Chi tiết tin tức Bên bờ sanh tử 09:15:00 - 18/04/2015
(PGNĐ) - Phật dạy được làm người là rất khó, ví như cả trăm năm một con rùa mù dưới đáy biển mới trồi lên gặp được một khúc cây bộng để nó chui vào. Do hiếm được làm người, ta phải biết trân trọng cuộc sống, sống có ích.
Trong mấy mươi năm ở ngành y, tiếp xúc không biết bao nhiêu bệnh nhân nhưng những bệnh nhân tự tử lại khiến tôi nhớ đến họ nhiều. Mỗi người có hoàn cảnh riêng, có nỗi đau riêng nhưng lại có cách giải quyết chung là chạy trốn cuộc đời bằng cách tự giết mình. Nhiều anh em trong ngành y bày tỏ quan điểm không ưa những người tự tử vì họ rất cực nhọc trong việc cứu chữa những người tự tử; đặc biệt là họ rất khó chịu khi rửa dạ dày cho bệnh nhân nhất là bệnh nhân tự tử bằng thuốc trừ sâu; hiện tượng nhức đầu, chóng mặt, nôn nao khó chịu thường xuyên xảy ra do họ hít phải hơi thuốc từ chất rửa dạ dày thoát ra; sau rửa dạ dày, việc điều trị cũng rất vất vả, họ phải theo dõi liên tục do bệnh nhân thường giãy giụa khiến kim dây truyền dịch trật mạch, các thiết bị hỗ trợ thường xuyên bị trật, sút. Có người lại không ưa vì quan điểm sống, họ cho rằng tự tử là hèn nhát không dám đối đầu với nghịch cảnh. Riêng tôi, tôi không ghét người tự tử, tôi vẫn săn sóc họ như những bệnh nhân khác nhưng tôi cũng chống lại việc tự sát; hoàn cảnh nào cùng sẽ có giải pháp tháo gỡ, vội vàng hủy bỏ cuộc sống của mình là quá yếu đuối và ích kỷ. Đâu phải chỉ mình ta sống mà còn là sự hiện hữu chằng chéo vô số quan hệ, việc tự hủy cuộc sống sẽ gây sụp đổ các quan hệ đó cùng biết bao hệ lụy xấu mà nó mang tới. Tôi còn nhớ một buổi sáng tại phòng khám của bệnh viện khu vực, bệnh nhân chờ khám rất đông. Lúc đang khám cho một em bé tôi bỗng thấy một người đàn ông tay cầm chai thuốc trừ sâu bước nhanh về phía tôi, vội vã nói: “Bác sĩ làm ơn cất dùm chai thuốc, ông kia định dùng nó để tự tử!”. Vừa nói ông ta vừa chỉ ra cửa, một người đàn ông khác đang hớt hải bước tới. Tôi nhanh chóng đứng dậy lấy chai thuốc để vào tủ hồ sơ rồi khóa lại; bỏ chìa khóa tủ vào túi áo xong, tôi nghiêm sắc mặt hỏi người đàn ông đến sau: “Đầu đuôi như thế nào chú vui lòng cho tôi biết”. Người đàn ông có vẻ mặt u buồn phân bua: “Bạn tôi nói bậy đó bác sĩ, tôi mua thuốc về để xịt sâu chứ có tự tử gì đâu”. Người bạn ông ta lên tiếng: “Ổng muốn tự tử thiệt đó bác sĩ, hồi nãy ổng nói con ổng đánh chửi ổng, buồn quá muốn chết phứt cho rồi; ổng còn nói uống thuốc trừ sâu là chắc ăn, khỏi ai cứu được. Tôi giựt chai thuốc trên tay ổng đó”. Tôi nói với người bị cho là có ý định tự tử: “Tôi không biết chú có định tự tử hay không nhưng chú này đã báo, tôi tạm giữ chai thuốc ở đây. Chú kêu thân nhân vô lãnh về”. Người đàn ông đó ngần ngừ không chịu đi, cứ đứng năn nỉ xin lại chai thuốc. Nghe lộn xộn trong phòng khám bệnh, bác sĩ Tăng là bác sĩ trực đêm vừa rồi vào hỏi đầu đuôi câu chuyện sau đó mời người đàn ông định tự tử qua phòng tiếp khách để nói chuyện, tôi quay lại khám bệnh tiếp. Khoảng một giờ sau bác sĩ Tăng trở vào gặp tôi: “Anh cho em mượn chìa khóa tủ hồ sơ”. Tôi hỏi lấy chìa khóa để làm gì, bác sĩ Tăng bảo: “Em tính trả lại chai thuốc cho người đàn ông định tự tử kia, nãy giờ em tâm sự, phân tích phải trái cho ổng nghe, ổng hứa sẽ không tự tử nữa”. Tôi nói: “Không được đâu, trả lại là ông ta uống liền đó, tôi thấy đôi mắt ổng không còn thiết tha sống nữa!”. Bác sĩ Tăng lại bảo: “Anh cứ an tâm tin vào tài thương thuyết của em, vả lại em không đưa cho ổng mà đưa cho bạn của ổng”. Tôi mở tủ lấy chai thuốc trừ sâu đưa cho bác sĩ Tăng rồi bảo: “Ông ta mà uống là cậu phải rửa dạ dày đó!”. Bác sĩ Tăng cười ra vẻ tự tin. Tôi thầm nghĩ, đúng là Tăng rất có tài ăn nói, tương lai còn phát triển nữa nhưng nói năng có giỏi gì cũng khó mà thuyết phục nổi người đã quyết tâm chết, cản được lần này khó cản được lần sau. Khoảng mười lăm phút sau, người bạn của người đàn ông định tự tử chạy vào la lên: “Chết rồi bác sĩ ơi, ổng giựt chai thuốc chạy mất rồi”. Tôi đứng phắt dậy: “Làm sao ổng giựt được”. Người đó trả lời: “Tôi lên giường châm cứu, ổng nhào tới giựt chai thuốc trên tay tôi rồi đâm đầu chạy, tôi đuổi theo không được vì kim châm cứu còn ghim đầy mình”. Tôi chỉ biết than đúng là ý trời khó cản. Nửa giờ sau, khám xong người bệnh cuối cùng tôi đứng lên định qua phòng trực uống nước thì bất ngờ người đàn ông định tự tử khi nãy loạng choạng bước vào, mặt mày tái xanh, thều thào nói: “Cứu tôi với bác sĩ, tôi lỡ uống thuốc rồi”. Tôi vừa kêu trời vừa kè ông ấy vào giường bệnh: “Đã năn nỉ cả buổi xin ông đừng uống mà ông vẫn cứ uống, bây giờ bảo cứu, cứu làm sao kịp đây!”. Hai y tá nhanh chóng đưa ông ta đến phòng chuyên dành rửa dạ dày, tôi bực bội tìm bác sĩ Tăng bảo: “Cậu thuyết khách giỏi quá, cái ông hồi nãy uống thuốc rồi đó, khoan ra trực, đi phụ rửa dạ dày với tôi”. Đang sửa soạn ra về bác sĩ Tăng lật đật mặc áo chuyên môn lại, cùng chúng tôi rửa dạ dày cho người đàn ông đó. Nước rửa từ dạ dày ông ta tuôn ra hôi nực nồng mùi thuốc trừ sâu, đục như sữa bò. Dù cửa sổ phòng mở toang, quạt máy mở hết mức nhưng anh em trong phòng đều hoa mắt, chóng mặt, hóc trong cổ họng vì hít phải hơi thuốc bốc lên. Tôi thầm nghĩ: “Uống cỡ này voi cũng chết nữa nói chi là người!”. Sau rửa dạ dày, mặc dù được hồi sức tích cực, truyền dịch, dùng thuốc đối kháng nhưng do uống quá nhiều thuốc trừ sâu nên một giờ sau ông ta tử vong. Khi người nhà mang xác ông ta về, tôi mệt mỏi nhìn theo còn bác sĩ Tăng lặng lẽ ra về không nói một tiếng nào. Có lẽ cậu ta thấy cắn rứt lương tâm vì mình đã góp một phần vào cái chết của người đàn ông đó. Nhưng công bằng mà nói dù cậu ta không trả lại chai thuốc thì người đàn ông đó vẫn tìm cách khác để tự tử. Tôi chỉ thấy thấm thía về bản năng muốn sống của con người, dù quyết tâm chết nhưng khi cái chết đến lại hoảng sợ bấu víu bất cứ cái gì có thể giúp mình được tiếp tục sống dù trước đó mình đã bỏ ngoài tai lời khuyên lơn ngăn cản. Lại nhớ đến Bồ-tát Thích Quảng Đức, trong ngọn lửa cháy rừng rực thiêu thân xác mà ngài vẫn an nhiên tĩnh tọa; khi cái chết đến trong đớn đau cùng cực của thể xác, ngài vẫn không lay động. Quả chỉ có bậc thánh mới có thể có hành động như vậy. Lại nhớ khoảng một tháng sau, trong phiên trực tôi tiếp nhận một ca tự tử đặc biệt – một đứa trẻ mới học lớp ba đã uống thuốc trừ sâu. Nhìn em nằm quằn quại trên giường chuẩn bị rửa dạ dày, tôi nắm cánh tay gầy guộc còn đeo hai cọng dây thun màu vàng, ngón tay dính đầy mực tím, tôi hỏi: “Sao con uống thuốc chi vậy”. Đứa trẻ trả lời: “Tại con giận, con đói bụng lục cơm ăn mà má “quánh” con, cứu con với bác sĩ ơi”. Khi rửa dạ dày cho em ngoài thuốc trừ sâu hôi nồng chỉ có hai, ba miếng cơm dừa nạo, không có hạt cơm nào trong bụng. Do bụng đói, thuốc thấm nhanh nên em đã chết khoảng một giờ sau đó dù chúng tôi đã tận tình cứu chữa. Hỏi thăm người nhà mới biết em theo bạn đi chơi tới gần một giờ trưa mới về, đang lục cơm nguội ăn, mẹ em trông thấy nóng nảy rút roi đánh em văng cả chén cơm; em dỗi, lén lấy chai thuốc trừ rầy để bên hiên uống. Khi người nhà phát hiện đem vào bệnh viện thì đã quá trễ. Bây giờ mỗi lần uống nước dừa nạo tôi lại nhớ đến em; tội nghiệp, khi chết, trong bụng em trống rỗng. Nếu mẹ em biết theo lời ông bà dạy “trời đánh tránh bữa ăn” thì đâu tới nỗi mất con. Hai cái chết trên chỉ là một phần rất nhỏ trong những cái chết do tự tử mà tôi đã gặp, họ không có cơ hội để quay lại kể cho tôi nghe trạng thái tâm lý, những ước muốn nếu được tiếp tục sống ngoài sự sợ hãi biểu lộ ra bên ngoài khi họ cảm nhận cái chết đến. Tôi chỉ có điều kiện tiếp xúc duy nhất với một người đã từ cõi chết quay về, kể lại cho tôi nghe những cảm xúc, những ước nguyện khi cận kề cái chết- đó là thầy của tôi. Thầy của tôi cũng đã tự tử nhưng may mắn thoát chết một cách kỳ diệu nhờ sự phù hộ của Đức Bồ-tát Quán Thế Âm. Thầy tôi kể tuổi thơ của thầy rất đau buồn, cha là một quan chức trí thức lớn của chính quyền Pháp thuộc, mẹ thầy chỉ là người hầu trong gia đình. Trong một phút không cầm lòng với cô người hầu trẻ trung, cha thầy đã tạo ra oan nghiệt, kết quả là thầy tôi có mặt trên cuộc đời mà không ai muốn chào đón. Khi mẹ thầy có thai, bà đã bị xua đuổi ra khỏi gia đình danh gia thế tộc của cha thầy. Bà phải đi làm thuê, làm những công chuyện nặng nhọc để sống qua ngày. Thầy được sinh ra trong hoàn cảnh bần hàn, mẹ nuôi không nổi phải gởi vào cô nhi viện, thỉnh thoảng mới vào thăm. Khi tuổi đã lớn, biết mình có cha mẹ đầy đủ mà phải ở trại mồ côi, thầy rất tủi thân. Một hôm, thầy tìm đến căn nhà mà mẹ thầy thuê để ở ban đêm còn ban ngày buôn bán ngoài chợ; ở đó, thầy viết một bức thư tuyệt mạng gởi mẹ rồi lấy dây dù mang theo làm thòng lọng và tự treo cổ. Thầy bảo lúc thầy đạp chiếc ghế đẩu, cổ bị dây dù siết chặt đau đớn không thở được, một mặt hai tay thầy nắm sợi dây dù ghị giữ cho dây đừng siết vào cổ họng, một mặt van vái: “Bồ-tát Quán Thế Âm ơi cứu con với, nếu con được sống xin hứa cả đời đi lượm miểng chai ngoài đường giúp đời”. Chịu được một lúc hai tay thầy rã rời đành buông xuôi, thầy bị nghẹt thở rồi không còn biết gì nữa. Lúc ấy ở ngoài chợ, do bán ế mẹ thầy ngồi dựa cột nhà lồng thiu thiu ngủ bỗng mơ thấy một người đàn bà mặc quần áo trắng tinh nắm tay bà lôi mạnh rồi chỉ về hướng nhà bà thuê gần đó. Bà chợt giật mình tỉnh giấc và đau bụng dữ dội, bà ôm bụng bỏ cả hàng hóa chạy về nhà trọ để đi vệ sinh, khi mở cửa vào thấy con mình treo cổ trên xà nhà tay chân đang quờ quạng co giật, bà chỉ kịp la lên bớ người ta cứu con tôi với rồi té xỉu. Khi bà tỉnh dậy thấy con nằm bất động bà khóc la thê thảm; may nhờ nghe tiếng bà la, hàng xóm có người biết y thuật đến tháo dây siết cổ kịp thời nên thầy tôi mới sống lại. Từ đó thầy tôi đã biết quý trọng sự sống và kiên tâm thực hiện lời phát nguyện “lượm miểng chai suốt đời”, mà đời đâu có miểng chai ném ngoài đường hoài cho thầy lượm, thế là thầy đã xuất gia để chuyên tâm thực hành nghiệp thiện. Thọ cụ túc giới năm 1972, thầy không mong muốn mở chùa, vẫn ở trong một cái cốc nghèo nàn, vật chất thiếu thốn như một người tu khổ hạnh nhưng thầy đã quyên góp, vận động giúp đời. Những học bổng nhờ thầy vận động có được đã hỗ trợ rất nhiều học sinh nghèo hiếu học được tiếp tục học đến nơi đến chốn. Những chiếc cầu bê tông vững chãi lần lượt mọc lên ở các xã nghèo sau những chuyến quyên góp của thầy ở TP.HCM. Thầy tôi thường nói suýt mất đi cuộc sống nên thầy trân quý cuộc sống từng giây, từng phút, thầy luôn tâm niệm phải sử dụng thời gian một cách hữu ích nhất để không phụ công Bồ-tát Quán Thế Âm đã ra tay giữ mạng sống lại cho thầy. Phật dạy được làm người là rất khó, ví như cả trăm năm một con rùa mù dưới đáy biển mới trồi lên gặp được một khúc cây bộng để nó chui vào. Do hiếm được làm người, ta phải biết trân trọng cuộc sống, sống có ích. Đức Phật ngăn cấm việc tự tử vì việc tự hủy cuộc sống là hành động trốn chạy luật nhân quả, mà đã là luật thì có trốn chạy nơi nào cũng không thể tránh khỏi, kể cả cái chết; nghiệp đã tạo thì phải trả. Việc chết đi chỉ tạm thời ngưng trả nghiệp nhưng khi tái sanh người đó vẫn phải trả tiếp và phải trả nhiều hơn vì nghiệp chồng nghiệp và việc giết một mạng sống dù giết chính mình vẫn mắc tội giết một vị Phật sắp thành – đó là trọng tội. Tôi luôn nghĩ dù trong hoàn cảnh nào cũng phải trân trọng cuộc sống và sử dụng thời gian được sống một cách tích cực, có ích cho mình và cho đời, đừng vì một suy nghĩ, một hoàn cảnh khó khăn mà hủy hoại cuộc sống. Không có điều gì là bế tắc hoàn toàn, thời gian và duyên hợp sẽ giải quyết các khó khăn nếu bạn biết chấp nhận và chờ đợi, có nhiều điều tốt đẹp đang ở phía trước chờ ta! Hương Đức Tạp Chí Văn hóa Phật Giáo số 173
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |