Chi tiết tin tức Nghiên cứu truyền thông Phật giáo, vấn đề còn bỏ ngỏ? 15:40:00 - 20/07/2014
(PGNĐ) - Trong thời kỳ hội nhập kinh tế toàn cầu hiện nay, truyền thông có một vị trí và vai trò rất quan trọng trong sự phát triển xã hội. Nó tác động vào ý thức xã hội để hình thành và củng cố một hệ thống tư tưởng chính trị lãnh đạo đối với xã hội; liên kết các thành viên trong xã hội thành một khối đoàn kết, một chỉnh thể trên cơ sở lập trường, thái độ chính trị chung.
Trong lịch sử phát triển của loài người cho thấy, con người có thể sống được với nhau, giao tiếp và tương tác lẫn nhau trước hết là nhờ vào hành vi truyền thông (thông qua ngôn ngữ hoặc cử chỉ, điệu bộ, hành vi… để chuyển tải những thông điệp, biểu lộ thái độ cảm xúc). Qua quá trình truyền thông liên tục, con người sẽ có sự gắn kết với nhau, đồng thời có những thay đổi trong nhận thức và hành vi. Chính vì vậy, truyền thông được xem là cơ sở để thiết lập các mối quan hệ giữa con người với con người, là nền tảng hình thành nên cộng đồng, xã hội. Nói cách khác, truyền thông là một trong những hoạt động căn bản của bất cứ một tổ chức xã hội nào. Nếu truyền thông là một hành vi xuất hiện từ trước khi hình thành xã hội loài người và có thể diễn ra không có chủ đích, thì truyền thông đại chúng (mass communication) với tư cách là một quá trình xã hội nhằm truyền đạt thông tin một cách rộng rãi đến mọi người trong xã hội thông qua các phương tiện kỹ thuật truyền thông đại chúng. Thuật ngữ truyền thông đại chúng chỉ xuất hiện trên thế giới từ khoảng cuối thế kỷ XVI, trên cơ sở của nhiều loại tiến bộ kỹ thuật khác nhau, đặc biệt là kỹ thuật in ấn. Bước sang thế kỷ XX, với sự ra đời của phát thanh, truyền hình, điện thoại và tiếp đó là sự xuất hiện của máy tính điện tử cá nhân rồi đến mạng máy tính toàn cầu và mạng internet, truyền thông đại chúng đã có sự phát triển mạnh mẽ cả về quy mô lẫn mức độ ảnh hưởng tới từng cá nhân riêng lẻ đến toàn xã hội. Truyền thông đại chúng không chỉ là một định chế đóng vai trò quan trọng trong việc phổ biến thông tin và kiến thức cho dân chúng, mà còn tác động trở lại một cách sâu xa và mạnh mẽ vào tất cả các thiết chế xã hội khác, từ chính trị, kinh tế cho đến văn hóa, gia đình…
Các đại biểu tranh thủ đọc tin nhanh về Vesak 2014 tại Bái Đính, Ninh Bình
Theo nhà xã hội học truyền thông Francis Balle, trong lịch sử các phương tiện truyền thông đại chúng, thời gian kể từ khi phát minh ra một kỹ thuật tới khi một phương tiện truyền thông mới ra đời và được thương mại hóa ngày càng được rút ngắn. Đối với báo in, phải mất mất 4 thế kỷ, kỹ thuật điện ảnh chỉ mất khoảng 60 năm, kỹ thuật truyền sóng phát thanh là hơn 20 năm, trong khi truyền hình chỉ mất hơn 10 năm. Điều này cho thấy, ngoài yếu tố kỹ thuật, nhu cầu nắm bắt thông tin của con người cũng có sự phát triển nhanh chóng và ngày càng đa dạng. Năm 1946, lần đầu tiên thuật ngữ “truyền thông đại chúng” được sử dụng trong lời nói đầu của Hiến chương Liên hợp quốc về Văn hóa, Khoa học và Giáo dục (UNESCO). Ngày nay, các phương tiện truyền thông đại chúng như báo in, phát thanh, truyền hình, internet quảng cáo, các loại băng, đĩa âm thanh, hình ảnh… đã trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống của đại đa số người dân trên toàn cầu. Theo thống kê mới nhất của Hiệp hội Xuất bản - Báo chí thế giới (WAN-IFRA), hơn 3 tỷ người, hoặc 72% số người lớn biết chữ trên toàn thế giới đọc, theo dõi thường xuyên các phương tiện thông tin đại chúng. Qua một quá trình phát triển như vậy, nhưng những nghiên cứu chuyên sâu về vai trò của truyền thông Phật giáo dường như xuất hiện không nhiều trong nước. Kể cả những nghiên cứu nguyên dạng tiếng nước ngoài về truyền thông Phật giáo cũng không có nhiều về nội dung, quan điểm, góc độ tiếp cận. Trong một số ít tác phẩm, có những vấn đề được đề cập nhiều, song có những vấn đề quan trọng khác (xét trong phạm vi nghiên cứu) lại được đề cập hạn chế. Thay vào đó, các nghiên cứu đi vào phân tích từng khía cạnh riêng lẻ có liên quan. Nghiên cứu của các tác giả nước ngoài dịch sang tiếng Việt liên quan tới truyền thông Phật giáo dường như không có ấn phẩm nào, phần nhiều cũng chỉ đề cập đến một vài khía cạnh chung chung.
Các hãng thông tấn, báo chí đưa tin về Vesak 2014
Có thể do đây là một vấn đề mới trong lĩnh vực truyền thông. Mặt khác, đây cũng là vấn đề nghiên cứu khó, với nội hàm đa dạng, đòi hỏi sự khái quát, liên hệ, đúc rút khá công phu. Chúng ta có thể điểm qua một số công trình sau đây: Trên cở sở nghiên cứu có thể kể đến một số tác phẩm được biên dịch như “Những bài giảng về Xã hội học”, người dịch Nguyễn Kiên Cường, nhà xuất bản Thống kê, năm 2006. Trong các bài giảng ở đây phân tích về phương tiện truyền thông - về hiệu quả nội dung về việc sử dụng nó. Hay nhận định rằng phương tiện truyền thông là một lực lượng bao gồm cả thế giới đương đại mà khán giả là nạn nhân của phương tiện truyền thông lý tưởng - những con rối kiểm soát xã hội; những thiên kiến chủ tâm về lý tưởng. Trong tác phẩm này còn đề cập đến sự nhận thức và phản ánh dựa trên quan sát mà phương tiện truyền thông luôn hướng về theo một nghĩa nào đó, vì khó có thể biểu hiện toàn bộ sự kiện thế giới ở mọi lúc. Nhờ chính bản chất mà hiện tượng thông tin dựa vào khi chọn lọc đã tạo ra sản phẩm sau khi quyết định và nhiều mẫu thông tin được chủ động tìm kiếm, phản bác hoặc thậm chí phớt lờ. Xu hướng lý tưởng hóa có lợi cho giai cấp thống trị là người sở hữu đồng thời là người kiểm soát phương tiện truyền thông. Hiệu ứng truyền thông vừa trực tiếp vừa có chủ ý. Phương tiện truyền thông có thể quan trọng trong cơ cấu định nghĩa hiện thực xã hội vượt trội nhưng không sử dụng theo kiểu hoàn toàn thụ động. Phương tiện truyền thông đương đại trong xã hội hậu hiện đại, nơi chân lý cuối cùng đã được khám phá, đã trở thành những tái hiện của hiện thực. “Xã hội học” của Richard T.Schaefer, người dịch Huỳnh Văn Thanh, nhà xuất bản Thống kê, năm 2005, đã đề cập một vài khía cạnh xã hội cũng lấy các phương tiện truyền thông đại chúng làm điểm tựa. thông qua các phương tiện truyền thông, chúng ta mở rộng sự hiểu biết của mình về con người và biến cố vượt khỏi những gì mà chúng ta đang tự thân trải qua. Nghiên cứu các phương tiện truyền thông đại chúng đang ảnh hưởng ra sao đến các định chế xã hội của chúng ta, và chúng đang ảnh hưởng đến hành vi xã hội của chúng ta như thế nào. Tại sao các phương tiện truyền thông lại có ảnh hưởng như vậy?Ai có lợi từ ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông, và tại sao? Chúng ta bảo toàn các định chuẩn văn hóa và đạo đức của mình ra sao trước những hình ảnh truyền thông có hại? Trong sách cũng đề cập truyền thông đại chúng theo một số chức năng như “chức năng giám thị” để thi hành các chuẩn tắc xã hội, ban phát thân trạng và giúp cho chúng ta biết. Các phương tiện truyền thông như thể đang phản ảnh và thậm chí đang khắc sâu thêm những phân cách trong xã hội thông qua “sự gác cổng”, sự kiểm soát chất liệu mà đạt đến công chúng, và bằng cách truyền bá ý thức hệ chủ đạo theo hướng xác định thực tại và đè bẹp các văn hóa địa phương. Theo lý thuyết gia duy nữ quyền thì chỉ ra rằng hình ảnh về giới tính của các phương tiện truyền thông đang truyền đạt đến công chúng, và bằng cách truyền bá ý thức hệ chủ đạo theo hướng xác định và đè bẹp các văn hóa địa phương. Còn các nhà duy tương tác khảo sát các phương tiện truyền thông đại chúng ở cấp độ vi mô để biết xem chúng đang định hình cách xử thế thường nhật của chúng ta như thế nào. Trong nghiên cứu này cũng tìm hiểu vai trò của những người lãnh đạo dư luận trong việc gây ảnh hưởng đến khán thính giả. Trong công trình “Truyền thông đại chúng - những kiến thức cơ bản” của Claudia Mast, biên dịch Trần Hậu Thái, nhà xuất bản Thông tấn, năm 2004, nội dung cuốn sách đề cập những vấn đề cơ bản đối với hững người làm công tác truyền thông đại chúng. Tác giả đưa ra những khái niệm về thông tin, các phương tiện thông tin; hoạt động thông tin; đối tượng thông tin; trách nhiệm, nghĩa vụ và đạo đức của nhà báo; nghề nghiệp báo chí và hoạt động truyền thông trong cơ chế thị trường.
Giới truyền thông tác nghiệp tại Vesak 2014
Một số nghiên cứu của các học giả trong nước như: “Xã hội học về truyền thông đại chúng” của Trần Hữu Quang, Đại học Mở bán công TP.HCM, năm 2006; Truyền thông lý thuyết và và kỹ năng cơ bản, Nguyễn Văn Dững(Chủ biên), Nxb Chính trị Quốc gia, 2012;… tất cả đều nhằm cung cấp cho chúng ta khái niệm về truyền thông; lịch sử ra đời của truyền thông đại chúng. Một định chế xã hội mới; Các lý thuyết và kỹ năng cơ bản nói chung, truyền thông - vận động xã hội và truyền thông đại chúng; Nghiên cứu công chúng; Nghiên cứu các nhà truyền thông; Nghiên cứu về nội dung truyền thông; Những tác động xã hội học của truyền thông đại chúng; Những hiểu biết cơ bản, hệ thống về các phương tiện truyền thông đại chúng hiện đại; Các nguyên tắc, phương pháp chính nhằm quản lý, điều hành, phát huy tốt vai trò, sức mạnh của các loại hình, phương tiện truyền thông đại chúng trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước... Trong công trình nghiên cứu “Truyền thông dân số với người nông dân vùng Châu thổ sông Hồng trong thời kỳ đổi mới” của Trương Xuân Trường, năm 2009, đã đề cho thấy tính đa dạng về hoạt động truyền thông ở địa bàn nghiên cứu. Trong đề tài này, tác giả tập trung vào khảo sát về khả năng tiếp nhận thông tin cũng như nhưng thay đổi về nhận thức, thái độ và hành vi của người dân. Từ đó hình thành những giải pháp và kiến nghị khoa học có ý nghĩa thiết thực và khả thi nhằm góp phần thúc đẩy hoạt động truyền thông dân số nói riêng, truyền thông nói chung đạt được nhiều kết quả tốt trong việc xây dựng đời sống xã hội hiện nay.
Cố gắng tranh thủ ghi lại những khoảnh khắc đẹp tại Vesak 2014
Một số đề tài nghiên cứu chuyên biệt của Mai Quỳnh Nam như “Về vấn đề nghiên cứu hiệu quả truyền thông đại chúng”, Tạp chí Xã hội học, số 4, 2001; “Dư luận xã hội-Mấy vấn đề lý luận và phương pháp nghiên cứu”, Tạp chí Xã hội học, số 1, 1995; “Truyền thông đại chúng và dư luận xã hội”, Tạp chí Xã hội học, số 1, 1996; “Vấn vấn đề về dư luận xã hội trong công cuộc đổi mới”, Tạp chí Xã hội học, số 2, 1996; “Về đặc điểm và tính chất giao tiếp đại chúng”, Tạp chí Xã hội học, số 2, 2000; “Văn hóa đại chúng và gia đình”, Tạp chí Xã hội học, số 4, 2000; “Thông điệp về trẻ em trên báo hình, báo in”, Tạp chí Xã hội học, số 2, 2002; “Truyền thông và phát triển nông thôn”, Tạp chí Xã hội học, số 3, 2003; “Nghiên cứu dư luận xã hội về hoạt động của Quốc hội”, Tạp chí xã hội học, số 3, 2005; “Truyền thông đại chúng - tương tác văn hóa”, Tạp chí nghiên cứu con người, số 3, 2010; v.v… các bài viết đều đề cập và tập trung nhấn mạnh đến những đặc điểm của truyền thông đại chúng, những quan điểm, lập trường của các nhà Xã hội học về khía cạnh này, đồng thời nhấn mạnh về vai trò của truyền thông đại chúng đối với các mặt của đời sống xã hội. Điều này đã chỉ ra những hướng nghiên cứu căn bản của Xã hội học truyền thông đại chúng. Đồng thời thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng đưa thông tin, là cơ sở để hình thành và thể hiện dư luận xã hội. Và chính dư luận xã hội, được ví như một “phương tiện cưỡng chế” sẽ đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển xã hội. Qua đây, những nghiên cứu này cho thấy vai trò hết sức quan trọng củacác phương tiện tuyền thông đại chúng trong việc tạo lập và thể hiện dư luận xã hội.Xã hội càng hiện đại thì truyền thông đại chúng càng phát triển mạnh mẽ, vai trò của nó càng quan trọng hơn bao giờ hết, nếu truyền thông không hoạt động thì xã hội cũng sẽ dậm chân tại chỗ không phát triển lên phía trước. Trong quá trình đó, truyền thông đại chúng phải đảm nhận vai trò kết nối thông tin và định hướng hành động, nó trở thành một nhân tố quan trọng, có ý nghĩa then chốt. Sự kết nối thông tin của hệ truyền thông đại chúng vừa có tác dụng lan truyền thông tin trong cộng đồng, vừa có mục tiêu định hướng nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của từng cá nhân trong công cuộc xây dựng đất nước ngày nay.
Kiểm tra lại kết quả tác nghiệp
Những công trình nghiên cứu nói trên, ở các mức độ và khía cạnh khác nhau, đã thể hiện được phần nào vai trò của truyền thông đối với vấn về xây dựng xã hội hiện nay. Nhưng có thể nhận xét một cách khái quát, những công trình nghiên cứu trên đều chưa đề cập đến vai trò truyền thông của Tôn giáo, mà ở đây người viết muốn nói là Phật giáo.Trước hết là những ảnh hưởng Phật giáo nhất định trong đời sống xã hội Việt Nam, đặc biệt là đời sống tinh thần. Vai trò của của truyền thông đối với xã hội, mà ở đây là truyền thông Phật giáo, vì nó đã góp phần tạo nên sự phong phú của đời sống tinh thần của con người Việt Nam, đóng góp những phần nhất định vào quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Nói chung, nghiên cứu về truyền thông Phật giáo vẫn là một vấn đề rất mới so với quá trình tồn tại và phát triển của nó.
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |