Chi tiết tin tức

Lời khuyên nhẹ nhàng

21:29:00 - 14/09/2015
(PGNĐ) -  Cứ theo lời Phật thì người hiểu biết nên có sự xem xét, suy nghĩ và cân nhắc cho thật chín chắn các sở kiến hay quan niệm khác nhau hiện hữu trên cuộc đời để có sự quyết định đúng đắn trong việc theo hoặc không theo một chủ trương hay đường lối nào.

rong số các bậc Đạo sư danh tiếng trên thế giới, Đức Phật luôn luôn được tôn kính là vị thầy có nếp sống minh triết và có lối giảng dạy minh triết. Sở dĩ như vậy là bởi Đức Phật là một vị Chánh đẳng giác, có đầy đủ bốn vô sở úy và mười Như Lai lực1. Chúng ta ngày nay không được trực tiếp chứng kiến nếp sống giải thoát của Phật, cũng không được trực tiếp lắng nghe những lời dạy sáng suốt đầy từ tâm của Ngài; nhưng những bài pháp do Ngài thuyết giảng ở nhiều nơi và được chư vị đệ tử chú tâm ghi lại thành các bài kinh mà nay chúng ta có duyên may được tiếp cận vẫn luôn luôn toát lên một vẻ đẹp và sức sống lạ thường, đánh dấu một thời kỳ an lạc sâu lắng của lịch sử nhân loại trong đó có bậc Chánh đẳng giác xuất hiện để dẫn dắt đời sống chơn chánh hiền thiện cho loài người. Vậy Đức Phật đã dạy những gì và giảng dạy như thế nào để có thể tạo ra được một thế giới thanh bình, lợi lạc cho số đông? Một số trích đoạn sau đây của bài kinh “Không gì chuyển hướng” lưu ở tuyển tập Trung Bộ cho chúng ta lời giải đáp khá xác thực:

“Một thời, Thế Tôn du hành giữa dân chúng Kosala với Đại chúng Tỳ-kheo và đến tại Sala, một làng Bà-la-môn của dân chúng Kosala. Rồi các Bà-la-môn gia chủ ở Sala đi đến chỗ Thế Tôn, sau khi đến, một số người đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên; có người nói lời chào đón hỏi thăm với Thế Tôn, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu rồi ngồi xuống một bên; có người chắp tay vái chào Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên; có người xưng tên và dòng họ rồi ngồi xuống một bên; có người yên lặng ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với các Bà-la- môn gia chủ ở tại Sala đang ngồi xuống một bên:

– Này các Gia chủ, các Ông có vị Đạo sư khả ý nào mà các Ông có lý do đặt được lòng tin không?

– Bạch Thế Tôn, chúng con không có vị Đạo sư khả ý nào để chúng con có lý do đặt được lòng tin.

– Này các Gia chủ, nếu các Ông không có một vị Đạo sư khả ý nào, thời hãy lấy pháp “không gì chuyển hướng” này mà thực hành. Này các Gia chủ, pháp không gì chuyển hướng này được khéo thọ trì, khéo thành tựu, sẽ đưa đến hạnh phúc an lạc lâu dài cho các Ông. Và này các Gia chủ, thế nào là pháp không gì chuyển hướng?

Này các Gia chủ, có một số Sa-môn, Bà-la-môn có những lập thuyết như sau, có những quan điểm như sau: “Không có kết quả của bố thí, không có kết quả của lễ hy sinh, không có kết quả của tế tự, không có kết quả, quả báo của các nghiệp thiện ác, không có đời này, không có đời sau, không có mẹ, không có cha, không có các loại hóa sanh, trên đời không có những vị Sa-môn, Bà-la-môn chơn chánh hành trì, chơn chánh thành tựu, và những vị này tuyên bố về đời này và về đời sau, sau khi đã tự chứng ngộ với thắng trí”. Nhưng này các Gia chủ, lại có một số Sa-môn, Bà-la-môn nói đối nghịch với các vị Sa-môn, Bà- la-môn kia, những vị này nói như sau: “Có kết quả của bố thí, có kết quả của lễ hy sinh, có kết quả của tế tự, có kết quả, quả báo của các nghiệp thiện ác, có đời này, có đời sau, có mẹ, có cha, có các loại hóa sanh, trên đời có những vị Sa-môn, Bà-la-môn chơn chánh hành trì, chơn chánh thành tựu, và những vị này tuyên bố về đời này và về đời sau, sau khi đã chứng ngộ với thắng trí”. Này các Gia chủ, các Ông nghĩ thế nào, có phải những vị Sa-môn, Bà-la-môn ấy nói những lời đối nghịch với nhau?

– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

– Ở đây, này các Gia chủ, những Sa-môn, Bà-la-môn nào có lập thuyết như sau, có quan điểm như sau: “Không có kết quả của bố thí, không có kết quả của lễ hy sinh, không có kết quả của tế tự, không có kết quả, quả báo của các nghiệp thiện ác, không có đời này, không có đời sau, không có mẹ, không có cha, không có các loại hóa sanh, trên đời không có những vị Sa-môn, Bà-la-môn chơn chánh hành trì, chơn chánh thành tựu, và những vị này tuyên bố về đời này và về đời sau, sau khi đã chứng ngộ với thắng trí”. Đối với những vị này, sự kiện này sẽ chờ đợi xảy ra: Sau khi từ bỏ ba thiện pháp này, thân thiện hành, khẩu thiện hành, ý thiện hành, và sau khi chấp nhận ba ác pháp này, thân ác hành, khẩu ác hành, ý ác hành, các vị này thực hành theo. Vì sao vậy? Vì những vị Tôn giả Sa-môn, Bà-la-môn ấy không thấy sự nguy hiểm, sự hạ liệt, sự cấu uế của các bất thiện pháp, sự thoát ly, sự lợi ích và sự thanh tịnh của các thiện pháp. Vì rằng có đời sau, nếu có quan điểm nào nói rằng không có đời sau, thời đó là một tà kiến. Vì rằng có đời sau, nếu có ai suy tư rằng không có đời sau, thời đó là tà tư duy. Vì rằng có đời sau, nếu có ai nói rằng không có đời sau, thời đó là tà ngữ. Vì rằng có đời sau, nếu có ai nói rằng không có đời sau, thời tự mâu thuẫn đối nghịch với các vị A-la-hán đã biết được có đời sau. Vì rằng có đời sau, nếu có ai thuyết phục người khác là không có đời sau, thời sự thuyết phục ấy chống lại diệu pháp, và vì sự thuyết phục ấy chống lại diệu pháp, người ấy khen mình chê người. Như vậy, trước khi thiện giới của người ấy bị từ bỏ, các ác giới đã được chấp trì. Và tà kiến, tà tư duy, tà ngữ, sự đối nghịch với các bậc Thánh, sự thuyết phục chống lại diệu pháp, sự khen mình chê người, như vậy các ác bất thiện pháp sai biệt này khởi lên do duyên tà kiến.

đây, này các Gia chủ, vị có trí suy nghĩ như sau: Nếu không có đời sau, thời vị này sau khi thân hoại mạng chung, tự ngã cảm thấy an toàn. Nếu có đời sau, thời vị này sau khi thân hoại mạng chung sẽ sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Nếu muốn đời sau không có đi nữa, nếu lời nói của các vị Sa-môn, Bà-la-môn ấy là đúng sự thật, thời vị này ngay trong hiện tại, bị những người có trí quở trách: “Người này theo ác giới, có tà kiến, chủ trương hư vô luận”. Còn nếu có đời sau, thời vị này cả hai mặt đều gặp bất hạnh: ngay trong hiện tại, bị những người có trí quở trách; sau khi thân hoại mạng chung, sẽ sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Như vậy pháp “không gì chuyển hướng” này bị chấp trì, bị thực hành sai lạc, bởi vị này chỉ có chấp nhận một phía, và bỏ phía thiện pháp.

đây, này các Gia chủ, những Sa-môn, Bà-la-môn nào có lập thuyết như sau, có quan điểm như sau: “Có kết quả của bố thí, có kết quả của lễ hy sinh, có kết quả của tế tự, có kết quả, quả báo của các nghiệp thiện ác, có đời này, có đời sau, có mẹ, có cha, có các loại hóa sanh, trên đời có những vị Sa-môn, Bà-la-môn chơn chánh hành trì, chơn chánh thành tựu, và những vị này tuyên bố về đời này và về đời sau, sau khi đã chứng ngộ với thắng trí”. Đối với những vị này, sự kiện này sẽ chờ xẩy ra: Sau khi từ bỏ ba ác pháp này, thân ác hành, khẩu ác hành, ý ác hành, và sau khi chấp nhận ba thiện pháp này, thân thiện hành, khẩu thiện hành, ý thiện hành, các vị này thực hành theo. Vì sao vậy? Vì những vị Sa-môn, Bà-la-môn này thấy sự nguy hiểm, sự hạ liệt, sự cấu uế của các bất thiện pháp, sự thoát ly, sự lợi ích và sự thanh tịnh của các thiện pháp. Vì rằng có đời sau, nếu có quan điểm nào nói rằng có đời sau, thời đó là một chánh kiến. Vì rằng có đời sau, nếu có ai suy tư rằng có đời sau, thời đó là chánh tư duy. Vì rằng có đời sau, nếu có ai nói rằng có đời sau thời đó là chánh ngữ. Vì rằng có đời sau, nếu có ai nói rằng có đời sau, thời không tự mâu thuẫn đối nghịch với các vị A-la-hán đã biết được có đời sau. Vì rằng có đời sau, nếu có ai thuyết phục người khác là có đời sau, thời sự thuyết phục ấy thuận với diệu pháp, và vì sự thuyết phục ấy thuận với diệu pháp, vị ấy không khen mình chê người. Như vậy, trước khi ác giới của vị ấy được từ bỏ, các thiện giới đã được chấp trì. Và chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, sự không đối nghịch với các bậc Thánh, sự thuyết phục thuận với diệu pháp, sự không khen mình chê người, như vậy những thiện pháp sai biệt này khởi lên, do duyên chánh kiến.

Ở đây, này các Gia chủ, vị có trí suy nghĩ như sau: Nếu có đời sau, thời vị này sau khi thân hoại mạng chung sẽ được sanh lên thiện thú, Thiên giới, cõi đời này. Nếu muốn cho đời sau không có đi nữa, nếu lời nói của các vị Sa-môn, Bà-la-môn ấy là đúng sự thật, thời vị này ngay trong hiện tại được những người có trí tán thán: “Người này theo thiện giới, có chánh kiến, chủ trương hữu luận”. Còn nếu có đời sau, thời vị này cả hai mặt đều gặp sự may mắn: ngay trong hiện tại, được những người trí tán thán; sau khi thân hoại mạng chung, sẽ sanh lên thiện thú, Thiên giới, cõi đời này. Như vậy, “pháp không gì chuyển hướng” này được chấp trì, được thực hành đúng đắn bởi vị này chấp nhận cả hai phía, bỏ qua hai phía bất thiện pháp”.2

Rõ là nhẹ nhàng và minh triết cách Đức Phật khuyến thiện cho mọi người. Phật nói lên lẽ thiện ác giữa cuộc đời và khuyên mọi người nên xem xét, suy nghĩ và cân nhắc cho thật chín chắn để có sự lựa chọn thích đáng. Phật chỉ làm công việc nêu trỏ và phân tích lẽ thiệt hơn giữa thiện và bất thiện, nêu rõ sự lợi ích của các quan niệm đúng đắn dẫn đến suy tư đúng đắn và hành động đúng đắn, sự nguy hại của các quan niệm sai lầm đưa đến tư duy sai lầm và hành động sai lầm. Sau khi phân tích kỹ về sự thiệt hơn giữa thiện và bất thiện, Phật nói đến thái độ của người có trí biết đánh giá đúng đắn về lẽ thiện ác và kết quả của chúng như là một cách gợi ý cho mọi người về thái độ chọn lựa giữa hai lối sống thiện và bất thiện.

Cứ theo lời Phật thì người hiểu biết nên có sự xem xét, suy nghĩ và cân nhắc cho thật chín chắn các sở kiến hay quan niệm khác nhau hiện hữu trên cuộc đời để có sự quyết định đúng đắn trong việc theo hoặc không theo một chủ trương hay đường lối nào. Chẳng hạn, suy xét rằng quan niệm “không có kết quả hay quả báo của các nghiệp (hành động) thiện ác” là một quan niệm sai lầm, vì nếu được chấp trì thì sẽ dẫn đến hệ quả là con người sẽ xem nhẹ và dễ dàng từ bỏ các hành vi hiền thiện lợi lạc thuộc về thân, lời và ý (như từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ nói lời độc ác, từ bỏ nói lời phù phiếm, từ bỏ tham tâm, từ bỏ sân tâm, từ bỏ tà kiến) và sẵn sàng làm mọi việc xấu ác bất thiện liên quan đến ba nghiệp thân, khẩu, ý (như sát sanh, lấy của không cho, tà hạnh trong các dục, nói láo, nói hai lưỡi, nói lời độc ác, nói lời phù phiếm, tham dục, sân hận, tà kiến). Một khi đã chấp trì quan niệm sai lầm và rơi vào các việc làm xấu ác bất thiện thì không tránh được các hậu quả phiền muộn khổ đau. Đó là bị người đời oán ghét chê trách và thứ hai là phải chịu quả báo tái sanh trong các cảnh giới khổ đau do hành động sai trái xấu ác mà mình đã làm, đã tích tập. Trái lại, nếu chấp nhận quan niệm “có kết quả hay quả báo của các nghiệp thiện ác” thì con người sẽ biết trân trọng điều thiện và sẽ nỗ lực làm các việc hiền thiện tốt đẹp, sẽ sinh tâm sợ hãi điều xấu ác và sẽ tránh xa các việc ác bất thiện. Do nỗ lực làm các điều thiện, từ bỏ những việc xấu ác bất thiện, nên người ấy có được một đời sống tốt đẹp cả trong đời hiện tại cũng như trong tương lai. Đó là trong khi sống thì được mọi người quý mến và ngợi ca, sau khi chết thì được quả báo tái sanh trong các cảnh giới hiền thiện an lạc tương ứng với các nghiệp hiền thiện tốt đẹp mà mình đã làm, đã tích lũy. Như vậy, cứ bình tĩnh mà suy xét theo cách Đức Phật đã chỉ bày thì con người sẽ thấy ra lối sống nào cần phải từ bỏ và nếp sống nên nỗ lực theo đuổi.

Nhìn chung, Đức Phật là một bậc Đạo sư chỉ nói lên điều chân thật và để cho mọi người tự nhận thức, tự đánh giá và quyết định về những gì Ngài nói. Phật không khuyên ép ai phải hoàn toàn tin tưởng ở Ngài, vì Phật là bậc Giác ngộ chỉ nói lên sự thật và nói đúng sự thật. Phật cũng không cố thuyết phục ai phải tin theo lời Ngài, vì những gì Phật trình bày là chân thật, hiền thiện, lợi lạc và vì Phật tin những người có suy tư chín chắn sẽ biết cách tiếp nhận những gì cần tiếp nhận. Nói cách khác, Phật chỉ thuyết pháp mà không cố thuyết phục người khác phải tin nghe, vì pháp của Phật là “thiết thực hiện tại”, “đến để mà thấy”, “có khả năng hướng thượng”, “để cho người có trí tự mình giác hiểu”. Đây hẳn là thái độ minh triết của một bậc Giác ngộ biết rõ con đường đi đến giác ngộ và biết rõ cách thức giúp cho người khác có đủ tỉnh táo và sáng suốt để tự tìm hiểu và bước đi trên con đường lợi lạc hướng đến giác ngộ.■ „

 

NGUYÊN ÁNH

Chú thích:

  1. Xem Đại kinh Sư tử hống, Trung Bộ.
  2. Kinh Không gì chuyển hướng, Trung Bộ.

Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số 184

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin