Chi tiết tin tức Cá về ao rồi, thì cứ thế bơi thôi… 17:17:55 - 24/07/2013
(PGNĐ) - (PGVN)...và chúng ta, cũng như những chú cá kia. Về ao rồi, thì cứ thế bơi thôi. Được cha mẹ nuôi nấng dạy dỗ, có duyên đến với cửa Phật, được quý Thầy ban đạo từ, trao phương tiện là những giáo lý thâm diệu nhà Phật mà chỉ khi thường hành mới từ tâm cảm niệm.
- Kính bạch Cụ, Cụ làm ơn cho con hỏi: Bé trai nhà con bán khoán từ năm 3 tuổi, năm nay cháu 9 tuổi rồi ạ. Con nhớ, cháu được bán khoán nơi cửa đức Ông, như thế có tốt không ạ? Và có phải khi cháu đến 13 tuổi thì chuộc về không ạ? Một chị phật tử thỉnh xin ý kiến Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ, trụ trì chùa Viên Minh, Quang Lãng, Phú Xuyên, Hà Nội như thế.
- Tục “bán khoán” theo tín ngưỡng dân gian mà hình thành. Chứ tôi cũng chưa thấy sử sách, kinh điển nào ghi chép lại. Và, nói là bán, chứ thực ra là gửi cháu tới cửa Ngài (dân gian tương truyền vậy), Ngài quan tâm, phù hộ cho được khỏe mạnh, không đau ốm. Chứ nếu “bán” thì các Ngài mua phải trả tiền chứ? - Đại lão Hòa thượng vừa chia sẻ, vừa cười, giọng rõ ràng, sang sảng. Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ chia sẻ giáo lý cho các phật tử Rồi Đại lão Hòa thượng chia sẻ thêm: - Gửi các cháu tới nhà Ngài, nơi cửa Thánh, điện Thần thì bớt lo về sức khỏe; nhưng nên gửi các cháu tới cửa Phật, chỉ nương nhờ Tam Bảo, nương nhờ chư Phật, các cháu mới thêm phần trưởng dưỡng tâm tính. Nuôi Tâm, dưỡng Tính mới là quan trọng. Còn may mắn, sức khỏe, công danh… tùy thuộc phúc duyên của gia đình và bản thân các cháu.
Có người lại thỉnh tiếp: - Thưa Cụ, khi nào nhà chùa tổ chức lễ Quy y Tam Bảo, con đăng ký Quy y cho chồng, và các con ạ.
- Nên để cho người ta được nghe giảng đã. Phải biết thế nào là Quy y, Tam Bảo là gì, quan trọng, người được Quy y phải thấy thích, tâm khởi được Quy y thì mới ý nghĩa, thành tựu. Đại lão Hòa thượng nói. Rồi Cụ lấy cho mỗi người một cuốn sách nhỏ về ý nghĩa Quy y Tam Bảo, do chính Cụ biên soạn.
Chút thời gian ngắn, nhưng chúng tôi cũng được Đại lão Hòa thượng chia sẻ thêm: Có duyên biết đến đạo Phật, nương nhờ cửa Phật, thì nên biết tu là để sửa. Để thấy cuộc đời này còn bao nhiêu điều chưa nên, chưa phải, thì mình thận trọng mà mà sửa đổi. Biết đến giáo lý nhà Phật, biết đến giới luật thì ráng đừng sai phạm, thường hành dần dần sẽ thấm nhuần mà xa rời những thói quen thế tục.
Lần đầu được đỉnh lễ Đại lão Hòa thượng, tôi lúng túng lạ, chẳng nói lên được điều gì, chỉ lắng nghe. Nghe Đại lão Hòa thượng chia sẻ, giảng dạy, tôi còn mơ hồ lắm. Ráng nhớ mà hồi tưởng lại qua đôi dòng ngắn ngủi này.
Đại lão Hòa thượng bận việc, các phật tử cùng chào Cụ, lên lễ tạ Tam Bảo trước khi ra về. Tới khoảng sân sau nhìn lên gian Tam Bảo, có 2 lầu Quán Âm, tôn tượng Đức Quán Thế Âm Bồ Tát ngự trên đài sen, đặt gần giữa ao nước mát rượi, tôi thấy có sư Thầy đang ngồi bên bậc lối xuống ao, thả mấy quả chuối xuống đó. Mới đầu chưa thấy gì, sau thấy cá nổi lên từng đàn, cùng nhau ăn chuối. Tôi rình chụp vội vài kiểu ảnh, vì phần lớn toàn cá chép vàng rất to.
Chú chụp cái gì thế? Tôi thoáng giật mình khi nghe sư Thầy hỏi. Nhưng, tôi điềm tĩnh trả lời ngay: Dạ, thưa Thầy, con chụp ảnh những con cá ạ. Thưa Thầy, sao cá ở chùa nhà to thế ạ. Nhìn thích quá Thầy ạ.
Mình cho cá ăn, thì cá sẽ lớn thôi. Sư Thầy trả lời.
Sư Thầy đi rồi. Mình tôi lặng đó ngắm đàn cá tung tăng. Có khi có chú cá cách tôi chỉ độ gang tay, nhưng chẳng thấy dấu hiệu “động” như cá ở ao hồ bên ngoài, thấy người là sợ…
Phải chăng, nơi cửa Phật thanh tịnh, nơi ánh từ bi luôn rọi chiếu, đàn cá với món khoái khẩu là những quả chuối từ vườn trong chùa. Sáng, trưa có sư Thầy chăm sóc, tối và sớm mai bầu bạn cùng câu kinh tiếng kệ. Nhịp chuông mõ góp phần trưởng dưỡng tâm từ bi vô hạn, mà nếu bạn một lần đền chùa Ráng:
Chỉ nghe chim hót hoan ca Từng đàn cá lượn tung tăng vui đùa…
Sực nhớ tới câu chuyện vừa nghe Đại lão Hòa thượng chia sẻ, các em nhỏ, các bạn, và chúng ta, cũng như những chú cá kia. Về ao rồi, thì cứ thế bơi thôi. Được cha mẹ nuôi nấng dạy dỗ, có duyên đến với cửa Phật, được quý Thầy ban đạo từ, trao phương tiện là những giáo lý thâm diệu nhà Phật mà chỉ khi thường hành mới từ tâm cảm niệm.
Từng bước vững chắc đường đời, tinh tấn đường Đạo, để cứ thế bước đi…
Thường Nguyên Nguồn tin: phatgiao.org.vn
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |