Chi tiết tin tức Bản in Tôi đã giữ trọn niềm tin Phật Pháp như thế… 17:17:55 - 24/07/2013
(PGVN) Mấy chục năm nay, từ năm 1963, cơ duyên bác cứ nghiên cứu đạo Phật như thế. Vài năm trở lại đây, bác chuyên tâm nghiên cứu về thiền học, và “mê nhất” là Hòa thượng Thanh Từ. Hiện, bác đang nghiên cứu về Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử...Đi Bửu Thắng về, Dũng trở cô tới nhà ông bác ở đường Phan Bội Châu nhé. Không biết có việc chi, mà bác gọi điện cho cô từ sớm. Sư cô Viên Trí nói với tôi trên đường về thăm Cơ sở tình thương Bửu Thắng 2, ở Krong Ana, tỉnh Daklak. 12 giờ hơn, chúng tôi đến nhà bác. Sư cô và bác trò chuyện mấy câu, rồi như một nhân duyên, tôi trở thành nhân vật chính… Biết tôi là phật tử, từ Hà Nội về Buôn Ma Thuột làm công chuyện phật sự, bác hoan hỷ chia sẻ câu chuyện đời tư có phần ly kì, nhưng đầy sức lôi cuốn, vì đó là một hành trình Phật pháp nhiệm màu… ![]() Bác Trần Hữu An đã đi nhiều nơi, đến thăm nhiều thánh tích Phật giáo. Đây là một trong số ít bức ảnh bác rất thích. Bức ảnh bác chụp cùng cố Ni trưởng Thích Nữ Hoa Liên, Viện chủ Tịnh xá Ngọc Ban, Buôn Ma Thuột (bác An, người mặc áo sơ mi trắng, đứng ngoài cùng bên phải) Câu chuyện của bác Trần Hữu An, pháp danh Nguyên Bình, bắt đầu… Năm 1960 bác bị bệnh rất nặng, một cánh tay có nguy cơ hư hại hoàn toàn. Bác không nhớ rõ tên bệnh tiếng nước ngoài là gì, chỉ nhớ các bác sĩ nói bác bị bệnh “Cao xương”. Khi đó bác được chuyển từ bệnh viện tuyến dưới ở Quy Nhơn về điều trị ở bệnh viện Bình Dân Sài Gòn (khi đó là bệnh viện thực tập Ngoại khoa chính của trường Đại học Y Sài gòn, mặc dù cơ sở không khang trang nhưng là bệnh viện Ngoại khoa duy nhất ở miền Nam Việt Nam. Ở đây tập trung hầu hết các Thầy đầu ngành Ngoại và nhận điều trị, mổ xẻ tất cả các bệnh Ngoại khoa chuyển đến từ các bệnh viện thành phố hay tỉnh.). Thời gian nằm dài trong viện, một hôm, có ông già người Huế thường vào thăm nom người thân, đến bên giường bệnh bác nằm hỏi han, trò chuyện rồi nói bác ghi lại 8 câu Kệ của Ngài Quán Âm, cứ tụng niệm sẽ tai qua nạn khỏi. “Có bệnh vái tứ phương”, chẳng khác nào “chết đuối vớ được cọc”, bác hàng ngày đọc bài kệ đó. Hàng tháng, nhưng bệnh tình vẫn không thuyên giảm… Tuy vậy, bác vẫn từng ngày, hàng giờ tâm niệm và cầu nguyện, hy vọng điều kỳ diệu sẽ đến. Ông bác sĩ, Trưởng phòng khoa Xương chẩn trị cho bác khi đã xét nghiệm, kiểm tra kỹ, đành phải nói thật rằng, cánh tay bác không giữ lại được nữa, phải cắt bỏ, nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Trường hợp bệnh nhân nặng thế này, phải có người nhà bệnh nhân đồng ý, ký nhận vào bệnh án cháu ạ. Bố của bác, và cô ruột ở Sài Gòn vào thăm bệnh, bà cô khóc nhiều lắm; và bố của bác không còn cách nào khác, đành phải ký vào bệnh án, chấp nhận con trai mình sẽ mất một cánh tay… Bác hoang mang lắm, cả ngày hôm đó không ăn uống gì, trằn trọc cả đêm chờ sáng hôm sau tay mình sẽ bị cắt bỏ, khi đó bác mới 18 tuổi. Sáng hôm sau, bác được đưa vào phòng mổ, trước khi phẫu thuật, Giáo sư Trần Ngọc Ninh - Trưởng khoa Xương, bệnh viện Bình Dân vào xem lại bệnh án lần cuối. Ông nghiên cứu bệnh án rất kỹ, đăm chiêu, đắn đo suy nghĩ hồi lâu… rồi quyết định nhanh chóng, xác nhận vào bệnh án ngắn gọn “Tạm hoãn, tiếp tục theo dõi điều trị”. Sau đó, bác chỉ phải bó bột và điều trị kháng sinh tích cực. 3 tháng sau chụp hình lại, nơi xương cánh tay bị coi là hỏng đã trắng và xốp lên, đích thân Giáo sư Trần Ngọc Ninh mổ. Thể trạng yếu, tinh thần suy sụp nhiều, nên phẫu thuật xong thì bác bị sốc, tưởng như không qua khỏi, nhưng không biết cơ may nào, bác vẫn sống và dần bình phục. Năm 1962, bác được chỉ định phẫu thuật lần nữa và tiếp tục điều trị. Năm 1963 xuất viện và cánh tay được giữ lại, đến bây giờ vẫn hoạt động bình thường. Ra viện, bác về Sài Gòn ở nhà dượng. Nhà dượng có tủ sách Phật học, bác nghiên cứu Kinh sách từ đó, mới đầu chỉ đọc những cuốn Kinh bình thường, rồi thâm nhập dần dần. Quãng thời gian dài đọc Kinh sách, nghiên cứu giáo lý nhà Phật, bác mới thấy đạo Phật thực sự màu nhiệm, vi diệu khôn tả. Mấy chục năm nay, từ năm 1963, cơ duyên bác cứ nghiên cứu đạo Phật như thế. Vài năm trở lại đây, bác chuyên tâm nghiên cứu về thiền học, và “mê nhất” là Hòa thượng Thanh Từ. Hiện, bác đang nghiên cứu về Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, nghiên cứu về các đời Tổ của Thiền phái. ![]() ![]() “Cơ ngơi nhỏ bé" của phật tử Nguyên Bình - Trần Hữu An Hoàn toàn lành bệnh, sức khỏe ngày thêm cải thiện nhờ nghiên cứu, thực hành Phật pháp và Thiền học, nay bác sống ở Tp.Buôn Ma Thuột. Bác đã sớm phát tâm thờ tôn tượng đức Quán Thế Âm Bồ Tát - Mẹ hiền của muôn loài, hàng ngày tâm niệm thành kính tri ân mỗi khi hồi tưởng lại quãng thời gian cận kề “cửa tử”… Câu chuyện nào cũng đến hồi kết. Khi tôi hỏi bác về bài Kệ được ông già người Huế tặng, bác chỉ nhớ hai câu: …“Hải trung dũng xuất phổ đầu san Quan Âm Bồ Tát tại đà giang” Lạ, là hai câu Kệ trên, bác hỏi các sư không ai biết, tra cứu nhiều tài liệu cũng chưa ra. Nhân duyên của bác An đến với đạo Phật như thế đó. Giờ đã ngoài 70 tuổi, nhưng bác vẫn khỏe mạnh và nhanh nhẹn. Đi đâu, lại một mình rong ruổi chiếc xe máy khắp các nẻo đường… Thường Nguyên Nguồn: phatgiao.org.vn
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |