Chi tiết tin tức

Bài viết về cải đạo Phật tử trên tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo

10:01:00 - 21/07/2014
(PGNĐ) -  Chúng tôi xin giới thiệu bài nghiên cứu về cải đạo tín đồ Phật giáo Khmer ở tỉnh Trà Vinh của PGS.TS Trần Hồng Vân, Viện Khoa học Xã hội Vùng Nam bộ, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, đăng trên tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo số 05 (131), 2014, trang 47.

Cho đến nay vẫn có người coi việc cải đạo tín đồ Phật giáo là chuyện cá biệt, không quan tâm, không đáng nói tới. Cũng như, nghĩ rằng chỉ có trang tin Phattuvietnam.net đăng bài về cải đạo, và chỉ có Minh Thạnh viết về đề tài này.

Để bạn đọc không hiểu lầm như vậy, trong bài viết này, chúng tôi xin giới thiệu bài nghiên cứu về cải đạo tín đồ Phật giáo Khmer ở tỉnh Trà Vinh của PGS.TS Trần Hồng Vân, Viện Khoa học Xã hội Vùng Nam bộ, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, đăng trên tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo số 05 (131), 2014, trang 47.

Ở tựa đề bài nghiên cứu, tác giả không dùng từ cải đạo, mà thay vào đó là cụm từ “chuyển đổi tôn giáo”. Tuy nhiên, đi vào nội dung trong bài nghiên cứu, ở nhiều chỗ tác giả đã chuyển sang dùng từ cải đạo.

Chúng ta điều biết, hoạt động cải đạo tín đồ Phật giáo tại Việt Nam diễn ra một cách tổng lực, đều khắp ở mọi địa phương, mọi dân tộc, mọi thành phần.

Tuy nhiên, cải đạo đối với Phật tử người Khmer là việc rất đặc biệt, nhất là khi nó diễn ra tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, địa bàn cư trú lâu đời của người Khmer.
Mặc dù tiến hành hoạt động cải đạo đối với người Khmer lao động nhập cư ở các thành phố lớn dễ đạt được kết quả hơn, có nhiều thuận lợi hơn, vì đã sẵn cộng động tôn giáo tiến hành cải đạo, đã sẵn nhà thờ, nhưng nay bàn tay cải đạo đã thò đến tận vùng làng quê người Khmer cư trú ở Tây Nam Bộ. Theo bài nghiên cứu của tác giả Trần Hồng Liên, thì trong 10 năm nay việc cải đạo đã có kết quả. Tức là đã có người bỏ đạo Phật mà cải đạo, dù chỉ là số ít.

Bài nghiên cứu trích dẫn một phần để giới thiệu dưới đây sẽ cho chúng ta thấy tại sao có thể nói “đây là hiện tượng rất đáng chú ý”. Bằng cái nhìn của một nhà nghiên cứu, tác giả Trần Hồng Liên coi là “rất đáng chú ý”. Nhưng tôi, từ cái nhìn của người Phật tử, nhất là Phật tử Nam tông, thì coi là rất đáng lo ngại và rất nghiêm trọng cho Phật giáo.

Phật tử Nam tông nói chung có tín tâm rất cao. Hoạt động cải đạo tín đồ Phật giáo ở khu vực Phật giáo Nam tông thường không đưa lại kết quả. Các số liệu kết quả cải đạo ở các nước như Sri Lanka, Miến Điện, Thái Lan… cho thấy điều này. Cộng đồng Phật giáo Nam tông, có thể nói, là thành trì kiên cố bảo vệ tín đồ Phật giáo.

Khó có thể có điều gì, dù là vật chất, có thể làm họ bỏ đạo Phật. Tín đồ Phật giáo Nam tông Khmer ở miền Tây Nam bộ Việt Nam cũng thế. Phật giáo chẳng những là một tôn giáo, mà đối với người tín đồ Phật giáo Nam tông, còn là truyền thống, là phong tục, tập quán.

Sự gắn kết trong đời sống làng mạc, 100% theo đạo Phật, cũng là một yếu tố góp phần giữ gìn đạo Phật ở người Khmer Tây Nam Bộ. Cải đạo, người theo tôn giáo mới sẽ trở nên lẻ loi giữa cộng đồng dân cư Phật giáo. Sẽ có nhiều khó khăn, đối với cộng đồng các tôn giáo hình thành từ việc cải đạo tín đồ Phật giáo tồn tại giữa lòng làng xóm Khmer đều là Phật tử. Nên dù có cải đạo ở người Khmer tại chính làng quê của họ thì cũng khó mà giữ được kết quả cải đạo.

Tuy nhiên, bài nghiên cứu của tác giả Trần Hồng Liên cho thấy một kết quả không phải như vậy. Đây là việc cải đạo đã có kết quả!

Như vậy, thành trì tín tâm của người theo đạo Phật ở đoạn kiên cố nhất, vững chắc nhất, đã bị chọc thủng. Điều này diễn ra ở khu vực nông thôn chi phối bởi ảnh hưởng tuyệt đối của mái chùa Phật giáo. Chúng tôi coi là rất đáng lo ngại và rất nghiêm trọng là vì vậy. Cải đạo được tín đồ Phật giáo Nam tông Khmer ngay tại làng quê Tây Nam Bộ như thế thì không có một khu vực đối tượng tín đồ Phật giáo nào là miễn nhiễm trước bàn tay cải đạo nữa.

Việc cải đạo có kết quả đối với tín đồ Phật giáo Nam tông Khmer tại chính làng quê Tây Nam Bộ (không phải chỉ là dân nhập cư ở các thành phố) đã đánh dấu ấn tiêu cực vào sự phát triển của Phật giáo Nam tông Khmer nói riêng, Phật giáo Việt Nam nói chung.

Như vậy, là Phật giáo Việt Nam đã bị cải đạo từ tất cả mọi phía, kể cả phía tưởng chừng như đã được phòng vệ kiên cố nhất. Qua bài báo, chúng ta sẽ thấy những cứ điểm cải đạo đầu tiên đã hình thành ở làng quê tỉnh Trà Vinh. Đối với việc cải đạo tín đồ Phật giáo Khmer Trà Vinh, người ta đã làm được việc khó khăn nhất là cắm chốt vào giữa lòng làng quê Phật giáo. Công việc tiếp theo là vết dầu loang, chắc sẽ có kết quả nhanh hơn.

Bài nghiên cứu của tác giả Trần Hồng Liên gióng lên một tiếng chuông báo cho giới Phật giáo, nhất là các nhà lãnh đạo Phật giáo. Các nhà lãnh đạo Phật giáo Việt Nam thường không quan tâm đến việc cải đạo. Tất nhiên, với nhận thức như thế thì không thể có biện pháp phòng chống cải đạo, giữ gìn đạo Phật.

Nay bài đăng trên tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo đã phản ánh thực trạng như vậy ở một khu vực tưởng chừng như bất khả xâm phạm của Phật giáo ở Việt Nam, thì quả thực, vấn đề đã trở nên hoàn toàn khác. Phật giáo Nam tông với tín đồ Khmer còn có việc cải đạo như thế, thì huống chi là ở những cộng đồng Phật giáo khác tại Việt Nam. Chỉ có điều là do đặc thù địa bàn, vấn đề cải đạo Phật tử Nam tông Khmer ở Trà Vinh cộm lên ngay. Còn ở các nơi khác, trong môi trường đa tôn giáo, thì việc cải đạo tất yếu sẽ trộn lẫn khó nhận biết dù có thể là hậu quả đã rất nặng nề cho Phật giáo Việt Nam.

Dưới đây là trích dẫn một phần bài nghiên cứu có nhan đề “Sự chuyển đổi tôn giáo trong người Khmer ở Trà Vinh hiện nay”. Để đọc toàn văn, xin tham khảo Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo số 5 (131), 2014:

 “2. Khái quát về động thái của Phật giáo Nam tông và Tin lành trong người Khmer ở Trà Vinh hiện nay

2.1. Phật giáo Nam tông Khmer

Phật giáo Nam tông là tôn giáo chủ đạo trong cộng đồng người Khmer ở Tây Nam Bộ. Theo số liệu thống kê Tổng Điều tra Dân số năm 2009, cả nước có 1.260.640 người Khmer, 452 ngôi chùa Khmer trên toàn quốc được khắc dấu. Những ngôi chùa này phân bố đều khắp tại các tỉnh thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Như vậy, ngoài một số ít người Khmer theo Công giáo từ thế kỷ XIX ở huyện Long Phú (Sóc Trăng), đại đa số người Khmer theo Phật giáo Nam tông. Riêng tỉnh Trà Vinh có 141 ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer, với 3.266 sư sãi và 305.000 Phật tử. Các chùa tập trung hầu hết ở thành phố Trà Vinh và các huyện Trà Cú, Cầu Ngang, Cầu Kè, Tiểu Cần, Châu Thành, Duyên Hải, Càng Long.

Bảng phân bố chùa Khmer trong tỉnh Trà Vinh:

STT    Huyện/Thành phố    Số chùa
1    Trà Cú    44
2    Cầu Ngang    23
3    Cầu Kè    22
4    Tiểu Cần    15
5    Châu Thành    15
6    Duyên Hải    07
7    Càng Long    04
8    Thành phố Trà Vinh    11

Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước các cấp, đời sống vật chất và đời sống tinh thần của nhân dân trên địa bàn tỉnh Trà Vinh ngày càng được nâng cao. An ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, từ đó sinh hoạt tôn giáo cũng dần đi vào ổn định. Việc tu học của sư sãi, việc trùng tu và xây mới cơ sở thờ tự ngày càng được quan tâm. Điều này làm cho chức sắc, sư sãi, tín đồ Phật giáo Nam tông Khmer yên tâm, phấn khởi, hăng hái tham gia vào nhiều phong trào xây dựng và phát triển đất nước.

Tuy nhiên, trong khoảng 10 năm trở lại đây, sinh hoạt của tu sĩ Phật giáo Nam tông Khmer có nhiều thay đổi. Tình trạng thanh thiếu niên Khmer vào chùa tu học theo tập quán truyền thống, với thời gian tối thiểu là 3 năm, hiện nay đã thay đổi. Thời gian vào tu học trong chùa ngày nay đôi khi chỉ còn ba ngày. Sự việc này đưa đến hai hệ quả là, trong nhiều ngôi chùa, Sư Cả có tuổi đời rất trẻ, thường chỉ khoảng trên 30 tuổi. Số tu sĩ nhiều tuổi rất ít, thậm chí là không có, để có thể đứng ra đảm nhiệm việc quản lý chùa. Ngoài ra, cũng xuất phát từ việc thiếu vắng người đi tu, nên hiện nay, số tu sĩ trong chùa Khmer đã giảm hẳn.

Các vị Sư Cả (Lục Kru), do tuổi đời còn trẻ, chưa có kinh nghiệm trong cuộc sống, chưa am hiểu sâu sắc về phong tục tập quán của tộc người mình, nên không thể quản lý tốt cộng đồng dân cư như trước đây. Họ chưa có đủ uy tín và đức độ để có thể đứng ra hòa giải tranh chấp, mâu thuẫn trong gia đình, phum sóc góp phần tạo nên tinh thần đoàn kết, ổn định trong sinh hoạt đời thường. Trụ trì vừa trẻ lại vừa ít kinh nghiệm sống, nên đa số chùa Khmer khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay tuy có người đứng ra trụ trì chùa, nhưng vẫn chưa có sự bổ nhiệm chính thức.

Do nhu cầu nâng cao kiến thức, khá nhiều sư sãi Khmer ở Nam Bộ đã sang Campuchia học đạo. Hiện tượng này diễn ra khá phổ biến trong các địa phương có đông người Khmer cư trú như An Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Vĩnh Long,…; tạo nên tình trạng mất ổn định trong vùng, vì chưa xác định được thời gian họ tu học ở nước ngoài, chưa nắm rõ được mục đích họ xuất cảnh vì lý do tu học hay vì nguyên nhân nào khác.

Những thay đổi trong sinh hoạt đạo của sư sãi là một trong nhiều nguyên nhân đưa đến việc cải đạo của người Khmer ở Trà Vinh từ Phật giáo Nam tông sang Tin Lành.

2.2. Tin Lành

Ngay từ năm 1925, Hệ phái Liên hiệp Truyền giáo Phúc Âm (CMA) đã có mặt tại Trà Vinh. Đến nay, với 12 hệ phái hoạt động trên địa bàn tỉnh, đã có ba Mục sư đang lãnh đạo tinh thần cho 1.286 tín đồ. Trong số này, 430 tín đồ là người Khmer.

Địa bàn người Khmer theo Tin Lành tập trung nhiều tại các huyện: Trà Cú, Duyên Hải, Tiểu Cần, Châu Thành, Càng Long… Đây là những huyện có đông người Khmer cư trú. “Các tổ chức, hệ phái Tin Lành có pháp nhân cơ bản tuân theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, hoạt động của một số tổ chức, hệ phái chưa được cấp đăng ký sinh hoạt tôn giáo rất phức tạp, tập trung truyền đạo trái phép trong vùng đồng bằng dân tộc thiểu số, nhằm phát triển tín đồ, phô trương thanh thế, tạo ảnh hưởng để tiến tới xin đăng ký sinh hoạt điểm nhóm”.

Các nhóm Tin Lành chưa được cấp phép sinh hoạt không ổn định, thường xuyên chuyển đổi hệ phái, hoặc tách riêng ra, tự phong chức, tự đặt tên mới cho hệ phái.

Vì vậy, các điểm nhóm này chưa có đường hướng, phương châm hoạt động rõ ràng.

Thông qua các hoạt động từ thiện xã hội, các điểm nhóm Tin Lành này đã gây được ảnh hưởng nhất định, dẫn đến việc người Khmer cải đạo. Ngoài ra, với sự tự bổ nhiệm, các tổ chức Tin Lành đã dùng người Khmer tuyên truyền trong cộng đồng Khmer, trong tỉnh Trà Vinh, rồi lan sang các tỉnh lân cận và sang cả Campuchia để truyền đạo.

Kết quả là, trong vòng 10 năm trở lại đây, số người Khmer theo Tin Lành tăng lên: từ 15 người ở xã Ngũ Lạc, trong 5 năm (2005-2010), số theo Tin Lành ở đây đã tăng thêm 121 người.

3. Một số suy nghĩ bước đầu về hiện tượng cải đạo

- Phật giáo Nam tông là tôn giáo chủ đạo của người Khmer nhiều thế kỷ qua. Với cơ cấu tổ chức xã hội mang tính khép kín trước đây, người Khmer không dễ dàng đón nhận những yếu tố văn hóa du nhập từ bên ngoài. Tuy nhiên, do phong tục tập quán truyền thống đã dần bị biến đổi từ bối cảnh phát triển kinh tế của đất nước, ngôi chùa Khmer ngày càng ít dần thanh thiếu niên vào chùa tu hành với thời gian khá lâu dài như trước đây. Điều này làm cho đa số Sư Cả hiện nay có tuổi đời khá trẻ, mất dần ảnh hưởng đối với tín đồ. Đây phải chăng là một trong nhiều nguyên nhân quan trọng đưa đến tình trạng một số người Khmer do thiếu sự gần gũi, thiếu những lời khuyên răn, dạy bảo của Sư Cả đã bỏ chùa, bỏ đạo, để tin và nghe theo những lời khuyến dụ của người ngoài đạo, dẫn đến tình trạng cải đạo?

- Về phía các điểm nhóm Tin Lành chưa được cấp phép hoạt động, họ cần có ngay một số lượng người theo đạo để có điều kiện được cấp phép. Việc truyền bá Tin lành từ các điểm nhóm chưa được cấp phép là hiện tượng không bình thường. Họ đã tạo ảnh hưởng bằng nhiều cách như tuyên truyền, nói xấu tôn giáo khác, ép ký tên vào đạo trước khi nhận quà.

Về phía chính sách nhà nước, từ giữa thập niên 80 thế kỷ XX đến nay, chính quyền tỉnh Trà Vinh đã thực hiện kế hoạch lập vùng giãn dân ở huyện Trà Cú, đưa người Khmer ra sống ven hai bên bờ kinh cấp 1 và cấp 2. Toàn địa bàn tỉnh có trên cả ngàn héc ta vùng giãn dân. Buổi đầu, do không có sự hỗ trợ của Chương trình Dân tộc, Chương trình 134, Chương trình 135…, người Khmer còn thiếu nước, thiếu điện và thiếu đất sản xuất. Nhưng sau khi có kế hoạch về điện, đường, trường, trạm của Chương trình 134; giải quyết nhà ở và đất sản xuất của Chương trình 135, cuộc sống của người Khmer đã dần ổn định. Cuộc sống xen cư, cộng cư giữa người Kinh và người Khmer đã mang lại hiệu quả trong sinh hoạt, hỗ trợ nhau về kinh nghiệm trong chăn nuôi, buôn bán nhỏ, nuôi cá và trồng cây ăn trái. Tuy nhiên, sự cộng cư cũng tạo ra không ít khó khăn cần được nhanh chóng giải quyết, đó là nhà ở và đất sản xuất cho người dân (Chương trình 135). Chính quyền chưa thể có đủ vốn để giải quyết hết nhà ở, cũng chưa có đủ quỹ đất chung, nên người Khmer phải chuyển nghề. Người Khmer cần được cung ứng về vật chất để phục vụ cuộc sống hằng ngày của họ.

Các điểm nhóm Tin lành, khi truyền đạo, đã dùng vật chất để đáp ứng được phần nào sự thiếu thốn này.

Như vậy, những tồn tại nêu trên, cùng với xu thế mở do cấu trúc xã hội của người Khmer đã thay đổi tạo điều kiện cho các yếu tố giao lưu văn hóa có điều kiện thâm nhập dễ dàng vào cộng đồng người Khmer, trong đó có Tin Lành.

-    Trong thời gian tới, bối cảnh đất nước và quốc tế có nhiều biến động, hiện tượng cải đạo, nhạt đạo trên thế giới sẽ tác động đến Việt Nam. Cá điểm nhóm Tin Lành chưa được cấp phép sẽ tiếp tục truyền đạo và cộng đồng người Khmer trong điều kiện từng ngôi chùa Khmer ở Trà Vinh ngày càng ít dần số tu sĩ có uy tín, giàu kinh nghiệm đạo và đời.

Vấn đề thành lập các điểm nhóm Tin Lành mới vẫn còn tiếp tục là vấn đề nhạy cảm tại nhiều vùng Khmer trong tỉnh Trà Vinh và có xu hướng phát triển mạnh ở Campuchia với tính cách liên quốc gia và xuyên biên giới.

4. Kết luận

Việc một số người Khmer ở Trà Vinh chuyển đổi từ Phật giáo Nam tông sang Tin Lành thời gian gần đây đã và đang gây ra bất ổn định xã hội. Do vậy, chính quyền các cấp, cùng với sư sãi trong từng ngôi chùa Khmer cần có biện pháp tăng cường hỗ trợ cả về vật chất lẫn tinh thần cho người Khmer. Tại những vùng có người Khmer cư trú, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Trà Vinh thường xuyên phối hợp với Ban Quản trị chùa Khmer nâng cao cảnh giác với việc tuyên truyền lôi kéo người Khmer theo Tin lành. Mọi sự phát triển trong xã hội đều cần có sự ổn định. Ổn định để phát triển và phát triển bền vững./.

Chú thích:

1.    Số liệu Cổng thông tin điện tử tỉnh Trà Vinh, tháng 10/2013.
2.    Số liệu Cục thống kê tỉnh Trà Vinh năm 2011.
3.    Số liệu Tổng Điều tra Dân số năm 2009.
4.    Hội Đoàn kết Sư sãi tỉnh Trà Vinh năm 2013.
5.    Số liệu của Ủy ban Nhân dân tỉnh Trà Vinh năm 2011.
6.    Phúc Âm Sự Sống, Báp Tít Thiên Ái, Ân Tứ, Liên Hữu Lutheran Việt Nam-Hoa Kỳ, Đấng Christ, v.v…
7.    Báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 01/2005/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về công tác đối với đạo Tin Lành, ngày 10/05/2011:2.
8.    Tỉnh Trà Vinh không xây dựng Tuyến dân cư, Cụm dân cư như tỉnh An Giang.

Tài liệu tham khảo:
1.    Báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 01/2005/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số công tác đối với đạo Tin Lành.
2.    Cổng thông tin điện tử tỉnh Trà Vinh, http://www.travinh.gov.vn
3.    Cục thống kê tỉnh Trà Vinh năm 2011.
4.    Tư liệu phỏng vấn lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh.

MT

Thông tin, thảo luận riêng: vinasat132@yahoo.com, facebook.com/cusiminhthanh.

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin