Chi tiết tin tức Góc nhìn về việc Sư trụ trì nói 'thả chó cắn nát mặt Phật tử': Con chó, lời thiếu kềm chế và di sản 23:02:00 - 26/04/2019
(PGNĐ) - Một mình ở cốc với 3 con chó, 2 đen một trắng. Một chàng thì chỉ thích tìm chỗ mát ngủ, một chàng thì mình đi một bước nó theo một bước, làm gì nó cũng nằm gần mình khoảng một hai chục thước vừa như canh chừng vừa như bảo vệ.
Cứ thấy mình ngừng tay ngồi uống nước thì chạy đến liếm láp thể hiện tình cảm. Còn cô nàng nhỏ xinh kia cứ thích nằm ở cổng ngõ, nhìn thấy chó gà nhà bên đi qua là sủa, chứ người vào nhà thì mừng quýnh, ai vuốt ve cũng được, chỉ tội từ thành phố xuống vùng đất đỏ bỗng trở thành cô bé lọ lem.
Ở nơi thanh vắng chó ít gần người nên ai vào cũng sủa, cứ sồ ra tỏ vẻ dữ dằn lắm nhưng chẳng cắn ai bao giờ.
Các cụ bảo “khuyển mã chi tình” nhưng chó cũng dữ tuỳ vía. Có người mới đến nó hiền khô chẳng gầm gừ gì, nhưng cũng có người mãi cũng không quen. Gặp phải anh nào mà ăn thịt chó, thì nó khó bao giờ ngoắc đuôi mừng được.
Nói dài dòng vậy để nói chuyện sư thầy trụ trì chùa Trung Hành, Hải Phòng với câu chuyện ồn ào “dọa thả chó cắn nát mặt Phật tử”.
Cái lý do thầy ấy cho rằng vào chùa là lễ Phật chứ không phải để chụp hình, quay phim cũng rất chính đáng.
Xin lỗi, trước kia tôi công tác cho Ban Văn hoá Trung ương, thường phải đi khảo sát chùa chiền ở các tỉnh. Dù mình là người xuất gia thật, nhưng vào chùa nào muốn quay phim chụp hình cũng phải xin phép trụ trì hay đại diện ban hộ tự hoặc chính quyền, dù nhiều nơi không đề biển cấm quay phim chụp hình.
Khi chụp hình tượng Phật để lưu trữ tư liệu nghiên cứu phải lễ Phật cầu xin các ngài tha thứ cho lỗi đường đột mạo phạm. Đó là văn hoá ứng xử của người Phật tử khi vào chùa.
Cũng có nơi là di tích quốc gia, người ta không cho chụp hình vì sợ mất cắp cổ vật. Tình trạng chảy máu cổ vật ở chùa chiền miền bắc là đáng báo động. Có khi bọn trộm cắp còn giả sư, giả làm người khảo cứu để tiếp cận đánh cắp cổ vật. Họ kiên quyết không cho chụp hình quay phim thì đoàn chúng tôi dù tiếc cũng cảm ơn và ra về.
Vậy thì “Phật tử” nào chọc tức để ông thầy nổi sân doạ cho chó cắn nát mặt? Không ai tự dưng mất kiềm chế cả.
Hoà thượng Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.Hải Phòng nhận xét thầy ấy là người thẳng tính.
Không hiểu sao câu chuyện không được chụp hình trong chùa, rồi một câu nói ít kiềm chế lại phải trở thành một dạng bài viết kiểu câu view. Nói chùa nuôi chó dữ mà chụp hình một con chó đang nhốt trong lồng. Mà chó nào có khách lạ vào không dữ. Chùa chiền miền Bắc, cổ vật quốc gia nhà chùa tự quản không nuôi chó bảo vệ thì sẽ thế nào. Muốn nói chuyện chó dữ phải hỏi chính quyền và người dân xem nó cắn bao nhiêu người rồi, và nó dữ vậy mà những “Phật tử” bị nhắc không cho chụp hình vẫn có thể vào chùa mà thả dáng ư?
Nhìn ông thầy tay cầm ly bia nói chuyện, nghe thì biết vị thầy này đúng là không phải người khéo ăn nói, nhưng nói vẫn không nhầm lẫn.
Giới luật Phật chỉ cấm uống rượu, không cấm uống bia, vì thời Phật không có bia. Dù giới cấm uống rượu, nhưng rượu thuốc dùng để chữa bệnh vẫn được dùng cho đến khi khỏi thì thôi.
Dù giới không cấm uống bia, dù bia nhẹ độ hơn rượu, dù là các thứ trái cây lên men rượu, dù là rượu vang khai vị, không đến nỗi gây ức chế như rượu cũng không nên dùng nhiều dẫn đến nghiện mà đánh mất tâm trí. Trong video clip, thầy trụ trì vẫn còn tỉnh táo nhìn đồng hồ để biết giờ đi nấu cơm, không say sưa nói càn nói giỡ điều gì.
Có thể lời nói chưa ái ngữ, có thể hình ảnh ông thầy tiếp phóng viên mà cầm ly bia là thiếu thẩm mỹ, không đẹp mắt, và dù uống bia có phạm vào giới uống rượu đi chăng nữa thì cũng không phải trọng giới của tỳ kheo, bởi nó là giới nhẹ, nếu tăng chúng nhắc nhở có thể tự đóng cửa phòng thành tâm sám hối.
Hãy nhìn vào ngôi chùa Trung Hành, một di tích lịch sử cấp quốc gia vẫn sạch đẹp gọn gàng như thế để ghi nhận những gì mà vị thầy này đã gìn giữ bấy lâu.
Phật tử nên bình tĩnh nhìn nhận vấn đề, càng không nên chạy theo một vài hình ảnh, một vài lời bình ác ý mà quá lời thị phi!
Thích Thanh Thắng
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |