Chi tiết tin tức

Hoa cúc trong thơ của Thiền sư Huyền Quang

21:14:00 - 19/06/2022
(PGNĐ) -  Với Thiền sư – Tam tổ Huyền Quang, có lẽ cúc là loài hoa đặc biệt, chiếm trọn tình cảm và lòng ái mộ của ông xuyên suốt cuộc đời, từ khi còn là một học giả thế gian cho tới lúc thành một hành giả xuất thế, hương cúc sắc hoa như cứ phảng phất trong từng âm giai của lời thơ.

I. MỞ ĐẦU

Trong bách hoa không hoa nào đẹp nhất, trong cảm xúc khó biết xúc cảm nào hơn. Mỗi loài hoa tự mang cho mình một sắc hương, tô điểm cho thiên nhiên tươi đẹp và cuộc đời thêm thi vị. Cái đẹp vốn là một đối thể khách quan nhưng sự cảm nhận cái đẹp lại mang tính chủ quan. Cảm giác yêu thích, giận hờn, si mê, đắm đuối hoàn toàn là những trạng thái tâm lý cá nhân. Có người yêu mai mà ngâm vịnh, có kẻ thích lan mà làm thơ, lại có kẻ ca tùng ngợi bách… Với Thiền sư – Tam tổ Huyền Quang, có lẽ cúc là loài hoa đặc biệt, chiếm trọn tình cảm và lòng ái mộ của ông xuyên suốt cuộc đời, từ khi còn là một học giả thế gian cho tới lúc thành một hành giả xuất thế, hương cúc sắc hoa như cứ phảng phất trong từng âm giai của lời thơ.

II. NỘI DUNG

1. VÀI NÉT VỀ THIỀN SƯ HUYỀN QUANG 

Huyền Quang (玄光) (1254-1334), thế danh là Lý Đạo Tái (李道載). Ông là người hương Vạn Tải, châu Nam Sách, lộ Lạng Giang (nay thuộc xã Thái Bảo, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh). Đương thời, ông học giỏi, đỗ cả thi hương, thi hội và thi đình. Đời vua Trần Thánh Tông, ông trở thành đệ nhất giáp Tiến sĩ (Trạng nguyên) khoa thi năm 1272 (có tài liệu nói năm 1274) [1]. Trước đó, cha mẹ đã định hôn sự cho ông, nhưng chưa cưới, ngay sau khi đỗ Trạng nguyên, vua lại muốn gả Công chúa cho ông, nhưng ông vẫn nhất quyết từ chối tất cả. Sau đó, ông làm việc trong Viện Nội Hàn của triều đình, phụng mệnh tiếp đón các sứ Bắc triều. Với tài năng văn chương xuất chúng và tư duy ngôn ngữ nhạy bén, ông đã khiến các sứ thần Trung Hoa phải nể phục mà tôn trọng nước Đại Việt. 

Trong một lần theo vua Trần Anh Tông đến chùa Vĩnh Nghiêm nghe Thiền sư Pháp Loa thuyết pháp, ông như tỉnh ngộ và muốn xuất gia tu hành. Đến năm Hưng Long thứ 13 (1305), ông xuất gia thọ giới tại chùa Vĩnh Nghiêm, theo làm thị giả của Điều Ngự, được mang pháp hiệu là Huyền Quang. Năm Hưng Long thứ 17 (1309), tuân theo di huấn của Điều Ngự, Huyền Quang theo hầu Thiền sư Pháp Loa. Đến năm Đại Khánh thứ 4 (1317), ông được Nhị tổ Pháp Loa truyền y của Trúc Lâm Đại sĩ và tâm kệ. Sau khi Pháp Loa viên tịch (1330), ông kế thừa và trở thành vị Tổ thứ 3 của Thiền phái Trúc Lâm. Lúc bấy giờ, tuổi đã cao nên ông giao phó lại trọng trách cho Quốc sư An Tâm và trở về trụ trì ở Thanh Mai Sơn sáu năm, sau dời sang Côn Sơn giáo hóa đồ chúng. Ngày 23 tháng Giêng năm Giáp Tuất (1334), đời vua Trần Hiến Tông, Thiền sư viên tịch tại đây, thọ 80 tuổi. Thượng hoàng Trần Minh Tông sắc thụy là Trúc Lâm Thiền sư Đệ Tam Đại, đặc phong Từ Pháp Huyền Quang Tôn Giả. Như vậy, ông cũng chính là vị Tổ cuối cùng của dòng thiền này. Người đời sau gọi chung cho ba vị Tổ sáng lập thiền phái là Trúc Lâm Tam Tổ. Bên cạnh nghiệp tu, Huyền Quang còn được xem là một thi gia lớn của thời Trần. Những trước tác của ông để lại cho hậu thế, đến hôm nay vẫn làm thổn thức bao tâm hồn thi ca đồng điệu.

2. HOA CÚC TRONG QUAN NIỆM VĂN HOÁ VÀ TRONG CÁC THI PHẨM CỦA HUYỀN QUANG 

Trong khuôn khổ chuyên luận, người viết chỉ tập trung đề cập xoay quanh những thi phẩm mà trong đó hoa cúc là nguồn thi hứng dạt dào đối với Thiền sư. Ông yêu hoa cúc và dành cho nó một vị trí đặc biệt trong các sáng tác của mình. Ông viết nhiều về nó, viết khi tình cờ bắt gặp, viết khi suy tưởng trong cảm xúc, viết lúc chiêm nghiệm thời cuộc… Nhờ vậy, chúng ta biết đến một chùm thơ hoa cúc với những cái tên được đánh số: Từ “Cúc hoa kì nhất” đến “Cúc hoa kì lục”. Để dễ nắm bắt tâm tư, trải nghiệm của nhà thơ, tôi sẽ trình bày các tác phẩm này theo trật tự tuyến tính. Điều này không chỉ có ý nghĩa về mặt tiến trình mà còn giúp người đọc dễ cảm hơn các trạng thái tâm lý thay đổi theo thời gian hay sự chuyển đổi cảm xúc của nhà thơ trong các không gian khác nhau.

2.1. Ý nghĩa của hoa cúc trong văn hóa phương Đông

Cúc là một loài hoa quen thuộc, gần gũi, gắn chặt với nền văn hóa phương Đông. Người ta không chỉ yêu hoa vì sắc, vì hương mà bởi cúc có nhiều phẩm chất đặc biệt, nổi trội so với nhiều loài hoa khác. Khi thu về muôn cây rụng lá u sầu cũng là lúc cúc vươn cành xanh tươi. Thu già, rét đậm không khiến cúc lụi tàn, mà trái lại càng khắc nghiệt cúc càng nở nhụy khai hoa. Cho nên người xưa có lý khi xếp hoa cúc vào một trong bốn đại diện cho tứ thời – mai, lan, cúc, trúc – ứng với các mùa xuân – hạ – thu – đông. Hơn thế, cúc còn được sánh ngang hàng với những loài cây tiêu biểu cho khí tiết thanh cao, phẩm cách cao thượng của bậc quân tử như: Mai, tùng, trúc. Trong truyền thống văn hóa phương Đông cúc thường được tái hiện trên những hình thức nghệ thuật điêu khắc, hội họa, gốm sứ… với ý nghĩa biểu trưng cho sự trường tồn, bất tử; có lẽ đây là một biểu tượng có tính điển hình, riêng biệt mà chúng ta sẽ không tìm thấy ở những loài cây cao quý khác. Với những phẩm chất như vậy, hoa cúc trở thành một tặng vật của thiên nhiên, của cuộc đời không dành chỉ riêng ai. Tình yêu, sở thích là những điều không thể giải thích, mà đúng hơn, không cần, không nên giải thích.

Huyền Quang (玄光) (1254-1334),
thế danh là Lý Đạo Tái (李道載). Ông là người hương Vạn Tải, châu Nam Sách, lộ Lạng Giang (nay thuộc xã Thái Bảo, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh).

2.2. Cúc là tri âm

Trong “Cúc hoa kì nhất” (菊 花 其 一), Thiền sư đã bộc lộ rõ tình yêu của mình chỉ dành riêng cho hoa cúc, dù biết, mai, tùng cũng là những loài cây cao quý và dành được nhiều sự ngưỡng mộ của các tao nhân. Ông viết:

“Tùng thanh Tưởng Hủ tiên sinh kính

Mai cảnh Tây Hồ xử sĩ gia

Nghĩa khí bất đồng nan cẩu hợp

Cố viên tùy xứ thổ hoàng hoa”.

Dịch nghĩa [2, *]:

Tiếng thông reo ở đầu ngõ nhà Tưởng Hủ

Cảnh hoa mai của nhà xử sĩ Tây Hồ

Không cùng nghĩa khí, khó mà hòa hợp tạm bợ được

Vườn cũ nơi nơi đã nở hoa vàng.

Hai câu mở đầu “Tùng thanh Tưởng Hủ tiên sinh kính / Mai cảnh Tây Hồ xử sĩ gia” nói lên tình yêu, sở thích khác nhau ở mỗi cá nhân. Nhưng khi đọc đến câu thơ tiếp theo “Nghĩa khí bất đồng nan cẩu hợp” thì ta sẽ nhận ra cách nói trên không chỉ bàn về những đam mê thuần túy; mà sâu hơn, đó là nỗi niềm tâm sự về quan niệm sống, chí hướng, nghĩa khí khác nhau giữa những con người. Với tính cách khẳng khái, ông thà chọn cho mình cách sống riêng, chứ không chấp nhận hài lòng với những mối quan hệ bạn bè tạm bợ, giả tạo. Ông cũng không thấy mình cô đơn, lẻ loi vì đã có hoa cúc trong tâm tưởng làm tri âm, bầu bạn.

Câu thơ cuối “Cố viên tùy xứ thổ hoàng hoa” gợi lên một bức tranh đẹp và bình lặng; mở ra cho ta một không gian dịu mát và ngát hương. Hình ảnh “cố viên” – vườn cũ – là một cái gì đó vừa thân quen vừa hoài niệm, ở đó ghi dấu những ký ức, kỷ niệm và nhiều xúc cảm đã qua. Trong cái trầm mặc của “cố viên” lại bừng lên một sắc hoa vàng. “Thổ hoàng hoa” trải đầy nơi “tùy xứ” như một sự đồng thanh, đồng điệu để rung cảm với những cảm xúc của thi nhân. Xem cúc là tri âm không chỉ có ông. Những ai yêu loài hoa này đều có cùng tâm tư như vậy. Đương thời, Trương Hán Siêu cũng là một thi gia say mê hoa cúc. Ông trò chuyện với hoa cúc nhiều, xem cúc là người bạn chân thành, gần gũi, luôn có mặt vào những lúc ông cô đơn, như trong “Cúc hoa bách vịnh kì nhị” (菊 花 百 詠 其 二 ):

“Nhất thu đa vũ hựu đa phong

Khởi ý thu hoa thượng mãn tùng

Ưng thị thiên công liên lãnh lạc

Cố lưu hàn nhị bạn suy ông”.

Dịch nghĩa [*]:

Suốt mùa thu chịu nhiều mưa gió

Đâu ngờ hoa thu vẫn nở đầy

Thật đúng hóa công xót người cô quạnh

Nên để loài hoa chịu được rét mà làm bạn với ông già yếu này.

2.3. Hoa mai cũng phải nhường

Nếu như trong “Cúc hoa kì nhất”, sở thích hoa cúc mới chỉ dừng lại trong ý nghĩ tôn trọng sự khác biệt ở mỗi cá nhân và hoa cúc cùng sánh ngang bao loài hoa khác, thì trong “Cúc hoa kì nhị” (菊 花 其 二) cảm xúc của của thi gia như dâng trào. Thiền sư không cần giấu giếm tình cảm sâu sắc với nó, vì thế ông không ngại ngần khi khẳng định vẻ đẹp của hoa cúc đạt đến độ hoa mai cũng phải e thẹn, nhường bước (Bách vịnh mai hoa nhượng hảo trang). Dù khách quan, ông vẫn biết hoa mai là nguồn cảm hứng bất tận, là đề tài ngâm vịnh của bách gia và đã làm nên bao kiệt tác thi ca. Điều này đúng với lẽ tự nhiên của cảm xúc con người. Đã là xúc cảm thì không có chỗ cho lý trí, thay vào đó là bản năng tự nhiên riêng mỗi cá nhân. Ông viết:

“Đại giang vô mộng hoán khô tràng

Bách vịnh mai hoa nhượng hảo trang

Lão khứ sầu thu ngâm vị ổn

Thi biều thực vị cúc hoa mang”.

Dịch nghĩa [*]:

Không mơ lấy nước sông lớn rửa mát lòng khô héo

Hoa mai từng được trăm bài vịnh cũng phải xin nhường

Già rồi, lại thấy thu buồn mà làm thơ chưa ổn

Nhưng túi thơ, thật là vì hoa cúc mà bận lòng.

Hai câu thơ cuối “Lão khứ sầu thu ngâm vị ổn / Thi biều thực vị cúc hoa mang” đã làm nên một tuyệt bút! Nó như nỗi lòng chất chứa được tuôn ra, như nỗi niềm u uất cần giải tỏa. Hình ảnh “lão khứ” – già rồi – cũng đủ gợi lên nhiều hoài niệm. Con người khi về già là lúc sống với quá khứ, nhìn lại cuộc đời, nhớ lại những việc đã qua, có việc mãn nguyện, có điều hối tiếc… Nhưng tuổi già đâu chỉ u hoài, đó có thể là khi đẹp nhất của đời người như ánh hoàng hôn “vô hạn hảo” [3] lúc sắp tàn. Tuổi già đứng trước mùa thu càng dễ xúc động. Mùa thu vốn là mùa buồn trong cảm thức con người. Người Trung Hoa xưa tri nhận thế giới khách quan và có ý niệm về mùa thu ngay trong chữ sầu (愁). Nó là sự kết hợp giữa chữ thu (秋) và tâm (心) với ý nghĩa trong lòng có mùa thu hay nghĩ tới mùa thu là buồn (sầu). Chính cái buồn của mùa thu đã làm nên vẻ đẹp trong thi ca. Vì thế không ít thi nhân đã để lại cho đời những câu thơ đặc sắc, như: “Em không nghe rừng thu / Lá thu kêu xào xạc / Con nai vàng ngơ ngác / Đạp trên lá vàng khô?” (Tiếng thu, Lưu Trọng Lư ); hay “Lá thu rơi rụng đầu ghềnh / Sông thu đưa lá bao ngành biệt li / Nhạn về én lại bay đi / Đêm thì vượn hót, ngày thì ve ngâm / Lá sen tàn tạ trong đầm / Nặng mang giọt lệ âm thầm khóc hoa / Sắc đâu nhuộm ố quan hà / Cỏ vàng, cây đỏ, bóng tà tà dương”. (Cảm thu tiễn thu, Tản Đà); “Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang/Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng/Đây mùa thu tới, mùa thu tới/Với áo mơ phai dệt lá vàng”. (Đây mùa thu tới, Xuân Diệu)…

Cũng như bao tâm hồn đa cảm khác, nhà thơ Huyền Quang đã rung cảm trước mùa thu, những tiếng thơ được ngân lên, ngâm nga theo từng cung bậc cảm xúc nhưng ông vẫn không thấy hài lòng, thỏa mãn. Cách nói “ngâm vị ổn” (ngâm thơ / làm thơ chưa ổn) là lời tự bạch với chính mình, là thái độ nghiêm khắc trong sáng tác thi ca. Rõ ràng, với tâm thái ấy, trong ông lúc này là một sự giằng xé nội tâm. Câu kết “Thi biều thực vị cúc hoa mang” là một sự thừa nhận, không chỉ bởi mùa thu, mà chính hoa cúc đã làm ông bối rối. Hoa cúc đẹp hay tại ông quá say mê? Có lẽ là cả hai. Đứng trước hoa cúc, thi ngữ như bất lực, ngôn từ cứ loay hoay; mà lòng thơ vẫn không yên, không dứt. Nhưng cái tài của thi nhân ở chỗ khi không thể làm thơ lại thành thơ, khi không nghĩ kiệt tác lại là kiệt tác. Thực vậy, bài thơ như một kết quả của sự nghịch lý, cũng tương đồng như cách của Lý Bạch khi phải thốt lên – “Nhãn tiền hữu cảnh đạo bất đắc / Thôi Hiệu đề thi tại thượng đầu” [4] – vì bất lực, không thể thi triển văn tài trước tuyệt cảnh Hoàng Hạc Lâu mà nơi đây đã “thuộc về” tuyệt tác của Thôi Hiệu.

2.4. Cúc báo Trùng Dương

Khi bước chân vào cửa thiền, cũng như nhiều vị chân tu khác, Huyền Quang đã chọn cho mình một nơi thanh tịnh, lánh xa mọi tạp nhiễm để chuyên tâm thiền định. Cách sống ly trần này giúp cho hành giả dễ tiêu trừ các chấp, phá tan các vọng tưởng, từ đó có thể đi đến bờ giác ngộ. Điều này được phản ánh lại trong “Cúc hoa kì tam” (菊 花 其 三), ông viết:

“Vong thân, vong thế, dĩ đô vong

Tọa cửu tiêu nhiên nhất tháp lương

Tuế vãn sơn trung vô lịch nhật

Cúc hoa khai xứ tức Trùng Dương”.

Dịch nghĩa [*]:

Quên thân, quên đời, quên tất cả

Ngồi lâu vắng lặng, mát lạnh cả giường

Cuối năm trong núi không rõ ngày tháng

Thấy hoa cúc nở biết là tiết Trùng Dương.

Câu thơ “Vong thân, vong thế, dĩ đô vong” cho thấy Thiền sư đã thực sự lánh xa thế tục, ông đã quên (vong) đi cả bản thân mình: Từng là ai, đến từ đâu…; quên đi những thói đời tầm thường, buông bỏ những dục vọng thấp hèn; mặc cho thế sự. Đây là một tâm thế mà hành giả cần phải có trên con đường tìm lại tự tính bất sinh bất diệt, đạt đến trạng thái tịch tịnh viên mãn. Chúng ta không nên lấy con mắt thế gian để phán xét hành trạng này như là cách ẩn dật của các Nho gia. Mặt khác, cái “quên” (vong) tất cả ở đây cũng không nên hiểu rằng Thiền sư đạt đến tinh thần vô ngã, vô trụ, vô chấp. Vô ngã phải là một trạng thái tự nhiên, khi bản ngã đã tự diệt, hòa vào bể chân tâm thanh tịnh; không phải dùng ý thức, lý trí thế gian để kìm nén, ức chế. Và vô trụ, vô chấp chỉ có thể đạt được khi hành giả giữ nghiêm giới luật, hộ trì các căn cho đến lúc lục căn thanh tịnh mà tiến tới Định, Tuệ [5]. Rõ ràng, quên thân / quên đời / quên tất cả chỉ là tạm thời. Khi con người ta vẫn còn biết mình quên tức sẽ có lúc lại nhớ. Nói đúng hơn, trong tình huống này “quên” là không muốn nghĩ tới chứ không phải do mất khả năng nhớ hay vô thức.

“Tuế vãn sơn trung vô lịch nhật / Cúc hoa khai xứ tức Trùng Dương”. Trong chốn rừng sâu, tĩnh lặng, u tịch, lạnh lẽo, ngày lại ngày chuyên chú tu tập, mọi thứ cứ thế trôi qua khiến Thiền sư không còn biết rõ ngày tháng. Nhưng hoa cúc như một tri âm, luôn thấu hiểu, luôn xuất hiện đúng lúc. Cuộc gặp gỡ này như đánh thức ý niệm thời gian đã bị quên lãng trong ông và càng ý nghĩa hơn khi lần tương ngộ này diễn ra tại một thời khắc đẹp – Tết Trùng Dương (tức ngày 9/9 âm lịch). Đây là một cái Tết mang nhiều ý nghĩa, đặc biệt là có sự kính trọng đối với người già: Người trẻ phải quan tâm, chăm sóc, chúc thọ… Hoa cúc nở báo tiết Trùng Dương cũng như hoa mai báo tin xuân vậy! Trước ông, ta bắt gặp hình ảnh này (hoa cúc / Trùng Dương) trong “Quá cố nhân trang” (過 故 人 莊) của Mạnh Hạo Nhiên. Ở đó, ghi lại lúc bằng hữu hẹn nhau gặp gỡ để cùng thưởng hoa thưởng cúc. Thật là ấm áp, chan hòa, nên thơ!

“… Khai hiên diện trường phố

Bả tửu thoại tang ma

Đãi đáo Trùng Dương nhật

Hoàn lai tựu cúc hoa”.

Dịch nghĩa [*]:

Ra ngoài hiên hướng về phía vườn rau

Nâng chén rượu nói về chuyện trồng dâu, trồng gai

Cùng hẹn nhau khi ngày Trùng Dương tới

Quay trở lại để gần bên cúc, bên hoa.

2.5. Loài hoa huyền diệu

Tình yêu thường bắt đầu từ những rung động của cảm xúc, nhưng đôi khi lại phát xuất từ sự thấu hiểu về đối tượng. Trong khi cảm xúc có thể đổi thay theo thời gian thì tri nhận luôn ổn định, bền vững. Tình yêu của Huyền Quang dành cho hoa cúc cũng vậy, ở đó vừa là cảm tính vừa là lý tính. Điều này biểu hiện rõ trong “Cúc hoa kì tứ” (菊 花 其 四):

“Niên niên hòa lộ hướng thu khai

Nguyệt đạm phong quang thiếp thốn hoài

Kham tiếu bất minh hoa diệu xứ

Mãn đầu tùy đáo sáp quy lai”.

Dịch nghĩa [*]:

Năm tháng pha sương hướng vào mùa thu để nở

Ngắm cảnh trăng thanh thỏa một tấc lòng

Chịu cười vì người không hiểu, hoa thật huyền diệu

Tới nơi đâu, thấy hoa cũng hái cài đầu mang về.

Ngay câu “Niên niên hòa lộ hướng thu khai” là sự hiểu biết sâu sắc của ông về loài hoa này. Hoa cúc vốn có sức sống mãnh liệt khi có thể đương đầu trong sương tuyết. Hai tiếng “hòa sương” ở đây càng minh chứng rằng với cúc, sương không phải là một trở ngại, mà hơn thế, sương như một khách thể hòa hợp, như một đối tượng cộng sinh. Nghĩa là chính sương ấy làm cúc tốt tươi, khai hoa nở nhụy vào thu; ngược lại, nhờ cúc mà sương còn đọng long lanh. Cúc như đối lập tất cả, cúc là duy nhất khi có thể đứng giữa đất trời mà ung dung cảm nhận tiết thu, trong khi muôn loài cây phải sợ hãi, sầu úa, xác xơ.

Say mê cúc, ngắm cúc dưới trăng thanh – một không gian thi vị – khiến lòng ông trào dâng cảm xúc. Ông không giấu kín điều đó mà đã thốt lên “Nguyệt đạm phong quang thiếp thốn hoài” (thỏa một tấc lòng) như một cách để giải tỏa. Đó là một cảm xúc chân thật, mạnh mẽ; một tình yêu đẹp đẽ, cao thượng của một trái tim đa cảm với thiên nhiên. Sau này, chúng ta cũng gặp sự đồng cảm ở Nguyễn Khuyến. Trong “Vịnh cúc kì nhị” (詠 菊 其 二) có những lời thơ thật tha thiết như để sẻ chia trước sự đơn độc và ngợi ca phẩm cách của hoa cúc trong những thời khắc khắc nghiệt, ông viết:

“Bách hoa khai thì nhĩ vị khai

Bách hoa lạc tận nhĩ phương lai

Độc đương hàn tuế thùy vi ngẫu

Bất lạc phương tâm chân khả ai” (…).

Dịch nghĩa [*]:

Khi trăm hoa nở thì ngươi chưa nở

Khi trăm hoa rụng, mới thấy ngươi ra

Năm tháng một mình trơ với rét, có ai làm bạn

Chẳng mất lòng thơm, thật đáng thương (…).

Với tình cảm ấy, Thiền sư còn nhận ra hoa cúc như một con người biết nhẫn nhịn, cam chịu trước mọi sự đàm tiếu vì người đời không hiểu (kham tiếu bất minh). Chẳng những thế, ông còn nhìn ra ở hoa cúc có những thời khắc huyền diệu (hoa diệu xứ). Nhưng có lẽ sự huyền diệu này chỉ dành cho riêng ông. Có thể đó là những giao cảm giữa người và hoa mà khó diễn đạt thành lời. Trong cuộc sống có những điều không thể giải thích, chỉ có thể cảm nhận, đặc biệt trong thế giới tâm linh, ngôn ngữ càng trở nên bất lực, mà thay vào đó là sự tương thông, tương cảm của tinh thần có tính siêu hình. Ở đây cũng có thể được nhìn nhận như một trạng thái yêu thích tột bậc của ông. Tâm lý này hoàn toàn tự nhiên và phổ biến. Như dân gian ta có câu “Thương nhau củ ấu cũng tròn / Ghét nhau bồ hòn cũng méo” để giải thích cho tính chất chủ quan của cảm xúc.

2.6. Đứng đầu trăm hoa

Dường như với Thiền sư Huyền Quang, ngắm cúc không bao giờ là đủ. Bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào thấy cúc là lòng ông thổn thức, say sưa, chìm đắm. Ta có thể nhận thấy điều đó qua “Cúc hoa kì ngũ” (菊 花 其 五):

“Hoa tại trung đình nhân tại lâu

Phần hương độc tọa tự vong ưu

Chủ nhân dữ vật hồn vô cạnh

Hoa hướng quần phương xuất nhất đầu”.

Dịch nghĩa [*]:

Hoa ở dưới sân, người ở trên lầu

Thắp hương ngồi nghĩ, thấy hết ưu phiền

Người với hoa hoàn toàn không ganh tị

Trong các loài hoa thì cúc đứng đầu.

Hai câu thơ “Hoa tại trung đình nhân tại lâu / Phần hương độc tọa tự vong ưu” là một lời độc thoại, tự sự về hoàn cảnh ngắm hoa với một không gian thanh tĩnh. Ở đó, chỉ có Thiền sư đối diện với hoa cúc trong một khoảng cách đặc biệt: người ở trên – hoa ở dưới (Hoa tại trung đình >< nhân tại lâu). Bao giờ thưởng hoa, ngắm hoa người ta phải trong một cự ly gần để quan sát cận cảnh. Nên, theo cách này có lẽ chỉ riêng ông! Điều đó nói lên rằng hoa cúc luôn trong tâm tưởng, hễ gặp là không rời mắt. Trước sắc của hoa, mùi của hương, cùng sự lan tỏa phiêu bồng của nhang khói, ông đã hòa mình vào để tận hưởng, để phiêu linh mà bỏ lại những ưu phiền, tạp nhiễu của cõi trần (Phần hương độc tọa tự vong ưu). Có lẽ, khi ấy như đang có một niềm hỷ lạc an trú trong tâm. Ông ngắm hoa với ánh mắt say sưa, hoa nhìn ông với sự cảm thấu. Ông chợt nhận ra hoa còn hơn cả một con người trần thế, vì hoa không có những sân hận, hờn ghen, ganh ghét (Chủ nhân dữ vật hồn vô cạnh). Làm bạn với hoa thật vô tư, không phải nghi hoặc, đề phòng; không phải giấu giếm, che đậy tâm tư. Nghĩa nào đó hoa như một người tu đã đạt tới cảnh giới lục căn thanh tịnh, dục vọng tiêu trừ.

Câu kết, “Hoa hướng quần phương xuất nhất đầu”, đến đây ông đã bày tỏ tình cảm, thái độ, đánh giá của mình dành cho hoa một cách dứt khoát. Nếu như trong “Cúc hoa kì nhị” ông chỉ dừng lại việc so sánh giữa cúc với mai và hoa mai phải nhường trước vẻ đẹp của hoa cúc (Bách vịnh mai hoa nhượng hảo trang), thì lần này lại khác, không còn là sự đối sánh mà thay bằng kết luận, tuyên thuyết: hoa cúc là đẹp nhất, hoa cúc đứng trên tất cả trăm loài (Hoa hướng quần phương xuất nhất đầu). Như vậy, qua các bài thơ, chúng ta thấy có sự gia tăng cảm xúc từ thấp đến cao, cũng có thể xem đó là một sự thay đổi nhận thức khác nhau qua thời gian. Nhìn chung, đó là một xu hướng gia tăng mức độ, tiến dần đến cung bậc cao nhất.

2.7. Cúc ở “đông ly”

Nói đến hoa cúc là nghĩ đến mùa thu và như Thiền sư đã viết “Cúc hoa khai xứ tức Trùng Dương” (thấy hoa cúc nở biết là tiết Trùng Dương – 9 tháng 9 âm lịch), nhưng hoa cúc đâu chỉ biết mùa thu, xuân về vạn vật tươi tốt, cúc cũng rạo rực, đua sắc khoe hương như bao loài hoa khác. Điều đó được ông miêu tả trong “Cúc hoa kì lục” (菊 花 其 六):

“Xuân lai hoàng bạch các phương phi

Ái diễm liên hương diệc tự thì

Biến giới phồn hoa toàn trụy địa

Hậu điêu nhan sắc thuộc đông ly”.

Dịch nghĩa [*]:

Xuân đến hoa vàng, hoa trắng đều thơm ngát

Yêu vẻ đẹp, thích hương thơm, hoa lại nở đúng thời

Khi các loài hoa, tất cả đã rụng

Thì héo sau cùng vẫn là hoa cúc ở giậu đông.

Hoa cúc vốn đa dạng chủng loại với nhiều màu sắc và hương thơm khác nhau. Trong mắt của Thiền sư, hễ là cúc thì sắc màu nào cũng đẹp, mùi hương nào cũng ngát thơm (Xuân lai hoàng bạch các phương phi), và sẽ càng đẹp hơn, quyến rũ hơn, đắm say hơn khi hoa nở đúng thì (Ái diễm liên hương diệc tự thì). Có thể nói, dường như ông yêu tất cả những gì thuộc về hoa cúc, mỗi rung động của ông là một xúc cảm chân thật, bổ sung cho nhau, làm nên một thế giới mỹ cảm nhất quán của riêng ông.

Hai câu kết “Biến giới phồn hoa toàn trụy địa / Hậu điêu nhan sắc thuộc đông ly”, lại một lần nữa ông so sánh cúc với muôn loài, nhưng lần này ông muốn ngợi ca ở một khía cạnh khác, mà cúc vẫn đứng trên tất cả. Thay cho vẻ đẹp của sắc hương (như Bách vịnh mai hoa nhượng hảo trang hay Hoa hướng quần phương xuất nhất đầu) là sự bền bỉ, dai dẳng, khó tàn phai của hoa cúc. Đây là một trải nghiệm bằng quan sát, là tri thức được tích lũy chứ không còn là những cảm xúc yêu thích cá nhân. Thực tế người xưa đã từng đúc kết “Diệp bất li chi, hoa vô lạc địa”, tức lá khô không rời cành, hoa tàn không rơi xuống đất. Chính đặc điểm này của hoa cúc đã khiến bao người ngưỡng mộ, vì nó như tiết tháo của bậc quân tử với lòng kiên trung, bất khuất, không ngại khó khăn… Ở câu cuối, hình ảnh “đông ly” khiến ta nhớ đến Đào Tiềm, một thi gia lớn thời nhà Tấn và Lưu Tống. Ông là một người yêu say mê hoa cúc đến độ người đời còn lưu truyền tích “Đào Tiềm thưởng cúc” và vẽ thành tranh hay trên các tác phẩm gốm sứ. Trong bài “Ẩm tửu kì ngũ” (飲 酒 其 五) cho thấy ông gần gũi với hoa cúc biết nhường nào!

“Kết lư tại nhân cảnh

Nhi vô xa mã huyên

Vấn quân hà năng nhĩ

Tâm viễn địa tự thiên

Thái cúc đông ly hạ

Du nhiên kiến Nam sơn” (…).

Dịch nghĩa [*]:

Dựng nhà giữa cõi trần

Mà không xe ngựa náo

Hỏi ông sao được thế

Lòng xa đất tự nhàn

Dưới giậu đông hái cúc

Thong dong ngắm núi Nam (…).

Có lẽ, đó là sự đồng điệu bởi hai tâm hồn yêu thơ, yêu hoa. Họ yêu cúc đến lạ kỳ, họ như tri âm dù rằng khoảng cách thời đại và không gian khác xa nhau.

III. KẾT LUẬN

Qua các thi phẩm này, chúng ta cảm nhận được tâm tư, tình cảm của Thiền sư Huyền Quang đối với hoa cúc. Nhưng, sở thích, lòng ái mộ hay những cảm xúc vui buồn đó ở một Thiền sư liệu có mâu thuẫn với tâm Bi – Hỷ – Lạc – Xả theo tinh thần chánh pháp Như Lai? Theo tôi, điều này không mâu thuẫn khi đặt trong tiến trình tu tập của một hành giả. Trước khi thành đạo ai cũng phải trải qua nhiều thử thách. Cảm xúc ở con người từ lục căn gây nên, do vậy người tu phải hành trì các pháp để từng bước tiêu trừ. Hơn nữa, chính tâm thái này của Thiền sư như một bước ly trần, lánh xa tạp nhiễm, thoát khỏi những cám dỗ ái dục tầm thường, dần dà đạt đến lục căn thanh tịnh, trí huệ rốt ráo. Đó là một cách để giải thoát theo con đường tiệm ngộ [6]. Chúng ta, những người hậu thế, cần có cái nhìn công tâm, khách quan khi nhận định, đánh giá, đồng cảm về một bậc thánh tăng; tránh cách tư duy suy diễn, gán ghép gượng gạo, thổi phồng phi lý… Làm như thế mới chính là lòng biết ơn và thái độ kính ngưỡng đối với tiền nhân.

 

Nguyễn Thanh Huy/ VĂN HÓA PHẬT GIÁO 391

 

Chú thích

* Nguyễn Thanh Huy – Giảng viên Đại học Khánh Hòa.

[1] Đến nay, việc xác định năm đỗ Trạng nguyên của Thiền sư Huyền Quang vẫn còn mâu thuẫn, chưa có tài liệu đủ sức thuyết phục.

[2] Dịch nghĩa: Tất cả những bài thơ (đoạn thơ) chữ Hán được dẫn ra ở đây, phần dịch nghĩa đều do chính tác giả bài viết – Nguyễn Thanh Huy – dịch và có đánh dấu * bên trên.

[3] “Vô hạn hảo”: Chữ dùng trong bài thơ “Đăng Lạc Du nguyên” của Lý Thương Ẩn: (…) “Tịch dương vô hạn hảo / Chỉ thị cận hoàng hôn”.

[4] Tương truyền, một lần Lý Bạch dạo chơi ở lầu Hoàng Hạc, thấy nơi đây sông nước mênh mông, cảnh đẹp gợi buồn, định chấp bút đề thơ, chợt nhìn lên vách đã có bài “Hoàng Hạc Lâu” của Thôi Hiệu. Đọc xong, ông thốt ra: “Nhãn tiền hữu cảnh đạo bất đắc / Thôi Hiệu đề thi tại thượng đầu”. Nhưng chính hai câu thơ này của Lý Bạch cũng là một tuyệt bút. Và sau này ông còn viết ra một kiệt tác khác gắn với lầu Hoàng Hạc, là bài “Hoàng Hạc Lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng”.

[5] Giới, định, tuệ: Là ba pháp môn vi diệu nhất trên con đường tu tập của hành giả; là nơi phát sinh ra mọi công đức, là nền tảng của an lạc và giải thoát.

[6] Tiệm ngộ (漸悟): Chứng ngộ dần dần theo thứ lớp qua thời gian; trái ngược với đốn ngộ (頓悟): Không trải qua giai đoạn thứ tự, tiến ngay vào cảnh giới giác ngộ chỉ trong khoảnh khắc.

 

Tài liệu tham khảo:

  1. Nguyễn Huệ Chi (chủ biên), Thơ văn Lý – Trần, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 3 tập, 1977, 1978, 1988.
  2. Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb. Văn học, Hà Nội, 2011.
  3. Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử ký toàn thư. Nội các quan bản, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1993.
  4. Thích Thanh Từ, Thiền sư Việt Nam (ấn bản 2), Thành hội Phật giáo TP. HCM, 1992.
  5. Thích Thanh Từ, Tam tổ Trúc Lâm giảng giải, Nxb. Tổng hợp, TP HCM, 2008.

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin