Chi tiết tin tức

Ý nghĩa của việc ăn chay

08:59:00 - 03/01/2014
(PGNĐ) -  Đạo Phật là Đạo của từ bi, bình đẳng, chánh giác. Vì vậy, khi tu theo Phật chúng ta phải ăn chay thì lòng từ bi mới tăng trưởng, thân tâm mới nhẹ nhàng, thanh tịnh và không kết oán thù phải đền trả nợ mạng chúng sanh về sau nữa.

Hơn nữa, Phật dạy tất cả chúng sanh đều là ông bà, cha mẹ, quyến thuộc của mình trong nhiều đời, nhiều kiếp nhưng do vô minh gây tạo nghiệp báo luân hồi phải thay hình đổi dạng mà người đời không hay, không biết nên mới có việc sát hại, ăn nuốt lẫn nhau tạo vô lượng tội ác. Thật đáng tiếc thay! Lại có người còn hiểu lầm câu nói người xưa:“Vật dưỡng Nhân” nên tha hồ sát hại và ăn nuốt. Vật dưỡng Nhân, nghĩa là dùng vật chất bố thí giúp người để nuôi dưỡng lòng Nhân ấy vậy! Nào phải con vật sinh ra là để cho ta ăn nuốt đâu?

Hiện nay, có người cho rằng ăn chay không đủ chất thì chưa hẳn đã đúng. Vì nếu nói như vậy thì hãy nhìn lại Quý Thầy, Quý Ni Sư xuất gia từ nhỏ có thiếu chất hay bị đau bệnh gì đâu? Mà thân thể quý vị ấy rất khoẻ mạnh, nước da hồng hào, minh mẫn, sáng suốt. Hơn nữa, những người trường chay thường  rất ít bệnh tật và tuổi thọ lại rất cao. Vấn đề là chúng ta phải biết cách ăn chay sao cho hợp lý với đầy đủ rau, củ, quả, ngũ cốc và các loại sữa đậu nhiều vi chất và sinh tố. Không phải cơ thể chúng ta sẽ hấp thụ toàn bộ những gì mình ăn vào mà chỉ một lượng cần thiết. Ngày nay, nhiều người ăn uống quá mức cần thiết nên đã bị rất nhiều bệnh tật như béo phì, gút, tai biến mạch máu, gan nhiễm mỡ v.v…

Có một thông tin rất thú vị và bổ ích rằng, ngày nay một số nhà khoa học đã nghiên cứu cho thấy, gần 50% năng lượng tạo ra qua con đường ăn uống không phải tiêu hao cho lao động chân tay hay trí óc như chúng ta vẫn thường nghĩ mà là cho những tâm niệm lăng xăng vọng tưởng như giận hờn, hơn thua, phải quấy, thương ghét, vui mừng thái quá của chúng ta. Lý do này có thể giải thích tại sao người tu, hoặc những người có tâm thanh tịnh thường ăn ít mà vẫn luôn khoẻ mạnh. 

Kinh Phật cũng dạy: “Pháp hỷ thực. Thiền duyệt vi thực” và “Pháp hỷ sung mãn”… Nghe pháp Phật liễu ngộ liền sanh tâm hoan hỷ. Hoặc trong trạng thái nhập sâu thiền định thì ăn uống không còn là vấn đề nữa.

Mục đích cao cả của ăn chay là lòng từ bi. Mọi loài cũng đều tham sống, sợ chết như ta thì nỡ lòng nào lại ra tay sát hại hay ăn nuốt chúng. Và nói đến ăn chay thì thường đi đôi với làm lành. Mỗi lần ăn chay là một dịp chúng ta tự soi xét lại bản thân mình về những hành vi, lời nói, suy nghĩ chưa tốt, bất thiện để rồi tu sửa lại cho hoàn hảo hơn. Hơn nữa, ăn chay rất có lợi cho sức khoẻ.

Nhà bác học về vật lý nổi tiếng thế giới Albert Einstein đã từng nói: “…Ăn chay là một cách sống làm cho thể chất trong sạch. Điều này sẽ ảnh hưởng đến khí chất của con người và đó cũng là một ảnh hưởng có lợi nhất cho phần đông nhân loại. Không có gì lợi ích cho sức khoẻ và gia tăng tuổi thọ cho con người trên quả địa cầu này bằng cách ăn chay. Công việc của chúng ta là phải mở rộng vòng tay thương yêu đến tất cả sinh vật, bảo bọc toàn thể thiên nhiên trong vẻ đẹp của nó”…

Tuy nhiên, bước đầu ăn chay không phải là một việc dễ dàng, bởi do cơ thể chúng ta từ lâu đã quá lệ thuộc vào máu thịt chúng sanh nên chưa thể thích nghi ngay được mà đòi hỏi bước đầu phải tập dần dần, nhưng nếu không suy nghĩ nhiều về chuyện ăn thì sẽ không còn là vẫn đề lớn nữa. Hơn nữa, miếng ăn cho dù có ngon đến mấy cũng chỉ nhận biết một chốc lát thật ngắn ngủi qua khỏi cửa miệng mà thôi!

Chúng ta nên tập ăn chay dần theo kỳ: Mỗi tháng hai ngày, bốn ngày, rồi sau đó nâng dần lên sáu ngày mười ngày, một tháng ba tháng... Sau này, khi có sự hiểu Đạo và hiểu rõ Oan Gia Trái Chủ, Nhân Quả báo ứng và luân hồi cũng như sự ảnh hưởng của nó đối với sự thành bại trên con đường tu Đạo giải thoát, thì đến lúc đó, mặc dù chẳng có ai khuyên bảo gì cả nhưng tự mình cũng sẽ quyết định trường chay một cách dễ dàng thôi.

Nếu đã hạ quyết tâm tu theo Phật thì nhất định phải trường chay thì mới tương ưng với tánh đức từ bi của Phật, của cõi “thượng thiện nhân câu hội”. Hơn nữa, trường chay cũng là một trong những hành động thiết thực nhằm góp phần cùng xã hội vào mục đích bảo vệ môi trường, kiến lập xã hội an định, quốc thái dân an, thế giới hoà bình, chúng sanh an lạc vậy!  

Đạo lý về ăn chay cũng đã được Ngài Minh Đăng Quang khai thị rất rõ ràng, sắc bén trong bộ “Chơn Lý”. Theo đây thì có thể nhận thấy ăn chay không chỉ là vì lòng từ bi mà còn là một pháp tu thiệt căn thanh tịnh, không ô nhiễm vị trần. Quý vị quan tâm có thể tìm đọc và tham khảo vậy! Hoặc qua rất nhiều sách, bài giảng của chư vị Tổ Sư, Đại Đức, Cao Tăng khác.

Q.H

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin