Chi tiết tin tức “Luật bất thành văn” ở lễ hội Chùa Hương 17:03:00 - 08/02/2014
(PGNĐ) -
Mặc dù du khách đã bỏ tiền mua vé để được vào Chùa Hương lễ viếng và tham quan, nhưng có một luật mà các du khách không thể “tránh” tại lễ hội Chùa Hương chính là thương lượng giá cả ngồi đò vào chùa.
Đây được xem như “luật bất thành văn” ở Chùa Hương mà ngay cả ban tổ chức lễ hội cũng không thể can thiệp? Chùa Hương được biết đến là một quần thể văn hóa – tôn giáo Việt Nam, gồm hàng chục ngôi chùa thờ Phật, vài ngôi đền thờ thần, các ngôi đình thờ tín ngưỡng nông nghiệp. Cùng với đó là phong cảnh thiên nhiên đẹp với điểm nổi bật là suối Yến trải dài 4 km dẫn vào các đền, chùa và “Nam thiên đệ nhất động” – động Hương Tích. Tuy nhiên, để được vào lễ viếng và tham quan quần thể văn hóa, tôn giáo Chùa Hương thì du khách phải bỏ ra một số tiền không nhỏ. Ban tổ chức lễ hội Chùa Hương đã bán vé vào cửa với giá niêm yết là 85 nghìn đồng/người, trong đó giá vé tham quan là 50 nghìn đồng/người và giá vé đi đò khứ hồi là 35 nghìn đồng/người. Nhưng khi cầm trên tay những chiếc vé này, du khách vẫn không thể bước lên đò khi chưa có sự thỏa thuận với các chủ lái đò. Nếu muốn ngồi đò, phải chi ra số tiền từ 40 nghìn đồng hoặc cao hơn, tùy vào cái “gật đầu” đồng ý của người lái đò. Khi nhóm PV báo Lao Động vừa đến cổng khu quần thể Chùa Hương, đã có nhiều chủ lái đò và “cò mồi” săn đón, chào hỏi với thái độ nhiệt tình kèm theo đó là giá cả. Một người phụ nữ đon đả níu tay nói: “Đi đò vào chùa em nhé! Chị lấy mỗi người 50 nghìn đồng thôi. Em không cần ra điểm bán vé mua đâu, chị bán luôn. Tổng cả chị lấy của em 135 nghìn đồng”. Khi đề nghị được xem vé trước, người phụ nữ này nhanh tay móc từ trong túi áo một tệp vé và nói ngay: “Chị mua ở điểm bán vé nên em yên tâm. Ở đây có cả vé tham quan và vé đi đò của ban tổ chức. Chỉ cần em đưa thêm mỗi người 50 nghìn đồng phí đò nữa cho chị là đi luôn, đỡ phải mất công ra điểm mua vé”. Thắc mắc về việc ban tổ chức đã bán vé đi đò nhưng vẫn phải mất tiền thương lượng với chủ lái, chúng tôi tìm đến quầy bán vé lễ hội Chùa Hương hỏi thì được biết đây là “luật bất thành văn” ở Chùa Hương mà bất cứ ai đến cũng phải thực hiện. Nhân viên bán vé cho biết: “Theo quy định, khi du khách mua vé tham quan và vé đò của ban tổ chức lễ hội rồi thì không phải trả bất kỳ khoản tiền dịch vụ đò nào nữa. Tuy nhiên, bao đời nay ở Hương Sơn, việc đi đò vào chùa, du khách sẽ phải thương lượng với người lái đò, nếu thấy hợp lý và ưng thì người lái đò sẽ chở. Đây là luật bất thành văn ở Chùa Hương”. Trước quầy bán vé, nhiều chủ đò, “cò mồi” vây quanh du khách mời gọi mua vé, “bỏ quên” quầy vé của ban tổ chức lễ hội ngay trước mặt. Giá vé từ các “cò” vẫn giữ nguyên 85 nghìn đồng, nhưng để được bước lên đò ngồi thì du khách phải trả một số tiền được gọi là “phí thương lượng” khoảng 40 – 50 nghìn đồng/người. Thậm chí, khi thiếu đò, người chủ đò sẽ hét giá 100 – 150 nghìn đồng/người hoặc “bán khách” cho các đò khác với giá chênh lệch có “hoa hồng”. Trao đổi với PV, ông Nguyễn Chí Thanh (Trường ban quản lý khu di tích và thắng cảnh Hương Sơn) cho biết: “Tình trạng này là một trong những bất cập, hạn chế của lễ hội Chùa Hương mà nhiều người đã thắc mắc. Chúng tôi đã niêm yết giá và bán vé tham quan, đi đò nhưng việc du khách phải thương lượng giá cả đi đò với chủ đò thì khó tránh khỏi. Nếu như chỉ có một hoặc hai du khách cầm vé mua của ban tổ chức xuống đò và bắt người ta chở thì rất khó và mất công cho họ, vì họ sẽ không đủ tiền công chở. Giá vé đò của ban tổ chức là 35 nghìn đồng/người, khi chở, chủ đò chỉ được 32 nghìn đồng/người vì phải đóng thuế. Nếu đông người thì không sao, nhưng nếu ít quá thì thực sự không ai muốn chở cả. Chúng tôi đang tham mưu, khoán cho cả một chuyến đò đi cùng một giá tiền, dù ít người hay nhiều người cũng theo giá đó”. Được biết, lễ hội Chùa Hương 2014 sẽ tiếp tục diễn ra trong 3 tháng liên tục, bắt đầu từ ngày 5.2 (mùng 6 tháng Giêng). Năm nay, ban tổ chức lễ hội Chùa Hương đã thông báo số điện thoại nóng của những người có trách nhiệm để giải quyết các vụ việc liên quan tại lễ hội để du khách có thể yên tâm lễ viếng và tham quan tại khu quần thể văn hóa – tôn giáo Chùa Hương. Hữu Tuấn
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |