Phật dạy trong mỗi người chúng ta đều có phần tâm linh sáng suốt, nương nơi mắt thì thấy biết không lầm lẫn, sự vật như thế nào thì biết rõ như thế đó; tai-mũi-lưỡi-thân-ý cũng lại như thế. Thời gian qua, các nhà ngoại cảm đã giúp tìm hài cốt liệt sĩ hy sinh trong các cuộc chiến tranh giúp người sống tìm được người chết bị mất tích, Phật giáo Việt Nam kết hợp với chính quyền các cấp đã tổ chức nhiều đại lễ cầu siêu cho các hương linh, góp phần làm vơi đi nỗi đau mất mát của người còn sống, an ủi, hóa giải cho những người đã khuất.
Không một người nào khi đang còn sống trên thế gian này mà lại không có những mối liên hệ mật thiết giữa mình với thế giới xung quanh. Cuộc sống mỗi con người luôn có tâm linh sáng suốt nhưng vì ta bị gió nghiệp cuốn trôi nên chạy theo tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, ăn ngon, mặc đẹp, ngủ nhiều mà đánh mất chính mình. Sự hoảng sợ, nỗi lo âu mất mát và sợ chết là một trong những căn bệnh tâm lý khó chữa nhất của con người, là nguồn gốc của sự chấp ngã cho thân tâm này là thiệt có “cái ta”.
Thế nhưng, nếu chúng ta chỉ dừng lại ở đời sống phàm tục mà không hề biết tới đời sống tâm linh, không thừa nhận có tái sinh-luân hồi-sống chết thì chính điều ấy đã cản trở mọi người đi tới con đường bình yên, hạnh phúc theo lời Phật dạy. Lành thay cho chúng ta, đất nước Việt Nam đã chấp nhận mở mang, phát triển sinh hoạt tâm linh trên quy mô toàn xã hội. Nhiều người đã thừa nhận một cách có hiểu biết và nhìn nhận sáng suốt về học thuyết luân hồi tái sinh của đạo Phật, có niềm tin sâu sắc đối với nhân quả. Thừa nhận có hiện tượng tái sinh-luân hồi-sinh tử nghĩa là thừa nhận chết không phải là hết, chết chỉ là thay hình đổi dạng để có đời sống kế tiếp tốt hay xấu do nhân đã tạo trong hiện tại. Học thuyết tái sinh đã cho thấy sự thừa nhận chính thống về sự tồn tại của đời sống tâm linh, muốn sống tốt và bình an, hạnh phúc trong hiện tại và mai sau ta phải dứt ác làm lành để được sống yêu thương và hiểu biết bằng tình người trong cuộc sống.
Nếu khôngcó tâm linh thì không có đời sống con người trong hiện tại, khoa học hiện đại thường chia đời sống con người và xã hội thành hai lĩnh vực là đời sống vật chất và đời sống tinh thần. Chúng ta cần phải biết rằng, giáo dục Phật họcchính là nền tảng giúp con người thấu rõ sức mạnh tâm linh đang hiện hữu nơi thân mỗi người. Hiện tại, ở miền Bắc đất nước Việt nam có đến 4 nhục thân của các Thiền sư tu hành theo đạo Phật đã tự tại ra đi với tư thế ngồi kiết già gần cả ngàn năm mà thân xác vẫn còn nguyên vẹn. Tại chù Phật Tích và chùa Tiêu mỗi chùa có 1 nhục thân, riêng chùa Đậu có đến 2 nhục thân của Thiền sư. Nhục thân của 4 vị đều đã được khoa học khám nghiệm và xác nhận không có chất ướp xác. Tại miền Nam, năm 1963, Hoà Thượng Thích Quảng Đức đã để lại trái tim bất diệt sau khi ngồi tự thiêu ở tư thế kiết già để nguyện cầu cho nhân loại sống yêu thương lẫn nhau bằng trái tim hiểu biết. Sư ông chúng tôi đã chứng kiến và thấy trái tim bất diệt đó sau khi đã được các nhà khoa học cho thiêu lại trên 4000 độ mà vẫn y nguyên. Sự tồn tại phần tâm linh của con người ngay nơi thân vật chất này là một sự thật, nhưng vì chúng ta bị gió nghiệp thức cuốn trôi nên dính mắc vào tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, ăn uống, ngủ nghỉ thoải mái mà không nhận ra phần tâm linh nơi mỗi người.
Chúng ta được sinh ra và lớn lên trong một ngôi nhà, ai cũng ao ước có căn nhà đẹp, kiên cố và vững chắc. Ngôi nhà tâm linh không như ngôi nhà bình thường nên ta không thể dùng mắt để thấy hay dùng tay mà sờ mó được. Ngôi nhà này không được xây dựng bởi vật chất mà bằng chính tuệ giác và sự tu tập qua sự nghiệm xét, quán chiếu bởi sự thanh tịnh, sáng suốt của chính mình. Sống ở đời chúng ta có thể nghèo tiền, nghèo bạc chớ đừng nghèo đói về đời sống tâm linh đang tiềm ẩn ngay nơi thân vật chất này. Ai nghèo đói về tâm linh thì người ấy đã đánh mất chất liệu của yêu thương bằng trái tim hiểu biết nên khó bao giờ có được tấm lòng từ bi rộng lớn để thương yêu bình đẳng tất cả chúng sinh. Không riêng gì con người Việt Nam chúng ta mà mọi người trên thế giới đều cần có một ngôi nhà tâm linh vì nó là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống nhân loại, nó là chỗ cho ta quay về nương tựa sau những cơn sóng gió của cuộc đời. Chính vì vậy, Phật dạy: “Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi, thắp lên với Chánh pháp”.
Chúng ta xây dựng ngôi nhà thế tục bằng cây, xi măng, gạch, đá, sắt, thép nhưng chất liệu giúp ta xây dựng vững chắc nền móng căn nhà tâm linh là giới-định-tuệ và từ-bi-hỷ-xả. Đối với người tại gia Phật dạy giữ gìn 5 giới và tu 10 điều thiện. Thọ trì 5 giới và tu 10 điều thiện là một trong những phương thức tạo nên đời sống bình yên, hạnh phúc trong hiện tại và mai sau. Vậy chúng ta giữ giới chính là để xây dựng một cuộc sống an vui, hạnh phúc từ thể chất đến tinh thần chớ không phải vì ta bi quan, yếm thế, chán đời. Những chất liệu này còn vững chắc, bền bỉ và lâu dài hơn cả bê tông, cốt sắt.
Không sát sinh, hại vật mà ta còn hay phóng sinh mở rộng tấm lòng từ-bi-hỷ-xả. Đó là người có lòng nhân ái bởi giết hại là nhân gây ân oán, thù hằn không có ngày thôi dứt. Người giết người, người giết vật, vật giết người thành một cái vòng lẩn quẩn, từ đó chiến tranh không bao giờ chấm dứt. Con người vì nuôi thân mình nên đã sát sinh hại vật, một số người còn nói “vật dưỡng nhơn”, tức loài vật là do trời tạo ra để nuôi dưỡng con người và cúng tế thần linh. Ai theo truyền thuyết này sẽ cám ơn ông trời và vô tình khiến tâm giết hại càng chồng chất thêm mà dẫn đến giết người khi không làm chủ bản thân. Phật vì lòng từ bi thương xót nên cấm người xuất gia không được giết hại, người tại gia thì tuỳ hoàn cảnh mà cố gắng giữ giới sát sinh bằng ba cách: Không trực tiếp giết hại, không xúi bảo kẻ khác giết hại và không vui vẻ đồng tình khi thấy người khác giết hại. Người Phật tử hãy nên mua thịt cá đã làm sẵn hoặc nấu chín để không gieo thêm ân oán, thù hằn. Từ bi hơn nữa, ta hãy phát tâm ăn chay mỗi tháng tùy theo khả năng hay ăn chay trường để tránh việc chúng sinh bị giết hại.
Người trộm cướp luôn bất an, lo sợ bị truy tố trước pháp luật và chính lòng họ cũng thường bị ray rức, ân hận khi làm các việc xấu ác. Họ vì không có công ăn việc làm sinh sống, vì lỡ si mê nghiện ngập, vì không có tiền nên mới phải làm liều. Trái lại, người muốn ít biết đủ, biết nuôi mạng sống chân chính bằng mồ hôi, sức lực của mình thì không bao giờ phải lo sợ như thế. Không gian tham trộm cướp tức là ta sống một đời đạo đức, thánh thiện nên được mọi người mến thương, thích gần gũi.
Người xuất gia thì không dâm dục, người tại gia thì không tà dâm, như vậy sẽ đảm bảo hạnh phúc cho mình và người. Trong một gia đình nếu vợ chồng sống hòa thuận và luôn tin yêu, chồng giữ đúng bổn phận làm chồng, vợ biết lo tròn bổn phận làm vợ, không đứng núi này trông núi nọ và chung lo xây dựng gia đình thì đó chính là một gia đình hạnh phúc.
Không nói dối giúp ta rèn được đức tính thành tín, chân thật. Người chân thật và thành tín luôn được mọi người tín nhiệm, tin tưởng. Không nói dối hại người thì ta ở đâu cũng được người thương mến. Dĩ nhiên, trong công việc giao tiếp hằng ngày ai cũng muốn được tín nhiệm, tin tưởng vì đó là yếu tố thành công trên đường đời.
Không uống rượu hay dùng các chất độc hại như xì ke, ma tuý là những chất liệu tinh khiết giúp chúng ta không rơi vào si mê, cuồng tín. Vì người say sưa luôn tự hạ thấp phẩm cách của mình mà vướng vào nạn bạo hành gia đình và vòng xoáy của tệ nạn xã hội. Hơn nữa, theo y học rượu làm tinh thần con người ngày càng bị tê liệt bởi các chứng bệnh thần kinh, dẫn đến điên loạn, bị tai biến, đột quỵ và rất nhiều bệnh khác.
Ta sống giữ được 5 giới trên sẽ giúp cho thân tâm trong sạch, hay nói cách khác là kiểm soát được hành động hằng ngày của mình. Chính vì thế, giới là nguồn an vui, hạnh phúc của nhân loại, là tài sản quý báu của con người. Ai gìn giữ được trọn vẹn sẽ giúp chính mình xây dựng tốt ngôi nhà tâm linh bền vững và lâu dài. Vậy tại sao chúng ta không noi theo gương hạnh của đức Phật mà xây dựng tường vách vững bền cho ngôi nhà tâm linh bằng những sinh hoạt thiết thực là chia vui sớt khổ và tu hạnh lắng nghe theo tinh thần của Bồ tát Quán Thế Âm? Khi tâm ta thanh tịnh, lặng lẽ, sáng trong thì cuộc sống sẽ bình an, hạnh phúc. Chúng ta sẽ có tuệ giác tâm linh dẫn đường để vượt qua những chướng duyên, nghịch cảnh mà vươn lên vượt qua cạm bẫy cuộc đời.
Muốn tránh bị nhân quả xấu không gì khác hơn ta phải biết tu tâm dưỡng tánh để chuyển hoá nỗi khổ, niềm đau mà vươn lên vượt qua số phận, làm mới lại chính mình. Ta không thể cầu xin Phật, Bồ tát giúp cho ta mà chính mình phải biết đóng góp, dấn thân và buông xả. Nếu muốn Phật tâm hiển lộ thì bắt buộc người đó phải sống tỉnh thức, biết tự chủ, từ bỏ lòng tham lam, sự sân giận, tính si mê để có nhận thức sáng suốt; phải biết đâu là chân thật, đâu là giả dối. Sự hiểu biết chân chính rất quan trọng, nhưng muốn nhận thức đúng đắn chúng ta phải biết thực hành phước-huệ song tu ngay trong đời sống hằng ngày. Làm phước là giúp đỡ vật chất hay giảng dạy Chánh pháp để khuyên mọi người tin sâu nhân quả, biết buông xả phiền não tham-sân-si. Tu huệ là biết quán chiếu, soi sáng lại chính mình nên biết được thật-giả phân minh của thân tâm và hoàn cảnh; nhờ vậy mới biết cách buông xả những tham lam, sân giận, si mê mà thể nhập Phật tính sáng suốt nương nơi thân với mắt-tai-mũi-lưỡi-thân-ý.
Khi nói đến tâm linh người ta thường nghĩ đến cái gì huyền bí, xa xôi ở phương trời nào đó. Thật ra, nói đến tâm linh là nói đến nhân cách sống và đạo đức của một con người cùng với sự dấn thân đóng góp và phục vụ. Đó chính là sự biểu hiện của một người qua ý nghĩ, lời nói, hành động; là chính những hành động sống lương thiện, hay giúp người, cứu vật có tác động đến mối quan hệ giữa người này với người khác, đến môi trường xã hội hoặc thiên nhiên, cuộc sống. Tuy nhiên, nói như vậy cũng chưa thật đầy đủ, bên cạnh đó còn phải đòi hỏi con người phải có kiến thức hiểu biết chân chính. Mọi sự ngu dốt cũng mang lại nhiều tai hại, muốn tránh những điều xấu xa, tội lỗi chúng ta phải có hiểu biết đúng đắn dựa trên nền tảng nhân quả. Chúng ta hiểu biết đời sống không phải là độc lập, riêng lẻ mà là sự nương dựa vào nhau trong mối tương quan chằng chịt; cái này sống thì cái kia sống, cái này chết thì cái kia chết; cái này chết để cái kia sống và cái này sống thì cái kia chết. Đó cũng là sự nương tựa vào nhau theo nguyên lý nhân duyên trùng trùng duyên khởi.
“Cái này chết để cái kia sống” cũng như khi con người sống phải nhờ vào lương thực thực phẩm, tức phải ăn uống; dù thánh thiện như ăn chay thì rau củ cũng phải nhổ lên, tức là có sự chết; nếu ăn thịt cá thì ta phải giết hại các loài súc vật để ăn. Đó là nguyên lý tương quan, tương duyên “cái này chết để cái kia sống”, cứ như thế mà sống chết đắp đổi, tiếp nối nhau không có ngày cùng. Chính nguyên lý duyên khởi này mà con người và muôn loài vật có sự liên hệ mật thiết với nhau. Con người vì lòng tham lam quá đáng mà khai thác bừa bãi sẽ tạo ra sự hủy diệt nhân loại vì thiên nhiên vừa cung cấp, nuôi nấng mà vừa bảo vệ cuộc sống con người. Vì lòng tham tài nguyên thiên nhiên và của cải vật chất nên làm mất đi giá trị tâm linh nơi con người. Nếu con người không biết tôn trọng nhau trong tình thương yêu chân thật thì xã hội sẽ rơi vào cảnh hỗn loạn, chiến tranh; cũng như vì quyền lợi riêng tư mà chúng ta khai thác quá mức khiến tài nguyên cạn kiệt, môi trường sống bị ô nhiễm trầm trọng. Như vậy, những việc làm của con người có liên hệ tới thiên nhiên và thế giới muôn loài vật. Nếu chúng ta không biết nương tựa vào nhau và quay lại chính mình để sống với con người tâm linh thì nhân loại sẽ không biết thương yêu đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau bằng tình người trong cuộc sống.
Ta thấy, tâm linh không phải là cái gì trừu tượng, khó hiểu mà nó là sự việc có thật và luôn sống động diễn ra trong mỗi phút giây của đời sống con người. Chúng ta sống cần phải có ý thức và hiểu biết, hằng ngày cần phải biết kiểm soát chặt chẽ từ suy nghĩ cho đến lời nói và hành động của mình. Sông Sài Gòn và nhiều dòng sông thơ mộng khác trong đất nước Việt Nam đang trở thành những dòng sông chết, bầu khí quyển toàn cầu cũng đang thoi thóp vì ô nhiễm do tầng ozon đã bị chọc thủng…, tất cả đang đe dọa nghiêm trọng sự sống của muôn loài vật trên thế gian này. Nguyên nhân chủ yếu chính vì lòng tham muốn quá đáng và sự ích kỷ, hẹp hòi của con người. Kinh tế thị trường không lành mạnh bởi những dịch vụ quảng cáo sai sự thật, chủ yếu là kích thích lòng tham của con người nên nhân loại ngày càng dính mắc vào vật chất nhiều hơn mà quên lãng phần tâm linh của chính mình.
Không ai có thể lường trước được tai hoạ nặng nề sẽ xảy ra trong nay mai của việc dùng hoá chất độc hại vào thức ăn, thức uống để con người tiêu thụ. Cứ trên đà phát triển toàn cầu hoá xã hội mà không có sự cân nhắc kỹ lưỡng vì thiếu hiểu biết và không tin sâu nhân quả thì con người sẽ phải gánh chịu nhiều loại dịch bệnh vì ô nhiễm môi trường, ô nhiễm thức ăn, ô nhiễm phim ảnh, sách báo đồi trị… Với khuynh hướng phát triển thiếu ý thức trách nhiệm này mà con người của thế hệ hiện tại và mai sau sẽ gánh lấy hậu quả nặng nề. Người làm ngành y thì chế biến thuốc không đúng tiêu chuẩn như đã giới thiệu, kẻ thiếu lương tâm chuyên chế biến thuốc giả, thuốc lậu mà làm lũng đoạn nền kinh tế thị trường. Con người do lòng tham lam quá đáng chỉ biết làm sao có lợi cho riêng mình mà mặc tình làm cho bao người phải bệnh hoạn hay chết chóc.
Vậy chúng ta phải làm thế nào để được sống với con người tâm linh của chính mình?Tâm linh được biểu lộ qua ý nghĩ, lời nói, hành vi qua việc làm, qua sự va chạm tiếp xúc với người khác, qua cảm thọ, qua vật chất và đời sống hiện tại. Người ta ít ai để ý hoặc hiểu về mối quan hệ giữa tâm linh và thể xác. Chúng ta hãy thử dành ít phút giây lắng lòng lại để thể nghiệm chính mình. Khi cơn giận nổi lên ta cảm thấy tim đập mạnh, cũng như không thể ăn uống bình thường được. Như vậy, nếu ta giận dữ thường xuyên dễ đưa tới tổn thương nội tạng nặng nề, con người sẽ dễ bức xúc và cáu gắt. Hoặc người thích ăn món ngon vật lạ, tức thích hưởng thụ trong sự đau khổ của các loài vật, họ ăn uống vô độ nên bệnh béo phì phát sinh mà dẫn đến nhiều bệnh tật.
Bất kỳ ước muốn nào để thỏa mãn đều đưa tới lòng tham lam, ích kỷ. Khi lòng tham phát sinh người ta hay có khuynh hướng bảo thủ, cực đoan, rồi từ đó đánh mất chính mình. Như vậy, thân và tâm có quan hệ với nhau vì ý suy nghĩ, miệng nói năng, thân hành động tốt hay xấu. Chính vì vậy, tâm linh con người và xã hội luôn gắn liền và liên quan mật thiết với nhau. Khi một con người không làm chủ được bản thân, không kiểm soát được tư tưởng, hành vi của mình, họ luôn hành động theo lòng tham muốn ích kỷ, theo cảm tính cá nhân để thỏa mãn sự cảm thọ của thân xác. Vậy chúng ta biết sống tỉnh giác trong từng phút giây là ta đã sống có tự chủ, kiểm soát được ý nghĩ mà hành động sáng suốt để giúp người cứu vật, nhờ đó mà tránh được nhiều quả xấu trong đời.
Do đó, nhân quả của một người hay cộng nghiệp của một quốc gia không phải tự nhiên mà có, mọi việc đều do chúng ta tạo tác mà tạo thành quả báo. Có thể nói, thói quen huân tập nhiều đời tốt hay xấu tạo nên tính tình mà thành nhân cách riêng của mỗi người. Cái riêng đó thành nhân quả cá nhân, nếu nhiều cái riêng tương đồng hợp lại sẽ thành cộng nghiệp nhân quả chung. Đời sống con người và xã hội được hình thành là do sự diễn biến nhân quả chung và riêng mà trở thành một dân tộc, cộng đồng của đất nước đó.
Ngu dốt là sự không hiểu biết của con người nên ngu dốt cũng đem tới nhiều tai hại cho bản thân, gia đình và xã hội. Nếu ta sống chung với nhiều người ngu dốt thì bản thân sẽ gánh lấy nhiều hậu quả không thể lường được. Có thể nói, ngu dốt là không có kiến thức, không tin sâu nhân quả, không hiểu biết chân chính về mối tương quan trong thế giới mình đang sống. Ngu dốt cũng có thể là cố chấp, không chịu học hỏi hay lắng nghe. Chính vì lẽ đó, con người ngu dốt vì thấy biết sai lầm mà đưa tới hành động tội lỗi làm tổn thương cho người và vật. Ngu dốt sẽ dẫn dắt chúng ta vào con đường tối tăm, khi ta sống trong sự vô minh che lấp thì suốt cuộc đời phải chịu đau khổ lầm mê mà không biết chừng nào mới thoát được. Người không học thức đương nhiên là ngu dốt, nhưng người thiếu học hỏi, không chịu lắng nghe, không chịu bàn bạc, tham khảo, cố chấp, độc đoán cũng thuộc hạng người siêu ngu dốt. Cho nên, chúng ta không biết phát huy con người tâm linh, không có ý chí mạnh mẽ thì không thể nào vượt qua cạm bẫy cuộc đời mà vươn lên làm mới lại chính mình. Một người không có trí tuệ thì không sao có nhận thức đúng đắn, nhưng có trí tuệ mà cố chấp, không chịu buông xả thì sẽ bị vấp ngã trở lại. Khi chúng ta đã đánh mất con người tâm linh của chính mình thì ta sẽ bị sa đoạ, khổ đau bởi si mê, nghiện ngập đủ thứ.
Không có gì giá trị và đẹp bằng sự thật. Trong thực tế cuộc sống ít ai dám nói sự thật, phô bày sự thật nên sự thật dù có xấu đến mấy vẫn đẹp hơn sự dối trá. Không có gì đẹp và cao thượng bằng sự thật. Sự thật thì không thể nào né tránh được, nhưng con người ta vẫn cố tình che giấu vì sợ mọi người biết. Có những sự thật mà chỉ khi nào con người đủ lớn khôn và có hiểu biết chân chính nhờ biết nghiệm xét, tư duy mới hiểu được giá trị thật của nó. Cuộc đời không chỉ có màu hồng mà lúc nào bên cạnh nó vẫn có những màu đen đan xen lẫn nhau. Người có học thức cao thì càng khéo léo che giấu, bưng bít những sự thật không được trong sáng vì ai cũng thích được khen hơn bị chê.
Một mình chúng ta không thể hiểu biết hết mọi lĩnh vực trong cuộc sống nên sự sống của mọi người cần phải nương nhờ lẫn nhau qua nhịp cầu tương quan, tương thân, tương trợ mật thiết không thể tách rời nhau. Vì tình thương yêu nhân loại bằng trái tim hiểu biết mà con người có thể đóng góp và hỗ trợ cho nhau về mọi phương diện giáo dục, kinh tế, chính trị và đời sống tâm linh. Thế gian là một trường đời hỗn hợp mang nhiều sắc thái đa dạng, phức tạp, chúng ta không biết đối xử với nhau bằng con người tâm linh thì dễ dẫn đến oán giận, thù hằn vay trả không có ngày thôi dứt.
Điều quý giá và thiêng liêng, cao cả nhất mà các bậc hiền Thánh luôn quan tâm và lo lắng là mối quan hệ xã hội bằng tình người trong cuộc sống cùng với trái tim yêu thương có hiểu biết. Do chúng sinh tạo nghiệp bất đồng nên mọi người có hiểu biết và cách sống khác nhau tuỳ theo nghiệp huân tập. Luật pháp do con người đặt ra tuỳ vào một số người nắm cán cân công lý nên con người có thể thay đổi và dễ dàng bẻ cong luật pháp nhờ những thế lực cầm quyền. Đối với luật nhân quả nghiệp báo thì không đơn giản thế, chúng ta đừng bao giờ hy vọng qua mặt được nhân quả vì khi hội đủ nhân duyên dù trăm kiếp ngàn đời cũng không thể trốn thoát. Dù ta đang ở địa vị cao nhất của loài người thì khi phước hết ắt họa ập đến mà phải gánh lấy hậu quả khổ đau do chính mình gây tạo. Chỉ khi nào ta thanh toán hết món nợ nhân quả chính mình đã gieo dù cố ý hay vô tình thì mới không còn bị ràng buộc bởi nghiệp quả.
Do đó, chúng ta hãy nên suy ngẫm, chiêm nghiệm, kiểm tra chặt chẽ từ ý nghĩ, lời nói cho đến hành động để không làm tổn hại đến muôn loài vật thì mới có thể chuyển hoá khổ đau hay buông xả dính mắc. Khi có được tấm lòng yêu thương chân thật ta sẽ cảm thấy ấm áp và bình yên, hạnh phúc; nhưng khi bị người ghét bỏ mình sẽ phải sống trong cô đơn, lo lắng và sợ hãi. Cuộc đời này chúng ta sống là để yêu thương, an ủi, giúp đỡ, sẻ chia bằng tình người trong cuộc sống. Ta cho đi cái gì sẽ được nhận lại cái đó theo quy luật nhân nào quả nấy. Bởi thế, ta hãy luôn vui vẻ, hân hoan, phấn khởi với những gì mình đã cho đi bằng trái tim hiểu biết. Tất cả mọi người dù xuất gia hay tại gia cũng đều là đệ tử Phật, ai cũng đang hướng về cuộc hành trình tâm linh của chính mình để sống đời giác ngộ, giải thoát. Vì vậy, chúng ta không nên đi theo con đường du lịch tâm linh của người thế gian bằng cách cầu khẩn, van xin mà không chịu gieo nhân tốt để gặt quả tốt và tu tập để chuyển hoá phiền não tham-sân-si thành vô lượng trí tuệ và từ bi.
Trên bước đường tu học hay trên cuộc hành trình trở về cội nguồn tâm linh Phật dạy nhiều phương pháp giúp chúng ta tiến tu tuỳ theo căn cơ, hoàn cảnh của mỗi người. Điều này thường được gọi là Ngũ thừa Phật giáo, hay Tam thừa Phật giáo, hoặc Nhất thừa Phật giáo. Đây chính là những con đường tâm linh mà Đức Phật đã trải nghiệm mà đạt đến kết quả cao nhất. Là đệ tử Phật chắc chắn chúng ta cần đi theo con đường tâm linh này vì không có con đường nào khác dẫn chúng ta đến giải thoát sinh tử khổ đau.
Hoàn cảnh, sự sống của mỗi người không giống nhau vì chúng ta huân tập và gây tạo nghiệp báo bất đồng nên tuỳ theo nhân duyên thuận nghịch mà mỗi người chọn lựa pháp tu thích hợp. Nói cho dễ hiểu, trong xã hội nào cũng có hai hạng người là giàu và nghèo. Tuy có nhiều người nghèo nhưng cũng có mức độ chênh lệch khác nhau, những người giàu cũng có sự không đồng đều về tài sản vật chất sở hữu. Hai giới giàu nghèo tuy có cuộc sống khác nhau, một bên có nhiều tiền bạc của cải, một bên thiếu thốn mọi bề; nhưng họ đều có chung một điều là sự khổ đau vì luôn bị sự giàu nghèo làm cho dính mắc. Thiếu thốn vật chất thì muốn có được đầy đủ, khi có rồi thì sợ hao hụt, mất mát nên bằng mọi cách cố gắng gìn giữ, do đó phát sinh tham lam, bỏn sẻn. Những người giàu có ta đừng tưởng họ sung sướng, hạnh phúc. Có khi họ còn khổ sở hơn người nghèo bởi tiền bạc, của cải nhiều không mang lại cuộc sống an vui, hạnh phúc. Tâm người giàu luôn lo sợ bị mất mát của cải, vật chất họ đang có nên họ khổ. Cũng vậy, những người nghèo lại quá khó khăn nên cuộc sống luôn vất vả, nhọc nhằn mà không có một ngày no đủ. Chính vì vậy, nỗi khổ, niềm đau đối với họ là lẽ đương nhiên.
Trong hai hạng người giàu và nghèo thuộc giới cư sĩ tại gia chúng ta vẫn nhìn thấy nhiều gương người tốt, việc tốt với tinh thần dấn thân, đóng góp, phục vụ vì lợi ích cộng đồng xã hội. Họ có thể làm vua, làm thủ tướng, làm giám đốc, làm bác sĩ, làm luật sư, làm giáo viên, hay chỉ là những người dân bình thường với đủ thứ ngành nghề khác; nhưng nhìn kỹ vào việc làm của họ ta mới biết họ là những vị Bồ tát đem chất liệu bình an đến cho tha nhân, họ sống thương người, giúp đời một cách bình đẳng mà không bao giờ nghĩ đến quyền lợi riêng tư. Đó là những vị Bồ tát theo tinh thần của Kinh Pháp Hoa mà chúng ta cần phải thấu suốt để cùng hợp tác trên bước đường tu học chuyển hoá tham-sân-si. Thế giới con người chúng ta luôn có những vị Bồ tát như vậy thì xã hội mới giảm bớt sự tối tăm, mờ mịt. Các vị Bồ tát luôn hiện thân ở đời với nhiều hình thức để ủng hộ, duy trì, gìn giữ Phật pháp; đem nước mát từ bi rưới khắp nhân gian nhằm chuyển hoá nỗi khổ, niềm đau thành an vui, hạnh phúc.
Đối với hai hạng người tại gia giàu và nghèo Phật cũng tuỳ theo căn cơ mà hướng dẫn cho họ tu học để được lợi lạc. Người giàu có tượng trưng cho chư Thiên đã tạo quá nhiều phước ở đời trước nên đời này được hưởng phước báu đầy đủ tiện nghi vật chất. Người nghèo vì không biết bố thí, cúng dường, giúp đỡ, sẻ chia trong nhiều đời nên hiện tại phải chịu quả báo thiếu thốn, khó khăn. Nếu người giàu ỷ lại mình có nhiều phước báo mà vui chơi sa đoạ thì đến khi phước hết hoạ đến cũng chịu nhiều bất hạnh, khổ đau. Cũng vậy, tuy nghèo trong hiện tại nhưng nhờ biết tin sâu nhân quả mà ta cố gắng làm lành, tránh dữ thì trong tương lai cũng có thể chuyển được kiếp nghèo khó và ngày càng hoàn thiện chính mình. Nhưng cuộc sống của thế gian nếu có hạnh phúc lắm cũng chỉ là tạm bợ trong 3 cõi 6 đường luân hồi-sinh tử. Vì lòng từ bi vô hạn Phật chỉ ra những phương pháp cho người tại gia dù giàu hay nghèo đều được học hỏi và tu tập để chuyển hoá nỗi khổ, niềm đau thành an vui, hạnh phúc lâu dài.
Xã hội ngày nay có rất nhiều vị Bồ tát ủng hộ xây chùa, in Kinh, đúc tượng, truyền bá Phật pháp và giúp đỡ người bất hạnh, khó khăn trong mọi hoàn cảnh. Một phần nhờ vào sự giúp đỡ của chính quyền các cấp cho phép và nhất là các cư sĩ Bồ tát tại gia hoan hỷ, vui vẻ, hết lòng đóng góp, hỗ trợ nên mọi việc mới được thực hiện tương đối dễ dàng. Đối với những Bồ tát chọn cuộc sống tại gia để hộ trì Tam bảo Đức Phật hướng dẫn con đường tu Nhân thừa siêu thoát. Đó là 5 giới pháp nhiệm mầu giúp chuyển hoá si mê, tối tăm, mời mịt thành trong sáng, hiện thực bằng tấm lòng từ bi rộng lớn.
Đức Phật thường quan tâm thương xót đến hai hạng người giàu và nghèo tại gia để tìm cách giúp đỡ họ vượt qua biển khổ sông mê, hướng họ đến đời sống thánh thiện bằng cách quy hướng Tam bảo và thọ trì 5 giới pháp. Hai giới tại gia và xuất gia sống tốt đẹp như vậy nhờ biết kết hợp hài hoà làm cho đạo Phật được phát triển và hưng thịnh. Nếu chỉ có giới xuất gia tu học mà không có người tại gia ủng hộ tích cực về mọi phương diện thì đạo Phật sẽ không thể phát triển rộng rãi được. Ngược lại, giới tại gia hết lòng hộ trì Phật pháp nhưng không có các bậc hiền Thánh Tăng tu học chân chính để hướng dẫn, chỉ dạy thì cũng không thể làm cho đạo Phật được duy trì lâu dài. Phật giáo thịnh hay suy là do ý thức tu học của mỗi người biết kết hợp hài hoà giữa đạo và đời để làm lớn mạnh thêm sự yêu thương bình đẳng bằng trái tim hiểu biết.
Việc thực hành 5 giới và 10 điều thiện lành giúp chúng ta sống có nhân cách đạo đức tốt mà hoàn thiện chính mình. Song, bên cạnh đó ta phải biết kết hợp hài hoà với Tam thừa giải thoát là Thanh văn (nhờ nghe Phật thuyết pháp mà tu tập pháp Tứ Đế khổ-tập-diệt-đạo và 37 phẩm Bồ đề mà được giải thoát), Duyên giác (còn gọi là Bích Chi Phật- Những bậc Thánh sinh vào thời không có Phật, nhờ tu pháp 12 nhân duyên vô minh-hành-thức-danh sắc-lục nhập-xúc-thọ-ái-thủ-hữu-sinh-lão-tử mà chứng đạo giải thoát ra khỏi sinh tử) và Bồ tát (bậc Thánh tu nhân-thiên đạo và giải thoát đạo, nghĩa là giải thoát khỏi sinh tử mà vẫn không lìa sinh tử để có thể hóa độ những chúng sinh có duyên). Hàng Thanh văn, Duyên giác chỉ tu lợi ích cho mình nhiều hơn mà ít đi vào đời để dấn thân đóng góp và giúp đỡ, sẻ chia. Chính yếu vẫn là hàng Bồ tát xuất gia và Bồ tát tại gia với thân-miệng-ý thanh tịnh, trong sáng nhờ biết buông xả phiền não tham-sân-si mà làm lợi ích cho đời với tinh thần chia vui sớt khổ bằng tình người trong cuộc sống. Thế gian này nếu thiếu hai hạng Bồ tát vừa kể trên sẽ là bãi chiến trường đẫm máu vì sự tham lam, ích kỷ của con người.
Trong hàng Tam thừa Phật giáo Bồ tát vẫn hơn Thanh văn và Duyên giác về công hạnh độ tha bền bỉ, lâu dài; nhưng chúng ta lại thường nghĩ 2 giới người tại gia tu là Nhân thừa và Thiên thừa (tu giữ 5 giới và làm 10 điều lành để có thể tái sinh cõi người hay cõi trời) thấp hơn giới Tam thừa giải thoát (tu để giải thoát khỏi luân hồi sinh tử) của người xuất gia. Theo sự hiểu biết của chúng tôi, con người là quan trọng chính yếu vì tất cả sự thay đổi nơi thế gian để mở mang, phát triển nhằm phục vụ lợi ích cho nhân loại đều từ bàn tay, khối óc con người mà nên. Chúng ta có được an vui, hạnh phúc, được vật chất đầy đủ không phải để an hưởng cho riêng mình mà phải sẵn sàng chia vui sớt khổ vì lợi ích chúng sinh.
Phật dạy trong 6 đường luân hồi sống chết con người là một chúng sinh cao cấp hơn hẳn các loài khác nhờ biết suy nghĩ, tư duy sáng suốt mà phân biệt đúng-sai nên dễ thành tựu hạnh sẻ chia và buông xả viên mãn với nhiều hình thức độ sinh. Bồ tát Quán Thế Âm ứng hiện nhiều thân, nhất là ở Việt Nam đâu đâu cũng thờ Ngài dưới hình tướng một người nữ mà không thờ dưới hình thức thầy tu. Ta tu theo hạnh Bồ tát lợi tha để thành tựu Phật đạo thì phải dấn thân chia sẻ và nâng đỡ mọi người vươn lên vượt qua cạm bẫy cuộc đời để sống bình yên, an vui và hạnh phúc. Cho nên, trong số người đời ta có thể biết được ai là Bồ tát hiện thân, tức là người có lòng từ bi, có trí tuệ và luôn đóng góp, giúp đỡ, sẻ chia, làm được những việc khó làm.
Chúng ta xuất gia có thực phẩm tiêu dùng hằng ngày và được yên ổn tu hành thì phải nhớ đến những người đã tạo ra thực phẩm, những người giữ an ninh trật tự, những đàn na tín thí hỗ trợ, đóng góp mà luôn cố gắng, nỗ lực tu hành chuyển hoá phiền não tham-sân-si, trên cầu quả Phật, dưới cứu độ tất cả chúng sinh. Các vị Bồ tát đi vào đời dưới nhiều hình thức xuất gia lẫn tại gia mà phát nguyện thành tựu Phật đạo bằng con đường hành Bồ tát đạo sẽ tái sinh trở lại để dấn thân đóng góp và làm việc phục vụ lợi ích tha nhân. Có vị là chân tu thạc đức, có vị làm vua, làm tướng, làm người nữ, người nam hay đủ mọi hình tướng, hoàn cảnh để phục vụ nhân loại. Hai chúng Bồ tát xuất gia và Bồ tát tại gia hợp tác với nhau mật thiết thì Phật sự dễ dàng thành tựu theo chiều hướng tốt đẹp.
Riêng Phật giáo Nam tông hay Phật giáo nguyên thuỷ của người Việt Nam thì không thọ giới Bồ tát. Giáo lý được phân làm hai truyền thống theo địa lý truyền thừa và được gọi là Phật giáo Bắc tông và Phật giáo Nam tông. Phật Giáo Bắc tông theo khuynh hướng phát triển lời Phật, còn Phật Giáo Nam tông theo khuynh hướng bảo thủ nguyên xi lời Phật và các Thánh Tăng đệ tử thuyết trong 5 bộ Kinh truyền thống. Truyền thống Bắc Tông và Nam Tông có những khác biệt. Tuy nhiên, những khác biệt ấy không cơ bản. Trái lại, những điểm tương đồng lại rất cơ bản. Cả hai đều nhìn nhận
Ðức Phật Thích ca là bậc Ðạo sư, đều chấp nhận và hành trì giáo lý
Tứ thánh đế,
Bát chánh đạo,
Duyên khởi...; đều chấp nhận Tam pháp ấn
Khổ-
Không-
Vô ngã; đều chấp nhận con đường tu tập
Giới-
Ðịnh-
Tuệ. Tuy nhiên, Nam tông có khuynh hướng giải thoát ngay tại kiếp này bằng cách đạt Niết Bàn ngay trong đời, hoặc nếu tu chưa đạt thì tiếp tục tu trong các lần tái sinh kế tiếp cho tới khi viên mãn. Phái Bắc tông thì theo Bồ Tát Đạo, là đạo không đạt Niết Bàn ngay hiện tại mà tu các hạnh Ba La Mật cho đến vô số kiếp rồi mới thành Phật Chánh Đẳng Giác như Phật Thích Ca.
Chúng xuất gia chuyên học hỏi, tu tập, thuyết pháp giảng Kinh, xây dựng con người đạo đức, tâm linh. Chúng tại gia hộ trì Tam bảo và cùng chúng xuất gia tu tập chuyển hoá và hỗ trợ lẫn nhau. Hai chúng tại gia và xuất gia phải biết cách hợp tác để làm lợi ích cho đời, nhưng phải có tu tập mới chuyển hoá nỗi khổ, niềm đau thành an vui, hạnh phúc. Vì vậy, để tránh hai cực đoan trên các vị Bồ tát tuỳ theo tâm nguyện mà làm nhà sư, làm thủ tướng, làm kẻ trồng trọt hoa màu hay làm nhà kinh doanh… để hỗ trợ nhau cùng thành tựu Phật pháp. Chúng xuất gia giữ gìn Chánh pháp của Phật và tu tập làm gương cho nhân thế, vừa học, vừa tu, vừa hướng dẫn giúp mọi người thoát ra biển khổ sông mê mà làm người có ích. Tấm gương sáng của người xuất gia là không kẹt vào danh vọng, lợi dưỡng, tiền bạc và sự cung kính. Họ là người tu theo hạnh giác ngộ, giải thoát nên muốn ít biết đủ, sống đời đơn giản, đạm bạc. Giới cư sĩ tại gia thì hộ trì Chánh pháp, giúp Tam bảo trường tồn ở thế gian và duy trì giống nòi nhân loại.