Chi tiết tin tức

Tác giả Minh Thạnh trả lời bạn đọc Nguyên Tâm

17:17:35 - 24/07/2013
(PGNĐ) -  Một trong bát chính đạo là chính ngữ. Chính ngữ không cho phép im lặng đồng ý với lời nói sai, mà trước lời nói không đúng, phải kiên trì lên tiếng lời nói đúng đắn

Em Nguyên Tâm thân mến,

Tôi cảm ơn em đã bỏ công viết cho tôi một lá thư, tuy không phải dài, nhưng cũng hơn nhiều so với những phản hồi vắt tắt. Vì vậy, tôi thấy cần phải trả lời em.

Cảm ơn em đã nêu cho tôi mục tiêu như lời kinh Phật “Cái gì là lõi cây, cái ấy sẽ tồn tại lâu dài”. Ai tu Phật cũng mong mình trở thành lõi cây để tồn tại lâu dài. Tất nhiên, mục tiêu sau cùng của tôi là như vậy, là theo lời em mong muốn. Nhưng tôi bây giờ chỉ dám khẳng định mình chỉ là mầm lá nhỏ nhoi trong khu vườn Phật học, với những bước đi đầu tiên. Để lớn lên thành cái cây có lõi, không thể coi thường giai đoạn ươm mầm. Nếu em bảo tôi chưa phải là lõi cây, điều đó hoàn toàn giống như suy nghĩ của tôi. Cái lõi trước khi là lõi, và phải một thời gian làm vỏ cây, thứ mà em không muốn. Nhưng nếu không có vỏ trước đó, thì sao có thể sau này thành lõi được em?

Tôi không có trình độ Phật học cao, vì không qua trường đào tạo Phật học. Một người cư sĩ thì chỉ có thể học Phật từ thầy bổn sư theo kiểu trao truyền thầy trò, chỉ có thể đọc sách, nghe băng, xem dĩa thuyết pháp. Em muốn tôi đi vào những vấn đề quan trọng của Phật pháp, thì không thích hợp chút nào hết!

Tôi là cư sĩ, không qua đào tạo Phật học, không dám viết bài đề tài “lõi”, lỡ mình nói bừa, nói sai thì sao? Ai đó dám làm, nhưng tôi thì chưa. Em cho tôi khoảng 10 năm đọc sách, tự học Phật nữa, thì mới có thể tập tễnh những bước đầu tiên viết bài vào những đề tài “lõi” Phật học.

Còn bây giờ, tôi vẫn muốn cúng dường Phật bảo, muốn tạo công đức. Nhưng tôi không có tiền tỷ để cúng dường, mà chỉ có sở học vài ngành học thế gian trong nhà trường. Vì vậy, tôi chỉ có thể viết những bài tìm cách ứng dụng những kiến thức mà tôi đã học vào phục vụ cho sự phát triển Phật giáo. Tôi nghĩ là dù đóng góp rất nhỏ, chỉ là phần “vỏ”, vẫn có ích cho Phật giáo phần nào và tôi vẫn được phần công đức nào đó. Tôi nghĩ như vậy thì không có gì đáng trách cả.

Nếu em muốn đọc các bài nghiên cứu Phật học phần “lõi”, hiện có rất nhiều sách vở, bài viết xuất bản hay đăng tải trên mạng, của các vị tu sĩ là cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ Phật học.

Còn ngành tôi học, như lý luận phê bình sân khấu điện ảnh, chắc không có tu sĩ nào theo học. Và trường tôi những năm 1980 chỉ đào tạo một khóa, với một lớp 15 người, rồi thôi. Mà sân khấu điện ảnh, mới đây là truyền hình, cũng dùng vào việc hoằng pháp được vậy. Lấy ai làm người nghiên cứu trên lãnh vực này? Thọ nhân duyên đó, tôi phục vụ đạo pháp bằng sở học của mình, dù là phần “vỏ”, cũng không tới nỗi vô dụng.

Tôi chọn trang web Phattuvietnam.net để cộng tác cũng vì cái “thời nay” mà em nói. Trang web có tiêu đề “Đạo pháp – Dân tộc – Thời đại”. Tôi tâm đắc chữ “thời đại” đó. Mình đang ở “thời nay”, mà không đưa đạo pháp vào “thời nay” thì đưa đi đâu? Còn thời nào nữa? “Thời nay” thì có những đặc điểm, vấn đề, yêu cầu của nó, cần phải nghiên cứu. Do vậy, kiến thức tôi học mới có chỗ vận dụng.

“Thời nay” là thời thông tin truyền thông. Phật giáo Việt Nam bây giờ mới có ban này, mới làm việc này. Như vậy, làm “thời nay” như thế có là một khuyết điểm, nhược điểm hay không?

Tôi không phục vụ được theo ý em mong muốn, thì đành vậy.

Bài của tôi xin em đừng đọc để không phải thất vọng. Nhưng tôi vẫn phải viết vì vẫn có bạn đọc yêu cầu. Tôi phục vụ những độc giả thấy là tôi cần thiết cho họ, thấy việc lấy những ý kiến thức “đời”, “thời nay” ứng dụng cho việc hoằng dương chánh pháp là hữu ích cho Phật giáo.

Tôi ngạc nhiên khi thấy em chê bai việc ứng dụng những kiến thức thế học để hoằng dương chánh pháp. Trang web Phattuvietnam.net đây, nếu không có những người học kiến thức tin học “thời nay” thì làm sao ứng dụng nó, khai thác nó phục vụ cho Phật giáo? “Thời nay” mới có trang mạng Phật giáo cho em đọc bài, mới có email cho em gửi những lời phê phán chuyện “thời nay” cho tôi xem đây.

Cũng có một số bạn đọc như em vậy. Họ không đồng quan điểm với tôi. Tôi viết đương nhiên không là phải cho họ mà cho những bạn đọc chia sẻ với tôi, đồng cảm với tôi. Tôi đâu có viết cho họ, mà bài nào họ cũng tìm đọc, rồi có ý kiến khác. Em thì lại nói là “close page” nhưng lại đưa ra những nhận xét về nội dung những bài viết của tôi, chứng tỏ em đọc nhiều. Có phải mâu thuẫn không em? Cho rằng loại này không có ích cho mình thì đừng đọc, để người nào cần người ta đọc, có phải đơn giản và thoải mái hơn chăng? Cũng như không thích chuyện đạo pháp với thời đại thì đừng vào trang Phattuvietnam.net, mà đến như viện đọc sách Hán Nôm chẳng hạn.

Em có nói tới chữ duyên. Tôi viết chuyện đạo pháp với thời đại, em không thích, là chúng ta không có duyên với nhau. Cũng vậy, em thích chuyện “lõi” nhưng bây giờ tôi chỉ có chuyện “vỏ”. Vậy thì thôi. Em cứ cố tìm xem làm gì rồi lại vướng nghịch duyên, chướng duyên rồi sinh tâm phiền não? Tu để an lạc chỉ là thôi không làm chuyện như vậy đó em. Nghe lời tôi đi, em đừng xem bài tôi viết nữa. Nói như thế tôi cũng buồn, nhưng đành vậy vì không có nhân duyên. Những thứ em muốn tôi không có được. Đừng để “oán tăng hội khổ”, “cầu bất đắc khổ” nữa.

Còn vấn đề cuối cùng em nêu ra, tôi xin trình bày như sau. Tôi tu pháp môn bát chính đạo. Một trong bát chính đạo là chính ngữ. Chính ngữ không cho phép im lặng đồng ý với lời nói sai, mà trước lời nói không đúng, phải kiên trì lên tiếng lời nói đúng đắn.

Tôi viết thậm chí “n bài” như chữ em dùng vì tôi nghĩ là tôi viết lời đúng đắn, lời chân chính, viết “chính ngữ”, tôi thấy an lạc, sung mãn. Vì vậy, nếu có viết “n bài” chính ngữ nữa thì cũng không có trở ngại gì hết.

Như tôi đang viết cho em đây, tôi thấy rất dễ chịu. Bởi, tôi nói với em sự thật. Sự thật tôi không thể đáp ứng yêu cầu của em, sự thật tôi muốn cúng dường tam bảo sở học của mình, sự thật tôi không thể im lặng thỏa hiệp với chuyện sai trái… Chính ngữ phải là sự thật, có sao nói vậy. Và khi nói khi viết chính ngữ, tôi có khả năng viết thậm chí “n bài”.

Hiện tôi đang làm cộng tác viên có thù lao hàng tháng cho một cơ quan báo chí. Tôi có thể chọn một công việc có nhiều tiền hơn và quyền hạn lớn hơn ở cơ quan đó. Nhưng tôi chọn cộng tác với thời gian tối thiểu, tất nhiên như thế thù lao không cao, để có thời gian viết bài cho Phattuvietnam.net. Mà viết choPhattuvietnam.net thì không có nhuận bút. Thế nhưng, tôi vẫn có thể viết “n bài” như em nói là vì sao, trong khi nếu dành thời gian viết “n bài” cho cơ quan tôi, tôi sẽ được tăng thu nhập?

Câu trả lời là vì đóng góp cho Phật giáo, tôi tin mình có lợi lạc, công đức, và do đó, cũng là một pháp tu. Tu mà tôi vẫn có thể vận dụng sở học của mình. Em hiểu vì sao tôi có thể viết “n bài” rồi chứ.

Ở đây cũng không có vấn đề “chẳng chịu thua ai”, không có việc hơn kém một người nào hết mà cũng không vì người đó là ai. Mà là vì lời chánh ngữ không thể im lặng trước lời nói sai trái (nếu chỉ để hơn thua, thì lo viết kiếm tiền, chứ ai hơn kém suông làm gì).

Em có thể nghĩ là tôi không viết vì lợi, thì viết vì danh?

Nếu nghĩ tới danh, thì tôi lập web hay mở blog riêng, đặt hình mình lên đó. Với bút danh như thế, bạn đọc tìm dễ dàng vào trang riêng tôi. Tôi sẽ chọn đăng những phản hồi nào vừa ý. Em nghĩ tại sao tôi không làm thế? Như vậy, là em đủ hiểu, tôi không muốn nói nhiều về việc này.

Em đừng trách tôi nữa. Em góp ý đúng, tôi không viết được vào chuyện “lõi” như ý em muốn. Nhưng chúng ta không có nhân duyên đó, chia tay sẽ an lạc, xin hãy thôi là bạn đọc của tôi. Xin chào. 

MT

 

Bác Minh Thạnh thương mến! Tấm bia sau tháp Hòa thượng Minh Châu có hàng chữ: cái gì là lõi cây, cái ấy sẽ tồn tại lâu dài.

Con xin lỗi Bác, Bác đáng tuổi cha con, nhưng con xin phép được nói lên những suy nghĩ thiển cận của bản thân mình. Có lẽ cái tôi của con lúc này đang lớn lắm, con mới đọc được mươi dòng thôi, nhưng con đã không dám đọc tiếp nữa, con sợ cơn lửa kia sẽ lan sang cho con. Đáng lẽ con đã không đọc, nhưng bài viết của Bác có lẽ đang hot, làm cho con không thể cưỡng lại tính tò mò.

Bác kính thương! 

Những khi con ngồi cùng bạn bè, cùng đàm đạo, đôi khi cũng nhắc về Bác. Con không ngần ngại khi nói rằng con thấy Bác quan tâm cái vỏ nhiều quá. Mới chiều nay thôi, con với đứa bạn đang còn lắc đầu ngán ngẩm vì cái thời đại mà sắc đẹp, vẻ bề ngoài (cái vỏ), sự giả dối, che đậy được tôn vinh. Bác biết không, sinh viên bây giờ, ngay cả sinh viên Y Khoa, ngành mà liên quan đến tính mạng con người rất lười biếng, họ không chịu học tập, trau dồi như ngày xưa thuở cha, thuở chú... 

Sao mà con thấy Bác "thời nay" quá. Giáo lý của Đức Phật xuyên suốt bởi Tứ Diệu Đế và Thập nhị nhân duyên,... Chữ Duyên ấy con chưa thấu được bao, nhưng con cũng chấp nhận rằng, chưa hoàn thành được là vì thiếu một nhân tố nào đó.

Những đề tài Bác đưa ra không phải chỉ riêng mình Bác duy nhất có những suy nghĩ ấy, cả Việt Nam này, hơn 80tr dân, chẳng qua là họ không muốn nói ra mà thôi, mà họ hành động... Bài viết của Bác đời quá, nó chẳng có mùi giáo pháp hay giải thoát gì,.... Mà toàn chất đầy những mưu toan, toan tính đời thường.

Bài nào có chữ Minh Thạnh là con close page, bởi vì có đọc cũng vậy, những thông tin hoang tưởng, xa vời, mơ hồ, rỗng tuếch, chẳng có một từ, một kiến thức, một "thông tin cần thiết" nào cho con lưu vào bộ nhớ trước khi close page, nên thà đừng đọc còn hơn.

Con phải xin lỗi Bác lại lần nữa, nhưng con thưa Bác, con thật sự mệt khi thấy Minh Thạnh lần nào cũng vậy, cố tỏ hết sức mình rằng bài viết của tôi là đúng, chưa thuyết phục được một bài thì hai bài, ba bài, thậm chí n bài. Minh Thạnh chẳng chịu thua ai, bất như ý là "đốp lại liền" mặc cho là bài viết của tôn túc hay đồng nghiệp.

Bằng tất cả những tình cảm của người con Phật, con nói lên lòng mình như một sự trợ duyên nào đó. Có thể Bác mỉm cười không hoan hỉ, nhưng con xin Bác hãy lắng nghe những lời góp ý của độc giả và của con, con là độc giả, là đối tượng của tác phẩm của Bác, con cũng là sinh viên, là thanh niên Phật tử, những mầm non của Đạo pháp. Con mong một ngày nào đó, con sẽ không close page khi gặp hai chữ Minh Thạnh.

Con kính chào Bác.
Nguyên Tâm

 

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin