Chi tiết tin tức

Hai anh em

19:31:00 - 23/10/2016
(PGNĐ) -  Tâm vừa chất hết quần áo mình vào chiếc vali cũ vừa quan sát căn phòng vốn là nơi chứa đồ đạc không xài nữa trước kia. Anh không biết mình nên buồn hay vui. Buồn vì xa thằng em đã chung sống từ thuở nhỏ dưới một mái nhà. Anh đã làm mọi thứ cho nó từ sau khi má chết. Anh đã là một người mẹ. Bây giờ xa nó, biểu anh không buồn sao được? Nhưng vui - anh vui - vì từ đây, khi anh bước chân ra khỏi ra nhà, chắc chắn vợ chồng nó sẽ không cãi nhau nữa. Tội nghiệp, thằng Tân cũng không phải không thương anh, nhưng nó nể vợ - người con gái nó hết dạ thương yêu. Anh đi, để đứa em ruột thịt này không phải khó xử.

 

thadieu 2.jpg
Ảnh chỉ mang tính minh họa

Có tiếng xe ngoài cổng. Tâm kéo chiếc hộp cũ ra khỏi hộc bàn, phủi sơ sơ lớp bụi rồi mở ra xem. Trong hộp là một con diều giấy cũ. Có mấy chỗ rách được dán băng keo. Một tấm hình hai đứa bé trai, một đứa chừng bảy, đứa chừng năm tuổi. Tâm ngồi bệt xuống nền gạch. Anh nhìn chăm chú con diều và tấm ảnh, miệng mỉm cười. Trong lòng anh, thời còn má là hạnh phúc nhất. Má cực khổ từ sau khi ba mất. Má tần tảo nuôi hai anh em. Rồi má mất…

Tiếng đẩy cửa làm anh giật mình. Tân và vợ cùng bước vào. Nhìn thấy đồ đạc của Tâm, đứa em dâu kiêu kỳ đi ngay vào phòng của mình. Tân khựng lại quan sát. Bất chợt, Tân nhìn thấy con diều và tấm ảnh trong tay anh mình. Tân chợt rùng mình. Quá khứ như một tia chớp rạch trên nền trời tăm tối trí não anh. Quá khứ như lưỡi dao bén ngót cắt vào khối lương tâm tưởng đã chai lì của đứa em trai lúc nào cũng được anh mình bảo bọc... 

- Anh ơi! Em muốn thả diều!

- Ừ! Chừng nào có tiền, anh mua giấy dán cho em một con.

- Hổng chịu! Bây giờ nè! Lấy con diều kia cho em đi!

Thằng Tân ngồi bệt dưới đất, hai chân chòi đạp, mắt cứ ngước nhìn mấy con diều của tụi trẻ trong xóm. Nó khóc, rồi rên ư ử… Thằng Tâm cố dỗ. Càng dỗ, Tân càng khóc lớn.

Bỗng một con diều đứt dây, chao đảo… rồi đâm xuống bụi tre gai gần đó. Thằng Tâm ngó dáo dác. Một lúc, không thấy ai đi kiếm con diều, Tâm lò dò tới gần bụi tre. Con diều vướng trên ngọn tre, cách mặt đất khá xa. Tâm nhìn con diều rồi nhìn em. Thằng Tân đã nín khóc. Nó đủ thông minh để biết anh mình sắp làm gì. Bụi tre đầy gai. Thằng Tâm hơi sợ. Nhưng khi nhìn thấy thằng Tân đang tròn xoe mắt ngó con diều, nó không còn sợ nữa. Nó mím môi, chui vào. Một cái gai quẹt vào má nó ran rát. Nó cẩn thận hơn. Từng bước, từng bước… nó cố trèo lên… Khi lôi con diều ra khỏi bụi tre, con diều đã bị rách mấy chỗ. Nhưng mình mẩy thằng Tâm thì thê thảm hơn nhiều. 

Con diều đã được dán lại bằng cơm nguội. Thằng Tân hớn hở chạy tới chạy lui. Chỉ có má là buồn, nước mắt rơm rớm. Cả chục vết gai đâm. Má vừa xoa dầu vừa dặn: “Sau này, đừng ngu vậy nữa nghe con! Má mua cho em được mà!”. Tâm không thấy đau vì thằng Tân đã có diều. Nó thương em vì nghèo mà thiếu thốn. Năm đó, thằng Tâm học lớp ba còn Tân lớp một. 

Má bịnh ngặt nghèo khi thằng Tân thi vào cấp ba. Tâm đã nghỉ học trước đó một năm để kiếm tiền phụ má nuôi em (Tâm viện cớ mình học kém, thật ra Tâm học cũng khá, chỉ là không bằng Tân). Chỉ năm tháng sau, má mất. Không nỗi đau nào bằng. Thằng Tân khóc sướt mướt. Nó chỉ biết khóc. Tâm khóc ít hơn. Lòng nó chùng xuống với những lo toan. Nó không cứ khóc mãi như thế. Nó phải lo gánh cái gánh của má để lại. Nó phải nuôi thằng Tân ăn học như má từng ao ước. 

Tâm vào làm trong một xưởng cơ khí cách nhà sáu cây số. Chiếc xe đạp duy nhất nhường cho thằng em đi học. Tâm thức dậy từ bốn giờ sáng, lo cơm nước cho em rồi cuốc bộ đến chỗ làm. Chiều tối, về đến nhà lại loay hoay mọi việc. Tâm lãnh việc làm thêm cho em có tiền tập sách. 

Thời gian vùn vụt trôi qua. Tân ra trường và cưới vợ. Vợ Tân là con một gia đình giàu có. Căn nhà lá ngày xưa được vợ chồng Tân cất lại. Tâm vẫn sống đời một công nhân. Đi làm về, anh không ngơi tay dọn dẹp. Mọi việc trong nhà cứ qua tay anh là ổn. Anh vui vì những thành tựu của em mình và vì hạnh phúc của nó. Nhưng vợ Tân thì không. Cô em dâu kiêu kỳ này không thấy được những gì người anh chồng đáng thương kia đã làm cho vợ chồng cô. Cô lạnh nhạt, thậm chí tỏ thái độ rẻ khinh vì anh ít học, vì anh là một công nhân quèn. Tâm hiểu được điều đó. Nhưng anh thương em. Anh muốn làm mọi thứ để nó đỡ vất vả. Nhà không mướn người làm, cũng đỡ một phần tiền. Tân cũng thương và hiểu lòng anh. Nhưng Tân cũng biết tánh vợ mình. 

Kỷ niệm ba năm ngày cưới của vợ chồng Tân, một bữa tiệc nhỏ được tổ chức tại nhà. Bạn bè của đôi vợ chồng hạnh phúc này đến đông đủ. Tâm nghỉ một ngày để lo mọi thứ. Anh vô tư làm mọi việc. Vô tư trước những lời dè bỉu:

- Trời đất! Anh chồng của chị đây sao?

- Sao ổng giống người giúp việc vậy?

- Hình như ổng là công nhân ở xưởng cơ khí mà!...

Vợ Tân rất khó chịu khi bạn bè lên tiếng. Có mấy kẻ biết nghĩ, biết chia sẻ. Bây giờ, người ta nhìn và đánh giá mọi thứ bằng tiền, bằng vật chất. Tấm lòng vàng của những kẻ làm anh như Tâm đâu được đoái hoài.

Tối đó, Tâm tình cờ nghe được mấy lời “vàng ngọc” của đứa em dâu:

- Anh tính sao? Cứ để ảnh sống chung như vầy sao được?

- Thì ảnh vẫn sống trong nhà này từ nhỏ mà! 

- Bạn bè mình đều là những người có chức quyền, có mặt mũi trong xã hội. Ảnh sống chung với mình có phải không nên không? Ở xưởng cũng có nhà tập thể mà! 

- Nhưng… anh không đành lòng… Em coi, ảnh đã nuôi anh từ nhỏ!

- Nhưng tương lai, hạnh phúc của mình. Mình có thể cho ảnh chút tiền để ổn định cuộc sống. Với lại, ảnh có một mình…

Vợ Tân không nói tiếp, nhưng Tâm hiểu cô ấy sợ đến ngày mình bịnh hoạn lại là gánh nặng cho vợ chồng nó. Tâm trằn trọc suốt mấy đêm vì câu nói của đứa em dâu. Tâm không muốn em mình khó xử. Thôi thì, nếu mình ra đi mà vợ chồng nó không cãi nhau nữa thì cũng được. Ở xưởng cũng có nhà tập thể mà. Tâm làm đơn xin cấp chỗ ở xong thì cho Tân hay.

- Anh muốn dọn ra ngoài ở. Dạo này hay tăng ca, anh sợ đi khuya về sẽ ảnh hưởng tới hai vợ chồng  em!

Tân nhìn người anh đã bảo bọc mình suốt từ thời thơ ấu đến giờ, lòng chùng xuống. Mãi một lúc, Tân mới mở lời: “Anh phải đi thật sao? Không ở đây với em nữa sao?”. Tâm cười: “Anh đã nói bây giờ thường tăng ca. Đi tối về sớm không tiện. Anh ở nhà tập thể vẫn về thăm em được mà!”.

Bây giờ nhìn tấm ảnh hai anh em chụp từ thuở nhỏ. Nhìn con diều mà người anh đáng thương của mình phải đánh đổi bằng bao nhiêu vết gai đâm mới có được, Tân thấy mình vô tâm quá. Chưa bao giờ mình nghĩ đến anh. Tất cả mọi thứ mình có được ngày hôm nay đều từ anh mà ra. Sao mình có thể ích kỷ, vô tình đến vậy. Mình thành tựu. Mình hạnh phúc. Còn anh…! Anh vẫn một thân một mình làm đủ mọi việc cho mình. Để rồi… Một chút bình yên trong căn nhà này cũng không có được. Lòng Tân quặn đau. Tân đi thẳng vào phòng. Anh nhìn thẳng vào mắt vợ: “Anh Hai không đi đâu hết. Anh Hai phải ở lại căn nhà này. Đó là tất cả những gì ảnh đáng được hưởng. Nếu em còn thương anh và tôn trọng anh, em phải nghe anh!”. 

Đây là lần đầu tiên kể từ khi quen biết Tân, người con gái kiêu kỳ, ích kỷ này mới thấy Tân như vậy. Lòng cô rúng động. Môi cô mấp máy nhưng không thể nói được gì. Tân trở ra, ôm chầm lấy người anh đáng thương, đáng kính của mình và nói qua làn nước mắt: “Ở lại với em! Anh không được đi đâu hết. Em ngàn lần biết lỗi rồi anh!”. 

Sơn Quân

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin