Chi tiết tin tức

Gìn giữ đạo Phật ở thanh niên Khmer lao động xa quê

21:20:00 - 02/07/2014
(PGNĐ) -  Hiện nay, dường như chưa có một thống kê đầy đủ và tin cậy về người Khmer lao động Khmer xa quê. Điều có thể ghi nhận là tuyệt đại đa số người lao động Khmer tìm việc ở các thành phố lớn đều là thanh niên và số lượng là hết sức đông đảo.

1) Phật giáo có vai trò mờ nhạt trong đời sống người thanh niên Khmer lao động xa quê

Hiện nay, dường như chưa có một thống kê đầy đủ và tin cậy về người Khmer lao động Khmer xa quê. Điều có thể ghi nhận là tuyệt đại đa số người lao động Khmer tìm việc ở các thành phố lớn đều là thanh niên và số lượng là hết sức đông đảo. Có xã ở Trà Vinh, hầu hết thanh niên đều có việc làm ở thành phố, tại xã chỉ còn một vài thanh niên còn gắn bó với lao động nông nghiệp và tham gia công tác đoàn thể, chính quyền.

Trong số các địa phương nơi thanh niên Khmer Tây Nam Bộ nhập cư làm việc, có lẽ TPHCM là địa phương thu hút đông đảo lao động thanh niên Khmer hơn cả, sau đó là các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, nơi có nhiều khu công nghiệp.

Việc làm của thanh niên Khmer xa quê là hết sức đa dạng, từ lao động phổ thông, giúp việc nhà, phụ buôn bán đến các ngành vốn thu hút đông đảo lao động, như xây dựng, dệt may, thủy sản…

Tại nơi lao động, thanh niên Khmer sống cư trú 3 dạng chính: ở tại nơi lao động do chủ sử dụng lao động bố trí, ở trong các nhà trọ dành riêng cho công nhân, người lao động của một đơn vị lao động xác định và tự thuê nhà trọ. Từ đó, hình thành những khu vực cư trú riêng cho thanh niên Khmer lao động xa quê. Có nơi chỉ là vài thanh niên sống chung một căn nhà do chủ bố trí (hình thức bao ở). Có nơi thì người lao động Khmer tự mướn nhà trọ ở gần nhau, hình thành một khu nhà trọ đông đảo người lao động Khmer trẻ nhập cư.

Ngoài ghi nhận thường làm việc chung với nhau (nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ sử dụng đông đảo lao động Khmer xuất xứ cùng địa phương do giới thiệu lẫn nhau), cư trú chung hay gần nhau còn có thể ghi nhận hiện tượng người lao động Khmer trẻ xa quê thường liên lạc với nhau, do nhiều nguyên nhân. Thí dụ, do cùng quê đã quen biết nhau, do khó tìm bạn ngoài cộng đồng dân tộc Khmer, do cùng tập quán, dân tộc… Người lao động trẻ Khmer thường gặp nhau kết bạn, vui chơi, nhậu nhẹt…

Chúng tôi đã có quan tâm tìm hiểu xem yếu tố Phật giáo Nam tông Khmer giữ vai trò ra sao trong việc gắn kết người lao động trẻ Khmer nhập cư ở các thành phố lớn. Chúng tôi đã tìm hiểu khoảng trên 100 trường hợp người lao động Khmer trẻ, phần lớn đến từ huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh và một số ít hơn đến từ các huyện khác thuộc Trà Vinh và Kiên Giang. Sau đây là một số nhận xét:

-    Phật giáo Nam tông Khmer Tây Nam Bộ tuy giữ vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần người Khmer Tây Nam Bộ, nhưng khi đi lao động xa quê, thì Phật giáo truyền thống dân tộc Khmer đã trở nên phai nhạt một cách bất thường. 100% trường hợp được hỏi đều không thờ Phật tại nơi ở, không giữ giới, và không thực hành các hoạt động Phật giáo khác. Hầu hết thanh niên Khmer lao động xa quê chỉ đến chùa Khmer tại TPHCM mỗi năm 2-3 lần vào các dịp lễ hội như Chôn-chơ-nam-thơ-mây, Đôn ta (một số về quê dự lễ ở chùa).

-    Hầu hết không có quan hệ với nhà chùa, với quý đại đức tăng, trừ một số trường hợp lưu trú tại chùa do có người nhà là tu sĩ. Hầu hết không cúng dường chùa cũng như không nhận được sự giúp đỡ nào từ nhà chùa (vì không có quan hệ, không phải nhà chùa không giúp đỡ).

-    Hầu hết mù chữ Khmer. Một số trường hợp biết viết chữ Khmer thì không có kinh sách tiếng Khmer (ngay cả sách in phổ thông cũng không có) để đọc.

Vai trò Phật giáo Nam tông Khmer hết sức mờ nhạt trong đời sống thanh niên Khmer lao động xa quê. Họ chỉ đến với Phật giáo mỗi năm 2-3 lần vào dịp lễ hội. Còn trong suốt thời gian còn lại, họ sống và làm việc như những người không tôn giáo. Thanh niên Khmer lao động xa quê xem đạo Phật như một tập quán truyền thống hơn là một tôn giáo. Một số ít thanh niên có trở về quê xuất gia ngắn hạn thì có kiến thức giáo lý. Nhưng sau thời gian xuất gia tu học, khi trở lại cuộc sống thời thường thì mức độ quan tâm đến đạo Phật của họ cũng trở về như số đông thanh niên khác, hầu như không giữ liên hệ với chùa chiền, không tiếp tục giữ 5 giới, quên kiến thức Phật học đã tiếp thụ trong thời gian xuất gia.

2)    Vấn đề gìn giữ đạo Phật ở thanh niên Khmer lao động xa quê

Trước hiện trạng như vậy, bài viết đặt vấn đề gìn giữ đạo Phật nơi thanh niên Khmer lao động xa quê.

Hiện tượng người thanh niên Khmer lao động xa quê, dù xuất thân từ đạo Phật Nam tông, nhưng đã sống tách rời chùa chiền (trừ thời gian lễ hội), sống hầu hết thời gian lưu trú như những người không tôn giáo là một vấn đề, vấn đề đối với Phật giáo và cũng là vấn đề đối với dân tộc Khmer Tây Nam Bộ Việt Nam.

Về nguyên nhân, có thể kể đến:

-    Nơi lao động, cư trú ở xa chùa Khmer.

-    Thời gian lao động chiếm hết thời gian sinh hoạt. Đối với nhóm thanh niên lao động phụ việc, buôn bán, giúp việc nhà thì thời gian lao động chiếm tỷ lệ cao đối với thời gian sinh hoạt, hầu như bận việc tất cả mọi ngày trong tuần. Đối với nhóm thanh niên lao động sản xuất trong xí nghiệp, thời gian nghỉ lại dùng hết vào việc vui chơi ăn nhậu, hầu như không có thời gian dành cho sinh hoạt tôn giáo.

-    Một số ý kiến từ thanh niên Khmer lao động tại TPHCM cho biết là không được biết về sinh hoạt nhà chùa để tham dự, dù ở quận 1, quận 3, quận Tân Bình, không xa các chùa Khmer tại TPHCM.

-    Việc không thờ Phật được giải thích là do phòng trọ chật chội, không có nơi trang nghiêm tách biệt với phòng ngủ.

Ảnh hưởng Phật giáo mờ nhạt đối với thanh niên Khmer lao động Khmer là một thiệt thòi lớn cho chính thành phần này. Đời sống của họ thiếu vắng hẳn ánh sáng Phật pháp. Đời sống như những người không tôn giáo như vậy đã khiến họ không hưởng được pháp lạc do giáo lý Phật đà mang lại, không nương tựa được nơi Tam Bảo. Do không có tập quán tâm linh của người Việt, nên khi thiếu vắng ánh sáng Phật giáo Nam tông truyền thống, người lao động Khmer Tây Nam Bộ xa quê có đời sống không khác với người không tôn giáo, thiếu vắng hẳn sinh hoạt tâm linh, không thờ cúng, không lễ chùa thường xuyên, không thực hành nghi lễ tôn giáo, không giữ giới, không đọc, không nghe băng dĩa, kinh sách giáo lý…

Ngoài hệ quả đời sống mất đi tính chất tâm linh, hiện trạng kể trên dẫn đến một hệ quả rất quan trọng mà chúng tôi muốn nhấn mạnh trong bài viết này. Đó là người thanh niên Khmer lao động xa quê rất dễ bị cải đạo sang tôn giáo khác.

3)    Hiện trạng thanh niên Khmer lao động xa quê bị cải đạo sang tôn giáo khác

Do đời sống xa quê diễn ra như đời sống những người không tôn giáo, nên thanh niên Khmer lao động xa quê rất dễ bị cải đạo và thực tế đã trở thành đối tượng cải đạo hàng đầu. Nói cải đạo vì người Khmer Tây Nam Bộ là lao động nhập cư ở các thành phố lớn xuất xứ 100% theo đạo Phật Nam tông.

Những thế lực cải đạo tín đồ Phật giáo nhận thức rất rõ hoàn cảnh sống xa lìa Phật giáo Nam tông truyền thống của thanh niên Khmer lao động xa quê, khiến đời sống của số đông những người này đã trở thành như không có tôn giáo, là bối cảnh rất tốt để tiến hành việc cải đạo. Vì vậy, đối tượng thanh niên Khmer lao động nhập cư ở các thành phố lớn, các khu công nghiệp đã trở thành đối tượng cải đạo hàng đầu.

Việc cải đạo thành niên Khmer lao động xa quê diễn ra dưới các dạng sau:

-    Chủ sử dụng lao động là người các tôn giáo khác cải đạo người lao động. Ở các tôn giáo coi việc cải đạo người từ các tôn giáo khác sang tôn giáo mình là hoạt động tôn giáo chính yếu, thì nếu những người theo tôn giáo đó là chủ sử dụng lao động, thì người lao động dưới tay họ sẽ là đối tượng cải đạo hàng đầu. Một số không nhỏ thanh niên Khmer lao động xa quê rơi vào tình trạng này. Tiến trình cải đạo thường là khuyến dụ, hỗ trợ vật chất, xen lẫn với tác động tinh thần theo kiểu ép buộc. Có trường hợp sau khi thử việc, để được tuyển dụng lâu dài phải cải đạo. Có trường hợp chủ sử dụng lao động dành thời gian lao động ép buộc người lao động Khmer phải tham gia sinh hoạt tôn giáo ở các tôn giáo khác (đi lễ thì khỏi làm việc). Cũng có trường hợp nếu cải đạo mới thì sẽ được tăng lương, giảm cường độ lao động hay có các loại tiền thưởng. Lại có trường hợp những nhóm thanh niên tôn giáo khác được tự do hoạt động mời gọi sinh hoạt tôn giáo khác tại nơi mà chủ sử dụng lao động cũng là người theo tôn giáo đó (tự do đến nơi làm việc, vào nhà trọ thanh niên Khmer để thuyết phục cải đạo).

Những trường hợp như trên có thể kể chung vào hoạt động cải đạo từ chủ sử dụng lao động.

Trường hợp thứ hai là hoạt động nhằm vào nơi cư trú của thanh niên Khmer lao động xa quê. Xác định cộng đồng người Khmer lao động xa quê có nhiều thuận lợi đối với việc cải đạo như: nếp sống cơ bản như người không tôn giáo (chỉ gắn bó với Phật giáo trong vài ngày lễ hội trong năm), hầu như đều là người trẻ (ít gắn bó hơn với nếp sống tôn giáo truyền thống) là người dễ tiếp cận (vì thanh niên Khmer cởi mở, thật thà, chất phác, không sợ phản ứng căng thẳng), nên đã có rất nhiều nhóm cải đạo tìm cách tiếp xúc, thâm nhập vào cộng đồng thanh niên Khmer lao động xa quê. Dù không được cho phép, họ vẫn đến các nhà trọ gởi các giấy mời dự thánh nhạc truyền giảng, tổ chức gặp gỡ, tổ chức sinh hoạt tôn giáo thích hợp, tổ chức hỗ trợ ngoài mặt là không kèm điều kiện nhưng có mục đích cuối cùng là cải đạo, thúc đẩy gia nhập tôn giáo.

Trường hợp hoạt động cải đạo thứ hai này do chính các đoàn thể, cơ sở tôn giáo cải đạo tiến hành diễn ra khá mạnh mẽ nhằm vào đối tượng thanh niên Tây Nam Bộ lao động xa quê và cũng thu nhận một số kết quả.

Trường hợp thứ 3 là cải đạo do hôn nhân. Người thanh niên Khmer lao động xa quê khi kết hôn với người theo tôn giáo khác thường đều cải đạo sang tôn giáo khác, số giữ lại tôn giáo là Phật giáo Nam tông không đáng kể. Nếp sống xa lìa Phật giáo Nam tông, trở thành như người không tôn giáo trong quá trình lao động xa quê cũng đã là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này. Hôn nhân giữa người khác tôn giáo với người Khmer Phật giáo ở ngay tại địa phương người Khmer sinh sống ít khi diễn ra và nếu có thì người Khmer thường vẫn giữa đạo Phật truyền thống. Còn nếu hôn nhân như thế diễn ra ở nơi lao động nhập cư, thì người thanh niên Khmer, dù nam hay nữ vẫn rất dễ cải đạo sang tôn giáo khác.

Ở trường hợp thứ nhất và thứ hai, khi trở về tại quê cũ, người thanh niên Phật giáo có thể trở về với đạo Phật (chúng tôi thấy một số trường hợp như thế). Còn ở trường hợp thứ ba, trường hợp kết hôn và cải đạo khi đi lao động xa quê, thì trường hợp trở về quê và khôi phục đạo Phật là vô cùng hạn hữu (tất nhiên trừ trường hợp ly hôn).

4)    Giữ gìn đạo Phật ở thanh niên Khmer lao động xa quê

Gìn giữ đạo Phật ở thanh niên Khmer lao động xa quê, theo chúng tôi, chính là gia tăng hoạt động hoằng pháp trong đối tượng này. Dưới đây là những đề xuất cụ thể:

4.1    Lấy số thanh niên Khmer đã xuất gia ngắn hạn, đã qua đời sống tu sĩ ở chùa làm trung tâm. Vì số thanh niên này sau khi hoàn tục rất có khả năng trở thành lao động nhập cư ở các thành phố lớn. Những người trẻ đã qua đời sống xuất gia này có nhiều thuận lơi là hạt nhân Phật pháp trong giới thanh niên Khmer lao động nhập cư ở các thành phố lớn.

4.2    Nhận thức đầy đủ về nguy cơ cải đạo đối với người thanh niên Khmer lao động xa quê, từ đó, quan tâm đến việc hoằng pháp đối với đối tượng này, đề ra nhiều biện pháp bồi dưỡng nếp sống đạo Phật đối với thanh niên Khmer lao động xa quê.

4.3    Đối với các chùa Khmer ở TPHCM, thì xem thanh niên Khmer lao động nhập cư là đối tượng hoằng pháp chính yếu (vì chiếm tỷ lệ hàng đầu trong số người Khmer ở TPHCM), nghiên cứu tổ chức các hoạt động nhằm thu hút tập họp thanh niên Khmer lao động nhập cư về chùa sinh hoạt, duy trì thường xuyên yếu tố Phật giáo trong sinh hoạt thường nhật của họ.

4.4    Các bậc cha mẹ của thanh niên Khmer lao động xa quê cũng cần lưu ý con em về nguy cơ cải đạo, thường xuyên nhắc nhở con em giữ gìn truyền thống Phật giáo Nam tông Khmer Tây Nam Bộ, cố gắng hạn chế hôn nhân với người ngoài Phật giáo (buộc người hôn phối phải cải đạo), khuyến khích hôn nhân với người trong đạo Phật, kịp thời phát hiện việc cải đạo để giữ gìn con em trong đạo Phật truyền thống.

4.5    Gia đình và nhà chùa tại địa phương nguyên quán của thanh niên Khmer đến lao động ở các thành phố lớn nên khuyến khích con em tham gia sinh hoạt ở chùa bất kỳ, không phân biệt tông phái, dân tộc, nếu nơi đó không có chùa Phật giáo Nam tông Khmer, để duy trì sinh hoạt Phật giáo cho con em, tạo nếp sống tâm linh, gắn bó với chùa chiền.

 

Minh Thạnh và Thạch Sóc Kha

Nguồn: phattuvietnam.net

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin