Chi tiết tin tức

Vài suy ngẫm về bài báo 'Khủng bố tại Bồ-đề Đạo Tràng'

22:11:00 - 09/09/2013
(PGNĐ) -   Hàng triệu Phật tử khắp nơi trên thế giới kéo nhau về đây hành hương mỗi năm. Sự an bình ấy bất ngờ bị phá tan và mười quả bom với sức tàn phá yếu đã khiến cho hai người bị thương và gây thiệt hại cho ngôi chùa. Ba quả bom khác may mắn được tháo ngòi kịp thời. Thật vậy nào có ai dám nghĩ đến là thánh địa đó lại có thể bị vấy máu bởi sự hung bạo đâu?

Lời giới thiệu của người dịch: Gần đây có tin không hay xảy ra ở Bồ-đề Đạo Tràng, thánh địa của Phật Giáo ở Ấn Độ. Tin do hãng thông tấn AFP đưa ra, và sau đó nhiều báo chí và các trang web khắp nơi cũng đã đăng tải.

Với mục đích thông tin, chúng tôi xin lược dịch một bản tóm lược tin này trong lá thư hàng tháng do Viện Nghiên Cứu Phật Học Pháp gửi cho các thành viên, và một bài báo trong tập sanCourrier Internationnal (thuộc tổ hợp báo chí Le Monde của Pháp), chuyên đưa tin và bình luận về tình hình chính trị thế giới

Bản tin của Viện Nghiên Cứu Phật Học Âu Châu (IEB):

Sáng sớm chủ nhật ngày 7 tháng 7, một loạt gồm tám hay chín vụ đánh bom với sức nổ yếu đã khiến cho hai người bị thương và gây ra một số thiệt hại nhỏ cho ngôi chùa Đại Giác Ngộ (Mahabodhi, tại Bồ-đề Đạo Tràng ở Bodh Gaya) nơi thánh địa thiêng liêng nhất của Phật Giáo ở Ấn Độ. Vị giám đốc sở cảnh sát của tiểu bang Bihar đã thông báo ngay sau đó là "Cội Bồ-đề linh thiêng [nơi Đức Phật đạt được Giác Ngộ] không hề hấn gì"dù rằng một quả bom đã được đặt ngay bên dưới cội cây thiêng liêng này. Báo chí cũng được thông báo là có hai người bị thương nhưng không nguy hiểm đến tính mạng: một người hành hương Tây Tạng 50 tuổi và một nhà sư Miến Điện 30 tuổi.

Các vụ đánh bom phá hoại chùa chiền Phật Giáo rất hiếm xảy ra ở Ấn Độ, vì thế sự khủng bố này cũng có thể là một sự trả đũa các vụ bạo động chống lại các cộng đồng Hồi Giáo xảy ra gần đây ở Miến Điện và Tích Lan, là các nước láng giềng của Ấn Độ nhưng theo Phật Giáo. Tuy nhiên chính quyền New Delhi cũng cho biết rằng nhóm nổi loạn theo chủ nghĩa Mao (Maoism, tên của một đảng chính trị Ấn Độ theo chủ nghĩa Mao được thành lập vào ngày 21 tháng 9 năm 2004 sau khi giải tán đảng Cộng Sản theo chủ nghĩa Mác Lê-nin) mà trụ sở chính của họ là ở Bodh Gaya có thể đã nhúng tay vào vụ này.

(Nguồn Pháp ngữ: http://www.bouddhismes.net/node/1621)

Bài báo trên tập san Courrier Internationnal: (ngày 30 tháng 7, 20013, tin AFP ngày 7 tháng 7, 2013)()

Nước Ấn đang lo ngại về các cuộc đánh bom gây thiệt hại cho thánh địa Phật Giáo ở Bodh Gaya (Bồ-đề Đạo Tràng) sẽ gây ra các tác động tai hại ảnh hưởng đến các vấn đề nhân đạo và an ninh.

Đức Phật đạt được Giác Ngộ trong khung cảnh an bình của Bồ-đề Đạo Tràng thuộc tiểu bang Bihar của Ấn Độ, và nơi này ngày nay đã trở thành thánh địa của Phật Giáo.

Hàng triệu Phật tử khắp nơi trên thế giới kéo nhau về đây hành hương mỗi năm. Sự an bình ấy bất ngờ bị phá tan và mười quả bom với sức tàn phá yếu đã khiến cho hai người bị thương và gây thiệt hại cho ngôi chùa. Ba quả bom khác may mắn được tháo ngòi kịp thời. Thật vậy nào có ai dám nghĩ đến là thánh địa đó lại có thể bị vấy máu bởi sự hung bạo đâu? Thế nhưng sự kiện ấy đã xảy ra vào lúc tinh sương ngày chủ nhật 7 tháng 7 vừa qua.

Phật Giáo luôn chủ trương phi-bạo-lực, thế nhưng nền tảng tâm linh ấy hiển nhiên là không đủ sức để ngăn chận những người Phật Giáo sử dụng bạo lực. Sự kiện ấy không những xảy ra trong thời cận đại mà cả trong quá khứ nữa. Những người Khmer tàn ác đã xuất hiện trong một xứ sở Phật Giáo. Pol Pot thuở thiếu thời đã từng xuất gia. Và các nhà sư Miến Điện cũng không phải là lần thứ nhất đã thực thi bạo lực. Ở Tích lan cũng thế, Phật Giáo và sự hung bạo cũng đã từng xảy ra từ rất lâu trong lịch sử.

Theo nhà làm phim Tây Tạng Pema Dondhup Gakyil thì những người Phật Giáo cũng chỉ là những con người như tất cả những con người khác. Cuốn phim do ông thực hiện vào năm 2004 mang tựa "Chúng tôi nào có phải là những Nhà  Sư" (We're No Monks) đã nêu lên nghi vấn về tính cách cứng nhắc của một khuôn mẫu Phật Giáo phi-bạo-lực.

Ông ta kể lại rằng "Con trai tôi có lần đã hỏi tôi như thế này: một con người có thể nhẫn nhục được bao lâu?"Sự nhẫn nhục là một thứ gì đó cũng đã bị mất đi trong vương quốc Thái Lan theo Phật Giáo. Những người Hồi Giáo nổi dậy ở miền nam xứ sở này vào năm 2004 đã giết hại 5000 người. Một số các người Phật Giáo sinh sống trong vùng và trong số họ có cả một vài nhà sư, đã cầm khí giới và tổ chức các nhóm dân quân để tự vệ.

Không nên do dự

Nhiều người vẫn còn cứ muốn tìm hiểu xem tại sao Phật Giáo là một tín ngưỡng thường được gắn liền với chủ trương phi-bạo-lực lại trở thành mục tiêu của các cuộc khủng bố ở Bồ-đề Đạo Tràng. Nguyên nhân của các sự khủng bố đó có thể bắt nguồn từ một nước láng giềng của Ấn Độ, cách đấy chưa đầy 2000 cây số, nơi mà một hình thức Phật Giáo mới đang bành trướng khiến những người Hồi Giáo phải lánh đi nơi khác để tự vệ. Theo những người trong nhóm Phật Giáo mới ấy thì nếu là người Miến Đìện thì phải là người Phật Giáo. Họ sẵn sàng sử dụng dao rựa thay vì tụng niệm. Họ không nao núng và có thể đánh chết người Hồi Giáo.

Họ cũng không do dự khi đốt nhà người Hồi Giáo. Sự xung đột giữa những người Phật Giáo và Hồi Giáo do đó đã gây ra nhiều mối lo ngại cho nước Ấn. Những cuộc xung đột ấy chẳng những có thể đưa nước Ấn vào tình thế phải tìm biện pháp giải quyết vấn đề những người tị nạn Hồi Giáo Rohingyas (một sắc tộc theo Hồi Giáo sống trong vùng tây nam Miến Điện) có thể tràn vào lãnh thổ của mình, mà còn có thể tạo ra một mối lo ngại cho đất nước chúng ta nữa (có nghĩa là cho nước Pháp, bởi vì trong quốc gia này có đủ mọi sắc dân lưu ngụ). Những người phụ trách điều tra về cuộc khủng bố xảy ra ngày 7 tháng 7 ở Bồ-đề Đạo Tràng không hề loại bỏ giả thuyết cho rằng cũng có thể đây là một sự nhúng tay của nhóm Hồi Giáo cực đoan nhằm trả đũa những cuộc bạo động kỳ thị người Hồi Giáo ở Miến Điện. Dù cứ cho rằng giả thuyết đó không được vững chắc lắm bởi vì đấy chỉ là một cách phản ứng quen thuộc (mỗi khi có bạo động là nghĩ ngay đến người Hồi Giáo, trong nguyên bản là chữ rebattu, tương đương với tiếng Anh là hackeneyed, có nghĩa là tầm thường, dễ dãi), thế nhưng cũng không thể chối cãi được các sự xung đột xảy ra đã mang lại nhiều thương tổn nặng nề cho xứ Miến Điên.

Cuộc đánh bom ngày 7 tháng 7 ở Bồ-đề Đạo Tràng

Người ta cũng có thể nghĩ rằng đấy là một sự kết nối do bàn tay của xứ Pakistan nhằm lôi kéo sự chú ý đến tình trạng khẩn trương của sắc tộc Rohingyas trong các cuộc hội thảo quốc tế (chẳng hạn như hội nghị thượng đỉnh của Cơ Quan Hợp Tác Hồi Giáo / Organisation de la Coopératin Islamique, OCI / Organization of the Islamic Conference, OIC). Một cuộc khủng bố đại loại như đã xảy ra ở Bồ-đề Đạo Tràng cũng có thể khiến cho cộng đồng quốc tế phải quan tâm đến nhóm người Hồi Giáo trên đây, và đồng thời cũng có thể tạo ra thêm một sự bất ổn nào đó và một sự chia rẽ mới trong xã hội Ấn (xin hiểu là Pakistan và Ấn Độ là hai xứ thù nghịch nhau và luôn tìm dịp gây ra khó khăn cho nhau).

Nếu không thì người ta cũng có thể nghĩ rằng chính phủ Ấn cũng rất quan tâm đến tình hình căng thẳng ở Tích Lan (Sri Lanka) giữa tập thể đa số người Phật Giáo và tập thể thiểu số người Hồi Giáo, và một số những người Phật Giáo cực đoan thì lại được hỗ trợ bởi một vài nhân vật chính trị hàng đầu trong nưóc. Tuy nhiên vị cựu bộ trưởng Ngoại Giao của Ấn là Kanwal Sibal không nghĩ rằng một phong trào Phật Giáo cực đoan có thể bùng lên được. Và ông cũng cho rằng "Khác với Hồi Giáo, trong nhóm Phật Giáo cực đoan không hề có các thành phần chủ trương độc tôn Phật Giáo (trong bản gốc là pan-bouddhisme / pan-bouddhism / Phật Giáo toàn diện, pan- là một tiền ngữ trong tiếng Hy Lạp mang ý nghĩa là tất cả).

Theo giảng sư Gyana Ratna, thuộc đại học Chittagong ở Bangladesh, thì các cuộc xung đột lẻ tẻ ấy thường phát sinh từ các yếu tố không mang tính cách tôn giáo mà thật ra đấy chỉ là hậu quả của tình trạng kinh tế yếu kém. Nhất là đối với nước Miến Điện nơi mà những cảnh nghèo khổ xảy ra cùng khắp và các vụ tranh chấp kinh tế thường đưa đến những sự xung đột. Một trong các cuộc bùng nổ mang tính cách kỳ thị người Hồi Giáo trên đây đã bùng ra từ một trận cãi vã về giá cả trong cửa hàng buôn bán nữ trang của một người Hồi Giáo. Trở lại với xứ Ấn Độ thì nhiều vụ gây hấn của những người Phật Giáo cũng đã đến tai đại học Chittagong (bằng chứng là những lời phát biểu của vị giảng sư Gyana Ratna trên đây, và cũng có nghĩa là xứ Pakistan cũng rất quan tâm đến các biến cố này).

Tóm lại là có một sự bất bình nào đó trong lòng những người Phật Giáo trẻ tuổi và họ đã cố gắng kiềm hãm ý muốn là phải phục thù mạnh hơn nữa, đấy chẳng qua vì họ là thiểu số (ở Ấn Độ) và đồng thời thì họ cũng phải đặt hết niềm tin của mình vào chủ trương phi-bạo-lực. Giảng sư Ratna đã phát biểu thêm như sau: "Tôi nghĩ rằng sự hung bạo giữa Hồi Giáo và Phật Giáo rồi sẽ phải chấm dứt khi nào các yếu tố mang tính cách địa phương được giải quyết xong", sau những lời phát biểu này thì ông cũng cho biết thêm là ông cũng chỉ biết hy vọng thế thôi.

Tác giả bài báo: Debarshi Dasgupta và Pranay Sharma (lên báo ngày 22.07.13)

Hoang Phong chuyển ngữ (07.09.13)

(Nguồn Anh ngữ: ttp://www.courrierinternational.com/article/2013/07/30)

Vài lời ghi chú của người dịch:

Dù rằng được đọc bài báo khá sớm thế nhưng vì người dịch do dự không muốn một mẫu tin nhỏ biết đâu cũng có thể mang đến một mối đau buồn lớn hơn trong lòng một vài người đọc, vì thế bài báo này đã được gác qua một bên. Thế nhưng sau đó thì lại thấy Viện Nghiên Cứu Phật Học của Pháp nêu lên tin này trong mục lá thư hàng tháng, và đồng thời báo chí khắp nơi cũng có đưa tin, vì thế có lẽ cũng không nên gạt sang một bên những mẫu tin như thế.

Thật ra tất cả những phản ứng hay cảm nghĩ của mỗi người về một sự kiện hay biến cố nào đó đều tùy thuộc vào sự nhận thức của mình và tác động của nghiệp chi phối mình. Thiết nghĩ một người Phật Giáo chân chính lúc nào cũng phải chuyển tất cả những gì không tốt lành xảy ra cũng như những niềm hân hoan nếu có, trở thành một sự vắng lặng trong lòng mình. Người ấy cũng nên xem đấy như là một phương tiện tu tập giúp mình phát lộ lòng từ bi đến tất cả mọi người, dù đấy là những kẻ hung dữ và đầy hận thù đối với những người theo các tín ngưỡng khác với mình.

Thiết nghĩ chỉ xin mạn phép nêu ra đây một vài chi tiết trong bản tin trên đây để cùng suy ngẫm với người đọc.

- Ý nghĩ trước hết có thể hiện ra trong đầu chúng ta là nước Ấn đã giành được độc lập không phải bằng súng đạn mà bằng sức mạnh phi-bạo-lực của một con người là Mahatma Gandhi. Mahatma Gandhi đã được thừa hưởng cái sức mạnh phi-bạo-lực đó mà Đức Phật để lại cho dân tộc Ấn. Cái sức mạnh ấy dường như vẫn bàng bạc từ hàng ngàn năm trong không gian thật an bình của Bồ-đề Đạo Tràng, thế nhưng cái không gian an bình ấy bỗng nhiên đã bị phá tan bởi những tiếng nổ của một chục quả bom, những tiếng nổ ấy phải chăng là của hận thù và uất hận, hay là của mưu mô?

- Điều thứ hai đáng để chúng ta suy ngẫm là vào năm 2004, những người Hồi Giáo nổi dậy ở miền nam Thái Lan đã giết hại 5000 người. Một số các người Phật Giáo sinh sống trong vùng và trong số họ có cả một vài nhà sư, đã cầm khí giới và tổ chức các nhóm dân quân để tự vệ. Ngược về lịch sử thì người Phật Giáo cũng không quên là vào thế kỷ XII các đạo quân Hồi Giáo xâm lăng Ấn Độ đã giết hại tăng sĩ, đốt phá kinh sách và chùa chiền. Một đạo quân do tướng Muhammad Bakhtiyar Khalji san bằng đại học Na-lan-đà vào năm 1190, lúc đó có hơn 10 000 nhà sư đang tu học. Các biến cố bạo lực này đã quét sạch Phật Giáo trên đất Ấn, thế nhưng không thấy lịch sử ghi chép gì về phản ứng của những người Phật Giáo lúc bấy giờ, phải chăng cũng chỉ là một sự nhẫn nhục và phi-bạo-lực? Chúng ta chỉ biết rằng Phật Giáo ngày nay vẫn trường tồn và bành trướng trên thế giới.

- Điều thứ ba đáng để ý là cảnh sát tiểu bang Bihar cho biết rằng cội Bồ-đề vẫn còn nguyên, dù rằng một quả bom đã được đặt ngay bên dưới cội cây. Thật ra cội Bồ đề cũng đã từng bị bà hoàng hậu vợ của vua A-dục thiêu rụi vào thế kỷ thứ III trước Tây Lịch. Cội Bồ-đề ngày nay chỉ là một chồi cây đâm lên trở lại từ lòng đất. Nếu chúng ta xem các sự kiện trên đây là "phép lạ" hay một sự "thiêng liêng" nào đó thì tất cả cũng chỉ là vô thường. "Phép lạ" hay sự "thiêng liêng" chỉ sống động trong con tim của mình mà thôi. Không có ai làm "phép lạ" cho mình xem, cũng không có ai đem một "lá bùa thiêng liêng" nào cột vào gốc cây cả.

- Điều thứ tư cần nêu lên là những người điều tra đưa ra đủ các giả thuyết liên quan đến những âm mưu chính trị bên trong nước Ấn và cả ở các nước láng giềng. Phải chăng đây cũng là một cách vạch trần giúp chúng ta nhìn thấy những mưu đồ trong thế giới này, và nếu nhìn theo một khía cạnh khác thì đấy cũng là một sự cảnh giác đối với chúng ta. Một người tu tập chân chính không nên và cũng không được tham gia vào những mưu đồ ấy, bởi vì đến một lúc nào đó chúng ta cũng sẽ cảm thấy mình chỉ là một nạn nhân hay một con cờ cho người khác lợi dụng và sai khiến.

Nói lên điều đó không có nghĩa Phật Giáo là một tôn giáo yếu hèn, thụ động và chủ trương sự rút lui, mà đúng hơn Phật Giáo là một tín ngưỡng dấn thân và tích cực. Đọc hay viết những dòng chữ này cũng đã là một hình thức dấn thân rồi. Nếu muốn dấn thân tích cực hơn nữa thì chúng ta cũng có thể tìm mọi cách chân thật và phi-bạo-lực để biến cải và cảm hóa những người làm chính trị bằng sự hy sinh và tình thương yêu của mình, nhằm đưa họ trở về với con đường ngay thật, lương thiện và bao dung. Thế nhưng sự dấn thân đó tuyệt nhiên không thể là cách cùng tham gia vào các mưu đồ của họ, dù theo chiều hướng này hay chiều hướng khác.

- Điều thứ năm để suy ngẫm là một trong những cuộc bạo động xảy ra ở Miến Điện đã được châm ngòi từ một cuộc cãi vã trong một cửa hiệu nữ trang của người Hồi Giáo. Trước hết đã là một người Phật Giáo thì không được bước vào một cửa hiệu nữ trang. Thế nhưng nếu vì quá ham muốn những thứ trang sức ấy và không nhớ đến lời Phật dạy mà cứ bước vào một cửa hàng buôn bán nữ trang, thì ít ra một người tu tập cũng phải biết ý thức từng ngôn từ và hành động của mình. Sự kiện xảy ra như thế có nghĩa là gì? Có nghĩa là dù trong những nước Phật Giáo thì cũng vẫn có những con người vô minh. Do đó cũng không nên nêu lên trường hợp của Pol Pot để chê trách những quốc gia Phật Giáo. Tại sao lại không nên chê trách? Bởi vì trong các quốc gia ấy không phải chỉ có những người như Pol Pot hay những người mua nữ trang thích gây sự, mà còn có những con người khác nữa, thật bình dị, bình dị như mỗi người chúng ta hôm nay, khi chúng ta không xem mình như là một que diêm sẵn sàng bật ra những tia lửa, mà chỉ xem mình như là một lọ dầu để xoa dịu những vết đau cho kẻ khác.

- Sau cùng thì người dịch chợt nhớ đến câu chuyện người con trai của một nhà làm phim Tây Tạng đã hỏi cha mình rằng :"Con người có thể nhẫn nhục được bao lâu?" Nếu là một người Phật Giáo chân chính thì chúng ta phải trả lời như thế nào? Thật hết sức giản dị: "Cho đến khi nhắm mắt xuôi tay!".

Bures-Sur-Yvette, 07.09.13

 

 Hoang Phong

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin