Chi tiết tin tức

Đỉnh núi và mặt đất

21:23:00 - 06/01/2016
(PGNĐ) -  Tất cả những cái đó – đỉnh núi và mặt đất – tạo nên con người của chúng ta.

Từ một quán cà-phê chung quanh phủ đầy băng tuyết trên cao nguyên lạnh lẽo British Columbia Icefield, tôi đọc tin về những trận bão lụt miền Trung nơi quê nhà. Tôi dừng lại trước một tấm hình màu xám chụp cảnh một hàng cây trên con đường ven biển đang oằn mình trong gió bão.

Nơi tôi đang du lịch chỉ có băng và tuyết, núi cao và thung lũng, cây không thể mọc, chim không thể sống, nhưng lại là một nơi để con người tìm đến, quên đi những nhọc nhằn của đời sống.

Hình như sự hoang dã làm cho con người trở về lại với chính mình. Mọi sự dường như đều bắt đầu từ hoang dã rồi trở về với hoang dã, trở về với cái hoang sơ ban đầu. Người con chạy đuổi theo những giấc mơ trên vạn nẻo đường rồi cũng sẽ trở về với quê mẹ. Người đệ tử ra đi tìm kiếm phương trời cao rộng rồi cuối cùng cũng sẽ về dưới chân Thầy…

Tôi đọc được một lời của ngài Dogen (Đạo Nguyên): “Từ xa xưa, núi đã từng là nơi cư ngụ của những bậc thánh triết. Những thánh nhân và hiền triết đều lấy núi làm nhà, làm thân và tâm của mình”.

Dĩ nhiên ở nơi này, băng tuyết bao phủ và lạnh quanh năm, khó là nơi cư ngụ lâu dài của một con người. Nhưng núi luôn luôn vẫn là thân và tâm của những bậc minh triết. Bất động, kham nhẫn, kiên trì, nuôi dưỡng, rỗng lặng…

Núi cho chúng ta nhìn thấy núi và cũng tạo điều kiện cho chúng ta nhìn thấy thân và tâm của chúng ta. Để làm điều đó, cũng hãy để cho núi nhìn thấy chúng ta và núi nhìn thấy chính núi qua chúng ta. Hãy trở về với sự hoang sơ nguyên thủy của chính mình, trần truồng, trơ trọi, bất động, lặng yên như thân và tâm của núi.

Núi trong đạo Phật còn mang nhiều ý nghĩa. Là Bích Nham, là đỉnh chót vót phải tung mình để thấy được trời đất bao la. Là Tu Di, là nơi bất động giữa muôn vàn biến động, nơi thường hằng giữa mọi thứ vô thường. Là Linh Thứu, nơi Đức Phật tuyên thuyết những bộ kinh Đại thừa cho người và trời… Và với tôi, núi là nơi Đức A-di-đà thị hiện trong từng sát-na để hiển lộ vô lượng quang, vô lượng thọ, vô lượng công đức qua tính chất vô thường, vô ngã, rỗng lặng của đời sống.

Núi còn làm cho chúng ta thấy được mặt đất. Có thể chúng ta mỗi ngày đều sống trên mặt đất nhưng chưa từng nhận ra mặt đất. Chỉ khi nào chúng ta đi lạc vào trong rừng rậm núi cao, lang thang vô định và vô vọng để tìm kiếm con đường trở về, lúc đó một làn khói từ làng xa, một ngôi chùa tĩnh lặng sẽ thức tỉnh chúng ta về đất, về một chỗ nương tựa đầy bao dung.

Và đứng trước núi cũng có nghĩa là dừng lại. Và chỉ khi dừng lại chúng ta mới nghe được núi, nghe được sự lặng yên của núi, cũng là lúc nghe được dấu lặng trong bản hòa tấu muôn màu của đời sống, nghe được sự yêu thương của đất. Muốn thấy núi, nhìn rõ, nghe rõ được núi, chúng ta phải nhìn và nghe từ mặt đất.

Tôi có xem một số phim về các nhà thám hiểm chinh phục những đỉnh núi cao. Chinh phục được núi có nghĩa là trèo lên đến chỗ cao nhất của núi. Tôi nghĩ đến một vị thầy chùa. Tiếng “thầy chùa” ở Việt Nam thường chỉ cho những vị tu sĩ Phật giáo “chất phác, bình dân”. Ngài mới vừa viên tịch. Một vị thầy chùa chỉ quanh quẩn dưới chân núi và đã trở thành núi. Đó là HT.Thích Chí Tín trụ trì chùa Long Sơn, Nha Trang.

Vị thầy chùa đó một đời chỉ làm những việc đơn giản nhất, sống một cuộc sống giản dị đơn sơ nhất. Và ngài đã ngồi viên tịch vào một ngày trăng rất tròn. Ngài chưa từng dù trong ý nghĩ chinh phục một đỉnh núi nào, chưa từng có ý nghĩ chinh phục đỉnh đời hay đỉnh Đạo cao vời nào. Và ngài đã trở thành núi, hay chính ngài từ lâu đã là núi.

Rõ ràng cuộc đời của ngài là cuộc đời của núi – kham nhẫn, kiên trì, bất động và thương yêu. Nhưng ngài cũng là đất, sống trọn vẹn với mặt đất.

Phải chăng muốn thấu hiểu về núi cũng phải thấu hiểu về đất? Phải chăng núi trở thành núi bắt đầu từ mặt đất?

Có một câu chuyện kể rằng ở một ngôi chùa trên đỉnh núi có một vị thiền sư đắc đạo sống với nhiều đệ tử. Trong số đệ tử, có một vị mặc dù là một người thông minh nhất và tinh tấn nhất, trải qua 20 năm chăm chỉ học Đạo, tham Thiền mà vẫn không tìm thấy giác ngộ.

Sau những cố gắng không ngừng, một sáng mai, nhìn thấy những cánh hoa anh đào rơi rụng, người đệ tử suy nghĩ: “Mình không thể chiến đấu với số phận. Giống như những hoa đào rơi, mình phải lui về với số phận của mình”. Và quyết định rời khỏi núi, từ bỏ niềm hy vọng sẽ được giác ngộ.

Người đệ tử tìm đến chỗ vị thầy đang thiền định, kính cẩn thưa: “Thưa thầy…” Chỉ nói đến đó, vị thầy nói: “Ngày mai ta sẽ đi với con xuống núi”.

Sáng hôm sau, trước khi xuống núi, vị thầy nhìn vào không gian bao la chung quanh đỉnh núi. Ngài nói: “Hãy nói cho ta nghe con thấy điều gì?”. Vị đệ tử trả lời: “Thưa thầy, con thấy mặt trời bắt đầu thức dậy dưới chân trời, hàng dặm núi đồi khúc khuỷu, một cái hồ và một thành phố nhỏ hiện ra trong thung lũng”. Vị thầy mỉm cười và họ bắt đầu cuộc hành trình.

Hai thầy trò tiếp tục cuộc hành trình trong khi mặt trời cũng âm thầm di chuyển ngang qua bầu trời. Họ dừng lại khi đi đến chân núi. Vị thầy lại hỏi người đệ tử thấy gì. Người đệ tử trả lời: “Thưa thầy, ở xa xa kia, con nhìn thấy những con gà trống rảo chạy quanh nhà kho, những con bò nằm ngủ trên đồng cỏ non, những người già phơi mình trong nắng chiều và những trẻ con nô đùa bên suối”. Vị thầy im lặng và tiếp tục bước cho đến khi họ đến cổng vào thành phố.

Hai thầy trò ngồi xuống dưới một tàng cây cổ thụ. Thầy hỏi: “Hôm nay con thấy gì? Có thể đây là lần cuối ta trao đổi với con”. Người đệ tử lặng im thay cho câu trả lời. Sau một lúc yên lặng, vị thầy nói: “Con đường đưa đến giác ngộ giống như con đường đi xuống núi. Nó chỉ đến với người nhận ra rằng chính là việc đi xuống, không phải đi lên, tạo ra sự thay đổi. Chúng ta vùng vẫy phấn đấu để vươn lên đến đỉnh của ngọn núi, cố làm mọi thứ tuyệt hảo để đạt được giác ngộ. Nhưng càng phấn đấu, chúng ta càng rời xa chân lý. Không phải là nhìn từ đỉnh núi, mà chính là nhìn từ nơi chúng ta đang là. Như hoa anh đào, con đã chấp nhận số phận và chấm dứt cuộc đấu tranh. Con đã từ bỏ cuộc tìm kiếm chân lý và con đã nhận thấy nó”.

Khi thầy ngừng nói, người đệ tử nhìn về phía chân trời. Mặt trời đang lặn phía trước như đang mọc lên trong tâm của người đệ tử…

* * *

Tấm hình màu xám với hàng cây oằn mình trong gió làm tôi nghĩ đến Việt Nam, với những lần bị xâm lăng, những cuộc chiến đấu, những thiên tai, nhân tai, và những vị thầy chùa. Vâng, những vị thầy chùa quê mùa, đơn sơ đã gắn liền với đất nước này, với lịch sử của đất nước này qua những cuộc tang thương cũng như vinh quang, hạnh phúc.

Tôi đã nhìn rất lâu, và phải chăng những rặng núi tuyết ngoài kia, bầu trời trong trẻo ngoài kia cũng đã nhìn rất lâu vào bức hình màu xám đó? Tôi nghĩ về hoàn cảnh của dân tôi, của đất nước, về văn hóa, về nền Phật giáo dân tộc. Tôi liên tưởng đến loài chim bão (storm petrel) mà Gary Thorn diễn tả:

T nhiều năm, tôi quan sát những con chim biển, những loài thú có vú dưới biển, và đời sống ven những bờ biển này. Có một loài chim, chim bão, một loài hải âu nhỏ, mà tôi đặc biệt để ý. Đó là một loài chim nhỏ nhất trong các loài chim biển trên thế giới, thân nhỏ khoảng bằng chim sẻ, và trọng lượng không hơn một ounce. Chúng lớn lên trong sóng nước biển cả, trong gió lớn, bay lượn trong sóng cao, và bị những loài chim lớn hơn, hung dữ hơn săn đuổi. Chim bão này có thể sống còn chỉ bằng việc nương vào đại dương xung quanh nó. Thay vì để bị áp đảo bởi sự hùng vĩ của môi trường, những con chim mảnh mai và nhỏ bé này đi theo con đường không chống cự. Trong những lúc tồi tệ nhất của thời tiết, chúng lượn sâu trong khoảng trống giữa hai ngọn sóng, dùng những bàn chân mỏng manh để đẩy thân mình ra khỏi những bức tường nước bên cạnh, để cho những cơn gió gầm thét cắt ngang những đỉnh sóng trên cao. Đó là vũ điệu tự nhiên tài tình và để sống còn của chim. Và đó là một điển hình trong vố số cách nương náu, trú ẩn của chúng sanh” (Shelter from the Storm).

Tình cảnh của chúng ta giống như những con chim bão này. Trong khó khăn, chúng ta đã và đang nắm tay nhau, luợn theo sóng gió để sống còn và vươn lên. Và cũng từ đó, chúng ta nhìn ra tính chất đời sống của chúng ta, mong manh vô thường nhưng cũng lớn lao, kết nối; khổ đau chồng chất nhưng cũng đầy tình thương. Đức A-di-đà và những vị thầy chùa đã đi cùng với chúng ta, sống cùng với chúng ta, hòa cùng chúng ta trong mọi lúc, trong những cuộc vươn lên từ bão tố này. Câu “A-di-đà Phật” đã thành câu nói đầu môi của chúng ta khi một sự việc bất ngờ xảy ra. Và chẳng phải câu niệm Phật A-di-đà đã gắn liền với những vị thầy chùa và Phật tử Việt Nam từ hàng trăm năm qua? Chẳng phải câu niệm Phật A-di-đà đã làm cho những vị thầy chùa như cố HT.Thích Chí Tín trở thành những ngọn núi giữa thế gian?

Người Phật tử Việt Nam lớn lên từ mặt đất nơi này. Và nếu có đi lên tận một đỉnh núi cao nào đó cũng trở về nơi đây để thành tựu. Ở ngay trên mặt đất này, hòa mình vào đất để nhận ra và theo gót những vị thầy chùa, để cho ánh sáng của Phật A-di-đà biến thành tình thương, để cho sáu ba-la-mật biến thành tám vạn bốn ngàn ba-la-mật.

Những trận mưa bão lũ lụt miền Trung với thêm hàng ngàn gia đình mất hết sản nghiệp, với bao nhiêu người trở thành góa bụa, bao nhiêu trẻ em trở thành mồ côi, bao nhiêu trẻ em không còn cơ hội cắp sách đến trường, rồi có bao nhiêu trai gái trẻ phải bỏ xóm làng ra đi, trong đó có những cô gái thanh xuân phải dấn thân vào những cảnh đời không mong muốn… thúc giục chúng ta, kết nối chúng ta. Đó là nỗi đau chung và chúng ta kết nối từ nỗi đau chung đó. Ở đất nước này Khổ thật sự đã đưa chúng ta đến với Con Đường.

Vẫn biết mục tiêu của người Phật tử là giải thoát khỏi những khổ đau ở thế gian này. Vẫn biết cõi Cực lạc phương Tây tràn đầy phúc lạc. Nhưng chúng ta cũng biết rằng ánh sáng và lòng từ bi của Đức Phật A-di-đà đâu có giới hạn ở phương Tây.

Nói như nhà thơ Trụ Vũ:

Cũng vì mắt ngó trời xanh
Cho
nên mắt cũng long lanh màu trời
C
ũng vì mắt ngó biển khơi
Cho
nên mắt cũng xa vời đại dương…

Mắt của chúng ta long lanh màu trời có lẽ vì chúng ta mang dòng máu của Vua Hùng, ngày xuân leo lên đỉnh Thiên Cầm nhìn ra trời xa để nghe cuộc hòa tấu của những cung đàn trời. Mắt của chúng ta chứa sự xa vời của đại dương có lẽ vì chúng ta đã từng nhìn ra biển Đông chờ đợi sự trở về của công chúa Huyền Trân, chúng ta nhìn ra biển Đông gởi tình thương đến Hoàng Sa, Trường Sa… Mắt của chúng ta chứa đầy mặt đất đang nuôi dưỡng chúng ta, chốn quê nhà yêu dấu nhiều khổ lụy. Nhưng mắt của chúng ta cũng chan chứa ánh sáng và tình thương vì chúng ta luôn hướng về một cõi ánh sáng, thanh bình, an lạc và đầy tình thương ở phương Tây.

Trên con đường đối diện với những trắc trở, khó khăn, với sinh, già, bịnh, chết, với mất mát, chia lìa…, chúng ta, những người Phật tử Việt Nam, có khi thấy mình tung vút trên những ngọn núi cao như Yên Tử, Trường Sơn, có khi thấy mình lăn lộn trong những ao tù chật hẹp và lầy lội của đời sống; có khi thấy mình bay bổng trên cõi trong lành hạnh phúc, cũng có khi thấy mình vùi mình trong máu và nước mắt… Đời sống không nói gì với chúng ta, Đức Phật A-di-đà không nói gì với chúng ta, nhưng dường như đời sống và Đức Phật A-di-đà luôn đánh thức chúng ta. Đánh thức để chúng ta tiếp tục cuộc hành trình, và cũng để chúng ta lan tỏa, thâm nhập vào cái rộng lớn của đời sống. Cái rộng lớn đó không loại trừ một thứ gì. Đỉnh cao Yên Tử hay ao tù chật hẹp; một cõi trong lành hạnh phúc hay máu và nước mắt; đại bàng tung gió hay con chim non bị vùi giập trong giông bão; thời gian vô cùng hay khoảnh khắc chia ly…

Một trường giang điệp điệp và một nhành củi khô trôi trên trường giang đó hàm chứa trong nhau, nói lên cho nhau. Cái nhỏ nhoi thấp thỏi chứa đựng trong cái vô cùng để vô cùng có thể tiếp cận được với đời sống và để đời sống có thể tiếp cận được với cái vô cùng. Ba chữ A-di-đà để chúng ta có thể tiếp cận được với cái vô lượng của đời sống: vô lượng quang, vô lượng thọ, vô lượng công đức.

Tất cả những cái đó – đỉnh núi và mặt đất – tạo nên con người của chúng ta.

Và phải chăng những cảnh hoang tàn bão tố miền Trung đã kết nối với tâm Từ Bi của Đức Phật A-di-đà qua ý nghĩa đó? Phải chăng những cảnh tang thương kia chắp cánh cho tình thương được phát lộ và thăng hoa? Phải chăng A-di-đà là sức mạnh để giải phóng những khổ đau vào một thứ tình thương vô tận? Xuyên qua A-di-đà người ta có thể cùng lúc tiếp cận khổ đau, tình thương và hạnh phúc!?

Chúng ta, những người đồng hành trên con tàu khổ đau, hãy cùng lắng nghe một hành giả Phật giáo Tây Tạng người Mỹ, bà Pema Chodron: “Để cảm nhận được lòng ấm áp tự nhiên thật sự là gì, thường chúng ta phải trải qua sự mất mát. Trong bao năm ròng rã, ngày qua ngày chúng ta bị thói quen đẩy đi, sống đời sống mà chúng ta coi là hiển nhiên. Rồi một hôm, chúng ta hay người thân gặp một tai nạn, một chứng bệnh trầm kha, khi đó những tấm che như được tháo gỡ khỏi cặp mắt chúng ta. Chúng ta nhìn thấy sự vô nghĩa của bao nhiêu việc chúng ta làm và sự rỗng không của bao nhiêu thứ chúng ta bám víu” (Sự Ấm Áp Tự Nhiên).

Và hy vọng điều này là có thật cho tình cảnh của chúng ta: The bad times make the good ones that much better. ■„

 

THỊ GIỚI

Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số 189

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin