Chi tiết tin tức

Sự cố chùa Bồ Đề và những suy nghĩ thiển cận, ích kỷ

19:47:00 - 14/08/2014
(PGNĐ) -  Nhà chùa tiếp nhận, nuôi dưỡng những trẻ cơ nhỡ, người già cô đơn là xuất phát từ cái tâm, hướng thiện. Có thể nói, trong suốt những tháng ngày gian truân, vất vả để nuôi dưỡng những mảnh đời không nơi nương tựa thì chẳng hề thấy một cơ quan nào chung tay, góp sức. Ấy vậy, khi có sự cố xảy ra thì người ta thi nhau lên tiếng chỉ trích.
Chùa Bồ Ðề (Hà Nội) được biết đến là nơi đang cưu mang gần 200 trẻ nhỏ và cụ già neo đơn, không nơi nương tựa. Và cũng nơi đây, không biết bao nhiều mảnh đời đã lớn lên và trưởng thành từ những miếng ăn từ thiện. Và cũng nơi đây, có những con người đã rũ bỏ bụi trần, quy y cửa Phật để tĩnh tâm, nhưng rồi cũng không đành lòng trước những sinh linh bé nhỏ bị chính người thân yêu nhất bỏ rơi khi còn đỏ hỏn.
 
Xưa nay cửa Phật là chốn yên bình, nhưng hàng chục năm qua, chùa Bồ Ðề luôn rộn tiếng cười con trẻ và cả tiếng khóc khát sữa. Khuôn viên nhà chùa dẫu chật hẹp cũng trở thành nơi cưu mang hàng trăm trẻ nhỏ. Theo Ni sư Thích Ðàm Lan - Trụ trì chùa Bồ Ðề, để có được khu nhà dành cho các cháu, nhà chùa đã phải bỏ ra khá nhiều tiền của.
 
Bữa cơm rộn tiếng cười, hình ảnh trẻ nô đùa nơi cửa Phật là thành quả của sự góp nhặt những mảnh vỡ số phận với nhau. Biết bao đứa trẻ thoát khỏi cảnh lang thang kiếm sống, cụ già ngửa tay xin ăn từng bữa ăn, đó là công lao của những tấm lòng từ bi hỉ xả. Họ đã góp phần cho xã hội tốt đẹp hơn, lành mạnh hơn.
 
Nhiều trung tâm nuôi dưỡng trẻ em cơ nhỡ, người già cô đơn của Nhà nước hẳn hoi chắc gì đã bằng nhà chùa. Vậy mà, khi xảy ra sự việc đáng tiếc “con sâu làm rầu nồi canh”, các cơ quan chức năng lại quay mặt đi và lớn tiếng chỉ trích.
Ni sư Thích Đàm Lan cùng những trẻ cơ nhỡ, mồ côi
Ai cũng biết, nhà chùa không phải là nhà tế bần. Nhưng tấm lòng lương thiện, bao dung, những nhà tu hành đã giang tay cưu mang chúng sinh. Trong những lúc khó khăn khốn cùng, ăn bữa sáng lo bữa chiều thì chẳng thấy bóng dáng một ban, ngành nào vào cuộc. Cơ quan chức năng bỏ mặc nhà chùa tự nuôi dưỡng, quản lý trẻ em cơ nhỡ. Ðể đến khi có sự cố thì họ quay sang đổ lỗi rằng, việc nuôi trẻ em ở chùa Bồ Ðề là không hợp pháp. Thử hỏi, có ai dám dũng cảm như trụ trì chùa Bồ Ðề Thích Ðàm Lan, mở rộng tấm lòng để cưu mang, che chở hoặc đưa những đứa trẻ này về nhà nuôi không?
 
Xin đừng có gắn chuyện mua bán trẻ em với nhà chùa và không đáng phải tổ chức hàng đoàn thanh tra, giám sát hoạt động từ thiện. Vì nếu như vậy là xúc phạm tôn giáo. Sao quý vị không nhìn nhận, việc buôn bán trẻ em không mới mẻ, mỗi năm có hàng trăm, hàng nghìn đứa trẻ bị bọn tội phạm biến thành món hàng để vụ lợi. Chúng ta cần phải xem những hành vi buôn bán trẻ em trong chùa là vi phạm pháp luật và các đối tượng này cần bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp này, việc buôn bán trẻ em diễn ra ngay trong khuôn viên một ngôi chùa, tuy nhiên những người tham gia vụ việc lại không phải là tăng, ni. Còn hoạt động từ thiện thì bao giờ cũng diễn ra ở khía cạnh nhân văn và dễ nảy sinh tiêu cực nếu như người ta lợi dụng.
 
Một thực tế đã minh chứng, nhà chùa làm được rất nhiều các hoạt động từ thiện và làm rất tốt những việc này. Còn chuyện một số người lợi dụng việc làm từ thiện thì đó là mặt trái của hoạt động đó và cũng xuất phát từ sự lỏng lẻo trong công tác quản lý. Ai sai trái đã có pháp luật trừng trị, chúng ta cũng không nên nói nhiều quá, soi mói nhiều quá vào chuyện đó làm gì. Ðặc biệt, không nên gắn việc này với tôn giáo, không nên gắn với các hoạt động từ thiện một cách đúng nghĩa của nhà chùa. Chúng ta đều biết, hai đối tượng buôn bán trẻ em không phải sư, không tu hành gì cả, vì thế chúng ta không nên quy kết lung tung, sẽ rất không hay. Chẳng qua việc buôn bán trẻ em này lại dính đúng đến nơi linh thiêng mà thôi.
 
Như lời Thượng tọa Thích Ðức Thiện - Phó tổng thư ký Hội đồng Trị sự, Chánh Văn phòng 1 Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam: Ni sư Thích Ðàm Lan là người tốt. Trong Giáo hội, ni sư Thích Ðàm Lan là người rất tích cực trong công tác xã hội và những việc làm đó là cụ thể, chứ không phải là báo cáo. Thực tế thì ni sư Thích Ðàm Lan đã được công nhận là công dân thủ đô tiêu biểu. Ðể có được những danh hiệu đó thì không phải chúng ta mơ hồ được.
 
Và sự thật cũng đã chứng minh, ni sư Thích Ðàm Lan không liên quan gì đến hành vi mua bán trẻ em do Nguyễn Thị Thanh Trang và Phạm Thị Nguyệt phạm tội. Tại buổi giao ban báo chí do Thành ủy Hà Nội tổ chức, Thượng tá Vũ Thái Hưng - Phó trưởng phòng Cảnh sát Ðiều tra Tội phạm về Trật tự xã hội Công an Hà Nội nói, chưa có chứng cứ khẳng định ni sư Thích Ðàm Lan liên quan đến vụ án. Ðể xảy ra chuyện đáng tiếc này, trách nhiệm chính phải là UBND quận Long Biên và ngành lao động - thương binh & xã hội.
 
Các cơ quan chức năng đừng làm việc theo lối, “một sự việc xảy ra thì nhảy vào để ôn quy định, nghị định, thông tư pháp luật”. Mấy chục năm qua, chùa Bồ Ðề đã cưu mang trẻ em cơ nhỡ, người già không nơi nương tựa, nhưng không than một lời. Ðúng ra, việc này phải dành cho Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội, nhưng họ lặng thinh. Ðể khi xảy ra chuyện đáng buồn thì Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội) lớn tiếng nói, nhà chùa không có chức năng để nuôi trẻ nhỏ. Ðã có nhiều văn bản đôn đốc của cơ quan chức năng địa phương và các đoàn kiểm tra của UBND quận Long Biên, chùa Bồ Ðề vẫn chưa thành lập cơ sở bảo trợ xã hội.
 
Rồi thì Sở Lao động - Thương binh & Xã hội Hà Nội lại công bố rằng, từ năm 2013, Sở đã tổ chức các đoàn kiểm tra, phối hợp với UBND quận Long Biên, UBND phường Bồ Ðề làm việc với nhà chùa và đã có kết luận ban đầu về việc nhận con nuôi vi phạm pháp luật của nhà chùa. Ðoàn kiểm tra đã yêu cầu nhà chùa tạm dừng tiếp nhận những em bị bỏ rơi, trẻ mồ côi. Vậy nếu đúng như thế sao Sở và UBND quận Long Biên không đưa các cháu đi nơi khác mà nuôi? Nếu Sở thực sự có trách nhiệm thì “xắn tay áo vào” giúp nhà chùa mới là phải đạo chứ.
 
Ở nước ta bấy lâu nay có một tình trạng, đó là các cơ quan, ban, ngành, các đoàn thể không bám sát cơ sở, không phát hiện ra những nhân tố mới, cách làm mới trong công tác xã hội. Còn người dân, trong đó có các cơ sở tôn giáo thì cứ tự phát làm. Ðầu tiên là xuất phát từ cái tâm, nhưng rồi, do thiếu kinh nghiệm, thiếu cách làm phù hợp cho nên xảy ra chuyện nọ chuyện kia. Và đến lúc đấy thì người ta sẵn sàng quy tội cho các cơ sở đó.
 
Ai cũng biết, các cơ sở tôn giáo thường rất chăm lo đến công tác xã hội, từ thiện, đặc biệt là Phật giáo và Thiên Chúa giáo. Bởi trong giáo lý nhà Phật và trong Kinh Thánh đều dạy con người phải biết chăm lo cho đồng loại, phải có lòng từ bi với chúng sinh. Và từ xưa người ta đã biết rằng, chính trị sửa được việc ngoài còn tôn giáo sửa được lòng người. Cho nên, từ rất nhiều năm nay, hoạt động xã hội, từ thiện luôn được các tín đồ tôn giáo quan tâm, thậm chí, họ coi đó là bổn phận của mình.
 
Trong khi Việt Nam ta đang có những phức tạp về trật tự an toàn xã hội, thì thiết tưởng, những sai sót như ở chùa Bồ Ðề là điều khó tránh khỏi. Nhưng, không nên “vơ đũa cả nắm” và rồi nghĩ mưu, nghĩ kế, dùng áp lực của chính quyền để xóa đi một địa chỉ từ thiện đáng tin cậy. Cũng thật là buồn, khi một số cơ quan báo chí “lao” vào bới móc đời tư của ni sư Thích Ðàm Lan. Và ẩn ý ở trong này còn cho rằng, nhà chùa là nơi kiếm tiền khá dễ dàng…
 
Thật là những suy nghĩ thiển cận và ích kỷ.
 
Bây giờ thì rõ ràng, các cơ quan chức năng không thể đứng ngoài cuộc. Nếu họ có tấm lòng đối với trẻ mồ côi thì hãy cùng nhà chùa giang tay đón nhận những mảnh đời cơ nhỡ.
 
T.M
Nguồn: http://petrotimes.vn/news/vn/dam-luan-doi-thoai/su-co-chua-bo-de-va-nhung-suy-nghi-thien-can-ich-ky.html

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin