Chi tiết tin tức Đôi lời cùng tác giả Thành Nguyên, phóng viên báo Người Cao Tuổi 09:04:00 - 04/08/2014
(PGNĐ) - Trong nghề làm báo, một người cầm bút phải có cái nhìn trung thực, khách quan dù đứng ở bất kỳ phương diện nào. Một phóng viên khi tác nghiệp phải dựa trên sự hiểu biết vấn đề, cái tâm trong sáng chứ không thể chỉ đưa ra những cái nhìn thiển cận, hoặc cố tình làm to thêm sự việc mà nó chẳng đáng.
Bất kỳ một xã hội nào, một dân tộc nào cũng không tránh khỏi những vấn đề sai phạm pháp luật của các cá nhân, tổ chức; điều đó mới cho thấy giá trị của một nền pháp lý tồn tại trong xã hội đó, âu nó cũng là chuyện xảy ra hằng ngày ở bất kỳ nơi đâu. Vấn đề còn lại là chúng ta nhìn nhận nó như thế nào, để có cái nhìn chính xác, nhất là những người giữ vai trò phản ánh, phản biện xã hội như nghề làm báo.
Việc một tu sĩ Phật giáo thiếu hiểu biết trong việc xin giấy phép xây dựng công trình tất nhiên là có lỗi, nhưng nó cũng chưa đủ đến mức dùng những cụm từ “coi thường luật pháp”, nếu khi bạn dùng cụm từ đó nó có nghĩa là một người đủ mọi hiểu biết và ngang ngạnh, bất chấp những quy định và thậm chí chống đối, còn ở đây, có thể vì ý nghĩ tâm huyết với một cơ sở tôn giáo, mà chủ công trình có những hành động thể hiện sự nóng lòng muốn hoàn thành sớm các hạng mục nhằm đưa vào phục vụ đời sống tâm linh cho tín đồ phật tử thì có bị xem là lỗi về mặt đạo đức? Trong khi ngoài kia vẫn còn có bao nhiêu là công trình xây dựng trái phép vì lợi nhuận kinh doanh thì có bao giờ tác giả bài báo đi tìm hiểu và “dám” viết…?
Có lẽ tác giả thiếu một cái tâm hay thiếu một sự “chung, chi” để viết những bài đó theo sự thêu dệt? Điều này cũng có thể lắm, khi ít nhất một lần trong bài báo tác giả đã đề cập đến việc tiền bạc, tác giả cho rằng chính hành động xây dựng trái phép này mà xã Long An đã bị UBND huyện hạ mức thi đua từ hạng 2 xuống hạng 3, đồng nghĩa với việc mất 500 triệu đồng oan uổng! Dẫn chứng này cũng thật sự khó hiểu, nó chẳng dính dáng gì đến hành vi của tu sĩ Lê Tấn Bửu, vì theo quy định mọi vấn đề liên quan đến đất đai, nhà cửa, công trình xây dựng đều thuộc cấp đơn vị quản lý hành chính là UBND huyện và quản lý chuyên môn là Phòng, nếu vậy thì lỗi của UNBD xã Long An để dẫn đến mất tiền thưởng là có đúng? Trong khi tất cả những văn bản trích dẫn trước đó tác giả đưa ra, đều thuộc của huyện Long Thành mà không thấy bóng dáng của xã Long An.
Người tinh ý khi theo dõi loạt báo này của Thành Nguyên đều dễ dàng phát hiện ra bản chất câu chuyện đó là, các sự việc phản ánh của Thành Nguyên qua các dữ kiện chẳng ăn nhập vào nhau. Nếu như bài viết “Tu sĩ coi thường luật pháp” ra ngày 26/6/2014 đề cập đến sai sót của tu sĩ Lê Tấn Bửu, thì 3 ngày sau tác giả lại viết tiếp:Thấy gì từ “thông điệp” của Hòa thượng Thích Thiện Nhơn trụ trì chùa Minh Đạo?
Đọc đi đọc lại mãi vẫn không thấy mối liên hệ nào giữa tu sĩ Lê Tấn Bửu (Thích Thiện Minh) và Hòa thượng Thích Thiện Nhơn liên quan đến trong cùng một sự việc không hiểu luật của Lê Tấn Bửu.
Ở bài báo thứ hai, tác giả tìm cách “khoét” vào cái văn bản thông báo của Hòa thượng Thích Thiện Nhơn mà tác giả gọi là “Thông điệp”, rồi sau đó quy chụp “Hòa thượng phạm giới” khi nói sai sự thật. Xin thưa với anh Thành Nguyên, anh có bao giờ lãnh đạo một ai chưa? Nếu có chắc anh sẽ hiểu được vị trí của Hòa thượng Thích Thiên Nhơn, ở cấp độ đó không một ai có đủ thời gian và công sức để đi điều tra, xác minh những gì mà tu sĩ Lê Tấn Bửu nêu ra về sức khỏe. Đứng ở khía cạnh khác, nếu Lê Tấn Bửu có bệnh thì bệnh đó là gì, có đến mức không thể làm chủ một công trình?
Đọc tất cả 2 lượt bài của Thành Nguyên trên báo Người Cao Tuổi, điều dễ thấy nhất đó là khẩu khí cay cú, muốn bôi nhọ vào uy tín của 2 vị tu sĩ, nhằm chia rẻ tình cảm của thầy và trò, qua đó có thể hạ uy tín của Giáo hội chứ không đơn thuần là bài viết phản ánh sự việc.
Nếu xâu chuỗi lại những dữ kiện có tính rời rạc trong cả hai bài viết của Thành Nguyên, chúng ta dễ dàng nhận thấy nó chẳng đáng để đem ra mổ xẻ, phân tích, càng không đáng để đăng tải lên một trang báo uy tín như Người Cao Tuổi. Nếu một phóng viên báo chí thiếu cái tầm đã đành, thì cũng nên cố gắng giữ cái tâm để viết. Không phải một khi anh được cấp một cái thẻ nhà báo là anh có được mọi sự hiểu biết và được quyền phản ánh mọi hiện tượng xã hội, một khi bài viết được viết ra, mong rằng tác giả cần có cái đầu thông, cái tâm sáng và từng ngón tay viết chuẩn, nếu không độc giả sẽ hiểu khả năng của phóng viên đến đâu trong trình độ phản ánh và đạo đức nghề nghiệp.
Thiết nghĩ, Ban biên tập Báo Người Cao Tuổi nên xem xét lại các bài viết này và có thái độ ứng xử phù hợp sau đó, nếu không sẽ tự mình hạ tầm vóc của chính mình.
Cư sĩ Lệ Trí - Ban TTTT tỉnh Đồng Tháp
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |