Chi tiết tin tức

Tại sao lại chỉ là “tiền công đức”, "hòm công đức"?

20:52:00 - 18/06/2021
(PGNĐ) -  Thời gian qua, rất nhiều ý kiến bày tỏ bức xúc khi Bộ Tài chính lần thứ 2 đưa ra dự thảo Thông tư hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội.

Minh bạch, công khai và trách nhiệm trong quản lý tài chính, không chỉ mang ý nghĩa sống còn trong việc quản lý tài chính công, mà hết sức quan trọng đối với uy tín của bất kỳ một cá nhân, tổ chức nào, trong đó có cả tổ chức tôn giáo.

Do vậy, nếu có một thông tư, hay quy định quản lý phù hợp thì chắc chắn sẽ được số đông ủng hộ, tán thành. Tuy nhiên, với dư thảo thông tư trên của Bộ Tài chính, đây là lần thứ hai, và là lần tạo làn sóng dư luận khá hơn khi nhiều Ban Trị sự Phật giáo cấp tỉnh thành có văn bản chính thức đề nghị hủy bỏ một số phần nội dung liên quan tới quản lý thu chi công đức.

Chỉ xét về sắc thái nghĩa của tiếng Việt trong bối cảnh văn hóa dân tộc, đọc nội dung Điều 5 của dự thảo này, “Quản lý tiền công đức, tài trợ cho di tích”, với các chùa đã được các cơ quan thẩm quyền của Nhà nước xếp hạng là “di tích” các cấp, thì vai trò trụ trì, người thay mặt GHPGVN quản lý các cơ sở tự viện, sẽ bị phủ nhận, bởi ngay cả “hòm công đức” trong ngôi chùa có mác “di tích” cũng được quản lý.

Dự thảo này quy định hòm công đức “được niêm phong và sử dụng tối thiểu 2 loại khóa, chìa của mỗi khóa được giao cho cơ sở quản lý di tích và Trưởng ban quản lý di tích quản lý độc lập. Trong khi đó, thực tế, Ban Quản lý di tích (dù đó là chùa, có chư Tăng / Ni tu học và sinh hoạt tín ngưỡng) thường do cơ quan chức năng Nhà nước quyết định và Trưởng ban thường không phải là Tăng Ni, trụ trì các chùa (được xếp hạng di tích) ấy.

Phải chăng, việc dùng từ đặc thù “tiền công đức”, “thùng công đức” trong dự thảo Thông tư hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội của Bộ Tài chính chỉ nhắm vào chủ thể là Phật giáo mà ngại đụng chạm tới các tôn giáo, tín ngưỡng khác?

Vậy thì, đối với rất nhiều lễ hội của các tôn giáo khác, ở đó không dùng thuật ngữ “công đức” để chỉ cho việc tín đồ đóng góp tài chánh vào, có là đối tượng quản lý về mặt Nhà nước như dự thảo thông tư này đặt ra hay không? Và liệu như vậy có bình đẳng, minh bạch?

Những thắc mắc trên không phải là không có lý do vì hiện nay, theo ước tính sơ bộ ở Việt Nam có hơn 41.000 di tích, từ cấp tỉnh cho đến di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt. Mật độ và số lượng di tích nhiều nhất ở 10 tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng (khoảng 56% số di tích quốc gia và 46% tổng số di tích).

Trong đó, với đặc điểm lịch sử hai ngàn năm gắn bó và với truyền thống hộ quốc an dân, nhiều chùa của Phật giáo là nơi nuôi dưỡng, cơ sở của các cuộc kháng chiến vệ quốc, đã được cơ quan chức năng công nhận và xếp vào di tích cấp tỉnh cho đến di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt.

Đó là chưa đề cập đến thực trạng quản lý các cơ sở tự viện, chùa chiền được công nhận là di tích các cấp hết sức nhiêu khê, có thể chúng tôi sẽ đề cập vào lúc khác.

 

Diệu Nghiêm

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin