Chi tiết tin tức

"Một số nhà sư" hoang tưởng về quyền lực của mình

21:34:00 - 27/11/2013
(PGNĐ) -  Liên quan đến việc sư trụ trì tự ý đúc tượng mình mang vào chùa thờ cúng, không cho người dân vào chùa thắp hương ngày rằm, mùng một, có những biểu hiện "trần tục" xâm lấn đời sống tinh thần, PV đã có cuộc trao đổi với GS.TS Trần Lâm Biền, một trong những tác giả của nhiều cuốn sách nghiên cứu về văn hóa dân gian, tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam.

Tâm đạo, trí đạo cạn kiệt con người sẽ nghĩ đến vật chất

- Vừa qua, dư luận hết sức phẫn nộ trước những vụ lùm xùm liên quan đến nhà sư như: Sư tự ý vứt tượng cổ, "khóa môi" ca sỹ, giết "bạn gái"... Giáo sư nhận định như thế nào về những sự việc trên?

- Thực tế hiện nay, có một số nhà sư tu hành là để trốn việc đời, đi lên chùa chủ yếu gắn với kinh tế, kiếm sống. Và, khi họ có ý thức kiếm sống như vậy mà không chịu học hành thì những nhà sư đó đã tự đánh mất mình.

Người xưa vẫn dạy, tu hành tức là tu luyện, học hành (tu trong nghĩa tu luyện và phải học, còn hành là đem cái sở học của mình để dạy dỗ cho mọi người-PV) và phải lấy "từ, bi, hỉ, xả" để ứng xử. Cho nên, những người tu hành ngày xưa họ đi theo Hạnh Bồ Tát "tự độ, độ tha"- cứu được mình là cứu được mọi người được như mình, nếu như mình "tự giác, giác tha"- tự giác ngộ cũng giúp người khác giác ngộ được như mình.

GS.TS Trần Lâm Biền.

- Giáo sư nghĩ sao khi một bộ phận nhà sư hiện nay “sính”nhà lầu, xe hơi và tự ý thay đổi không gian chùa theo sở thích của mình?

- Như tôi vừa nói, những người tu hành luôn phải hướng đến tâm đạo, trí đạo. Nhưng khi trí đạo, tâm đạo bị cạn kiệt thì con người ta sẽ nghĩ đến vật chất và các nhà sư mong muốn những ngôi chùa ngày càng khang trang hơn. Nhưng nếu khang trang mà có tri thức (chứ không phải trí thức-PV) thì sẽ đi theo đúng mạch của truyền thống.

Nhưng sự khang trang ấy mà không gắn với tri thức thì chỉ là một sự khoe mẽ, tạo ra sự ồn ào xa cách đạo, nặng tính vật chất. Cho nên, các nhà chùa vẫn thường răn dạy "hảo tự, ố tăng"- tức là những ngôi chùa càng xây to lớn, kệch cỡm, nặng về vật chất thì các nhà sư ở ngôi chùa ấy sẽ không được tử tế và khó thành chính quả. Khi vật chất níu kéo, nhục thân, ứng thân, hóa thân quá nặng nề khiến cho phát thân không thoát được để trôi về miền cực lạc.

Điều đáng buồn, do trí thấp nên một số nhà sư có sự lầm lẫn, hoang tưởng vào quyền lực của mình (tức là nhầm lẫn về quyền chủ nhân-PV). Có những người do trí tuệ thấp nên khi đến ở một ngôi chùa nào đó, đi dần đến chỗ tưởng lầm mình là chủ nhân của ngôi chùa. Nhưng thực chất, chùa đó là của dân và khi được công nhận di tích quốc gia thì là của toàn dân, là di sản văn hóa truyền thống. Còn việc thờ cúng, tín ngưỡng, tôn giáo... của ngôi chùa đó chỉ là một thuộc tính của di sản ấy (chứ không phải cái duy nhất). Một số người được gọi là sư, do nhận thức không đầy đủ đã làm hoen ố cửa Phật.

Khi nhà sư cũng ngộ nhận quyền lực

- Những ngày qua, dư luận không chỉ phẫn nộ về sự "trần tục" đang xâm lấn đời sống tinh thần của một số nhà sư, mà còn phẫn nộ trước sự ngăn cấm phi lý đối với các phật tử không được đến lễ chùa. Phải chăng, ngay cả người tu hành cũng xa rời Phật, thưa giáo sư?

- Người xưa quan niệm "có chín phương trời, mười phương Phật" và Phật giáo hóa tất cả mọi chúng sinh, trong đó có cả thần linh và quỷ dữ. Cửa chùa luôn mở rộng với mọi chúng sinh để giáo hóa hướng đạo. Cho nên, việc đóng cửa chùa chỉ mở vào ngày rằm, mùng một đã là điều không đúng, mà ngày rằm, mùng một cũng không mở của chùa cho phật tử vào lễ thì đó là việc làm sai trái.

Phật dạy, phải lấy cái hạnh bố thí làm quan trọng và phải diệt trừ được "tham, sân, si, ái, ố, hỷ, nộ" thì lúc đó nhà sư mới trở thành người con gần gũi của Phật, mới có khả năng giáo hóa. Cho nên, ngày xưa, nhà sư nghe tiếng đau khổ ở đâu đó thì họ tự tìm đến để cứu vớt. Nhưng ngày nay, người nghèo mời sư đến làm lễ, không có tiền thì sư không đi. Đó là việc làm đi ngược lại lại tôn chỉ, đạo đức người con của Phật.

- Vậy làm thế nào xóa bỏ tình trạng các nhà sư có những hành động tương tự, thưa giáo sư?

- Tôi muốn nhấn mạnh một ý đã nói ở trên. Điều tai hại nhất là những sư trụ trì, nhà sư...hoang tưởng và lầm tưởng mình là chủ nhân của ngôi chùa, tự tung tự tác, vượt mặt pháp luật. Khi một di tích đã được xếp hạng, dù ở cấp nào đi chăng nữa (xã, huyện, quận, quốc gia) thì đều nằm trong sự bảo hộ của pháp luật.

Mọi ứng xử với di tích đó đều phải được pháp luật cho phép, được cơ quan chủ quản đồng ý. Còn những ai tự động động tới là không thể chấp nhận được. Họ đã không thượng tôn pháp luật, làm sai là phạm pháp. Không được lấy tư cách nhà tu hành để vượt ra ngoài pháp luật. Nhà sư cũng là công dân thì bắt buộc phải công nhận và tuân theo pháp luật. Các nhà tu hành mà lại không tuân theo luật, tự ý "ứng xử" với di sản văn hóa thì đó là điều hết sức vô lý.

Tuy nhiên, những lỗi sai đó (ngay cả việc sư trụ trì tự tung, tự tác "ứng xử" với ngôi chùa mà mình quản lý) không chỉ là lỗi của riêng của những nhà sư đã được "chỉ mặt, đặt tên" mà trách  nhiệm còn đặt vào bộ phận quản lý trực tiếp đã thiếu sự quan tâm (người bổ nhiệm cũng phải tự xem lại chính mình xem đã đi theo đúng con đường mà Phật đã dạy hay chưa?). Và nếu muốn đạt được mục tiêu bảo vệ di sản văn hóa tốt đẹp hơn (chứ chưa nói là trọn vẹn) và tự do tín ngưỡng, theo quan điểm của tôi, cần giáo dục pháp luật cho giới tu hành, kể cả các sư trụ trì, tăng ni, thầy cúng... ở các đình, chùa.

Xin cảm ơn giáo sư!
Ngân Giang - Hoàng Mai

Nguồn: người đưa tin

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin