Chi tiết tin tức

Heo đất ngày xưa

21:01:00 - 09/02/2019
(PGNĐ) -  Nhớ ngày còn thơ bé, năm nào tôi cũng nuôi một chú heo đất để dành. Cứ sau Tết Nguyên đán, ba đạp xe chở tôi ra chợ mua một chú heo đất mới. Đứng trước gian hàng gốm sứ, tôi tần ngần lựa chọn cho mình một chú heo đất xinh xắn, ưng ý. 

heodat.jpg
Để dành tiền lì xì vào heo đất - ký ức của nhiều đứa trẻ lớn lên trong bầu không khí Tết truyền thống


Ngày trước heo đất không đa dạng mẫu mã, phong cách, hoa văn như bây giờ mà chỉ mặc định là chú heo đang đứng, nhiều màu và vài họa tiết đơn giản trên mình heo. Đảo mắt tới lui cho thỏa thích nhưng cuối cùng tôi vẫn chọn chú heo màu xanh lam mang ý nghĩa tươi trẻ, hy vọng, mà tôi rất thích. Tôi ôm heo vào lòng rồi cùng ba ra về. Mùi đất sét lan toả khiến tôi lâng lâng một cảm xúc khó tả.

Sau khi mang heo về nhà, đặt lên bàn, tôi lấy khăn lau sạch bụi bặm rồi dùng tiền lì xì mà người lớn đã tặng trong dịp Tết cho heo "ăn". Nhẹ nhàng rút từng tờ tiền ra khỏi bao lì xì đỏ rực, bàn tay non nớt nôn nóng của tôi gấp tiền theo kiểu lấy lệ (vì gấp nếp tiền sẽ nhăn) rồi nhét vào heo đất. Chỉ thoáng chốc, cả xấp bao lì xì chỉ còn vỏ. Vì muốn heo "căng bụng" mẹ và ba cho tôi thêm một ít tiền nữa để heo "no". Khi heo "ăn" xong, tôi ôm heo đem cất vào ngăn tủ. Cứ mỗi ngày đi học, tiền ăn quà còn dư, tôi háo hức chạy về nhà bỏ ống. 

Cuối tuần, tôi mang heo ra phòng khách ngắm nghía và để kiểm tra kem heo nặng được bao nhiêu. Thỉnh thoảng ông bà ghé chơi, tặng tôi ít tiền ăn bánh trái, tôi dùng tiền đó cho heo "ăn" trước mặt ông bà. Ai cũng khen tôi giỏi tiết kiệm. Không riêng gì tôi mà hầu như những người bạn trong lớp đều có một chú heo đất để nuôi.

Công việc nuôi heo đất của tôi diễn ra khá trơn tru, êm đẹp. Chỉ có sự cố một lần làm tôi nhớ mãi không quên. Ấy là lúc tôi bị mất chú heo đất. Tôi nhớ rõ như in, hôm đó là ngày giỗ ông cụ, mọi người đến tham dự, ra vào đông đúc. Tôi được nghỉ học, ham chơi với bạn bè và những người anh chị em bà con cùng trang lứa nên quên đi chú heo đất đặt trên bàn học. Đến khi sực nhớ, hoảng vía chạy vào xem thì con heo đất không cánh mà bay. Khỏi phải nói, tôi đứng giậm chân tại chỗ khóc như mưa. Ba không biết phải làm sao cho tôi ngưng khóc. Càng dỗ dành tôi càng khóc to. 

Cuối cùng ba nghĩ đến phương án mua con heo đất mới để đền bù, nhưng nói gạt là "Heo đất của con được tìm thấy sau nhà kho. Chắc có lẽ do lúc mọi người dọn dẹp để bày biện bàn tiệc nên cất chú heo vào kho”. Giờ nghĩ lạ thương ba làm sao, phải đạp xe lên tới chợ huyện gần 6 cây số để mua con heo đất mới giống như con cũ. Mất nửa giờ chạy quanh các gian hàng gốm sứ mới tìm được chú heo đất màu xanh lam.

Cuối năm, tôi thu hoạch heo đất để lấy tiền. Đập heo thì không nỡ vì thấy tội quá, dù nó chỉ là khối đất sét vô hồn. Ba nghĩ ngay đến việc khoét đít heo cho rộng để dễ lấy tiền, còn thân heo thì không hư hao gì. Chính vì thế mà về sau, phòng tôi có cả một bộ sưu tập heo đất rất dễ thương. Số tiền lấy ra từ  heo đất, ba mẹ cho tôi được quyền sử dụng tùy thích. Thường là tôi mua quần áo mới, giày dép mới, đồ chơi, còn lại để bỏ túi ăn quà bánh trong mấy ngày Tết.

Mãi đến khi bước vào cấp 3 tôi mới chấm dứt thói quen bỏ ống heo đất. Dù vậy, bộ sưu tập heo đất vẫn còn nằm trong tủ kính lung linh. Mặc cho ngăn tủ chất ních, tôi vẫn không nỡ vứt đi mà nhất quyết giữ lại làm kỷ niệm. Bởi đó là quá khứ, ký ức tươi đẹp thời tuổi thơ. Hơn hết, nó dạy cho tôi về bài học tiết kiệm, sống có nguyên tắc và trân quý những gì mình làm ra.

Nguyễn Tấn Quốc

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin