Chi tiết tin tức Tuần chung thất 18:53:00 - 30/07/2017
(PGNĐ) - Dân xóm Bàu Đưng ngạc nhiên thấy gần đây bỗng dưng ông thường xuyên về thăm mẹ. Khi chiếc mô-tô đắt tiền sáng bóng vẽ những đường ngoằn ngoèo vào con xóm nhỏ lút sâu trong đồng bưng, là lúc cái ánh chiều đã nhạt trên đám chân rạ màu vàng nâu đều tăm như những chùm chân nhang cắm khắp cánh đồng.
Mùa lạnh heo heo. Bà lão nằm thoi thóp thở. Bóng chiếc đèn nê-on thiếu watt nhả thứ ánh sáng lờ nhờ. Gian phòng phảng phất mùi của cơ thể đang bị hủy hoại dần, âm u và lạnh lẽo. Lướt nhìn một thoáng, hỏi han em gái dăm câu, ông vội vã ra về, không quên căn dặn như mọi lần: “Ráng lo cho má. Khi nào má mãn phần, giao tao”. Nghe nói ông là quan cấp huyện. Tuổi đã ở vào giai đoạn cơ cấu nhiệm kỳ cuối. Bước ra đi từ cái đồng bưng này lúc còn là gã thanh niên chân phèn da nâu nắng để trở thành một quan chức bệ vệ sang trọng là cả một quá trình lăn lộn ở quan trường. Lâu rồi ông đã quên mất cái cội nguồn gốc rễ. Thoát ly, ông đi một mạch, bỏ lại phía sau là những đôi mắt trông ngóng, đợi chờ. Đến khi vùng đất Bàu Đưng nằm trong quy hoạch khu đô thị vệ tinh, ông quay về. Và đương nhiên, với vị trí con trai trưởng, ông được thừa hưởng mảnh đất cao ráo, đẹp nhất của gia đình. Ông cất cho mẹ cùng đứa em gái căn nhà vững chắc nằm sâu trong đồng bưng và chu cấp một ít cho bà mẹ già hàng tháng. Ít lâu sau, xóm Bàu Đưng mọc lên căn nhà tầng khang trang, bề thế. Với kiến trúc pha tạp nửa ta nửa tây, nằm ở chốn bán quê bán thị, nhưng căn nhà vẫn tấp nập khách, nhất là những ngày cuối tuần. Đường nhựa, điện lưới quốc gia về đến nơi khiến xóm làng khởi sắc. Ai cũng bảo ông có tầm nhìn xa, khác với hồi mới đổ vật tư xây nhà, con đường đất lầy lội nhầy nhụa, có người nói ông hâm. Bây giờ, bà con có khi lại ngầm cám ơn ông, bởi đâu đó rộ lên nguồn tin là nhờ có uy tín của ông nên xóm Bàu Đưng mới được như hôm nay. Căn nhà hoàn toàn biệt lập với cư dân xóm Bàu. Khu vườn phía sau nhà rộng vài công đất được vây tường kín bưng và thiết kế như một khu sinh thái nho nhỏ. Có nhà nghỉ mát, suối nhân tạo, đặc biệt là những chuồng nuôi chim thú hoang dã, cây rừng cổ thụ xòe bóng bên cạnh hoa cỏ xanh tươi bốn mùa. Có điều hơi lạ là gần một tháng nay, phía góc cuối vườn nhà ông xuất hiện một con trâu già cột lỏng ở trụ rào. Con trâu già nằm lơ đãng nhai cỏ, đôi mắt như một triết nhân nhấp nháy thản nhiên nhìn mỗi khi ông ra thăm chừng. Hình như nó chẳng quan tâm đến số phận của mình. Một đời nhọc nhằn đồng áng, giờ thảnh thơi nằm gặm nhấm thời gian, còn gì bằng. Nó không hề biết rằng cuộc sống nó đang ngắn dần, theo từng hơi thở mỏng manh của một con người. Bà lão mất. Đám ma tổ chức rất to, ba ngày hai đêm. Người ta nhớ, khi tiếng khóc ồn lên trong căn nhà hai tầng sáng choang ánh điện, lúc những người đạo tì quần áo đen viền trắng đậy nắp chiếc quan tài, thì phía sau vườn con trâu già cũng rống tiếng thê thiết cuối cùng. Máu từ cổ họng của nó phun ra phì phì, sùi bọt, chảy thành dòng vào cái thau nhôm lớn. Hàng xe ô-tô đậu dài sọc trên con đường làng. Người viếng đông đúc. Gian nhà trước, nơi quàn bà lão, không khí trầm mặc trong khói hương lãng đãng. Dàn kèn tây cùng ban nhạc tài tử xen nhau trình tấu những bản nhạc buồn. Nhịp trống giòn tan hòa cùng hơi kèn mộc vút lên cao than oán. Tiếng kinh kệ cúng tứ thời của vị sư trẻ ê a trầm bổng trên nền điệu Nam ai tan trong mùi hương trầm khiến không gian phảng phất vẻ u buồn, trang trọng một cách vừa phải. Nhưng khu vườn phía sau lại mang một không khí hoàn toàn khác hẳn. Tiếng dao thớt rộn ràng cùng mùi thức ăn xộc lên nức mũi với đủ thứ món thịt trâu đặc sản: nhúng mẻ, nướng sả ớt, luộc riềng… Tiếng cười nói râm ran, tiếng chén ly chạm nhau. Những người đến viếng đám tang bà lão sau khi xong phần lễ nghi phúng điếu được đưa ra phía sau, nơi khu nghỉ mát đã bày sẵn mâm cỗ. Khách chẳng biết đến là để chia vui hay chia buồn với chủ nhân ngôi nhà. Người ta không tìm được trên gương mặt bè bè của ông chút cảm xúc nào, nó bình thản đến ngạc nhiên. Mẹ ông đã vào tuổi thượng thọ, mà đám ma người già thì ít bi lụy, đau đớn bởi cái lẽ sinh, trụ, dị, diệt vô thường của tạo hóa, hơn nữa người ta đến đâu phải tay không, thế thì mình tiếc gì bữa tiệc rượu đáp lễ mà đâu phải lúc nào cũng có dịp, ông nghĩ thế. Hầu hết khách ra về bằng ngõ sau. Tất nhiên, không phải ai cũng ham mê ăn nhậu trong lúc bối rối tang gia, có người vì nể ông mà ngồi cho có lệ. Và ông đã tính toán đúng. Một con trâu già được vỗ béo thừa mứa thức ăn cho một đám tang lớn, ông lãi to. * Bà lão ngồi giữa cánh đồng mông quạnh. Cái nón lá rách sùm sụp che khuất gương mặt. Quần áo tả tơi. Chân bà đạp trên sợi dây vàm cột con trâu đang nằm cạnh nhởn nhơ nhơi cỏ, bàn tay run run múc từng muỗng cơm. Có cái gì rất quen thuộc đối với ông từ dáng dấp của bà lão. Ông tiến lại gần. Bà lão từ từ ngước mặt lên. Ông thảng thốt nhận ra mẹ mình. “Sao má lại ngồi đây?”. Tiếng ông vang vang và run rẩy. Đôi mắt bà lão buồn bã nhìn ông: “Mày ác lắm!”. Nói rồi bà chậm chạp đứng lên, lủi thủi dắt con trâu đi về phía màn sương mù, mất hút. Ông đuổi theo gọi mẹ để hỏi xem ông đã làm điều gì ác. Nhưng đôi chân nặng chình chịch nhấc lên không nổi, khiến ông ngã sấp xuống mặt ruộng lấp xấp sình. * Ông giật mình tỉnh giấc. Hơi lạnh phả ra từ chiếc máy điều hòa nhiệt độ khiến ông rùng mình nổi gai ốc. Chỉ là một giấc mơ. Chắc tại bữa rượu cuối ngày làm việc có quá nhiều đạm khiến ông khó ngủ. Nhưng hình ảnh người mẹ ngồi giữa đồng chiều hoang hoải, tay bưng chén cơm run run và ánh nhìn buồn bã khiến lòng ông chợt cồn lên một cảm giác xót xa. Có cái gì đó rất lạ ngo ngoe trỗi dậy trong ký ức nhạt nhòa rối rắm của ông… * Thằng bé gầy nhom, đen nhẻm đeo cái đụt cá đi theo sau mẹ trên bờ ruộng bưng mọc đầy rau dừa, rau bợ, rau chốc… vào những buổi sớm nước ròng. Mùi sình hoi hoi quánh sệt ngang lưng quần khiến chú bé dường như trườn trên mặt ruộng, tay cầm cái rổ nhỏ vớt từng con cá mắc cạn. Cách đó một chút, bóng người mẹ cúi lom khom với cái rổ xúc to đãi từng mớ tép bạc. Mặt trời lên, nước con rạch lớn dần là lúc hai mẹ con đi về. Cái xóm nhỏ xa xa ửng màu hồng tia nắng bình minh, có đàn trâu thong thả ra đồng. Giấc mơ lặp đi lặp lại ba đêm liền sau tuần đầu tiên mẹ mất, khiến ông hoang mang, lo lắng mỗi khi đêm đến. Ông đem chuyện này kể với vợ. Vợ ông không nói gì, chỉ lẳng lặng đi đâu đó rồi về chuẩn bị mọi thứ. Bà sắm sửa một mâm cơm thịnh soạn, giấy tiền vàng bạc gồm đô-la, vàng miếng, quần áo mới, nhà cửa, vật dụng như ti-vi, tủ lạnh… bằng vàng mã rồi đem ra mộ bà lão cúng, đốt, van vái. Trần sao âm vậy. Ở dưới chắc bà mẹ đang đói khát, thiếu thốn nên về báo mộng và trách cứ ông. Sau vụ cúng kiếng, bẵng đi cả tuần ông đã có thể ngủ yên giấc. Nhưng đến tuần thứ ba ông lại mơ thấy mẹ. Lần này trông bà còn thê thảm hơn. Thân thể tiều tụy, tay cầm sợi dây vàm chạy sấp ngửa theo sau con trâu già lồng lộn phía trước. Bà quay lại chỉ tay vào ông vẫn cái giọng âm u lạnh lẽo: “Mày ác lắm! Mày ác lắm!”. Đầu ong ong nhức buốt, mồ hôi tuôn ướt gối, ông tỉnh giấc trong nỗi sợ hãi. Từ hôm đó ông bỗng sợ giấc ngủ. Có đêm ông thức trắng. Cứ chợp mắt là thấy hình ảnh bà mẹ. Mất ngủ khiến tóc ông chuyển bạc nhanh chóng, đôi mắt trũng sâu, thất thần, người ông lêu phêu bềnh bồng. Một buổi chiều đầu tuần thất thứ tư sau ngày mẹ mất, có cái gì đó thôi thúc khiến đôi chân ông lang thang đi về hướng cánh đồng bưng. Không có gì thay đổi, từ cái mùi bùn hoi hoi lưu cửu đến vạt rau dại mọc hoang ven bờ. Chỉ có con rạch ngày xưa bọn trẻ ông vẫn gọi là sông đang nặng nề chở đám lục bình ken đặc, khác với dòng chảy thông thoáng thuở nào. Tiếng chuông mõ công phu đều đều vọng từ ngôi Phật đường nằm trên cái gò cao bên con rạch hút lấy tâm trí ông. Mùi nhang trầm, không gian tịch tĩnh thanh thoát, giọng đọc kinh trầm bổng ngân nga khiến cái nặng nề chất chứa trong lòng ông dường như tan biến. Ông ngồi xuống ghế đá trước gian chính điện lặng lẽ chờ. Sau thời kinh, thấy có người đến, vị sư già chầm chậm bước ra từ tốn mời ông vào nhà khách. Qua một tuần trà, vị sư già nhìn ông: “Nam-mô A Di Đà Phật! Hình như ông có điều gì buồn phiền khiến thần sắc có phần u ám”. Ông kể cho vị sư nghe về những giấc mơ kỳ lạ sau đám tang mẹ. “Ông đã đến đây xem như là một cơ duyên. Tôi nói ra điều này, tin hay không là tùy ở ông”. Sư chậm rãi tiếp lời: “Theo quan niệm nhà Phật thì chúng loài, trong đó có con người chúng ta đang sống trầm luân trong vòng sinh tử. Khi lâm chung, thần thức thoát ra khỏi xác phàm tạm bợ để thực hiện hiện quá trình tái sinh trong vòng bốn mươi chín ngày, tức là bảy tuần thất. Thời gian này, việc người nhà làm những điều lành thiện hướng tới người chết chính là một sự trợ duyên quan trọng giúp họ sớm tái sinh tùy theo nghiệp lực của mình. Đám tang bà cụ, ông đã tổ chức quá đà, sát hại nhiều sinh linh, nên bà cụ phải chịu thêm quả xấu, không siêu thoát được. Nam-mô A Di Đà Phật! ”. Ông lạnh người nhớ đến con trâu già bà mẹ chăn trong giấc mơ, rồi run giọng hỏi: “Vậy tôi phải làm gì, thưa thầy?” . Vị sư nhìn thẳng vào mắt ông: “ Hôm nay là tuần cuối cùng, tuần chung thất, ông hãy làm điều gì đó bằng chính tấm lòng của mình dành cho bà cụ, việc lành thiện. Nếu cần, tôi xin được giúp ông”. * Ông lại thấy mình lang thang trên cánh đồng hoang hoải. Phía chân trời xa ửng lên màu vàng tía lung linh như thực như mơ. Ông đi tìm mẹ. Nhưng góc ruộng hôm nào mẹ ngồi cạnh con trâu già chỉ có trơ gốc rạ. Đôi chân ông nhẹ tênh lướt trên mặt ruộng, lòng thanh thản bình an. * Từ hôm đó, sau tuần chung thất của mẹ, khu vườn nhà ông chim bỗng đâu bay về trú ngụ ríu ran cả ngày. Mấy chuồng thú rừng bây giờ trống trơn, treo đầy những giò phong lan đang khoe sắc. Phước Hội
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |