Chi tiết tin tức

Cái lạnh nào đáng sợ nhất giữa mùa Đông?

15:39:00 - 15/12/2013
(PGNĐ) -  Mùa đông đến, những cơn gió se lạnh, những đợt gió bấc thổi ném vào người mà thấy như ai lấy dao cắt da cắt thịt ta. Mọi người đều phải trang bị cho mình những chiếc áo thật ấm, những chiếc khăn thật dài, những đôi tất thật dày, những đôi giày thật đẹp, những chiếc mũ thật xinh để chống lại cái lạnh giá của mùa đông. Tất cả mọi người ai ai cũng sợ cái lạnh, cái lạnh được ví như con dao cắt da, cắt thịt, hoặc lạnh buốt đến tận xương.


Cái lạnh nào đáng sợ nhất giữa mùa Đông?

Ở miền Bắc Việt Nam khi nào nhiệt độ xuống dưới 10oc thì cảm thấy quá lạnh. Thông tin trên truyền thông đại chúng luôn nhắc nhở mọi người phải cảnh giác, phải giữ ấm cho người và vật nuôi, cây trồng, để chống trọi với cái lạnh. Nghe nói ở các vùng núi cao như Sapa, Mẫu Sơn của Lạng Sơn có khi nhiệt độ xuống 0oc, dưới 0oc nước bắt đầu đóng băng và có tuyết rơi. Đọc trên báo được biết nhiều nơi vì quá lạnh nên gia súc chết nhiều, thậm trí cả người cũng chết vì lạnh.

Cái lạnh chẳng trừ một ai. Cái lạnh nó đến với cả làng chứ chẳng riêng gì ai. Chẳng ai thích cái lạnh, cái rét làm gì cho khổ, nhưng cực chẳng đã, con người dù không muốn cũng phải chịu. Đi trong thành phố những ngày này, nếu quan sát kĩ, ta thấy những nghịch cảnh: người ngồi làm việc trong các văn phòng mặc ba, bốn tầng áo ấm mà vẫn thấy lạnh cóng, ở ngoài đường thấy mọi người đi xe môtô bịt kín, chỉ hở hai con mắt để quan sát đường đi, nhưng vẫn có những người nông dân phong phanh áo vải gánh những thúng rau, thúng hoa quả đi bán rong giữa lòng Thủ Đô, chạy te tát mỗi khi nhìn thấy công an đến.

Rét như thế, nhưng về nhà quê thấy mọi người vẫn lội dưới ruộng nước cày cuốc, đắp bời, vơ cỏ. Nhìn thấy họ làm việc vất vả trong lạnh giá như vậy, tôi thấy sởn gai ốc. Có người ngủ trong phòng kín, có đầy đủ chăn bông gối đệm mà nhiều khi vẫn thấy lạnh, nhưng có biết bao nhiêu người trong các khu nhà ổ chuột, ở gầm cầu, nhà cửa của họ rất đơn sơ, tôi tự hỏi làm sao họ có thể qua được cái lạnh của mùa đông khắc nghiệt ở miền Bắc. Nhưng lạ thay, họ vẫn phải sống, họ vẫn phải tồn tại năm này qua năm khác, thế hệ này qua thế hệ khác, và cái rét thì vẫn thế, vẫn theo họ và con cháu họ suốt đời. Có nhiều người vô gia cư nằm ngủ cuộn tròn trong những manh chiếu rách, với mấy bộ quần áo rách quấn kín lấy người, không chăn, không màn, không gối, không đệm.

Khi về đến nhà nằm trong chăn bông gối đệm làm tôi suy nghĩ rất nhiều về số phận của những con người đó, tôi tự đặt câu hỏi, nhà cửa của họ đâu? Con cháu của họ đâu? Người thân của họ đâu? Mà sao họ phải nằm ở vỉa hè không tấm chăn, gió tự do đùa giỡn như vậy? Liệu họ có chịu nổi cái lạnh như vậy hay không? Liệu họ có thể sống qua được cái mùa đông giá lạnh đáng sợ như vậy không? Quả là cái lạnh ghê sợ của mùa đông.

Trong xã hội văn minh, hiện đại ngày nay còn có những cái lạnh, thiết nghĩ, còn đáng sợ hơn cái lạnh của mùa đông nhiều và rất nhiều lần. Cái lạnh của lòng người, cái vô cảm của con người, đó là khi ta nhìn thấy những người đau khổ mà không có chút động lòng; hoặc khi ta thờ ơ trước những bàn tay xương xẩu đang dơ lên xin ta chỉ một đồng tiền lẻ để sống qua ngày, khi ta lãnh đạm trước những người gặp cảnh khó khăn cần đến ta. Không gì lạnh hơn những con người "lương tháng thì có, lương tâm thì không", khi một bác sĩ để một người nghèo không có "phong bì" phải chết oan khi vào bệnh viện cấp cứu. Không có cái lạnh nào bằng cái lạnh của một cán bộ khi hạch sách người dân khi họ đến xin một chữ ký mà không có "phong bì". Không có cái lạnh nào bằng cái lạnh khi người khác chào hỏi mà ngoảnh mặt đi không trả lời, khi người với người nhìn nhau bằng ánh mắt lạnh lùng xa cách, nói với nhau những câu lạnh nhạt xỉa sói không lọt được vào tai, khinh bỉ nhau, nói xấu nhau, thấy ai hơn mình thì buồn, tìm cách trừ diệt, hạ bệ.

Cái lạnh lọt cả vào những nơi được coi là tốt nhất, ấm nhất của xã hội, nơi người "kĩ sư tâm hồn" thay vì nói sự thật, nói chân lý, thì lại gieo rắc những tư tưởng, những triết lý sai lầm, những điều đi ngược với chân lý, đi ngược với lương tâm con người.

Cái lạnh thâm nhập cả trong gia đình khi con cái lạnh nhạt với cha mẹ, để cha mẹ chịu đói, rét, để cha mẹ phải đi ăn xin, tục ngữ có câu: "lúc sống con chẳng cho ăn, đến khi thác xuống làm văn tế ruồi". Vợ chồng lạnh nhạt với nhau dẫn đến ly dị, bỏ con bơ vơ vất vưởng. Anh em lạnh nhạt với nhau, khinh bỉ nhau chỉ vì những chuyệt rất nhỏ dẫn đến chia rẽ nhau, cổ nhân có câu: "anh em thì thật là hiền, chỉ vì đồng tiền mà mất lòng nhau".

Mức sống của xã hội càng lên cao thì cái lạnh lòng người càng lộ rõ: có những người quý chó hơn người giúp việc, quý chó hơn đồng loại, quý chó hơn người trong nhà.

Không biết bao nhiêu con người đang chết dần chết mòn, chết dai dẳng, chết âm thầm không phải vì cái lạnh của mùa đông mà là cái lạnh của lòng người. Có người chết lạnh giữa mùa hè nóng bức, có người chết lạnh giữa chăn bông gối đệm, có người chết lạnh trong biệt thự, có người chết lạnh trong khách sạn, có người chết lạnh giữa những người thân. Có thể số người chết vì lạnh, cái lạnh của lòng người còn lớn hơn rất nhiều lần so với số người chết lạnh vì thời tiết.

Cái lạnh của thời tiết đã là rất đáng sợ với những người nghèo, những người sống vô gia cư, vô tài sản, với những người sống bằng nghề bới rác, những người làm ruộng, lội ngập sâu trong nước. Nhưng còn chưa đáng sợ bằng những cái lạnh do con người gây ra cho nhau, cái lạnh lòng người quả là đáng ghê sợ hơn gấp bội phần.

Kiến  Minh - Vườn hoa Phật giáo

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin