Chi tiết tin tức

Sau cơn mưa…

21:59:00 - 18/08/2020
(PGNĐ) -  11 giờ đêm, có tiếng mở cửa cuốn. Con bé lao từ trên giường xuống đất, quên cả bật điện, nó chạy mò trên những bậc cầu thang ríu rít gọi bố.

- A bố về, bố về. Con chào bố ạ. Sao hôm nào bố cũng về muộn thế?

 

- Bố còn bận nhiều việc.

 

- Bố đọc sách với con một tí nhé. Đi mà bố. Đi mà…

 

- Mấy giờ rồi còn sách vở? Bố đi làm về mệt lắm. Bố còn chưa tắm đây này. Mai bố còn đi làm sớm. Con ngủ đi.

 

- Bố đọc sách với con một lúc thôi mà. Chỉ một lúc thôi nhé. Đi mà bố.

 

- Ừ. Tí tắm xong bố đọc. 

 

Tóc nhảy cẫng lên sung sướng. Nhưng bố còn mải trò chuyện với ai đó ngoài ban công mãi không đi tắm. Tóc quay sang rủ mẹ:

 

- Mẹ đọc sách với con nhé!

 

Dịu nằm ở võng vừa đong đưa ru đứa con gái nhỏ ngủ vừa xem điện thoại. Bản tin dịch bệnh, tin về một băng nhóm giang hồ lộng hành ở Thái Bình vừa bị bắt hay vài cuộc tranh luận trên Facebook về chương trình 3 chữ A gây quỹ cho trẻ tự kỷ.

 

- Mẹ đang bận.

 

- Thế con đợi mẹ nhé.

 

Dịu không nhớ mình cứ “ừ” hay không. Thật ra trên điện thoại cũng không có thứ gì bắt buộc phải xem nhưng chẳng hiểu sao chị lại không rời mắt. Có thể đó là một thói quen khó bỏ. Tóc sau khi đạp xe một vòng thì quay lại hỏi mẹ:

 

- Mẹ đã hết bận chưa?

 

- Thôi muộn rồi. Em cũng ngủ rồi. Mẹ con mình tắt điện đi ngủ thôi. Con phải ngủ sớm mới lớn được chứ!

 

- Nhưng con vẫn muốn đọc sách. Vậy để con đọc cho mẹ nghe nhé. Một trang thôi.

 

- Không biết chữ mà cũng đòi đọc sách -  Dịu nói với con giọng vừa buồn cười vừa bực bội. Vì đêm nào con cũng ngủ muộn khiến chị mệt mỏi rã rời. 

 

rain-20242_1280.jpg
Ảnh minh họa từ internet

 

Tóc chui vào màn, giở một trang sách trong cuốn “Mio, con trai ta” của Astrid lindgren. Một bức vẽ đen trắng hiện ra, tất nhiên không có dòng chữ nào. Nhưng Tóc nhìn chăm chú và bắt đọc: “Có hai anh em, một hôm đi vào rừng chơi gặp một đàn ngựa trắng. Cả hai cứ đuổi theo đàn ngựa mãi cho đến khi thấy chúng bay về trời. Lúc này hai anh em mới nhận ra mình đã đi lạc quá sâu vào trong rừng, loay hoay mãi không tìm thấy đường ra. Người em sợ hãi nên òa khóc nức nở. Càng khóc càng thấy trời tối dần. Người anh sợ lắm nhưng cố gắng an ủi em ‘đừng lo. Bố mẹ không thấy chúng mình về, nhất định sẽ đi tìm’”. Đọc đến đó Tóc bỗng ngước lên nhìn mẹ hỏi:

 

- Nếu chị em con biến mất thì bao lâu bố mẹ sẽ phát hiện ra? 

 

- Chắc là vài phút sau.

 

- Có hôm con trốn trong ngăn giá sách lâu đến nỗi ngủ quên. Trong giấc mơ, con bị lạc mà không thấy bố mẹ đi tìm. Bố bận đi công tác. Còn mẹ thì ngồi cầm điện thoại. Con khóc mãi thì ông già Noel xuất hiện. Ông ấy hỏi “vì sao con khóc?”. 

 

- Phải là ông Bụt chứ nhỉ?

 

- Ông Bụt nào hả mẹ?

 

- Thì ông Bụt trong chuyện cổ tích ấy.

 

- Chuyện cổ tích nào cơ? Mẹ có kể đâu mà con biết. 

 

Dịu ngớ người ra trước câu nói của con. Dạo này Tóc hiểu chuyện và hay lý sự. Dịu không có nhiều thời gian dành cho con bé. Cứ quên bẵng nó đi cho đến khi nhận ra nó lớn hơn từng chút một. Giờ hỏi bốn năm qua nó đã lớn lên thế nào chắc chị phải ngồi hình dung lại hồi lâu. Ừ thì những hôm không đi học nó thường dậy vào lúc mười giờ sáng. Tự đi đánh răng, đổ bô nước tiểu hồi đêm rồi chộp lấy cái điện thoại để xem. 

 

Tóc có hôm uống sữa, hôm không. Bữa cơm nào cũng kéo dài hai tiếng đồng hồ với một bát cơm chan đầy lời hằn học. Có khi con bé vừa ăn vừa khóc. Không muốn nuốt cũng phải uống nước vào để nuốt. Lỡ khóc mà trớ ra là ăn no đòn thay cơm. Buổi trưa hay buổi tối Tóc đều trằn trọc ngược xuôi mãi không ngủ được. Dịu mắng hoài, con bé chỉ thút thít chịu trận. Nhưng có lần thấy mẹ quát em không chịu ngủ thì Tóc thủ thỉ bảo: “Mẹ ơi, chỉ có người lớn dễ ngủ thôi. Trẻ con thường khó ngủ”. 

 

Bốn năm nhớ thêm được lần con vào viện đi thăm mẹ sinh em bé. Lần đầu tiên xa mẹ, về ở cùng bà ngoại mấy hôm. Lúc vào viện còn cầm lấy tay mẹ hỏi: “Mẹ có đau nhiều không? Có ăn được nhiều không? Con nhớ mẹ lắm”. Rồi nước mắt con cứ thế chảy dài, nài nỉ được ngủ qua đêm với mẹ và em trong bệnh viện. Lúc bị kéo đi về, ra tận dưới tầng hai tiếng khóc con vẫn còn vọng lên khoa sản. Đấy là quãng thời gian Dịu nghĩ về Tóc nhiều nhất để cố quên đi những nỗi đau do vết mổ và cơn co thắt tử cung. Nỗi nhớ con cồn cào len vào cả giấc mơ vụn vặt. 

 

Dịu nhớ mãi buổi trưa hôm ấy lúc từ viện về. Xe taxi đỗ ở cổng nhà bà ngoại, Tóc lúi húi quanh chiếc bàn cân không nhìn thấy mẹ về. Mồ hôi mướt mát, quần áo xộc xệch, tóc lòa xòa che kín nửa khuôn mặt. Mắt con còn mọng nước vì vừa nghịch hư bị bà mắng. Tóc nhìn thấy mẹ bắt đầu rơm rớm, ôm lấy mẹ thút thít mãi không thôi. Rồi thì Dịu lại bắt đầu thời kỳ con mọn. Mệt mỏi triền miên với những đêm thiếu ngủ. Với sữa bĩm, cháo bột và những ngày con đau ốm thường như cơm bữa. Thời gian dành cho Tóc giống như mớ vải vụn, tủn mủn và xấu xí. May mắn thay con bé không mấy kêu ca. Cũng có thể là nó đang chịu đựng. 

 

Nhà xây được ba năm. Nội thất trong nhà không có gì đắt tiền ngoài cái giá sách rộng bốn mét, giá hai chục triệu đồng. Cả cuộc đời ở trọ nay đây mai đó vợ chồng Dịu không giữ được gì sau nhiều lần chuyển nhà ngoài mấy thùng sách nặng trịch. Đó là những cuốn sách quý mà hai đứa từng ăn mì tôm, để dành tiền cuối tuần đạp xe đèo nhau lục tung các cửa hàng sách cũ. Thanh xuân của hai đứa đi xuyên qua những trang sách, những ngôn từ. Lúc mới mang bầu Tóc, cơm áo gạo tiền còn chưa làm người ta nhàu nhĩ. Thì Dịu vẫn bật nhạc và đọc sách cho đứa con trong bụng mình nghe. Có thể vì thế mà Tóc thích sách. Tha thiết hít hà mùi của sách mỗi ngày. 

 

- Nhìn chữ con đâu có hiểu gì mà sao cứ chăm chú suốt ngày?

 

- Con thấy chữ nhảy múa trong đầu như chúng con lúc vui đùa mẹ ạ. 

 

- Thế con phải chăm học để còn đọc xem sách viết những gì.

 

- Con vẫn đọc mà mẹ. Con đọc chữ theo cách của mình. 

 

Và thế là những câu chuyện hiện ra. Siêu nhân đứng trú mưa bên cửa sổ, con tuần lộc của ông già Noel bị sập bẫy bác thợ săn, có em bé bị ông ùm bắt lên nóc nhà đang chờ người đến cứu, con chuồn chuồn khóc vì nhớ mẹ. Trí tưởng tượng của con chảy tràn trên trang sách. Thơ ngây và lấp lánh sắc màu. Có phải vì những câu chuyện có trước ngôn từ? Hoặc trước khi chúng ta kịp mặc định một kiểu ngôn ngữ vào tư duy bọn trẻ thì chúng đã tự tạo ngôn ngữ cho mình. Có đôi lúc Dịu tò mò và ghen tị với ngôn ngữ của con. Hình như tất cả mọi ngôn từ chỉ nói về hạnh phúc. Không có lời hằn học. Dù mọi chuyện thế nào thì cứ yên tâm rằng cái cái kết luôn có hậu. 

 

Trong thế giới của Tóc luôn xuất hiện những người tốt nhiều hơn kẻ xấu. Chú công an luôn bắt cướp. Lính cứu hỏa dập lửa. Bác sĩ chữa bệnh cứu người. Siêu nhân chiến đấu với cái ác. Bảng chữ cái tiếng Việt con mới nhận mặt được A, B, C. Thế nên con may mắn chưa phải đọc theo cách của người lớn. Nên không biết được trong tờ báo sáng nay có viết về “chú công an” đứng về phe bọn cướp. Viết về những bác sĩ biết ăn tiền bệnh nhân.

 

Con không biết được sự thật rằng, chẳng phải kẻ mạnh nào cũng bảo vệ những người yếu thế. Không phải lính cứu hỏa xuất hiện là có thể dập được mọi đám cháy. Rằng còn có một nghề mang tên “đóng giả ông già Noel”. Con vẫn tin rằng “người lớn thì việc gì phải khóc. Chỉ có trẻ con mới khóc mà thôi”. Nên lúc nhìn thấy mẹ lau nước mắt, Tóc hỏi “mẹ khóc đùa đấy à?”. Con đâu biết trên màn hình điện thoại những dòng tin nhắn của một người đàn bà lạ mặt vừa xé nát tâm can mẹ. Đồng hồ chỉ mười hai giờ đêm. Con bé vẫn thức đợi bố về. 

 

- Ngủ đi con. Đêm nay bố sẽ không về đâu!

 

- Bố làm việc suốt đêm ở công ty à mẹ?

 

- Ừm.

 

Thỉnh thoảng Khương sẽ lại vắng nhà như thế. Anh thường nói với đứa con gái nhỏ rằng mình bận đi công tác. Nhưng thật ra là anh vui thú bản thân hoặc trở về bên một ngôi nhà khác và coi đó là “mái ấm” của mình, bỏ mặc vợ con mong ngóng. Chắc Khương không biết rằng Tóc vừa chơi vừa nghe ngóng tiếng xe dừng ở cổng. Nhà gần đường, xe cộ qua lại suốt. Có vài lần niềm vui chưa kịp reo trên môi con thì thì nỗi thất vọng đã kịp ập đến. “Không phải bố về đâu, mẹ ạ. Là ai đó dừng lại nghe điện thoại ngay trước cửa nhà mình”. Chắc Khương cũng chẳng thèm để tâm đến ước ao bé nhỏ của Tóc. Con bé thèm chơi với bố, mọi trò. Nó cuốn lấy Khương bất cứ lúc nào, líu ríu những bàn chân bé nhỏ.

 

Nó đâu biết thế giới ngoài kia có bao điều thú vị cuốn lấy bố đi. Những cuộc tụ tập bạn bè, bù khú bên mâm rượu. Những chuyến đi phượt đường dài chẳng vướng bận lo toan. Hay bên một người đàn bà khác, chỉn chu, thơm tho, không biết càu nhàu chuyện cơm áo gạo tiền. Tóc cũng không biết chuyện bố nó thèm một đứa con trai để trong vài cuộc rượu say không phải cay xè mũi khi tụi bạn nói “xây nhà cho con rể ở”. Nên những lần Tóc mượn máy mẹ bấm máy hỏi “bao giờ bố về?” thì câu mà nó hay nghe nhiều nhất là “ngủ đi. Đừng đợi bố”. Con bé phụng phịu nói với Dịu “bố có cả một ngày làm việc. Sao lại không có thời gian để chơi với con, ôm con ngủ?”. Dịu không biết trả lời Tóc thế nào. Nói thật sợ con buồn. Nói dối thì Dịu chẳng đành. 

 

Tin nhắn của người đàn bà nào đó gửi đến lúc nửa đêm là hình ảnh Khương đang chăn ấm đệm êm ở một nơi nào đó. Một tay Dịu nhè nhẹ vỗ lưng đứa con gái nhỏ, còn một tay nhấc quyển truyện ra khỏi người Tóc. Con bé ngủ quên trong câu chuyện có những chú dê con, khu rừng xanh lảnh lót tiếng chim, những bụi nấm đã bắt đầu nhú lên khỏi lớp lá mục. 

 

Nhìn con nằm ngủ quên trên trang sách của mình, miệng vẫn còn cười mỉm. Dịu thấy mình có lỗi khi đã bỏ bê con. Nhưng cũng biết ơn khi con tự đi tìm cổ tích. Chớp sáng lóa bên ngoài cửa sổ, mưa lộp bộp, lào rào trên mái tum. Dịu kéo chăn lần tìm hơi thở thơm tho của hai đứa con thơ. Sau cơn mưa trời lại sáng thôi mà… 

 

Vũ Thị Huyền Trang

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin