Chi tiết tin tức

Cho và nhận để được kết nối những yêu thương

17:17:55 - 24/07/2013
(PGNĐ) -  Sống mà không biết cho hay san sẻ một cái gì đó để người ấm lòng hơn, cho là đóng góp dấn thân giúp đỡ hiến tặng hay nâng đỡ người khác về vật chất hoặc tinh thần và tâm linh một cách tự nguyện. Từ ngữ Việt Nam rất phong phú khi diễn tả lột hết ý nghĩa của sự cho như giúp đỡ, nâng đỡ, chia sẻ, dâng hiến, ban bố, ban thưởng, kính biếu, trao tặng, hiến tặng, cống nạp, bố thí và cúng dường…

cho va nhan de duoc ket noi yeu thuong

  
Tùy theo giai cấp tầng lớp xã hội mà mỗi từ được dùng trong hoàn cảnh riêng để cho phù hợp lòng người, nhưng tất cả đều được nói lên việc tự nguyện giúp ai đó về vật chất lẫn tinh thần, để ta và người cùng bình an và hạnh phúc. Chúng ta vẫn biết rằng cách cho vẫn quan trọng hơn của cho, vì đáp ứng được nhu cầu cần thiết của người khác. Cho là một hành vi rất thông thường trong đời sống của chúng ta, nhưng xét cho kỹ ta phải cho như thế nào để được ích lợi cho cả hai, cho là một việc làm cần thiết để kết nối yêu thương, sẻ chia cuộc sống để ta và người có trái tim hiểu biết.

Bố thí là từ ngữ hán việt có nghĩa là cho cùng khắp không phân biệt đối tượng thân hay thù, nó bao gồm tất cả những gì cho hay giúp người khác được lợi ích. Khi gặp người bất hạnh nghèo khổ thiếu thốn khó khăn ta đến giúp đỡ vật chất hoặc an ủi tinh thần gọi là cho hay bố thí cũng được. Người có tấm lòng rộng mở thì luôn biết bố thí cúng dường giúp đỡ chia sẻ người và vật. Thông thường ta chỉ biết giúp đỡ cho người thân, rộng hơn nữa cho người làng xóm khó khăn, ít ai mở lòng cho người ta đang ghét hay thù nghịch. Chính vì chúng ta không hiểu biết chân chánh, không tin sâu nhân quả, không có tình người trong cuộc sống cho nên nếu có bố thí chỉ giới hạn trong phạm vi nào đó mà thôi.

Từ cúng dường là lời nói trại của hai chữ cung dưỡng, có nghĩa là cung cấp và dưỡng nuôi. Về ý nghĩa cho hay biếu tặng, bố thí cúng dường, thì cũng đổng nghĩa nhưng giá trị có khác. Tuy cũng cùng chung nghĩa cữ là hiến tặng, nhưng tùy theo trường hợp hoàn cảnh mà chúng ta dùng tữ ngữ để cho phù hợp với đối tượng được nhận. Chúng ta cho với lòng tôn kính quý trọng thì gọi là cúng dường, cho với lòng hảo tâm thương cảm thì gọi là bố thí.

Cha mẹ là hai đấng sinh thành mang nặng đẻ đau, làm lụng vất vả nhọc nhằn nuôi ta khôn lớn, giúp ta ăn học thành tài, dựng vợ gã chồng cưu mang đủ thứ. Chính vì vậy ta phải có trách nhiệm và bổn phận, lo lắng và chăm sóc khi cha mẹ ốm đau bệnh hoạn, hoặc khi cha mẹ tuổi già sức yếu, ta phải chu cấp và dưỡng nuôi đầy đủ nên gọi là cúng dường. Uống nước nhớ nguồn, ăn trái nhớ kẻ trồng cây là đạo lý chân thật trong tập quán của người Việt Nam. Đối với người thế gian ta còn tùy theo hoàn cảnh khó khăn mà giúp đỡ, chia sẻ, huống chi là cha mẹ của ta công lao lớn hơn trời biển. Cho nên,

Nước biển mênh mông không đong đầy lòng mẹ
Mây trời lòng lộng không phủ kính tình cha ”

Đã làm người trong trời đất ai không từ cha mẹ mà sinh ra, cha mẹ làm nên thân người và lo cho ta tất cả, vì vậy ta cần phải hiếu thảo với mẹ cha bằng cách lo lắng chăm sóc về vật chất lẫn tinh thần và cung cấp dưỡng nuôi những khi cần thiết. Ngoài việc cung cấp dưỡng nuôi lo lắng chăm sóc cho cha mẹ, chúng ta còn có trách nhiệm và bổn phận cúng dường người tu hành chân chánh, suốt đời dấn thân đóng góp và phục vụ tất cả chúng sinh không biết mệt mỏi, không biết nhàm chán. Tại sao ta phải cúng dường người tu hành chân chánh, cha mẹ làm nên thân ta, thầy tổ giúp ta hiểu biết chân chánh, tin sâu nhân quả, dứt trừ các nghiệp xấu ác ma hay làm các việc tốt lành, để ta vượt qua cạm bẫy cuộc đời không rơi vào hố sâu của tội lỗi.

Cho nên cúng dường có ý nghĩa rất cao thượng, phải từ tâm cung kính quý trọng như cung kính cha mẹ, thầy tổ. Ngoài từ ngữ bố thí, cúng dường, còn nhiều từ ngữ để nói lên sự cho tùy theo hoàn cảnh của xã hội. Khi gặp một bà già qua đường mà không ai dìu dắt, ta đến giúp đỡ để đưa bà già qua đường an toàn. Thấy một người đang bị tai nạn, ta tìm cách đưa người đó đến trung tâm cấp cứu gần nhất, có nhiều người sợ bị trách nhiệm liên lụy nên không dám giúp đỡ, vì pháp lý chúng ta còn nhiều rắc rối. Con cháu đem vật phẩm nuôi dưỡng ông bà cha mẹ thì gọi là cúng dường, còn ông bà cha mẹ lo cho con cháu thì gọi bằng từ cho, cho con, cho cháu. Còn nếu một người dân bình thường nếu đem phẩm vật cho những người có địa vị trong xã hội, thì ta gọi là kính biếu hay kính tặng.

Cũng là một hành động cho mà tùy theo đối tượng, tùy theo hoàn cảnh, ta có thể dùng từ ngữ cho phù hợp để không mất lòng người. Ngày nay nền văn minh khoa học ngày càng tiến bộ nên có dịch dụ tự nguyện hiến xác khi chết, hoặc đương lúc còn sống hiến các chi phần trong thân thể ta gọi chung là hiến tặng, nghĩa cử này rất cao thượng, vì giúp cho ngành y khoa phát minh các loại thuốc trị bệnh để cứu sống được nhiều người. Khi xưa còn thể chế phong kiến các nước lớn thường chinh phạt các nước nhỏ, do đó có những tập tục cống nạp lễ vật hằng năm từ con người cho đến các vật quý giá trong cuộc sống. Và từ công cống nap này có vẻ bắt buộc hơn mà không phải là do sự tự nguyện của nước nhỏ. Là con người sống trong xã hội hiện nay chúng ta cần phải nghiên cứu học hiểu rõ ràng, để dùng từ ngữ sao cho phù hợp để khi cho hay hiến tặng, ta và người cùng nhau có yêu thương và hiểu biết.

Người biết cho đi là người khôn
Vì bỏ tất cả được tất cả
Giúp ta chuyển hóa tham sân si
Để được sống an vui hạnh phúc.


Trong các trường hợp giúp đỡ người bất hạnh như người nghèo, người bệnh tật, người già yếu, người cô đơn, người hoạn nạn hoặc người bần cùng ta có thể gọi là cho, tặng hay biếu, nhưng phải cho với lòng tôn kính mới được. Con cái cung cấp và dưỡng nuôi cha mẹ ta gọi là cúng dường, hay cúng dường người tu hành chân chánh. Chung quy tất cả cũng đều phát xuất từ hành động bố thí, được triển khai rộng rãi từ nhiều góc độ khác nhau, để được phù hợp lòng người. Người biết cho đi là người khôn, hay là người đã có tấm lòng rộng mở không thể làm ngơ trước hoàn cảnh thương tâm.

Người dám đem của cải hoặc chia sẻ hiểu biết mà không cần sự biết ơn và trả ơn, đó là công hạnh của các vị Bồ tát đang từng bước thực hành hạnh bố thí Ba la mật. Người chịu khổ, chịu nhiều oan gia thay cho mọi người là các bậc đại Bồ tát sắp thành tựu Phật đạo. Và chúng ta thường phải biết rằng cách thức cho quan trọng hơn là của cho, ta nên cho cái cần câu hay là con cá. Cho con cá thì mọi người sẽ ăn hết và bắt bầu phải xin tiếp. Còn ta cho họ cái cần câu thì họ có thể tự sống được và còn giúp được nhiều người khác nữa.

Ông trưởng giả kia tuy giàu có nhưng lại sống khổ hơn kẻ nghèo khó, vì có tiền bạc tài sản mà không tiêu dùng được lại sống khắc khổ hà tiện như kẻ bần cùng. Nghèo khó là một bất hạnh ở đời, do nghèo khó mà phải đi vay nợ, vay nợ thì phải trả tiền lời cho nên nợ nần cứ càng ngày càng chồng chất, rốt cuộc rồi trả không nỗi bị chủ nói nặng nhiếc mắng, hăm dọa hoặc truy tố ra pháp luật đó là một nỗi khổ. Nhưng khổ hơn, của cải đầy nhà mà phải chịu thèm khát như loài quỷ đói, thấy thức ăn mà ăn không được nên đau khổ vô cùng.

Chúng ta biết rõ gốc nghèo khổ
Từ tham lam bỏn xẻn mà ra
Nếu muốn không nghèo không khổ
Hãy nên phát tâm bố thí cúng dường.


Nói đến sự đau khổ bất hạnh trên thế gian này không sao kể xiết, ở đây chúng tôi chỉ nói cái khổ do nghèo. Tại sao mình nghèo mà người khác lại giàu? Thượng đế thần linh trời đất đã sắp đặt như vậy ư! Nói như vậy thì oan cho trời quá, chỉ có ông trời của chính mình tạo ra sự nghèo khổ. Vì mình tham lam bỏn xẻn, vì mình không biết bố thí cúng dường, vì mình hay ngăn cản người khác làm việc phước.v..v..Người con Phật hãy nên suy xét kỹ càng về nguyên lý duyên khởi, sống là phải biết chia sẻ cho nhau vì chúng ta luôn nương nhờ lẫn nhau.

Ta không thể sống được riêng lẻ một mình được, vì thế giới của ta mọi thứ như nhà cửa, ruộng vườn, ăn uống, vui chơi giải trí, đường xá, vĩa hè, văn hóa và tôn giáo luôn hiện hữu bên nhau, cho nên làm người ta cần phải sống có nhau, vì nhau mà chia sẻ cho nhau. Do đó ta phải có trách nhiệm và bổn phận với nhau, cùng nhau chia vui, cùng nhau san sẻ những nỗi khổ niềm đau, để vun bồi hạnh phúc cho nhau, muốn vậy thì ta phải biết bố thí giúp đỡ lẫn nhau, để cùng nhau vươn lên vượt qua nghèo khổ. Có người thắc mắc, người có tiền dư bạc hậu thì dễ dàng làm việc bố thí, còn người nghèo khổ thiếu thốn làm sao bố thí?

Bố thí không nhất thiết là phải có nhiều tiền của mới làm được, mà quan trọng ở lòng thành của mình. Không có tiền của ta có thể bố thí bằng một lời nói chân thành, bằng một lời nói an ủi lẫn nhau khi gặp người hoạn nạn, hoặc dám chấp nhận thắt lưng buộc bụng để giúp đỡ kẻ khổ hơn ta. Ta có thể chia bớt phần cơm của mình đang ăn cho người qua cơn đói khát, thấy một người già bị bệnh không có người nuôi nấng, ta có thể nấu một bát cháo nóng, giúp người cứu người qua cơn nguy kịch chỉ cần ta có một tấm lòng bao dung, thì nghèo hay giàu gì cũng có cơ hội để làm việc kết nối yêu thương vì tình người trong cuộc sống. Cho và nhận là một nét đẹp văn hóa của mọi người  sống trong thời đại văn minh và tiến bộ, chúng ta không thể làm ngơ khi thấy người khổ mà không quan tâm giúp đỡ.


Phong Trần Trúc Giác
Nguồn: vuonhoaphatgiao.com

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin