Chi tiết tin tức Mắt Phật ở Lumbini 20:40:00 - 02/05/2022
(PGNĐ) - Không dám mong rằng đời mình rồi sẽ có một lần đến quê hương Đức Phật, cũng không dám nghĩ rằng có lúc mình sẽ được quỳ xuống bên trụ đá của vua Asoka để tụng bài sám Khánh đản, do đó, lòng tôi hân hoan mà khóe mắt cay xè.
Nhẹ nhàng cởi giày và nhẹ nhàng bước vào ngôi chùa thiêng đảnh lễ dấu chân Phật in hằn trên đá, chạm đầu vào những hòn gạch cũ kỹ được ai đó dát vàng sáng lên rực rỡ, tôi nghe dâng trào một niềm hạnh phúc vô biên. Từ thẳm sâu trong ký ức, những lời hát thuở thiếu thời vang vọng trong tôi: “Muôn chim hót mừng lá hoa thơm ngát ngào / Muôn hào quang ngời rạng chiếu khắp núi sông / Cây vô ưu đến nay chúng sanh luôn nhắc hoài / Nơi Lâm Tỳ Ni còn ghi bao ngày vui…”.
Bao ngày vui ở Lumbini đó đã qua lâu lắm rồi, những hơn 2.500 năm. Và hôm nay, những người con Phật, trong đó có tôi, về đây để mong hưởng được một chút vui còn sót lại - vui mà nghe nước mắt dâng tràn, vì kim đắc nhân thân Phật cửu diệt độ; áo não tự thân đa nghiệp chướng, bất kiến Như Lai kim sắc thân. Ngồi trên những thềm gạch cũ, tôi bồi hồi tưởng lại, rõ ràng, với những nền gạch kia, Lumbini đã có một thời hết sức huy hoàng với hàng ngàn chiếc áo cà sa rực lên trong nắng và những lời kinh trầm hùng, bay bổng… Lòng chợt dịu lại khi tôi thấy, sau hơn nghìn năm chìm vào quên lãng, giờ đây Lumbini cũng ngập những bóng cà sa. Bên thảm cỏ kia là một nhà sư Tây Tạng, với chiếc y đỏ nổi bật, đang hướng về trụ đá lạy dài xuống đất. Dưới bóng cây nọ, trên băng ghế gỗ, là một nhà sư áo vàng điềm nhiên tĩnh tọa. Có cả một vài nhà sư Ấn Độ đang ngồi đọc kinh dưới gốc Bồ đề… Không gian vườn thiêng bỗng trở nên sâu lắng, tĩnh lặng. Một sức sống nội tâm đang âm ỉ bùng lên, lan tỏa trên từng cành cây, ngọn cỏ. Tôi lặng lẽ ngồi xuống một băng ghế và tĩnh tọa. Trong khi lắng nghe hơi thở, đôi mắt Phật trên ngọn tháp cứ hiện về trong tâm trí tôi. Tôi mở mắt và cảm thấy Phật đang yêu thương nhìn mình… Thật kỳ lạ, tôi từng nhìn thấy đôi mắt Phật như thế ở đâu đó, nhưng không hiểu sao đôi mắt Phật ở Lumbini lại cuốn hút tôi mạnh mẽ đến thế. Đôi mắt Ngài to và rộng, mềm mại như cánh sen với đôi tròng đen-xanh biêng biếc. Tướng lông trắng giữa chặn mày như ngọc kha nguyệt, xoắn tròn lại như một con mắt thứ ba. Đặc biệt, cái mũi uốn cong như một dấu hỏi. Nghệ nhân nào đã vẽ nên đôi mắt ấy thật thần tình, đúng tướng đôi mắt trong 32 tướng tốt của Phật. Cám mục trừng thanh tứ đại hải - bốn biển lớn trong ngần mắt biếc…
Sau này tôi biết, những đôi mắt Phật như thế phổ biến trên khắp xứ sở Nepal và một số ngôi chùa ở Tây Tạng. Nhưng chỉ ở Nepal, đôi mắt Phật ấy mới là biểu tượng của Phật giáo xứ Tuyết Sơn này. Hầu như đi đến đâu trên đất Nepal người ta cũng có thể mua được những vật kỷ niệm có hình mắt Phật. Dù vậy, với riêng tôi, khi trông thấy mắt Phật với chiếc mũi hình dấu hỏi (trong ký tự Nepal, dấu hỏi này là số 1 - biểu tượng của một trong tất thảy, cũng như con đường duy nhất đi đến giác ngộ thông qua lời Phật dạy), tôi lại nhớ đến Lumbini. Đôi mắt Ngài ngập tràn từ bi và tuệ giác, đôi mắt của một Tượng vương, đôi mắt của một Pháp vương: “Tại đỉnh một núi cao, Ðưa mắt nhìn xung quanh, Quần chúng dưới chân mình. Cũng vậy, Ngài Thiện thệ, Leo lên lầu Chánh pháp, Biến nhãn, không sầu muộn, Nhìn xuống đám quần sanh Bị ưu tư sầu khổ, Bị sanh già áp bức. Anh hùng, hãy đứng lên, Bậc chiến thắng chiến trường, Vị trưởng đoàn lữ khách, Ðấng thoát ly nợ nần, Thế Tôn hãy thuyết pháp, Bộ hành khắp thế gian, Có người nhờ được nghe, Sẽ thâm hiểu diệu nghĩa”. (Tương Ưng, SN VI.1 - Thỉnh cầu khai pháp) Tuy thế, có người từ xa nhìn vào đôi mắt Phật với chiếc mũi uốn cong và lọn lông trắng giữa chặn mày ấy, họ lại liên tưởng đến một con bướm với đôi cánh to phấp phới. Thật là một ý tưởng kỳ lạ!
… Tạm biệt Lumbini, ra khỏi cổng, tôi còn ngoái nhìn đôi mắt Phật. Dù không nghĩ đôi mắt hình cánh sen to lớn của Phật là đôi cánh bướm, nhưng tôi cảm thấy đôi mắt ấy như đang chấp chới nhìn mình. Và lòng tôi cũng đang chấp chới. Tôi lại phải trở về với cõi bụi hồng mà không biết ngày nào mới được trở lại đất Phật, để được thấy đôi mắt Ngài rộng mở nhìn tôi, rộng mở tuyên thuyết pháp mầu. Xin thành kính đảnh lễ Mắt Phật. Xin thành kính đảnh lễ Một Người, mà sự xuất hiện của người đó “là sự xuất hiện của mắt lớn, là sự xuất hiện của đại quang, là sự xuất hiện của đại minh, là sự xuất hiện của sáu vô thượng, là sự chứng ngộ bốn vô ngại giải, là sự thông đạt của nhiều giới, là sự thông đạt của các giới sai biệt, là sự chứng ngộ của minh và giải thoát, là sự chứng ngộ quả Dự lưu, là sự chứng ngộ quả Nhất lai, là sự chứng ngộ quả Bất lai, là chứng ngộ quả A-la-hán…” (Kinh Tương Ưng - Tương Ưng Phạm Thiên).
Đỗ Thiền Đăng
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |