Chi tiết tin tức

HT.Thích Gia Quang - Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN: “Cần xây dựng kháng thể xã hội, kháng thể của văn hóa tâm linh dân tộc để hạn chế nạn bất hiếu”

16:52:00 - 12/08/2014
(PGNĐ) -  Cứ đến tháng Bảy âm lịch, người dân bắt đầu chuẩn bị cho Lễ Vu Lan như một dịp tri ân báo hiếu công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Nhân dịp này, Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã dành cho phóng viên Báo Người cao tuổi cuộc phỏng vấn cởi mở…
PV: - Thưa Hòa thượng, Lễ Vu Lan năm nay được tổ chức so với các năm trước có gì thay đổi không? Số phật tử đến chùa so với trước đây như thế nào, điều đó phản ánh tâm thế gì về tín ngưỡng của người Việt Nam?
 
Hòa thượng Thích Gia Quang: - Lịch sử văn hóa dân tộc ghi nhận Phật giáo được truyền vào Việt Nam từ đầu Công nguyên. Giáo lí Đức Phật sớm được tiếp nhận, từ đó hội nhập vào đời sống văn hóa của người Việt một cách ôn hòa, sâu sắc. Hơn 2.000 năm qua, một trong những ngày lễ của Phật giáo có ảnh hưởng sâu đậm nhất đến đời sống văn hóa tinh thần của người Việt Nam là Lễ Vu Lan. Theo truyền thống, phật tử đến chùa hằng ngày để thắp hương, cầu nguyện, cầu bình an và sinh hoạt tâm linh tôn giáo theo các nghi thức Phật giáo. Ngoài mùa Xuân, mỗi dịp Vu Lan về thì bao giờ số phật tử đến chùa cũng đông hơn so với các tháng khác trong năm.
 
Năm nay, tuy đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng số lượng phật tử, bà con có tín ngưỡng tâm linh Phật giáo đến chùa vẫn đông đảo. Điều mừng nhất là ở các chùa miền Bắc hủ tục đốt vàng mã đã giảm rõ rệt; công tác tổ chức Vu Lan cũng ngày càng trở nên quy củ và đi vào hoạt động hiếu dưỡng thực chất hơn thông qua việc giảng giải hướng dẫn phật tử việc báo hiếu đúng nghĩa – theo góc nhìn của Đạo Phật.
HT.Thích Gia Quang - Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN
Qua đó, chứng tỏ đạo hiếu vẫn là nền tảng căn bản nhất của xã hội loài người, vì trước hết con người không có hiếu với cha, mẹ, ông bà tổ tiên thì không thể trở thành một nhân tố bảo đảm sự tiến bộ của xã hội. Do vậy, bên cạnh sự thờ ơ, xuống cấp về mặt đạo đức của một bộ phận trong xã hội thì đạo hiếu vẫn được duy trì và tiếp nối như mạch chảy tâm linh của dân tộc hàng nghìn năm qua.
 
PV: - Xin Hòa thượng cho biết, dịp Lễ Vu Lan ngoài việc phật tử đến chùa để thắp hương, khấn nguyện, cầu siêu cho những người thân trong gia đình đã khuất thì việc hành lễ tại gia đình của phật tử được thực hiện như thế nào?
 
Hòa thượng Thích Gia Quang: - Phật tử, bà con có tín ngưỡng đến chùa thắp hương, khấn nguyện để cầu siêu cho thân bằng quyến thuộc, cho người đã khuất thì đó là nghi thức tâm linh, là hướng về cội nguồn, hướng đến điều cao đẹp. Tuy nhiên để cho tâm thành chuyển hóa thành hiện thực cuộc sống thì cần các việc làm thiện lành của phật tử. Công đức đó không chỉ cho mình, mà còn hồi hướng để gia tiên được hưởng quả báo an lành.
 
Khi đã hiểu như vậy, thì đến chùa là nét đẹp văn hóa tâm linh, nhưng báo hiếu không phải chỉ có đến chùa, mà còn có rất nhiều cách. Có người đã ví “hiếu đạo là hiểu đạo”; nếu chưa hiếu đạo thì không thể nhận là đã hiểu đạo” được. Phật tử hành lễ tại gia, ngoài các nghi thức đến chùa thắp hương, khấn nguyện cầu siêu cho những người thân đã mất thì cần phải biết chăm lo phụng dưỡng ông bà, cha mẹ, làm ông bà, cha mẹ vui lòng và biết ơn quốc gia xã hội, ơn nhân loại chúng sinh, ơn thầy dạy đạo thì đó là nghi thức cao cả nhất vượt lên trên các nghi thức tôn giáo thông thường.
 
PV: - Thưa Hòa thượng, trước những biến tướng hiện nay có điều gì cần điều chỉnh khi thực hiện Lễ Vu Lan báo hiếu?
 
Hòa thượng Thích Gia Quang: - Đạo Phật đề cao bốn ân đức; đó là ân cha mẹ, ân Tổ quốc, ân thầy dạy đạo và ân chúng sinh. Trong đó ân báo hiếu là quan trọng bậc nhất, vì có cha mẹ mới có hình hài trên cõi đời này, và có cái thân này chúng ta mới có thể thực hiện các trọng ân khác trong cuộc đời.
 
Hiện nay, trong xã hội có những nghịch cảnh, những hình ảnh đau lòng, có người vì mải lo công việc, danh – lợi đã quên đi bổn phận làm con; hoặc có những nhận thức sai lạc trong việc ứng xử với cha – mẹ. Có kẻ mải lo kiếm tiền, nghĩ chỉ cần gửi tiền cho cha mẹ là đủ; có những người con gửi cha, mẹ vào viện dưỡng lão để khỏi phải chăm sóc, có những người con bỏ cha mẹ nằm giữa giá rét, nói và hành xử làm cha mẹ buồn lòng. Cần xây dựng kháng thể xã hội, kháng thể của văn hóa tâm linh dân tộc để hạn chế nạn bất hiếu.
 
Như vậy, Lễ Vu Lan không phải là một nghi lễ báo hiếu cha mẹ bằng cách đốt nhiều vàng mã, kính biếu trả ơn cha mẹ mà cần phải nhắm vào mục đích qua đó giáo dục truyền thống hiếu dưỡng cha mẹ cho mọi người. Tổ chức như thế nào để truyền tải được hết ý nghĩa của báo hiếu, báo ân để phật tử, mỗi người dân hiểu đúng ý nghĩa của Lễ Vu Lan thì đó là cách tổ chức thiết thực nhất. Chúng ta trong mỗi phút giây hãy nghĩ đến cha, mẹ, trong hoàn cảnh nào cũng phải ý thức rõ bổn phận làm con.
 
PV: - Trân trọng cảm ơn Hòa thượng!
 
Nhung Lê  (Thực hiện)
Nguồn: http://nguoicaotuoi.org.vn/mau-muc-hieu-thao/hoa-thuong-thich-gia-quang-pho-chu-tich-hoi-dong-tri-su-trung-uong-giao-hoi-phat-giao-viet-nam-can-xay-dung-khang-the-xa-hoi-khang-the-cua-van-hoa-tam-linh-dan-toc-de-han-che-nan-bat-hieu.html

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin