Chi tiết tin tức

Cưới trong chùa, trào lưu hay tập tục?

11:03:00 - 26/10/2014
(PGNĐ) -  Nếu như chuyện cưới hỏi trên chùa rốt cuộc cũng chỉ dừng lại ở những người sang giàu, nổi tiếng thì thật là “tủi phận” cho những đám cưới bên ngoài cửa Phật...  

 


Đám cưới truyến thống của người Việt thường tổ chức tại gia đình - Ảnh minh họa: Bùi Thanh Xuân

 

Mấy bữa nay, báo mạng xôn xao về đám cưới của một gia đình thuộc hàng “đại gia” được tổ chức ở chùa. Người ta hiếu kỳ. Thế là ai đã đọc đến cái tít giật trên báo, kiểu như: “Lễ cưới sang trọng trong chùa của ái nữ tập đoàn…” đều không thể bỏ qua. Cũng phải xem qua xem nhà giàu họ bày vẽ những gì trong chùa chứ. Rồi, khi xem xong lại thở dài: Đúng là “Phú quý sinh lễ nghĩa”.

Cũng từ đám cưới này, mọi người mới được biết thêm một số đám cưới trên chùa khác của các nhân vật thường được quy vào hàng “sao” trong làng giải trí, cũng như các đại gia. Những ồn ào quanh sự kiện này đặt ra hai câu hỏi: Liệu lên chùa làm đám cưới có phải là một trào lưu mới của dân nhà giàu và những người có tiếng tăm? Hay phải chăng làm đám cưới trên chùa là một tập tục có từ lâu đời mà người Việt mình đã bỏ qua, đến nỗi bị “thất truyền”?

Trước hết, phải khẳng định kết hôn trên chùa không phải là tập tục cưới hỏi của người Việt. Việt Nam là đất nước mà phần lớn người dân theo đạo Phật, nhưng về mặt sùng bái thì chưa đạt tới mức giống một số nước lân cận như Thái Lan, Campuchia hay Myanmar… Xưa nay, trong các nghi lễ ma chay, cưới hỏi của người Việt, thường các nhà sư chỉ xuất hiện trong các đám tang để làm lễ siêu thoát cho linh hồn người chết. Đối với đám cưới (có liên quan tới sự sinh sản), nhà chùa thường không hiện diện. Các cô dâu chú rể thường chỉ thắp hương tưởng nhớ gia tiên, và nhận chúc phúc từ cha mẹ, ông bà...

Ở một nước sùng đạo như Thái Lan, việc Phật giáo tham dự vào các nghi lễ của một đám cưới cũng không phải là phổ biến. Người Campuchia cũng không tổ chức đám cưới trên chùa, mặc dù trong lễ cưới cũng có phần lễ tụng kinh của các nhà sư tại nhà của cô dâu.

 

 
 
Nếu như rồi đây cặp uyên ương nào cũng rủ nhau vào chùa tổ chức cưới hỏi, cỗ bàn cho “bằng chị, bằng em”, thử hỏi cái không khí thâm nghiêm xưa có còn chỗ đứng? Các nhà sư rồi sẽ phải bận rộn đến đâu cho những “lễ hằng thuận” ấy? Chắc là người lễ chùa sẽ không còn chỗ để mà phủ phục cúng bái bởi nơi tôn nghiêm ấy đang được cô dâu, chú rể cùng họ hàng nội ngoại và các vị sư chuyển “công năng” vào việc khác.
 

Theo một số nhà sư, từ những năm 40 của thể kỷ trước, cũng đã có những “lễ kết hôn trước cửa Phật”. Tuy nhiên, số này hiếm và thường chỉ có ở các gia đình giàu sang. Trong tâm linh của người Việt, những gì được nương nhờ cửa Phật luôn được che chở, phù hộ an toàn. Cũng như quan niệm của đạo Ki tô, cặp đôi nào được đức cha ban phước tại nhà thờ mới thực sự thành vợ, thành chồng và được hưởng phúc. Nhưng trên thực tế, cái phúc đó có thực không, có bền chặt hay không lại do chính con người quyết định. Không biết những đôi uyên ương làm đám cưới ở chùa có hạnh phúc và hạnh phúc dài lâu hơn so với những đôi vợ chồng chỉ cưới hỏi ở gia đình?

Không dám gọi đó là một trào lưu, vì tôi biết một người bạn sắp cưới cũng có ý định tổ chức đám cưới trên chùa. Bạn bảo, cuộc sống bây giờ hỗn độn quá khiến mọi thứ cứ rối tung lên, thay đổi xoành xoạch, hôn nhân cũng không ngoại lệ. Tiền tài, vật chất và đủ thứ cám dỗ khác luôn níu kéo, giăng bẫy người ta khắp nơi. Trong khi hạnh phúc là một thứ gì đó vô hình, mong manh, khó nắm bắt và rất dễ vỡ. Sơ sểnh một chút là mất sạch. Thôi thì làm được điều gì đó khiến ta tự an tâm cũng tốt. Trong cái thế giới chẳng biết phải tin vào đâu thì cửa Phật là nơi con người ta sẽ tìm đến. Và thực ra thì một đám cưới ở chùa cũng khiến cho những người có mặt cảm thấy thiêng liêng, trang trọng hơn.

Cái thuyết của bạn tôi không sai và cũng dễ khiến mọi người thông cảm cho những gì đang được xem là nhạy cảm.

Nhưng điều đó cũng không lý giải được rằng tất cả những ai cưới trên chùa đều có tâm trạng giống bạn tôi. Trong thời buổi cái gì cũng có thể được rao bán, được PR thì những đám cưới kiểu ấy cũng không ngoại lệ. Chưa kể kiểu sống “điển hình” đó còn thỏa mãn máu chơi trội của người trong cuộc.

Lại chợt nhớ tới vị sư chỉ vì khoe điện thoại iPhone trên facebook mà tan cả sự nghiệp tu hành. Theo giải thích của vị thầy tu này, vì nể mặt phật tử thân quen, PR giùm cho em cái điện thoại mà trở nên khốn đốn. Nếu quả đúng là vậy thì con người thực đáng sợ. Người ta đang lợi dụng ngay cả người tu hành để làm quảng cáo. Bởi dường như những gì lạ, “độc” dễ lôi cuốn con người ta. Chùa chiền xưa nay vốn là chốn thâm nghiêm, người ta chỉ đến đó để thành tâm cầu an lành, thịnh vượng. Những gì gọi là “trần tục” ít lai vãng.

Nếu như rồi đây cặp uyên ương nào cũng rủ nhau vào chùa tổ chức cưới hỏi, cỗ bàn cho “bằng chị, bằng em”, thử hỏi cái không khí thâm nghiêm xưa có còn chỗ đứng? Các nhà sư rồi sẽ phải bận rộn đến đâu cho những “lễ hằng thuận” ấy? Chắc là người lễ chùa sẽ không còn chỗ để mà phủ phục cúng bái bởi nơi tôn nghiêm ấy đang được cô dâu, chú rể cùng họ hàng nội ngoại và các vị sư chuyển “công năng” vào việc khác.

Và nếu như chuyện cưới hỏi trên chùa rốt cuộc cũng chỉ dừng lại ở những người sang giàu, nổi tiếng thì thật là “tủi phận” cho những đám cưới bên ngoài cửa Phật kia không được Phật tổ chứng giám, không được cả một đội ngũ áo cà sa cầu kinh tụng niệm để chắp cánh cho đời sống hôn nhân được bay bổng giữa bờ thiêng và cõi tục…

Lê Uyên(*)

(*) Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một người dân TP.HCM



 

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin