trình đến Nepal Thày trò cơm nắm muối vừng rang Bãi cỏ bên đường ngồi ăn tạm Buổi trưa cái nắng cứ chang chang Lễ Phật tại vườn Lâm Tỳ Ni Hymalaya dãy núi cao Phía dưới Thánh địa tự thủa nào Trụ đá A Dục ghi dấu tích Vườn Lâm Tỳ Ni(20) – Phật đản sinh
Phong cảnh nơi đây rợp bóng cây Chim hót líu lo suốt cả ngày Tưởng niệm kinh hành lòng thư thái Chẳng nghĩ đến về muốn ở đây
Ra về lòng tưởng nhớ Tỳ Ni Bước chân nặng trĩu chẳng muốn đi Bái tạ lần nữa rồi con bước Lưu lại trong lòng Lâm Tỳ Ni
Thăm thành Ca Tỳ La Vệ tại Nepal Đã hai ngày qua mới đến đây Hôm nay lạy Phật ở nơi này Ca Tỳ La Vệ(21) nơi con đến Cung vua Tịnh Phạn đã dựng xây
Lầu các điện đài dấu tích Vua Nay là bãi đất nền cổ xưa Cổng nào Thái Tử nửa đêm ấy Từ bỏ nơi này không tiễn đưa
Thăm Mộ Vua Tịnh Phạn và Hoàng Hậu Maya Đến lễ mộ phần bậc Vua Cha Lạy mộ Thánh Mẫu Đức Maya Hai ngôi mộ cổ màu gạch đỏ Vái tạ ba lần con bước ra
Lễ Phật ở Việt Nam Quốc Tự tại Nepal Việt Nam Quốc Tự ở Nepal Cũng giống ngôi chùa ở Đạo Tràng Đỉnh lễ Tam Bảo con vãng cảnh Hòa Thượng Huyền Diệu đang sửa sang
Lễ Phật nhập Niết Bàn ở Tala Song Thọ Kusinagar vườn Ta La(22) Hai cây song thọ vẫn nở hoa Phật nằm nhập định từ đêm ấy Để lại Kim Thân ở Sa La
Lễ Phật tụng bản Di Giáo Kinh(23) Kính lễ nhiễu quanh Phật Niết Bàn Quỳ lạy chân Phật con bái tạ Dâng đóa hoa thơm gửi Sa La
Lễ Phật ở Tháp Trà Tỳ Kim Thân Đức Phật (Rambhar Sutupa) Đỉnh lễ nơi này Tháp Hỏa Thiêu Nắng đã xiên ngang ánh nắng chiều Kim Thân Đức Phật sau đêm ấy Làm lễ Trà Tỳ ở nơi đây
Lễ tháp thờ Xá Lợi ở Vaishali (Tỳ Xá Ly) Đến Vaishali – Tỳ Xá Ly(24) Sau lễ Kim Thân Phật Trà Tỳ Xá Lợi(25) tám phần Vua tám nước Một phần xây tháp, thờ ở đây
Tháp lớn thênh thang thế tháp tròn Đỉnh lễ nhiễu quanh con bái tạ Dưới nắng chang chang như nắng hạ Con lại lên đường chuyến đi xa
Viếng thăm đại học Na Lan Đà Viếng thăm đại học Na Lan Đà(26) Ngôi trường xây dựng khác xứ ta Bởi đây xứ nóng hầm sâu rộng Chư Tăng tu học chẳng cần nhà
Kính lễ Huyền Trang Kỷ Niệm Đường Kính lễ Huyền Trang Kỷ Niệm Đường(27) Ngài từ Trung Quốc xa cố hương Cao Tăng tu học – Đường Tam Tạng Kinh Điển do ngài tiến Vua Đường
Thăm Tịnh Xá Trúc Lâm Tịnh xá Trúc Lâm – Vương Xá thành(28) Tần Bà Sa La - Vua lưu danh Tịnh xá đầu tiên dâng cúng Phật Chư Tăng nhờ đó thuận tu hành
Lễ Phật ở Linh Thứu Sơn Dốc núi đường đến Linh Thứu Sơn(29) Hang Mục Kiền Liên ở bên đường Bước lên thấy hang Xá Lợi Phất Hai ngài ẩn tu dứt phàm thường
Linh Thứu đây rồi đỉnh núi cao Cánh chim Linh Thứu từ thủa nào Thiên nhiên hùng vĩ đã ban tặng Thánh địa nơi đây – Trí tuệ cao
Phật dùng nơi này - Rộng thuyết Kinh Diệu Pháp Liên Hoa dắt chúng sinh Kim Cang hướng đến Ba La Mật Lăng Nghiêm, Bát Nhã – Vô Thượng Sinh Ngắm nhìn quang cảnh Linh Thứu sơn Đất rộng thênh thang, bãi ngút ngàn Thánh địa linh thiêng - Linh Sơn Hội(30) Bồ Tát, Chư Tăng các cõi Trời
Đỉnh lễ Tam Bảo Linh Thứu sơn Thành tâm trì tụng Kinh Phổ Môn Nguyện Phật gia trì cho khắp cả Thế giới Sa Bà thoát khổ đau
Cuối chuyến đi trở lại lễ Phật ở Bồ Đề Đạo Tràng
Thiền ở nơi đây khác mọi nơi Phàm mà như con cũng biết ngồi Bỗng nhiên con thấy sao khác lạ Giao diện cảm thụ giữa Đất Trời
Đỉnh lễ nhiễu quanh Tháp bao lần Con chẳng muốn xa mãi muốn gần Bao giờ con mới về trở lại Lễ Phật nơi đây thỏa lòng trần
Đi sân bay Gaya – New Delhi – Singapore Mười ngày được ở đất Phật linh Chiều nay con về với nơi sinh Hạt giống Bồ Đề xin nâng giữ Thành cây tỏa bóng độ hữu tình Chia tay Thầy Thích Tâm Bửu, nghiên cứu sinh tiến sĩ ở Ấn Độ
Bái tạ chia tay với quý Thày Mười ngày lưu lại ở nơi đây Nơi ăn chốn nghỉ Thầy chu đáo Tình Đạo thâm sâu mãi chẳng phai
- Về đến Việt Nam - Hạt giống ươm chậu chẳng thấy lên Tự nhủ rằng mình chưa đủ duyên Phàm tu há đợi sung vào miệng Tự nhắc với mình cố gắng lên
Chùa đã xây xong vẫn chờ cây Ở Linh Sơn tự mong từng ngày Thôi thì thỉnh đến duyên Thày vậy Chùa cổ Gia Lâm tặng hai cây
Hai tháng đã qua chậu mang ra Cả hạt và đất để vườn nhà Nhờ mưa, nhờ gió, nhờ có nắng Sáu tháng đã qua hạt nhú ra
Rào che chăm bón được bốn cây Về sau cây lớn thấy từng ngày Mười ba tháng đủ thêm cây nữa Phật thương Phật độ, đủ năm cây
- Rước 5 cây Bồ Đề ươm ở vườn Công ty cổ phần Nam Tiến, Hà Nội về Linh Sơn Tự, Lộ Xuyên, Nam Định. Tháng 6 năm nay Giáp Ngọ niên Nhằm ngày 28 mới thành duyên Năm cây con rước dâng Chùa cổ Linh Sơn cổ tự, Chùa Lộ Xuyên
A DI ĐÀ PHẬT Tháng 7 – Giáp Ngọ - 2014 Phật tử Phúc An ________________________________________________________ Chú giải: (Theo Phật Quang Đại Từ Điển- Dịch Thuật Sa môn: Thích Quảng Độ) 1. Bồ Đề Đạo Tràng (Bo DHAGAYA):Bodhgaya, nằm trực thuộc tiểu bang Bihar cách thủ phủ Patna khoảng 115 km, là một trong 4 Thánh tích quan trọng của Phật Giáo, ghi dấu nơi Bồ Tát Siddharta đã tu hành đắc đạo và tìm ra ánh sáng chân lý để cứu độ cho muôn loài. Ngày nay đối với khách tham quan, Bồ Đề Đạo Tràng là nơi hùng vỹ, thiêng liêng và thú vị nhất trong Tứ động tâm; và đã trở thành là nơi chiêm bái Phật tích quan trọng nhất thế giới. 2. Thế Tôn: Một trong mười danh hiệu của Đức Phật: Như Lai, Ứng Cúng, Chính Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ Thế Gian Giải, Vô Thượng Sỹ, Điền Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. 3. Vô Thượng: Gọi đủ là Vô Thượng Bồ Đề Cũng gọi: Chư Phật Bồ Đề, A nậu đa la tam miệu tam bồ đề, Vô thượng chính đẳng bồ đề, Đại bồ đề. Trí giác ngộ của Phật, Duyên giác và Thanh văn chứng được quả, gọi là Bồ đề; nhưng Bồ đề của Phật là rốt ráo vô thượng, cho nên gọi là Vô Thượng Bồ Đề. Một trong 3 Bồ Đề. Kinh Đại bảo tích quyển 28 ( Đại 11, 157 thượng) nói: “ Thường giáo hóa các chúng sinh, tâm không sinh mệt mỏi; đối với Vô Thượng Bồ Đề, vững chắc không chuyển lui”. (xt. Tam Bồ Đề). 4. Diệu Pháp: Phạm: Sat, su, manju. Dịch âm: Tát, Tô, Mạn nhũ. Dịch ý: Không thể nghĩ bàn, không thể so sánh, tuyệt đối. Kinh điển thù thắng gọi là Diệu điển (đặc biệt chỉ cho kinh Pháp hoa), đạo lí sâu xa mầu nhiệm gọi là Diệu lí; cảnh giới bất khả tư nghi gọi là Diệu cảnh; quả nhờ diệu nhân diệu hạnh mà chứng được gọi là Diệu quả (quả Phật). Pháp của Phật là thù thắng không thể nghĩ bàn gọi là Diệu Pháp. [X. Đại nhật kinh sớ Q.1; Pháp hoa huyền nghĩa Q.1; Phạm ngữ tạp danh; Bí tạng kí Q.cuối]. (xt. Thập Diệu). 5. Tĩnh Thất: Ngôi nhà yên tĩnh, thí dụ cảnh giới thiền định. Cứ theo luận Đại trí độ quyển 17 thì Niết bàn thường lạc là từ trí tuệ chân thực sinh khởi, trí tuệ chân thực là từ nhất tâm thiền định sinh khởi. Ví như ngọn đèn trước gió, khó có thể chiếu sáng, phải đặt nó trong căn nhà kín gió thì ngọn đèn ấy mới phát huy được tác dụng chiếu sáng hoàn toàn. Trí tuệ cũng thế, nếu tâm tán loạn thì trí tuệ không thể phát huy công dụng, phải có thiền định thì trí tuệ chân thực mới sinh khởi được. 6. Gốc Bồ Đề Lớn: Cây Bồ Đề có gốc lớn sau Bảo tháp Bồ Đề Đạo Tràng (nơi Đức Phật nhập định 49 ngày và Thành Đạo)
7. Tam Bảo(Ba Ngôi Báu): Phật Bảo, Pháp Bảo, Tăng Bảo. * Phật Bảo: Phật quá khứ, Phật hiện tại, Phật vị lai - Hán dịch Tam Thế Phật. - Đức Phật A Di Đà là Phật của 10 kiếp đã qua nên gọi là Phật Quá Khứ. - Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là Đức Phật về mặt lịch sử nên gọi là Phật Hiện Tại. - Đức Di Lặc thì trong 56 ức 4 nghìn vạn năm sau đây sẽ là Phật xuất hiện ở thế giới Sa Bà này cho nên gọi là Phật Vị Lai (Vị lai hay còn gọi là tương lai hoặc đương lai). * Pháp Bảo: Các Kinh Luật Đại Thừa, Tiểu Thừa do Đức Phật nói trong 5 thời gọi là Pháp Bảo. * Tăng Bảo: Hàng Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát nhờ tu theo giáo pháp của Phật mà chứng được quả giác ngộ giải thoát gọi là Tăng Bảo. 8. Thăm đền thờ Sujata: Nơi Đức Phật đã nhận bát sữa cúng Dàng từ nàng thôn nữ Sujata, sau sáu năm dài tu khổ hạnh kiệt sức. 9. Bồ Tát: Tại thời điểm nhận bát sữa do Tín nữ Sujata dâng Đức Phật là Bồ Tát Siddharta Hán dịch Tất Đạt Đa. Bồ Tát: Là từ gọi tắt của Bồ Đề tát đỏa, Phạm: bodhi-sattva. Pali: bodhi-satta. Cũng gọi Bồ đề sách đa, Mạo địa tát đát phược, Phù tát. Dịch ý: Đạo chúng sinh, Giác hữu tình, Đại giác hữu tình, Đạo tâm chúng sinh. Hàm ý là người cầu đạo, cầu đại giác, người có tâm cầu đạo rộng lớn. Bồ đề nghĩa là giác, trí, đạo. Tát đỏa nghĩa là chúng sinh, hữu tình. Bồ tát cùng với Thanh văn, Duyên giác gọi chung là Tam thừa. Cũng là một trong 10 giới. Bồ tát là chỉ cho người tu hành trên cầu Vô thượng bồ đề bằng trí tuệ, dưới hóa độ chúng sinh bằng tâm từ bi, tu các hạnh ba la mật và trong vị lai sẽ thành tựu quả Phật. Cũng tức là người dũng mãnh cầu bồ đề, tròn đủ hai hạnh lợi mình và lợi người. 10. Khổ Hạnh Lâm (rừng Uruvela): Nơi Thái Tử Tất Đạt Đa (Siddharta) đã trải qua 6 năm khổ hạnh, tu hành ép xác mỗi ngày chỉ dùng một hạt mè để duy trì mạng sống. Khổ Hạnh Lâm: Hang đá trên đỉnh núi vòm thấp phải cúi đầu mới vào được, nơi đây ghi lại di tích Đức Phật tu 6 năm khổ hạnh. Ở đây có thờ pho tượng Bồ Tát Siddharta (Tất Đạt Đa) chỉ còn xương và da. 11. Thăm sông Ni Liên Thuyền (Nijianyana); Tại bờ sông này, sau khi uống hết bát sữa của nàng Sujata cúng Dàng, Bồ Tát Siddharta (Tát Đạt Đa) liệng bát xuống sông Ni Liên Thuyền Lập Đại Nguyện nếu bát trôi ngược dòng thì ta thành Đạo. Quả nhiên Bát ngược dòng trôi. 12.Vườn Lộc Uyển hay còn gọi là Lộc Dã Uyển Phạm: Mrgadava. Cũng gọi là Tiên nhân lộc dã uyển, Lộc dã viên, Lộc uyển, Tiên uyển, Tiên nhân viên. Vườn nai, nơi đức Phật chuyển pháp lần đầu tiên sau khi thành đạo, nay là Sa nhĩ na tư (Sarnath) nằm cách thành phố Ngõa lạp na tây (Varanasi) 6 cây số về mạn bắc, thuốc Bắc Ấn độ. Về nguồn gốc của địa danh này có nhiều thuyết khác nhau: Theo kinh Xuất diệu quyển 14, thì Lộc dã uyển là nơi các Thần Tiên và những người tu đạo được 5 thần thông thường lui tới, chứ không phải chỗ ở của phàm phu, vì thế gọi là Tiên nhân trụ xứ ( chỗ ở của người tiên). Lại có thuyết cho rằng, xưa có vua nước Ba la nại đi săn đến đây, bắt được 1.000 con nai, sau do nai chúa xin Vua mỗi ngày dâng 1 con để Vua ăn thịt, Vua mới thả đàn nai ra, cho nên tên đất được đặt là Lộc dã uyển. Luận Đại tì bà sa quyển 183 tổng hợp các thuyết nói rằng, vì ở quá khứ, đức Phật là tiên nhân Tối thắng, từng chuyển pháp luân đầu tiên ở nơi này, nên gọi là Tiên nhân luận xứ (nơi người tiên đảm luận). Lúc đức Phật chưa ra đời hoặc đã ra đời, nơi đây thường có các vị thần tiên cư trú, nên gọi là Tiên nhân trụ xứ (nơi ở của các vị tiên). Vì thủa xưa có 500 tiên nhân bay trên hư không, đến chốn này thấy các thể nữ của nhà vua, động lòng dục, mất thần thông, rơi xuống chỗ này, nên gọi là Tiên nhân đọa xứ (chỗ tiên nhân rơi). Còn theo Đại đường tây vực kí quyển 7, vì Lộc vương xả thân chết thay cho mẹ đang có thai, làm cho vua nước Phạm đạt đa cảm động, khiến vua thả đàn nai và bố thí cho rừng cây, nên gọi là Thí lộc lâm (rừng cho nai). Bắt đầu từ vua A dục, vườn Lộc dã rất được kính ngưỡng sùng bái. Đầu thế kỉ VIII, khi ngài Huyền trang đến Ấn độ, nơi này còn rất nhiều điện đường lầu gác, tường hoa bao bọc chung quanh, bên trong có tinh xá cao 200 thước, phía tây nam tinh xá có cột đá do vua A dục dựng cao hơn 70 thước, đá rất bóng, lấp lánh như có ngọc, tăng đồ hơn nghìn người, là thời rất hưng thịnh. Đến khoảng thế kỉ thứ XIII, vườn Lộc dã lần lượt bị tín đồ Hồi giáo và Ấn độ giáo tàn phá, trở thành hoang phế, nay chỉ còn 1 ngôi tháp tròn 2 tầng có khắc chữ Vạn chung quanh vách và cột đá của vua A dục đã gãy 1 nửa được bảo vệ bằng hàng rào sắt vây chung quanh. Hiện nay, ở vườn Lộc dã có rất nhiều chùa viện, như Trung hoa Phật tự do ông Lí tuần thừa sáng lập, Miến điện Phật tự, Hiệp hội Ma ha bồ đề, viện bảo tàng Ấn độ giáo, Giáo đường Ki na giáo và Viện bảo tàng Phật giáo, có cất giữ tượng Phật cách đây 1.000 năm, các loại pháp khí và cột đá đều là những di vật trân quí của Phật giáo. [X. kinh Tạp a hàm Q.23, 39; kinh Đại bát niết bàn Q.trung (bản 3 quyển); kinh Hiền ngu Q.5; Luật Tứ phần Q.32; luận Đại trí độ Q.16; A dục vương truyện Q.2; Cao tăng Pháp hiển truyện, Tuệ lâm âm nghĩa Q.1; A Guide to Sarnath, 1937 (B. Majumdar)] 13. Trụ đá A Dục: Gọi đủ là A Dục Vương. Phạm: Asoka, Pali: Asoka. Cũng gọi là A du ca, A du già, A thứ già, A thú khả , A thúc. Dịch ý: Vô ưu vương (vua không lo). Còn có tên Thiên ái hỉ kiến vương (Phạm: Devanampriya priyadrasi, trời thương yêu thì thấy mừng). Là vua đời thứ ba của triều đại Khổng tước nước Ma yết đà trung Ấn độ. Vua ra đời khoảng thế kỉ thứ III trước Tây lịch, thống nhất Ấn độ, là nhà bảo hộ Phật giáo mạnh mẽ nhất. Ông nội vua là đại vương Chiên đà la cấp đa (Phạm: Candragupta), người sáng lập triều đại Khổng tước; thân phụ là vua Tần đầu sa la (Phạm: Bindusara), thân mẫu là A dục vi đạt na (Phạm: Asokavadana), con gái của một nhà Bà la môn ở thành Thiệm ba. A Dục Vương: Là vị vua đã tìm ra tất cả các nơi Thánh tích ghi dấu Đức Phật Đản sinh, thành Đạo, thuyết pháp du hóa và Nhập Niết Bàn để đặt trụ đá màu hồng hình trụ ghi danh các dấu tích. 14. Kinh Chuyển Pháp Luân: Là bản Kinh đầu tiên Đức Phật thuyết sau khi thành Đạo. Nhờ nghe Pháp của Đức Phật thuyết giảng mà cả 5 vị tu khổ hạnh Kiều Trần Như trước sau đã chứng ngộ và quy y theo giáo Pháp của Đức Phật. Tam Bảo chính thức được thành lập sau khi Đức Phật thành Đạo. 15. Ba La Nại Varanasi (Thành phố Ba La Nại), thành phố bất diệt, là một trọng 4 địa điểm Thánh tích chiêm bái quan trọng của Phật Giáo ở Ấn Độ. Và cũng là nơi thu hút khách du lịch chính yếu tại Ba La Nại. Theo Ngài Huyền Trang, trong cuốn “ Đại Đường Tây Vức Ký”, thì Ba La Nại tọa lạc về hướng tây của bờ sông Hằng thiêng liêng, cách sông Sarnath nơi Đức Phật chuyển Pháp Luân đầu tiên khoảng 10km. Người dân tại vùng này rất nhân ái, hòa nhã và hiếu học. Mặc dù họ có những tín ngưỡng về tôn giáo rất đặc thù và đa dạng, nhưng họ vẫn rất tôn kính giáo pháp của Đức Phật. 16. Sông Hằng: Được bắt nguồn từ Hy Mã Lạp Sơn, chảy xuyên suốt qua Tây Tạng và Ấn Độ với chiều dài trên 5,575 km. Khi nói đến tính chất thiêng liêng của sông Hằng, người ta thường đề cập đến một vài khúc sông đặc biệt, nơi mà người dân Ấn thường tắm rửa, cầu nguyện, lễ bái, thiền định, và họ thường quy tụ về đây hằng năm trong những dịp đại lễ mang tính truyền thống của họ. 17. Hằng Hà Sa: Cát Sông Hằng – Trong các bản Kinh, Đức Phật thường dùng số Cát Sông Hằng để làm ví dụ so sánh về số lượng, vô lượng, hoặc miêu tả điều gì mỗi khi nói Pháp. 18. Xá Vệ Quốc Phạm: Scravasti Pali: Savatthi Cũng gọi: Xá bà đề quốc, Xá ra bà tất đế quốc, Thất la phạt quốc, Thi la bạt đề quốc. Hán dịch: Văn vật, Văn giả, Vô vật bất hữu, Đa hữu, Phong đức, Hiếu đạo. Tên một vương quốc xưa thuộc Trung Ấn độ. Vì nước này có nhiều danh nhân xuất hiện, nhiều sản vật quí, cho nên gọi là Văn vật quốc. Xá vệ vốn là tên thành phố Thủ đô của nước Bắc kiêu tát la ( Phạm: Uttara-Kosala), để phân biệt với nước Nam kiêu tát la (Phạm: Daksina-kosala) nên lấy tên thành gọi thay tên nước. Về nguyên do tại sao gọi là Xá vệ quốc thì có nhiều thuyết. Theo Tì thấp nô phú lan na (Phạm: Visnu-purana) thì người sáng lập ra thành này là Nhật chủng vương (Phạm: Scravasta). Còn theo những điều do Phật giáo phương Nam truyền thì có người hỏi: “Thành này có những hóa vật gì (Pali: Kim bhandam atthi)?”. Người trong thành đáp: “Không vật gì không có (Pali: Sabbam atthi)”. Còn tiếng Phạm: Scrava, Scravas có nghĩa là tai, nghe, tiếng tăm tốt, sau được chuyển dụng làm tên nước Xá vệ. Lúc đức Phật đang còn tại thế thì vua Ba tư nặc cai trị nước này. Cứ theo luận Phân biệt công đức quyển 2 thì đức Phật lần lượt sống ở nước Xá vệ trong suốt 25 năm, lâu hơn ở bất cứ nước nào khác. Nước này có rất nhiều cái tốt đẹp, nhiều vật quí hiếm, người dân thì biết rõ lí; tinh xá Kì hoàn đặc biệt có thần nghiệm, khi chư tăng đang nhóm họp để nghe giảng thì có mấy nghìn con khỉ kéo đến, ngồi 2 bên lắng nghe, im lặng, chẳng làm ồn, các loài chim cũng đều bay đến, vì phần nhiều người nước này có lòng nhân từ nên nhiều loại sinh vật khác cũng đến tụ tập. Luận Đại trí độ quyển 3 nói rằng thành Xá vệ là nơi đức Phật sinh ra, vì để báo ân nơi mình sinh nên Ngài đã sống ở đây nhiều hơn ở các nơi khác. Trong các kinh điển, nước Xá vệ thường được nói đến, hơn nữa, các kinh như A hàm bộ, kinh Hiền kiếp, kinh Di lặc há sinh, kinh Di lặc thướng sinh, các hội như hội Úc giả trưởng giả....trong kinh Đại bảo tích, kinh A di đà, kinh Văn thù bát nhã, kinh Kim cương bát nhã....đều đã được đức Phật giảng nói ở nước Xá vệ. Lúc đức Phật tại thế, nước Xá vệ có 9 ức nóc gia, nhưng đến đầu thế kỉ V Tây lịch, khi ngài Pháp hiển đến đây thì nước này đã hoang phế, lại 200 năm sau, khi ngài Huyền trang qua đây thì nước này còn hoang vu hơn nữa. Trong thành vốn có các nền cũ còn sót lại như tòa Đại pháp đường do vua Thắng quân xây dựng, tinh xá Bát la xà bát để, ngôi nhà cũ của trưởng giả Tu đạt, nơi ngoại đạo Chỉ man hối cải chứng quả....; còn các nền cũ ngoài thành sót lại thì có tinh xá Kì viên, nơi đức Phật chăm sóc bệnh cho vị tỉ khưu đau yếu, nơi các ngài Xá lợi phất, Mục kiền liên hiện thần thông, nơi ngoại đạo dâm nữ vu báng Phật, nơi Đề bà đạt đa rơi xuống hố sâu địa ngục và nơi bản sinh của Phật Ca diếp cách thành về phía tây bắc 18 dặm....tất cả những nơi Thánh tích này đều đã trở thành những gò đống hoang tàn, vắng lặng! Về vị trí của nước Xá vệ, theo sự suy đoán của nhà Khảo cổ học người Anh là A.Cunningham thì nước này ở vùng Sahet Mahet, tả ngạn sông Rapti, cách Oudh (xưa gọi là Saketa) của nước Nepal hiện nay về mạn bắc khoảng hơn 90 cây số. Những năm gần đây, người ta đã đào thấy pho tượng Phật bằng đá rất lớn, có khắc bài minh Scravasti, bức tường thành chu vi khoảng 5km nói trong Đại đường tây vực kí quyển 9 và tấm bảng đồng khắc ghi việc bố thí đất đai để xây dựng tinh xá Kì viên.....Những di vật nói trên đủ để chứng minh vùng đất này chính là nền cũ của nước Xá vệ thuở xưa. [X. Tạp a hàm Q.23; kinh Trì trai trong Trung a hàm Q.55; kinh Trường a hàm Q.3; kinh Tăng nhất a hàm Q.49; kinh Thập nhị du; luật Tứ phần Q.50; luật Ma ha tăng kỳ Q.8; A dục vương truyện Q.2; Kim cương bát nhã kinh sớ; A di đà kinh sớ; Thắng man bảo quật Q.thượng phần đầu; Cao tăng pháp hiển truyện; Thích ca phương chí Q.thượng phần đầu; Cao tăng pháp hiển truyện; Thích ca phương chí Q. Thượng; Huyền ứng âm nghĩa Q.3; Tuệ uyển âm nghĩa Q.hạ; A. Cunningham: Ancient Geography of India; J.ph.Vogel: The site of Scravasti (J.R.A.S.1908)]. 19. Kỳ Viên Tịnh Xá Cấp Cô Độc - Hay còn gọi là Cấp Cô Độc Viên Phạm:Jetavananathapinda-syarama,Pali:Jetavananathapindi-karama. Khu vườn ở mạn nam thành Xá vệ, nước Kiều tát la thuộc trung Ấn độ, tương đương với Sahet-mahet ở biên giới phía nam của nước Nepal hiện nay, gần nam ngạn sông Rapti. Đây là di tích nổi tiếng nhất trong các di tích thuyết pháp của đức Phật. Nói đủ là Kì thụ cấp cô độc viên. Còn gọi là Kì hoàn a nan bân đê a lam, Kì viên a nan bân đê a lam, Thệ đa lâm cấp cô độc viên, Kì thị chi thụ cấp cô độc tụ. Gọi tắt là Kì hoàn tinh xá, Kì viên tinh xá (Phạm: Jetavana), Kì đà bà na, Thệ đa phạn na, Kì đà tinh xá, Kì đà viên, Kì đà lâm, Kì hoàn tự, Kì thụ, Kì viên. Còn dịch là Tùng lâm, Thắng lâm. Kì thụ, tức là nói tắt của rừng cây (Phạm: Jeta); Cấp cô độc viên, ý nói là vườn Tăng do trưởng giả Cấp cô độc (Phạm: Anathapindada tức Tu đạt) hiến cúng. Đức Phật và 1250 vị Tỳ Kheo đã từng an cư kiết hạ 25 mùa mưa ở nơi này. Kinh A Di Đà và nhiều bản kinh khác đã được Đức Phật thuyết giảng tại nơi này. Về nguyên do sáng lập vườn Cấp cô độc thì, cứ theo kinh Đại ban niết bàn (bản Bắc) quyển 29 và luật Ngũ phần quyển 25 chép, trong thành Xá vệ có trưởng giả Tu đạt (Phạm: Sudatta) hay thương xót những người côi cút độc thân, thường bố thí giúp đỡ họ, do đó mà người ta tặng cho ông danh hiệu trưởng giả Cấp cô độc. Sau khi qui y đức Phật, ông muốn tìm một nơi để dựng tinh xá cúng dường Phật, thấy vườn hoa của thái tử Kì đà là nơi thanh tịnh, rộng rãi và tĩnh mịch, ông hỏi mua, nhưng Thái tử từ chối khéo léo bằng cách đặt điều kiện là, nếu Tu đạt đem vàng trải khắp vườn hoa thì Thái tử sẽ bán; trưởng giả Tu đạt bèn dùng voi chở vàng đến rải trên mặt đất. Thái tử cảm động vì tấm lòng chí thành của ông, bảo ông thôi đừng rải vàng nữa và giao kết là vườn của ông, rừng cây của Thái tử, hai người cùng dâng cúng đức Phật, vì thế mà mang tên cả hai người là Kì thụ Cấp cô độc viên (cây của Kì đà, vườn của Cấp cô độc). Lại Thái tử là con vua Ba Tư nặc nước Kiều tát la, vào ngày sinh của Thái tử, trong một trận đánh nhà vua đã đại thắng quân địch, cho nên đặt tên Thái từ là “ Thắng” để kỉ niệm, vì rừng cây của thái tử Thắng cho nên Kì viên còn được gọi là Thắng lâm, Thắng tử lâm, Thắng tử thụ. Sau khi tịnh xá được hoàn thành, đức Phật đã từng ở qua đây qua nhiều mùa mưa, đại đa số kinh điển cũng nói về việc này. Cùng với tinh xá Trúc lâm ở thành Vương xá, gọi chung là hai tinh xá lớn nhất của Phật giáo. Lối kiến trúc tinh xá, chính giữa là điện Phật, xung quanh dựng tám mươi căn nhà nhỏ, có ba mươi sáu phòng ngồi Thiền, nhà bếp, nhà tiêu, nhà tắm, phòng bệnh, nơi rửa chân….đều đầy đủ, vả lại rất đẹp, tiếc rằng lối kiến trúc nguyên sơ của tinh xá đã mất từ lâu. Những di tích tinh xá hiện còn được thấy đến nay, là những tinh xá được kiến thiết sau này, qui mô không sánh kịp với tinh xá mà trưởng giả Cấp cô độc đã kiến trúc . [X.kinh Tạp a ham Q.23; kinh Trung Q.43; kinh Tăng nhất a hàm Q.49; kinh Pháp có thí dụ Q.1; kinh Trung bản khởi Q.hạ; kinh Hiền ngu Q.10; luật Tứ phần Q.50; luật Thập Tụng Q.34; luận Đại tri độ Q.3; Thích thị yếu lãm Q.hạ; Đại đường tây vực kí Q.6 mục Thất la phạt tất đế quốc; Huyền ứng âm nghĩa Q.9] (XT. Kì Thụ Cấp Cô Độc Viên) 20. Lâm Tì Ni Viên Lâm tì ni, Phạm, Pali: Lumbini. Cũng gọi Lưu di ni viên, Lâm vi ni viên, Long di nễ viên, Lạp phạt ni viên, Luận dân viên, Lâu tì viên, Long tần viên, Lân tì viên, Lâm nhi viên. Hán dịch: Hoa quả đẳng thắng diệu sự cụ túc, Lạc thắng viên quang, Giải thoát xứ, Khả ái, Hoa hương, Đoạn, Diệt, Diêm. Khu vườn hoa nằm ở khoảng giữa Câu lợi và Ca tì la vệ thuộc Trung Ấn Độ đời xưa, do vua Thiện giác (Phạm: Suprabuddha) kiến tạo, dành cho Hoàng hậu Lâm tì ni, cũng là nơi đức Phật đản sinh. Vườn này từng đã là 1 thời bị bỏ hoang, mãi sau khi trụ đá của vua A dục được phát hiện, người ta mới biết đây là Thánh địa nơi đức Phật đản sinh, từ đó mọi người hết lòng giữ gìn bảo vệ. Vườn Lâm tì ni hiện nay nằm trên lãnh thổ nước Nepal. Diện tích vườn chiều đông tây khoảng 30 mét, chiều Nam bắc 20 mét, trong đó có ao tắm hình vuông và ngôi nhà bằng gạch, có tên là nhà thờ Lỗ mục mễ điệt, vách bên trong mặt chính có khắc tượng phu nhân Ma da bằng đá, là tác phẩm của thời đại Vương triều Cấp đa (Phạm: Gupta) hoặc sau đó. [X. Bản sinh kinh Phật truyện (Pali: Jataka-nidana); kinh Tạp a hàm tập 23; kinh Trường a hàm Q.4; phẩm Sinh trong Phật sở hành tán Q.1; điều Kiếp tỉ la phát tốt đổ quốc trong Đại đường tây vực kí Q.6; thiên Tây vực trong Đông Tây giao thiệp sử chi nghiên cứu; V. Smith: Asoka; S.N. Majumdar: Cunningham’s Ancient Geography of India]. 21. Ca Tỳ La Vệ Phạm: Kapila-vastu, Pali: Kapila-vatthu. Cũng gọi là Ca tỉ la bà tốt đồ, Ca ti la bà tô đô, Kiếp tỉ la phạt tốt đổ, Bà đâu thích si sưu, Ca duy la vệ. Gọi tắt: Ca tì la, Ca suy. Dịch ý là thành đỏ vàng, chỗ ở của người tiên tóc vàng, thành diệu đức v.v…Nay là vùng Tilorakot gần biên giới nước Nepal, là nơi đức Phật ra đời và là đất nước của dòng họ Thích ca. Theo truyền thuyết, thủy tổ của phái Số luận là tiên nhân Ca tì la cũng ở trong thành này, do đó mới lấy tên của ông làm tên nước. Khi đức Phật về già, giòng họ Thích ca ở Ca tì la vệ bị vua Tì lưu li của nước Kiêu tát la giết hại mà suy vong, nên thành này dần dần cũng trở nên hoang phế. Khi ngài Pháp hiển đời Tấn đến đây, thành này đã hoang vu, chỉ có lác đác vài chục nóc nhà. Vào đời Đường, lúc ngài Huyền trang sang Ấn độ, ngài vẫn còn thấy chùa tháp và cột đá lớn do vua A dục tạo dựng. Hiện nay di tích không còn gì, ngoại trừ cây cột đá lớn bị chôn vùi sâu trong đất mới được đào thấy năm 1897. [X. Trường a hàm Q.2 kinh Du hành; kinh Phật bản hạnh tập Q.7; Cao tăng pháp hiển truyện; Đại đường tây vực kí Q.6; S. Beal: Buddhist Record of The Western World, vol. II; W. W. Rockhill: The life of the Buddha]. 22. Kusinagar vườn Ta La (thành Câu Thi La): Cách thành phố Gorakhpur khoảng 51km về phía đông của bang Uttar Pradesj. Là thủ đô của nước cộng hòa Malla, một trong những nước thuộc đảng cộng hòa 3 Bắc Ấn suốt thế kỷ 6 và 5 trước Công nguyên. Là nơi Đức Phật chọn điểm dừng chân lần cuối cùng trong suốt cuộc đời hoằng pháp độ sanh để vào Niết Bàn. 23. Di giáo Kinh: Là bản Kinh Đức Phật thuyết giảng trước khi nhập Niết Bàn Có một quyển, ngài Cưu ma la thập dịch vào đời Hậu Tần. Cũng gọi Phật thùy bát niết bàn lược thuyết pháp giới kinh, Di kinh, Phật lâm niết bàn lược giới kinh, thu vào Đại chính tạng tập 12. Nội dung kể lại việc trước khi vào Niết bàn ở Sa la song thụ tại Câu thi na la, đức Thế tôn dạy bảo các đệ tử, sau khi Ngài nhập diệt, phải lấy Ba la đề mộc xoa ( Phạm: pratimoksa, Pali: patimokkha, giới điều, giới bản) làm thầy để chế ngự năm căn, lìa giận dữ, ngạo mạn, không buông lung, tinh tiến đạo nghiệp. Trong Thiền môn, kinh Di giáo được đặc biệt quí trọng và cùng với kinh Tứ thập nhị chương và Qui sơn cảnh sách được gọi chung là Phật tổ tam kinh. [X. Xuất tam tạng kí tập Q.12, Q14; Lịch đại tam bảo kỉ Q.8, Q.11]. 24. Đến Vaishali - Tỳ Xá Ly: Vương quốc Vaishali, cách thủ phủ Patna thuộc bang Bihar khoảng 60 km, là thủ đô của một trong những nước cộng hòa đầu tiên trên thế giới, tọa lạc về hướng bắc bên bờ sông Hằng, giáp ranh với những ngọn đồi phía bắc của Nepal, và phía tây sông Gandk. Vaishali là một trong tám nước được tôn thờ một phần Xá Lợi của Đức Phật, và cũng là nơi kiết tập kinh điển lần thứ 2 của Hội Đồng Tăng Già gồm 700 vị A La Hán, sau Phật nhập niết bàn khoảng 110 năm. 25. Xá Lợi tám phần Vua tám nước Xá Lợi: Phạm: Sarira Pali: Sarira Cũng gọi: Thực lợi, Thiết lợi la, Thất lợi la. Tử thi, di cốt. Thông thường, chỉ cho di cốt của Phật, gọi là Phật cốt, Phật xá lợi, về sau cũng chỉ cho xương của vị Cao tăng còn lại sau khi thiêu. Phẩm Xả thân trong kinh Kim quang minh quyển 4 (Đại 16, 354 thượng) nói: “ Xá lợi là thứ được hun đúc bằng sự tu hành giới, định, tuệ, là vật rất khó có được, đó là ruộng phúc trên hết”. Bảo tháp thờ xá lợi Phật, gọi là Xá lợi tháp; chiếc bình đựng Xá lợi Phật, gọi là Xá lợi bình, pháp hội cúng dường Xá lợi Phật, gọi là Xá lợi hội. Tiếng Phạm Sarira hoặc do động tự sri (khiến nượng tựa) chuyển thành danh từ, nghĩa là chỗ thân thể nương gá; hoặc do động tự sr (phá hoại) chuyển biến mà thành, nghĩa là dễ phá hoại. Còn tiếng Phạm dhatu, Hán âm là đà đô, là tên gọi khác của xá lợi. Cứ theo Trường bộ kinh chú bằng tiếng Pali (Sumangala-vilasini) nói, sau khi thân thể (sarira) liên kết hoàn chỉnh được hỏa thiêu thì biến thành bột (dhatuyo, là số nhiều của dhatu) như chân châu, vàng ròng….được nghiền nhỏ ra; căn cứ vào đó ta có thể biết, sarira chỉ cho tử thi; còn dhatuyo thì chỉ di cốt sau khi được hỏa thiêu. Sarira gọi là Toàn thân xá lợi ( Xá lợi còn toàn vẹn và xá lợi đã được nghiền vụn ra). Kinh Dục Phật công đức chia xá lợi làm 2 loại:
Sau khi Đức Phật nhập Niết bàn, xá lợi của Ngài được chia ra làm 8 phần cho 8 nước và mỗi nước đều xây tháp cúng dường. Hiện nay, trên cửa Đại tháp Sơn kì (Phạm: Sanchi) còn bức tranh khắc nổi miểu tả quang cảnh phân chia xá lợi Phật lúc bấy giờ và một chiếc bình đựng xá lợi đào được ở Nepal. [X. kinh Tạp a hàm Q.23; kinh Phật bát nê hoàn Q.hạ; phẩm Bát vương phân xá lợi trong kinh Phật bản hạnh tập Q.7; phẩm Pháp xứng trong kinh Đại phẩm bát nhã Q.10; kinh Bảo khiếp ấn đà la ni; phẩm Ngũ bách tỉ khưu kết tập tam tạng pháp trong luật Thập tụng Q.60; Pháp hoa kinh huyền tán Q.2; Câu xá luận quang kí Q.8; Tứ phần luật hành sự sao tư trì kí Q.hạ; Hoàng minh tập Q.1].
26. Na Lan Đà: Gọi đủ là Na Lan Đà Tự Na Lan đà, Phạm: Nalanda Cũng gọi: A lan đà tự Gọi đủ: Na lan đà tăng già lam ( Phạm: Nalanda-samgharama) Hán dịch: Thí vô yếm tự. Ngôi chùa danh tiếng ở phía bắc thành Vương xá, thủ đô nước Ma yết đà, Trung Ấn độ đời xưa, tức ở vùng Ba đạt gia âu ( Baragon), cách Lạp tra cơ nhĩ ( Rajgir) về phía bắc khoảng 11 cây số hiện nay. Vào đầu thế kỉ thứ V, vua Đế nhật (Phạm: Sakraditya) thuộc vương triều Cấp đa ( Phạm: Gupta) xây cất chùa này cho tỉ khưu Hạt la xã bàn xã ( Phạm: Rajavamsa) trụ trì, trải qua các đời, nhiều lần được mở rộng thêm, trở thành ngôi tự viện và trường học của Phật giáp có quy mô to lớn ở Ấn độ thời xưa. Theo Đại đường tây vực kí quyển 9, thì khu vực này vốn là vườn Am ma la, đức Phật đã từng ở đây thuyết pháp trong 3 tháng. Sau, vua Đế nhật đã xây dựng giả lam ở đây. Về lí do tại sao chùa được đặt tên là Na lan đà thì có 2 thuyết: Thuyết thứ nhất cho rằng trong rừng Am ma la ở phía nam giả lam có 1 cái ao, trong ao có con rồng tên là Na lan đà, vì thế lấy tên rồng làm tên chùa. Thuyết thứ 2 cho rằng thủa xưa khi đức Như lai còn tu hạnh Bồ tát, làm 1 vị đại quốc vương, đặt thủ đô ở nơi này, vua thích bố thí, đức hiệu là Thí vô yếm (bố thí không biết chán) nên lấy đức hiệu của vua để đặt tên chùa. Cứ theo Đại từ ân tự Tam tạng pháp sư truyện quyển 3, thì Na lan đà là ngôi chùa lớn bậc nhật ở Ấn độ vào thế kỉ VII, toàn chùa có 8 viện, thường có tới 10.000 tăng chúng học tập đủ các ngành, như Đại thừa, 18 bộ Tiểu thừa, Phệ đà, Nhân minh, Thanh minh, Y phương, Thuật số v.v…Ban đầu, chùa này là trung tâm của học phái Duy thức, về sau dần dần trở thành 1 trung tâm lớn của Mật giáo. Các bậc Luận sư nổi tiếng của Đại thừa Hữa tông như các ngài Hộ pháp, Đức tuệ, Hộ nguyệt, Kiên tuệ, Quang hữu, Thắng hữu, Trí nguyệt, Giới hiền, Trí quang v.v…đều đã lần lượt giảng dạy hoặc đảm nhận chức vụ Trụ trì chùa này. Ngoài ra, cũng có nhiều du học tăng từ Trung Quốc và các nước vùng Đông Nam Á đến đây tu học, như các vị Huyền trang, Nghĩa tịnh, Kinh châu, Đạo lâm, Thái châu, Huyền chiếu, Tinh châu Đạo sinh, Lạc dương Trí hoằng của Trung Quốc và các vị Tuệ nghiệp, A li da bạt ma của Tân la. Còn các vị cao tăng từ Ấn độ đến Trung Quốc vào thời ấy, như ba la phả ca la mật đa la, Địa bà ha la, Thiện vô úy, Kim cương trí, Bát lạt nhã v.v…cũng từng tu học ở Na lan đà. Đầu thế kỉ VIII, vương triều Cấp đa sụp đỏ, Ấn độ giáo hưng thịnh, Na lan đà cũng rơi vào tình trạng suy vi, đến cuối thế kỉ XII thì bị quân đội Y tư lan (Hồi giáo) phá hủy. Nhưng cứ theo truyền thuyết thì vào những năm đầu niên hiệu Thái định (1324-1327) đời Nguyên, còn có tỉ khưu Đề nạp bạc đà (tức Chỉ không) y vào ngài Luật hiền (Phạm: Vinaya-bhadra) ở chùa Na lan đà xuất gia, rồi đến Trung Quốc, căn cứ vào đó, ta có thể biết vào thế kỷ XIV chùa Na lan đà vẫn còn. Năm 1915, bộ môn khảo cổ của Ấn độ bắt đầu công việc khai quật chùa này rất có hệ thống, từ trong các di tích, người ta đã đào được được rất nhiều tác phẩm điêu khắc bằng đá và kim loại (đồng thau), hiện đang được cất giữ ở Viện bảo tàng Na lan đà tại Ấn độ. [X. truyện ngài Tịch mặc đời Đường trong Tống cao tăng truyện Q.1,2,3; truyện ngài Tuệ luân trong Đại đường tây vực cầu pháp tăng truyện Q.thượng; Đại từ ân tự Tam tạng pháp sư truyện Q.4,5; Nam hải kí quy nội pháp truyện Q.4; Phật tổ thống kí Q.43; Khai nguyên thích giáo lục Q.8,9; Ancient Geography of India by A. Cunninghan; The Geographical Dictionary of Ancient and Mediaeval of India by N.L.Dey). 27. Huyền Trang (602-664) Cao tăng Trung Quốc, sống vào đời Đường, người huyện Khu thị, Lạc châu (huyện Yển sư, tỉnh Hà nam), họ Trần, tên Huy, là Sơ tổ tông Pháp tướng và là nhà dịch kinh nổi bật nhất của Trung quốc, được người đời tôn xưng là Tam tạng pháp sư hoặc là Đường tam tạng. Có thuyết cho rằng ngài sinh năm Khai hoàng 20 (600) đời Tùy. Người anh của ngài xuất gia ở chùa Tịnh độ tại Lạc dương, pháp hiệu là Trường tiệp. Thủa nhỏ, ngài học tập kinh điển với người anh và đọc các sách Nho, Đạo, Bách gia. Năm Đại nghiệp thứ 8 (612), quan nhà Tùy là Trịnh thiện quả, khi tuyển chọn người làm tăng ở Lạc đường, thấy ngài tuy nhỏ tuổi nhưng thông minh xuất chúng, đối đáp trôi chảy, nên đặc cách cho phép ngài làm tăng. Từ đó ngài đến ở chùa Tịnh độ cùng với anh, rồi theo ngài Tuệ cảnh học kinh Niết bàn và theo pháp sư Nghiêm học luận Đại thừa. Khoảng cuối đời Tùy đầu đời đường, thiên hạ loạn lạc, ngài cùng với anh đi khắp các vùng như: Lũng tây, Ba thục, Kinh châu, Triệu châu, v.v….tham vấn các bậc Lão túc . Ngài học Nhiếp luận, Tì đàm với các ngài Đạo cơ và Bảo thiên, nghe luận Phát trí với pháp sư Chấn. Năm Vũ đức thứ 5 (622) đời Đường, ngài thụ giới Cụ túc, rồi học Luật bộ. Sau lại theo ngài Đạo thâm học luận thành thực, theo ngài Đạo nhạc học luận Câu xá và nghe các ngài Pháp thường. Tăng biện giảng luận Nhiếp đại thừa. Nhưng ngài thường than rằng, các sư giảng không giống nhau, mà xét trong các Thánh điển cũng có những chỗ bất đồng, nên sinh ra nhiều mối ngờ vực, không biết nương tựa vào đâu làm gốc, vì thế ngài phát nguyện đến Thiên trúc để tìm cầu những kinh điển nguyên bản bằng tiếng Phạm để giải quyết mối nghi. Vào năm Trinh quán thứ 3 (629, có thuyết nói Trinh quán năm đầu), ngài khởi hành một mình, trải qua nhiều gian nan, nguy hiểm, đi qua các vùng Tần, Lương, Cao xương, v.v….đến vùng phía bắc Thiên trúc, tức là ngài vượt qua con đường phía bắc tỉnh Tân cương ngày nay, rồi đi về phía tây, qua Turkistan, Afghanistan mà tiến vào nội địa Ấn độ, dọc đường chiêm bái các Thánh tích và cuối cùng đến nước Ma kiệt đà, dừng lại ở chùa Na lan đà. Bấy giờ là năm Trinh quán thứ 5 (631) ngài vừa 30 tuổi. 28.Tịnh Xá Trúc Lâm Vương Xá Thành, Rajgir (Vương Xá Thành): Xưa kia là thủ đô của vương quốc Ma Kiệt Đà (Magadha) dưới quyền cai trị của vị vua đầy đạo hạnh là Bình Sa Vương (Bimbisara). Đến đời vua A Xà Thế (Ajatasatru), con trai của vua Bình Sa Vương, vua đã dời thủ đô về Patna (Pataliputra) vào thế kỷ 5 CN. Vương Xá Thành là một trong những nơi chiêm bái Phật tích quan trọng, và cũng là nơi tổ chức Hội nghị kiết tập kinh điển lần thứ nhất, sau Phật nhập niết bàn 3 tháng. Nơi đây, Đức Phật đã từng dừng chân để an cư kiết hạ, thiền định, và mở nhiều pháp hội quan trọng tại núi Linh Thứu. 29. Linh Thứu Sơn Linh thứu, Phạm: Grdhrakuta. Pali: Gijjha kuta. Hán âm: Kì xà quật. Gọi tắt: Linh sơn, Thứu phong, Linh nhạc Núi ở phía đông bắc thành Vương xá, nước Ma yết đà, Trung Ấn độ. Vì hình dáng núi này giống như đầu con chim thứu (kên kên) và trong núi cũng có nhiều chim thứu , nên đặt tên là Linh thứu. Đức Như lai từng tuyên thuyết các kinh Đại thừa như kinh Pháp hoa, v.v…ở đây, cho nên núi này đã trở thành Thánh địa của Phật giáo. Các núi Linh thứu hoặc Linh sơn ở Trung quốc đều được gọi theo tên của núi này. Như ngọn Thứu phong ở phía bắc huyện Phúc thanh, tỉnh Phúc kiến, hoặc ngọn Phi lai ở huyện Hàng, tỉnh Chiết giang cũng gọi là Linh thứu sơn, v.v… (xt. Kì Xà Quật Sơn) 30. Linh Sơn Hội Thượng Trên hội Linh Sơn. Tức pháp hội trên núi Linh thứu khi đức Thích tôn thuyết pháp độ chúng đệ tử. Có 2 thuyết:
Pháp hoa kinh khoa chú (Vạn tục 48, 355 hạ) nói: “Thủa xưa, đức Thế tôn đã tuyên thuyết kinh Diệu pháp liên hoa trên hội Linh sơn”
Cứ theo kinh Đại phạm thiên vương vấn Phật quyết nghi, thủa xưa, trên hội Linh sơn, đức Thích ca cầm một hoa sen đưa lên trước đại chúng, Tôn giả Ca diếp do chứng ngộ được giáo lý của Phật nên nhìn và mỉm cười, đức Thế tôn liền đem Chính pháp nhãn tạng phó chức cho Ngài.
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |