Chi tiết tin tức

Văn hóa và hủ tục

20:37:00 - 18/09/2014
(PGNĐ) -  Hơn 60 năm về trước, trong một bài viết tiêu đề “Nguyên nhân tục đốt vàng mã”, Hòa thượng Tố Liên, một danh tăng của Phật giáo Việt Nam thời hiện đại, đã nêu thẳng: Chúng ta nên thẳng thắn nhìn nhận rằng: Bịa đặt ra tục mê tín, dị đoan, làm hình nhân thế mạng vào lễ tam, tứ phủ để đầu độc mê tín đến ngày nay là bắt đầu từ Vương Luân ở Trung Hoa từ thế kỷ thứ X. Trong thời gian bị đô hộ, cùng nhiều ảnh hưởng khác, tục mê tín này cũng đã xâm thực vào Việt Nam chúng ta.
 
dottien.jpg
Chúng ta cùng nhau triệt để bài trừ mê tín đốt vàng mã...

“Nếu chúng ta đã thừa nhận tinh thần của dân tộc Việt Nam đều nhờ Phật giáo và Nho giáo đào tạo nên, vậy thì xin hỏi giới trí thức Việt Nam: hiện tại có ai tìm thấy Phật giáo và Nho giáo dạy về thuyết đốt vàng mã ở kinh sách nào? Nếu không tìm thấy tục đốt vàng mã do Phật giáo hay Nho giáo truyền dạy, một lần tôi xin thiết tha yêu cầu người Việt Nam ta bỏ tục vàng mã đi, và khuyên mọi người cùng bỏ tục ấy. Chúng ta cùng nhau triệt để bài trừ mê tín đốt vàng mã, quyết nhiên giữa dân tộc Việt Nam này để dành cho chúng ta viên thành một công nghiệp kiến quốc vậy”, Hòa thượng viết.

Những lời thống thiết của cố Hòa thượng Tố Liên vẫn còn là vấn đề của hôm nay.

Nói đến đạo Phật, người ta thường gọi đó là đạo của Từ bi và Trí tuệ. Từ bi và Trí tuệ được ví như đôi cánh của một con chim. Con chim không thể bay bổng lên trời cao nếu một trong hai cánh ấy bị khuyết tật. Cũng vậy, trong đạo Phật, từ bi đúng nghĩa phải có trí tuệ, trí tuệ luôn được đặt trên nền tảng từ bi.

Về mặt tôn giáo, đạo Phật cũng có các thiết chế về lễ nghi, cầu nguyện…Theo đó, các hình thái tín ngưỡng phong phú cũng được hình thành, đáp ứng tâm tư nguyện vọng, đồng thời cũng phản ánh ước mơ, khao khát của con người về đời sống an ổn và thịnh vượng.

Lịch sử phát triển hơn hai ngàn năm của Phật giáo Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn, có lúc thăng lúc trầm, lúc đi vào giới trí thức phát triển về giáo dục; lại cũng có lúc âm thầm hòa mình vào đời sống ở các làng quê, giao thoa và tiếp biến các hình thái tín ngưỡng khác; cũng có khi chịu ảnh hưởng một cách nặng nề, cũng có lúc chuyển hóa nội dung các tín ngưỡng khác, khiến cho chúng gần gũi với tinh thần đạo Phật hơn…

Điều đáng tiếc là từ khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành lập (1981) cho đến nay, chúng ta chưa có một công trình nghiên cứu nghiêm túc và toàn diện về văn hóa - lịch sử Phật giáo Việt Nam, để từ đó có những hướng dẫn cho số đông đâu là những hủ tục cần xa rời, đâu là hủ tục được gắn mác văn hóa, đâu là văn hóa thực sự cần giữ gìn và phát huy, như những nhận định dứt khoát và mạnh mẽ của Hòa thượng Tố Liên kêu gọi loại bỏ tục vàng mã hơn nửa thế kỷ trước.

Thiết nghĩ, được như vậy Phật giáo Việt Nam mới xứng với truyền thống hộ quốc an dân. Đó cũng là tinh thần tỉnh giác mà Đức Phật đã dạy trong kinh Kalama: Đừng vội tin vì nghe nói lại, đừng tin vì theo phong tục… Chỉ tin khi nào tự biết rõ: các pháp này là thiện, các pháp này không đáng chê, các pháp này được người trí ca ngợi, các pháp này nếu được thực hiện, chấp nhận thì dẫn đến hạnh phúc, an vui…
 
Hoàng Độ

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin