Chi tiết tin tức

Triết lý 'một nửa' trong thơ Trần Nhân Tông

19:00:00 - 01/07/2025
(PGNĐ) -  Phật hoàng Trần Nhân Tông đề cập triết lý "một nửa" qua các phạm trù đối lập trong thơ, ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên, đạo và đời.

Sau tọa đàm ở TP HCM và Hà Nội, ngày 29/6, nhà thơ, nhà nghiên cứu kiêm dịch giả Nhật Chiêu, đưa chủ đề Đường Bụt đường hoa: Thơ ca Phật hoàng Trần Nhân Tông đến với khán giả Huế. Hàng trăm người dự buổi trò chuyện, trong đó có nhiều giảng viên, nhà thơ, bác sĩ, võ sư, sinh viên.

Vua Trần Nhân Tông (1258-1308) sáng tác đa thể loại - từ thơ, phú, bài giảng, ngữ lục, văn xuôi đến văn thư ngoại giao. Học giả Nhật Chiêu nhấn mạnh triết lý "một nửa" (hai mặt một vấn đề, nửa này - nửa kia, cụm đối lập nhau) là nét độc đáo trong thi ca của ông, kết hợp hài hòa tư tưởng Phật giáo (Thiền tông) và hiện thực cuộc sống.

Phật hoàng vận dụng loạt phạm trù đối lập như hữu hình - vô hình, thế tục - thanh tịnh, thực - hư, sắc - không, hữu (có) - vô (không), động - tĩnh, xa - gần, vật chất - tinh thần, buồn - vui, đục - trong, ánh sáng - bóng tối... không nhằm mục đích đối chọi, mà chuyển hóa thành phương tiện ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên, làm bật lên triết lý "cư trần lạc đạo" (ở đời vui đạo) đặc trưng: không tách rời cuộc sống trần tục mà vẫn giữ được sự thanh tịnh, an lạc trong tâm hồn.

Thay vì đi sâu phân tích một vế, Trần Nhân Tông thường bỏ ngỏ, để lại khoảng trống, tạo sự đa nghĩa, khuyến khích người đọc tự cảm nhận, chiêm nghiệm, liên tưởng và tìm ý nghĩa cho riêng mình.

Nhiều người yêu văn thơ tại Huế dự buổi trò chuyện của học giả Nhật Chiêu. Ảnh: Vỹ Cầm

Nhiều người yêu văn thơ tại Huế dự buổi trò chuyện của học giả Nhật Chiêu. Chương trình diễn ra ở "Không gian Sách và văn hóa" bên bờ sông Hương (số 23-25 Lê Lợi, TP Huế). Ảnh: Vỹ Cầm

Trong bản Xuân vãn (Cuối xuân), Trần Nhân Tông nhắc phạm trù sắc - không, để người đọc tự hình dung vẻ đẹp mùa xuân, hướng đến không gian nghệ thuật đậm tính Thiền. Bài thơ thất ngôn tứ tuyệt có đoạn: "Thuở nào chưa rõ sắc không/ Xuân về lòng bỗng vương lòng hoa chơi/ Chúa Xuân giờ khám phá rồi/Bồ đoàn ngồi ngắm hồng rơi rơi hồng" (Nhật Chiêu dịch).

Cụm đối lập xa - gần, nửa nắng - nửa râm được đề cập trong bài Lên núi Bảo Đài: "Đất vắng, lên đài cổ/ Còn mới nguyên mùa xuân/ Mây núi vừa xa vừa gần/ Đường hoa bên nắng bên râm/ Vạn sự nước trôi nước/ Một đời tâm nhủ tâm/ Tựa hiên, nghiêng sáo mà ngân/ Ngực dâng ánh sáng vô ngần trăng lên(Nhật Chiêu dịch).

Quảng cáo

Trong Thiên Trường vãn vọng (Ngắm cảnh chiều Thiên Trường), Trần Nhân Tông khai thác yếu tố có - không: "Trước xóm, sau thôn tựa khói lồng/ Bóng chiều man mác có dường không/ Theo lời kèn mục trâu về hết/ Cò trắng từng đôi liệng xuống đồng" (Ngô Tất Tố dịch). Nội dung mô tả khung cảnh chiều quen thuộc ở nông thôn đồng bằng Bắc Bộ, gợi bức tranh nửa thực nửa hư, mờ ảo nhưng cũng rõ từng chấm trắng nhỏ của cánh cò đang đáp xuống đồng.

Trạng thái tĩnh - động, mờ ảo - chi tiết thể hiện qua tác phẩm Trăng, Chiều thu ở Vũ Lâm, Tức sự, Cảnh chiều ở Châu Lạng. Dù hướng đến cái nhất thể và toàn diện, tác giả vẫn đề cao triết lý "một nửa": "Nửa ta đi kiếm, nửa ta còn lại hay Nửa ngày rồi tự tại thâm tâm" (trích Cư trần lạc đạo phú). 

Trong buổi trò chuyện, Nhật Chiêu cho biết khi thăm đền thờ Trần Nhân Tông (núi Ngũ Phong, phường An Tây, cách trung tâm TP Huế khoảng 3 km) hôm 28/6, khi đi giữa khung cảnh rừng thông bên nắng - bên râm tương tự trong tứ thơ nổi tiếng của Phật hoàng, học giả tức cảnh sinh tình, bật lên sáu câu thơ: "Đường Bụt, đường hoa, đường trần/ Bước Huyền Trân nhẹ còn ngân ngang trời/ Người từ rót Huế vào tôi/ Rót em vào mộng, rót đời vào thiêng/ Rót tôi vào một cõi huyền/ Thì xin đáp tạ mà nghênh đón tình".

Diễn giả Nhật Chiêu cho rằng Phật hoàng Trần Nhân Tông khai sáng nền văn chương tiếng Việt, gây tiếng vang với hai bài phú dài bằng chữ Nôm: Cư trần lạc đạo(gồm 10 hồi) và Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca. Diễn giả tâm đắc đoạn kết trong Cư trần lạc đạo, cụ thể: "Ở đời vui đạo hãy tùy duyên/ Hễ đói thì ăn, mệt ngủ liền/ Trong nhà có báu thôi tìm kiếm/ Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền".

Trước đó ở phần mở màn, học giả Nhật Chiêu dùng cụm "toàn diện, hiếm có trên thế gian" để nói về tầm vóc, sự vĩ đại của Phật hoàng. Ở tuổi 20 (năm 1278), ông lên ngôi Hoàng đế, sau ba lần từ chối ngai vàng. Nhờ tài thao lược, hai lần vua Trần Nhân Tông lãnh đạo toàn quân đánh tan Nguyên Mông.

15 năm trị vì, ông huy động sức mạnh toàn dân, đạt thành tựu về chính trị, văn hóa, xã hội. Khi mới 35 tuổi (năm 1293), Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con trai Trần Thuyên (tức vua Trần Anh Tông) để lên làm Thái Thượng Hoàng, nhưng vẫn cố vấn cho vua lẫn triều đình, ngoại giao ở Chiêm Thành. 41 tuổi, ông xuất gia tại chùa Hoa Yên - Yên Tử (Quảng Ninh), lấy Đạo hiệu Hương Vân Đại Đầu Đà, khai sinh thiền phái Trúc Lâm - Yên Tử.

Nhà thơ, nhà văn, dịch giả Nhật Chiêu tại tọa đàm thi ca sáng 29/6. Ông có hơn 40 năm nghiên cứu, giảng dạy và viết lách. Ông từng xây dựng giáo trình cho sinh viên gồm Ba nghìn thế giới thơm (biên khảo), Những kiệt tác văn chương thế giới (viết chung), Basho và thơ Haiku (biên khảo), Nhật Bản trong chiếc gương soi (biên khảo), Đại cương văn hóa phương Đông (viết chung). Ở mảng văn xuôi, Nhật Chiêu sáng tác Mưa mặt nạ, Người ăn gió và quả chuông bay đi. Về thi ca, ông ra mắt Lời tiên tri của giọt sương (tập truyện song ngữ Việt - Anh), Tôi là một kẻ khác (thơ tượng quẻ), Người về với Như (thơ ca tương chiếu). Ảnh: Vỹ Cầm

Nhà thơ, nhà văn, dịch giả Nhật Chiêu tại tọa đàm thi ca sáng 29/6. Ông có hơn 40 năm nghiên cứu, giảng dạy và viết lách. Ông từng xây dựng giáo trình cho sinh viên gồm Ba nghìn thế giới thơm (biên khảo), Những kiệt tác văn chương thế giới (viết chung), Basho và thơ Haiku (biên khảo), Nhật Bản trong chiếc gương soi (biên khảo), Đại cương văn hóa phương Đông (viết chung). Ở mảng văn xuôi, Nhật Chiêu sáng tác Mưa mặt nạNgười ăn gió và quả chuông bay đi. Về thi ca, ông ra mắt Lời tiên tri của giọt sương (tập truyện song ngữ Việt - Anh), Tôi là một kẻ khác (thơ tượng quẻ), Người về với Như (thơ ca tương chiếu). Ảnh: Vỹ Cầm

Ở buổi trò chuyện, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu còn nhắc tên loạt nhân vật nổi bật, gắn liền Phật hoàng là hoàng đế Trần Thái Tông (ông nội Trần Nhân Tông), vua Trần Thánh Tông (cha Phật Hoàng). Câu chuyện của Huyền Trân công chúa - con gái vua Trần Nhân Tông, về sau cưới Chế Mân (vua Chiêm Thành) để đổi lấy hai châu Ô, Lý (từ đèo Hải Vân đến phía bắc Quảng Trị ngày nay) - được khán giả quan tâm.

 

Vỹ Cầm/vnexpress.net

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin