Lại nhức nhối: nạn giả sư khất thực!
18:07:00 - 12/06/2014
(PGNĐ) - Qua 12 giờ trưa, cái nắng của những ngày cuối tháng 5 ở Sài Gòn như đổ lửa, vắng hẳn người đi lại. Đang trên đường hối hả về nhà, đến đoạn đường Vũ Huy Tấn (P.1, Q.Bình Thạnh), tôi chợt nhìn thấy một người đàn ông có vóc dáng mập, hơi tròn, đầu tóc lún phún, trên người quấn chiếc y màu vàng theo phong cách các nhà sư khất sĩ và trên tay ôm chiếc bình bát màu đen, mặt cúi gằm xuống đất, từng bước chậm rãi đi giữa nắng trưa chói chang.
Với linh cảm và những hiểu biết nếp sống nhà chùa, tôi cố gắng quan sát thật kỹ và nhận ra đây là một người giả dạng nhà sư, nói một cách khác đây là một nhà sư dỏm, đang thực hiện “khổ nhục kế”, lợi dụng lòng tin của người đời với những người tu hành chân chính để lừa gạt họ (ảnh).
Với người bình thường, khó mà biết được đâu là nhà sư thật và đâu là kẻ giả sư thông qua hình thức bề ngoài cũng như những quy định của người tu hành. Bởi lẽ, bây giờ đang trong mùa An cư kiết hạ (từ rằm tháng 4 tới rằm tháng 7 âm lịch) tất cả các Tăng Ni, tu sĩ các hệ phái Phật giáo đều phải tập trung ở các trường hạ, các chùa, tu viện… theo quy định thống nhất của Giáo hội và luật Phật chế.
Vài ngày sau, gần ngã tư Nguyễn Văn Giai - Đinh Tiên Hoàng (P.Đa Kao, Q.1), tôi như “duyên nợ” gặp lại người đàn ông này cũng trong hình tướng một “nhà sư khất sĩ”, cũng với dáng đi chậm rãi, mặt cúi gằm xuống đất như muốn che giấu “bộ mặt thật” của mình để lừa bịp tín tâm của những người con Phật cũng như những người dân nhẹ dạ cả tin.
Tôi được biết có những người mặt mày bặm trợn, đầu tóc cắt ngắn, đi từng tốp từ hai đến bốn người, họ khoác lên mình bộ đồ màu lam hoặc màu nâu, len lỏi đến từng nhà dân bấm chuông, gọi cửa, khi chủ nhà mở cửa thì họ chìa ra một cuốn sổ có đóng “dấu đỏ” và đề nghị chủ nhà đóng góp xây dựng chùa chiền.
Cũng có nhóm giả dạng tu sĩ Phật giáo đi khắp hang cùng ngỏ hẽm để nài nỉ người dân mua kinh sách hoặc nhang trầm, nhắm vào tâm lý người dân coi các việc làm này như là sự đóng góp cho nhà chùa, cũng là một việc làm thiện, nên dù biết giá bán “cắt cổ” nhưng nhiều người dân, nhất là người có tín ngưỡng đạo Phật vẫn “ủng hộ”.
Một trường hợp khác còn táo bạo hơn, đó là dịp tôi về chùa Bảo Sơn (Xuân Thanh, Long Khánh, Đồng Nai) dự lễ đặt đá xây dựng chùa đã chứng kiến cảnh “chướng tai gai mắt”, đó là một người đàn ông cao khoảng 1,6m, tuổi ngoài 30, da ngăm đen, mặc chiếc áo nhật bình màu nâu đến gặp Phật tử ngửa tay xin tiền, thậm chí khi các Phật tử đã lên xe ra về, ông ta vẫn cố đeo bám để xin tiền cho bằng được với “điệp khúc”… “thầy ở cốc nghèo cho thầy xin ít tiền”!
Có thể nói, lâu nay dưới nhiều dạng, nhiều hình thức giả dạng tu sĩ Phật giáo để đi làm tiền một cách công khai, tạo nên hình ảnh phản cảm nhức nhối trong dư luận. Nên chăng Giáo hội cần thành lập Ban Kiểm Tăng/ Ni để phối hợp với các cấp chính quyền kiểm tra những trường hợp nghi là sư giả, nếu là sư giả thì lập biên bản thông báo về địa phương nhờ chính quyền có biện pháp phù hợp.
Thiết nghĩ đó là việc làm nhằm “trang nghiêm Giáo hội”. Đây cũng là tâm nguyện của những người con Phật và có như vậy mới hy vọng loại bỏ được những kẻ “mượn đạo tạo đời”, mượn chiếc áo cà-sa làm điều xằng bậy, trục lợi trên lòng tin, tín tâm của người khác, làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh Tăng Ni nói riêng và Phật giáo nói chung.
Bài và ảnh: Thanh Phương
Cách nhận diện "Sư giả" (*)
HỎI: Kính nhờ quý Báo chỉ rõ phương cách để nhận diện "sư giả” nhằm góp phần bảo vệ trật tự an ninh xã hội và giữ gìn sự trong sáng của Chánh pháp.
(NGUYÊN PHÁP, Bình Dương; dungle69...@yahoo.com.vn)
ĐÁP: Các bạn Nguyên Pháp và dungle… thân mến!
Để dễ dàng nhận diện “sư giả” và kịp thời báo ngay cho các cơ quan chức năng địa phương xử lý, quần chúng nhân dân cần dựa vào các yếu tố sau:
Chư Tăng Ni thuộc hệ phái Bắc tông không đi khất thực, chỉ có một bộ phận chư Tăng thuộc hai hệ phái Nam tông và Khất sĩ (đắp y quấn, màu vàng hoặc vàng sẫm) mới đi khất thực. Vì thế, các “sư” nào khất thực mà mang y phục Bắc tông tức mặc áo tràng (màu vàng, lam hoặc nâu) và các “sư” nữ trùm khăn đều là “sư giả”. Đó là chưa nói đến khi Giáo hội chính thức ban hành lệnh tạm ngừng các hoạt động khất thực thì tất cả những ai đi khất thực đều có thể xem là “sư giả”.
Khất thực đúng pháp vốn không nhận tiền bạc, chỉ nhận vật thực vừa đủ cho môt bữa ăn. Do đó, những ai khất thực mà nhận tiền bạc là phi pháp. Đây là một trong những yếu tố quan trọng để nhận diện “sư giả”, vì họ rất chú trọng đến việc xin tiền bạc hơn là xin đồ ăn uống.
Thời gian khất thực đúng pháp là trong buổi sáng và chấm dứt trước 12 giờ trưa. Những ai khất thực kéo dài sau 12 giờ trưa đến chiều tối đều phi pháp, là “sư giả”.
Hành vi của hành giả khất thực đúng pháp luôn đoan chánh, tuân thủ các oai nghi của người xuất gia như: Bước đi khoan thai, từ tốn; không nhìn ngang liếc dọc, chỉ nhìn xuống đất; không mở lời xin xỏ bất cứ điều gì; không đánh chuông, gõ mõ hay tụng kinh ồn ào để gây sự chú ý; tuyệt đối không bước vào nhà thí chủ, chỉ đứng ngoài cổng (đợi một lát nếu không được bố thí thì lập tức phải bước đi nhà khác)...
Dựa vào những tiêu chuẩn cơ bản về một hành giả khất thực đúng Chánh pháp như chúng tôi đã trình bày, các bạn sẽ dễ dàng nhận diện ra vị “sư giả” và báo ngay cho các cơ quan chức năng địa phương để xử lý.
Hiện nay, loạn “sư giả” không chỉ hoạt động ở lĩnh vực khất thực mà còn lộng hành hơn trong các lĩnh vực khác như lạc quyên, vận động (xây chùa, nuôi trẻ mồ côi, cứu trợ bão lụt…) và bán hương với giá cực đắt (với lời biện hộ là để ủng hộ chùa). Đa phần, các “sư giả” chuyên lạc quyên và bán hương đèn này lại mặc y phục chư Tăng Ni hệ phái Bắc tông. Họ sục sạo khắp các hang cùng ngõ hẻm từ thành thị cho đến nông thôn, bấm chuông kêu cửa xông vào tận nhà miễn cưỡng chào mời mua bán, gây phiền phức cho không ít người…
Tất cả những hoạt động này của các “sư giả” ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín Tăng Ni và Phật giáo nói chung, làm tổn thương niềm tin của hàng Phật tử. Vì thế, để bảo vệ Chánh pháp và giữ gìn trật tự an ninh xã hội, tất cả chúng ta cần chung sức và kiên quyết dẹp trừ tệ nạn này.
Chúc các bạn vững tin!
TỔ TƯ VẤN
___________
(*) Bài này đăng trên trang Tư vấn - Báo Giác Ngộ năm 2008
|
Nguồn: Giác Ngộ
|
- Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
Thiền học Luy Lâu không còn, và nên không còn được hiểu là khởi nguyên của Thiền học Việt Nam, mà là suối nguồn của Thiền học Việt Nam. Có lẽ Phật giáo Việt Nam cần trở về cội nguồn của Luy Lâu và Yên Tử để tìm thấy mình và bắt gặp lại niềm tin và tự hào lịch sử trước khi có thể mở ra hướng phát triển cho hiện tại.
- Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
"Nói đến cuộc sống là vô biên không thể kể xiết nào là vui buồn, khổ đau, hạnh phúc, mệt nhọc, sung sướng… nhưng điều tất yếu là ta phải biết nhận diện nó, để rồi chuyển hoá nó thì tự nhiên cuộc sống trở nên có ý nghĩa hơn, thong dong hơn, đừng nói gì đến “Mỗi lần nêu ra một lần mới”. Ví như ban nãy tôi đang đứng giữa trời đất đưa tay chỉ bầy chim én bay lượn trên cao, tay vừa đưa lên thì chúng đã bay xa. Cho nên mỗi chúng ta đừng vội vàng đi tìm cầu mà hãy trân quý cuộc sống trong hiện tại cho thật thi vị nhiệm mầu". (Trích Tâm quán tình người, Thích Pháp Bảo)
- Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
Trong các loài hoa báo xuân thì mai là người gõ cửa, khi chỉ mới vào độ đầu tháng Mười một âm lịch đã thấy lác đác những nụ mầm bật lên, e ấp trong gió đông còn đang xám xịt giữa cô liêu rét buốt, ẩm ướt mưa phùn. Nhưng, phải đợi đến tận những ngày cuối tháng Chạp, mai mới ủ đủ nhựa cho một đợt mãn khai đón Tết đến, xuân về.
- Đôi dòng xúc cảm
Từng lời, từng câu, từng chữ trong bài: Đôi dòng xúc cảm của tác giả Minh Hà đều chất chứa biết bao tình cảm thiêng liêng của người viết. Nó dường như mang nặng trong lòng của những người con Phật về bốn ân to lớn trong đời sống của mình, đó là ân Quốc gia, xã hội; ân Sư trưởng; ân phụ mẫu và ân vạn loại chúng sinh. Từ đây, tác giả đã bước chân vào con đường đạo, từ bỏ mọi danh lợi thế gian, sống một đời sống phạm hạnh, tri túc thường lạc, với mong muốn giản dị là đem lại sự an vui và hạnh phúc mọi người.
- 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
- Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
Có một ngôi chùa, nhân vì thờ một xâu chuỗi Phật Tổ từng đeo mà nổi tiếng.
- Em nên đi tu hay lấy chồng?
Dù em là ai đi chăng nữa, nhưng trong em luôn có tâm thiện, sống có đạo đức thì đó chính là mình có hiếu với bố mẹ rồi. Nói chung, việc báo hiếu nó biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau em ạ. Chứ không phải đi tu là bất hiếu, và lập gia đình là có hiếu đâu em nhé.
- Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
Trong diễn văn của Chủ tịch nước Cộng Hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Minh Triết tại buổi khai mạc Đại lễ Phật Đản Liên Hợp Quốc 2008 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình Hà Nội, sáng ngày 14.5.2008 đã khẳng định:
- Bình an giữa cuộc đời
Bình yên không có nghĩa là đi đến một nơi không có tiếng ồn, không có khó khăn, không cực nhọc. Bình yên là giữa một không gian yên ả, thanh bình, chỉ có tiếng chuông chùa buông trong thinh không làm tâm ta tĩnh lặng, dễ chịu. Bình yên là khi ta biết tìm về với Phật, tìm về nương náu dưới ngôi Tam Bảo để tu thân hành thiện, để cho cuộc đời mình sống có ý nghĩa hơn.
- Ăn và Đạo Pháp
Ăn cũng là một giải pháp của tiến hoá trong mục đích duy trì sự tuôn chảy của dòng sông sự sống vô hình, bằng cách các sinh vật phải chiếm đoạt sinh-khối của nhau để duy trì cuộc sống. Hiện tượng này tạo thành khái niệm sinh học về "chuỗi thức ăn" hoặc "tháp thức ăn" trong sinh quyển . Ăn là hiện tượng tự nhiên như nó là, ăn là một điều-kiện-tính của tồn sinh và ăn đã điều-kiện-hoá sự tồn sinh của mọi cá thể, mọi loài sinh vật.
|