Chi tiết tin tức

Buổi chiều sương khói

15:03:00 - 11/01/2015
(PGNĐ) -  Tôi về lại nơi này sau nhiều năm đi xa, ngọn đồi này gắn liền với thời tuổi trẻ đầy mộng mơ lãng mạn của tôi và các bạn mà đi qua nhiều năm tháng tôi vẫn nhớ mãi những kỷ niệm đẹp đẽ ấy như một chút dỗ dành nếu có khi nào chợt gặp những buồn bã trên đường đời.
 

anh minh hoa.jpg
Ảnh chỉ mang tính minh họa

Khi tôi bước lên bậc cấp cuối cùng để đứng trên đỉnh đồi nhìn xuống, dưới xa kia cảnh vật không còn giống như những hình ảnh cũ trong ký ức của tôi. Xưa kia từ chỗ này nhìn xuống sẽ thấy những ô ruộng đổi màu xanh hay vàng theo vụ mùa, giờ đây nhà cửa phố phường đã lấn hết mọi thứ. Bây giờ không còn những mặt nước để đón ánh mặt trời lấp lánh, bây giờ không còn những gợn lúa uốn lượn theo gió mỗi chiều.

Tôi bước xuống đồi và dừng lại ở lưng chừng đồi nơi có tượng Đức Phật nhập Niết-bàn, những ngày cuối năm, nhiều người về thăm chùa đã lên đến đây thắp hương cho Phật để hướng vọng hay thỉnh nguyện mọi sự bình an. Chắc tôi không giống họ, tôi đang nhớ về chuyện ngày xưa từ khi còn là đứa bé mới lên mười. Tôi ngồi xuống một viên đá thấp nhìn xuống những mái ngói đỏ sẫm màu đã rêu phong theo thời gian, thấp chút nữa là mảnh sân nhỏ được che mát bởi bóng lá của những cây hoa ngọc lan. Nơi đó gắn liền với một thời tuổi thơ tôi êm đềm, ngọt ngào mà mỗi khi nhớ lại tôi cảm nhận được trong lòng mình tình yêu với nơi này không hề vơi dù cho bao nhiêu năm tháng đã trôi qua.

Nhà tôi ở sát bên hông chùa, cách nhau chỉ một bờ rào hoa dâm bụt. Ngôi chùa nhỏ lặng lẽ nằm dưới một gốc bồ-đề cao lớn, tôi từng thắc mắc không biết chùa và cây, cái nào có trước. Khi tôi đủ lớn để theo mẹ sang chùa vào những ngày rằm mồng một hoặc cùng mấy nhỏ bạn trong xóm chiều chiều đùa giỡn trong sân thì chùa cũng đã được nhiều người biết đến. Nhưng trừ những ngày lễ thì chùa rất vắng, chỉ tiếng chuông sáng sớm và mỗi chiều mới làm người ta nhớ nhưng có khi quen thuộc quá mà người ta cũng quên là mình ở cạnh một ngôi chùa. Nhưng chúng tôi thì không quên bởi trưa nào cũng sang chùa ngồi trên thềm bên hông chùa để học bài, làm bài. Học xong thì nhảy dây hay chơi giải gianh bằng những viên sỏi nhặt được ở triền đồi.

Thầy trụ trì hồi đó chưa già lắm nhưng rất hiền, chỉ nhắc nhở, dặn dò chứ không la mắng nếu có lúc chúng tôi vì vui quá mà gây ồn ào. Có khi gặp bài toán khó chúng tôi còn đem đến nhờ thầy giảng hộ, rồi đến văn hay nhiều môn học khác thầy cũng không từ chối. Một lần thầy đi đâu đó rất lâu, khi trở về thì dắt theo một đứa con trai trạc tuổi tôi, một đứa bé gầy gò, ốm yếu, đen nhẻm chỉ có đôi mắt thì rất to lúc nào nhìn cũng gườm gườm như cảnh giác với mọi người. Đứa con trai ấy tên Định, sau này là bạn của tôi.

Định ở lại chùa với thầy, ngoài thời gian làm việc lặt vặt trong chùa Định cùng học chung với tôi và các bạn. Được một thời gian thì Định để tóc trái đào, khi tóc trước dài quá cậu ấy vén qua một bên tai trông rất ngộ, Định lại chỉ mặc áo bà ba màu lam hoặc nâu và thầy bảo chúng tôi gọi Định bằng chú, chú Định.

Lên cấp ba thì tôi và chú Định học chung trường, chung lớp, đó là thời gian tôi có dịp để biết và hiểu về chú Định nhiều hơn. Bên trong dáng vẻ cộc cằn khó tính, khó gần của Định là một con người rất đa cảm, nhiều tâm sự mà khi đã tin tưởng thì chú không ngại ngùng chia sẻ. Định được đặt tên theo quê của mình: Bình Định.

Ở đất vua nhưng nhà Định nghèo, nghèo xác xơ, một mảnh ruộng cũng không có nên cha mẹ của Định phải cày cuốc thuê cho người ta. Làm thuê thì cũng đắp đổi qua ngày nhưng mẹ của Định không cam lòng nên một ngày bà âm thầm cầm cố mái nhà vốn đã sập sụi lấy một số tiền và bỏ đi, để lại cho cha Định hai đứa con trai nhỏ dại, khi mà thằng em của Định nói còn chưa sõi. Mấy năm sau thì Định cũng bỏ nhà đi trên một chuyến tàu lửa, chỉ với suy nghĩ đơn giản là tìm mẹ về phụ cha vì thấy cha khổ quá.

Mười hai tuổi một mình vào thành phố, Định lang thang tìm việc, có người thương hại cho Định rửa chén đổi miếng ăn nhưng đôi tay nhỏ, gầy yếu đó làm vỡ nhiều thứ nên Định bị đuổi. Lại lang thang đói quá chỉ còn biết đi xin, tối về tá túc dưới hiên nhà người ta, cũng may có người thương hại nhận về nuôi, lần này là mấy cô gái còn trẻ bán bia ôm, họ cùng nhau ở chung trong một căn phòng nhỏ chật chội, tối tăm. Ngày mấy cô ôm nhau ngủ thì Định ngồi trước cửa nhìn bâng quơ ra khu chợ nhỏ bên kia đường, cũng chẳng suy nghĩ được gì. Chập tối mấy cô đi làm sau khi quăng cho Định ổ bánh mì hay một hộp cơm, họ đi rồi Định sắp xếp lại quần áo họ quăng bừa bãi trong phòng, lau lại căn phòng cho sạch sẽ. Khuya lắc khuya lơ, khi Định co ro nằm trong góc phòng, trên nền gạch ẩm lạnh với một mảnh ra cũ làm mền, giấc ngủ láp nháp thì họ trở về gọi cửa. Căn phòng nhỏ lại sực nức mùi bia, đôi khi còn là mùi thức ăn mấy cô ói ra mà Định phải quét dọn đến hết đêm. Mười hai, mười ba tuổi chắc cũng đã hiểu được mình đang trải qua điều gì nhất là khi mấy cô gái có lúc thay áo váy, để trần đùa giỡn xem Định như không mặt trong phòng.

Một buổi chiều, mấy cô gái đi làm, Định cũng bỏ đi, ngang qua khu chợ trong bóng chiều chập choạng, chân va vào mấy con chuột cũng đang giờ kiếm ăn mà Định ứa nước mắt nghĩ mình còn thua lũ chuột không biết tự kiếm ăn. Lại lang thang. Lại đói rét. Khi thầy gặp Định là lúc Định gần xỉu vì đói, run rẩy núp dưới gầm cầu tránh rét. May mà còn gặp được thầy.

Đó là những điều tôi góp nhặt được trong nhiều lần nói chuyện với Định. Năm học lớp mười hai Định về quê chịu tang cha, trở lại chùa cậu ấy làm cho bọn tôi giật mình vì bộ dạng suy sụp, nhìn rất thảm thương. Tôi không biết an ủi bạn thế nào ngoài việc ngồi yên nhìn Định khóc. “Hạnh biết không” - khi nào buồn lắm Định mới gọi tôi như thế - “cha tôi đau mà không có tiền uống thuốc, nếu không thì không đến nỗi. Ông chết mà không có tiền xây mộ, không có nhà, phải gởi bát hương ở nhà người khác”. “Mẹ Định có về không?”. Định lắc đầu, tiếng nói như mắc lại trong cổ: “Bây giờ có khi tôi quên luôn mặt mẹ tôi rồi”. Lúc ấy thầy lại dang tay an ủi, dỗ dành. Không biết thầy dạy Định điều gì trong những buổi sáng sau thời kinh, tôi lại thấy Định bình tĩnh trở lại với những buổi sáng làm công quả trong chùa, ngày ngày học hành chăm chỉ. Cứ thế năm học kết thúc, chúng tôi cùng thi đỗ đại học, tôi vào thành phố đi học rồi ở lại đó làm việc, lấy chồng sinh con, lâu lắm hôm nay tôi mới trở về.

- Cô Hạnh về thăm chùa đó à?

Tôi giật mình nhìn lên, trước mặt tôi là một nhà sư dáng cao, đậm đà, nước da ngăm đen và đôi mắt rất sáng, nụ cười rất quen. Tôi ngỡ ngàng nhận ra người bạn thời thơ ấu của mình:

- Chú Định phải không?

- Cảm ơn vì còn nhận ra tôi. Cô về ăn Tết phải không? Có đưa mấy đứa nhỏ cùng về chứ?

Tôi hơi lúng túng không biết xưng hô thế nào, quá lâu rồi, chắc chắn không thể gọi tên như hồi nào. Đoán được ý tôi, chú Định cười:

- Cứ gọi tôi là chú Định cũng không sao, tên gọi thôi mà.

- Hồi thầy thọ giáo quy y tôi có nghe mẹ tôi nói, thỉnh thoảng tôi có về thăm nhà, ghé qua chùa nhưng không lần nào gặp thầy.

- Bây giờ sư ông cũng già yếu rồi nên tôi phải thay sư phụ đi công việc này nọ, có khi tôi không ở chùa tới mấy năm, nhưng mỗi khi gặp bác Năm tôi đều hỏi thăm cô.

- Tôi có nghe mẹ tôi nói, mẹ tôi còn nói thầy đi dạy, viết sách mà xây được nhà rồi phải không?

- Cô Hạnh cười nhạo tôi đó hả? Không sao, chính tôi còn không chịu được mình, đâu có ai đi tu mà còn ao ước xây cho được cái nhà như tôi. Nhưng thật ra nhiều năm nay tôi vẫn đau đáu một điều trước khi là con của Phật, tôi là con của cha mà tôi chưa làm gì được cho cha mình. Bây giờ tôi an tâm rồi, tôi đã xây được mộ cho cha, tôi cũng xây được cái nhà nhỏ trên khu đất cũ mà người chú đã chuộc lại cho, bát hương của cha tôi không còn phải để nhờ ở nhà người khác. Bây giờ thằng em tôi đang ở trong ngôi nhà đó với cha, nó mới cưới vợ đầu năm nay, chính tôi đã chủ trì lễ hằng thuận cho nó trong chùa này. Tôi đã có thể trọn mình với con đường mình chọn. Cô mừng cho tôi không?

- Tất nhiên rồi!

Chúng tôi nhắc về những người bạn ngày còn nhỏ, thầy Định nhớ không sót một người nào, những kỷ niệm ngày xưa cứ như mắc vào nhau nhưng điều làm tôi vui nhất là trước mắt tôi thầy Định không còn là người thiếu niên khắc khổ, buồn bã ngày nào. Chúng tôi cùng bước xuống đồi, thầy Định nhắc tôi: “Cô nên thường xuyên về thăm nhà hơn, bác Năm cũng nhiều tuổi rồi”. Tôi cảm ơn thầy và thấy mình rất có lỗi khi cứ để cuộc sống cuốn hút mình mà quên rằng theo năm tháng mình lớn lên thì cha mẹ cũng già đi.

- Thôi, cô Hạnh vào thắp nhang lạy Phật rồi về, cũng tối rồi. Nhớ vào lạy Tổ trước, cô là hay quên lắm đó!

- Dạ. Thầy cho tôi gởi lời thăm sư ông. Tết tôi sẽ qua chùa mừng tuổi sư ông.

- Được rồi. Hăm bảy cô cũng qua chùa gói bánh tét như hồi xưa chứ?

Thầy nhắc làm tôi nhớ những đêm cuối năm ngày xưa theo mẹ qua chùa gói rồi nấu bánh tét để cúng đầu năm, chuyện cũ trở về làm cho lòng tôi ấm áp quá chừng. Tôi chào thầy xong vào chùa thắp nhang cho Tổ và lạy Phật rồi đi về. Bước qua mảnh sân nhỏ nơi ngày xưa mình vẫn chạy nhảy hay ngồi học bài, lòng tôi bồi hồi, tưởng như những ngày ấy mới thoáng qua đâu đây. Cây bồ-đề cũ vẫn vững vàng, tàng lá xanh với những chiếc lá hình trái tim ve vẩy trong trời chiều, cây hoa ngọc lan ở cổng chùa đã cao lớn hơn xưa đang tỏa hương nồng nàn. Mảnh trời nhỏ nhìn qua tàng cây xanh đang dần nghiêng một màu lam khiến cho không gian chiều bàng bạc như sương, như khói, một màu lam thanh bình và an lạc.

Truyện ngắn Lưu Cẩm Vân

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin