Chi tiết tin tức

Hạnh phúc hay khổ đau đều do mình tạo lấy

07:45:00 - 06/10/2015
(PGNĐ) -  Trong khoảng trời đất bao la này, tùy theo phước nghiệp của thế nhân mà chúng sinh có hình dạng sai khác; tùy theo nhận thức của mỗi người mà tạo ra thói quen để có kết quả trong hiện tại và tương lai. Cho nên, cũng đồng là người nhưng mỗi người mỗi khác, không ai giống ai. Mặt trời lúc nào cũng chiếu soi khắp nơi, nhưng chúng sinh căn tánh có sai biệt, do đó tạo ra thiên hình vạn trạng, mỗi người, mỗi cảnh. Cũng đồng là người nhưng kẻ đen người trắng, kẻ thấp người cao, kẻ tốt người xấu, kẻ được người mất, kẻ hơn người thua, kẻ thành người bại v.v…

Không phải ngẫu nhiên con người được sinh ra quyền cao chức trọng, giàu sang tột đỉnh hay bần cùng khốn khổ, đói rét khó khăn; khổ đau hay hạnh phúc đều do con người tạo lấy. Mỗi bản thân cá nhân quyết định sự sống của chính mình, không ai có quyền ban phước giáng họa để tạo ra sự hiểu lầm về kiếp nhân sinh, như quan niệm của thời xa xưa cho rằng con người phải chấp nhận số phận đã an bài, trước sau như một, không thể nào thay đổi được. Trời đã định đoạt sắp đặt thì phải chịu, nhưng trời ở đây mang ý nghĩa giá trị của luật nhân quả luôn âm thầm tác động, chi phối mọi hiện tượng, sự vật trên thế gian này; làm lành được hưởng phước tốt đẹp, làm ác chịu quả báo khổ đau, vì thế sáng hay tối đều do mình tạo lấy.

Mặt trời chân lý luôn soi sáng khắp nơi, soi rọi khắp mọi nẻo đường, luôn hướng đến nhân sinh và chan hòa cùng tất cả, nhưng vẫn không đáp ứng hết nhu cầu cần thiết cho con người và vạn vật. Vì vậy mà có sự sai biệt tạo nên mỗi hình, mỗi vẽ, mỗi cảnh, mỗi hoa. Đạo Phật không dừng lại ở số phận hẩm hiu hay phó thác cho cuộc sống đã an bài, mặc tình thả trôi theo dòng đời để tự mình hủy diệt chính mình, rồi ngồi đó than thân, trách phận. Trong khi đó, hoa vẫn nở, trời vẫn trong, mây vẫn bạc, suối vẫn reo, như hòa cùng khúc nhạc lòng luôn vang vọng khắp muôn nơi. Mọi việc xảy ra đều có nguyên nhân sâu xa của nó, sáng tối đều do mình tạo ra. Con người là một tài sản vô giá lớn nhất không thể nào phủ nhận được, nếu chúng ta biết đem tài sản vô giá đó ra xài thì việc gì con người cũng làm được.

Một gia đình, một xã hội, một thế giới cần rất nhiều người nhiệt tình, có tài năng và đạo đức, luôn vì lợi ích chúng sinh mà phục vụ thì mới có thể giúp ích cho con người, cho xã hội được một cuộc sống bình an và hạnh phúc. Do đó, việc giáo dục con người không phải dễ dàng, điểm thiết yếu là làm sao giáo dục có văn hóa và đạo đức để mỗi người ý thức được trách nhiệm và bổn phận của chính mình. Do đó, vai trò giáo dục để phục vụ con người không quan trọng ở vị trí, chức danh, mà phải làm sao giáo dục cho tất cả mọi người thật sự sống có ích cho tha nhân và xã hội; giáo dục không chỉ lý thuyết suông mà cần phải ứng dụng thiết thực vào trong đời sống hằng ngày, sáng hay tối đều do con người quyết định. Nếu ta chấp nhận có một đấng siêu hình nào đó đã sắp đặt, định đoạt số phận cho con người thì vô tình chúng ta đẩy con người vào vị trí tối tăm, con người mất hết quyền làm chủ và cuối cùng bị nô lệ phục dịch cho đấng tối cao.

Trong khi đó, con người có khả năng học hiểu, tư duy, quán chiếu, làm được những điều khó làm mà các loài khác không thể làm được. Điều này các nhà khoa học xác quyết một cách rõ ràng, nhờ sự cầu tiến của con người mà thế giới có nhiều thay đổi tốt đẹp và tiến bộ không thể ngờ. Sáng tối đan xen lẫn nhau, khi ánh sáng có mặt thì bóng tối tự nhiên biến mất; nhưng tối tăm lúc nào cũng lấn chiếm ánh sáng chân lý, vì thế mà tạo ra mâu thuẫn cuộc đời. Đạo Phật không dừng lại ở nơi tối tăm, luôn dùng ánh sáng trí tuệ để chuyển hóa si mê và u tối thành trong sáng, hiện thực. Có 4 loại ánh sáng để chuyển hóa tối tăm: Ánh sáng mặt trời; Ánh sáng mặt trăng; Ánh sáng của lửa; Ánh sáng trí tuệ.

Ánh sáng mặt trời có công năng soi sáng được ban ngày, giúp cho vạn vật sinh sôi, nẩy nở và phát triển một cách hài hòa, nhưng chỉ được ban ngày; đôi khi vẫn bị mây mù, mưa gió, bão bùng, che khuất, do đó ánh sáng mặt trời chỉ chiếu soi một nửa, nên chỉ soi sáng trong giới hạn. Ngoài ra, ánh sáng mặt trời còn được sử dụng trong công nghiệp, y học, phục vụ con người và cuộc sống…

Ánh sáng mặt trăng cũng vậy, giúp cho ban đêm được trong sáng để con người ngồi lại bên nhau cùng tâm tình, thưởng thức vẻ đẹp thiên nhiên. Ánh sáng mặt trời soi sáng ban ngày, ánh sáng mặt trăng soi sáng ban đêm, nên vẫn hạn chế ở một mức độ nào đó. Ánh sáng mặt trăng có thể tạo cảnh quan thôn dã, soi sáng con đường làng, là đề tài sáng tác văn học cho thi nhân…

Ánh sáng của lửa giúp con người chuyển hóa được lạnh lẽo, giúp con người ổn định an sinh đời sống hằng ngày bằng những món ăn tinh khiết để duy trì sự sống. Về mặt tích cực, lửa giúp con người an sinh đời sống hằng ngày; nhưng ngược lại, lửa có thể thiêu đốt tất cả nếu chúng ta bất cẩn và sử dụng không đúng chỗ. Vì vậy, 3 loại ánh sáng mặt trời, mặt trăng và lửa nếu chúng ta biết sử dụng hài hòa thì sẽ đem lại lợi ích lớn cho con người, còn không thì tác hại của nó có thể hủy diệt hết tất cả. Do đó, chỉ có ánh sáng trí tuệ mới đủ sức chuyển hóa những nỗi khổ, niềm đau của kiếp người thành an vui, hạnh phúc ngay tại đây và bây giờ. Ánh sáng trí tuệ cũng có hai loại:

_ Trí tuệ thế gian: Thường thế gian ai thông minh, lanh lợi, biết được nhiều việc hoặc học cao hiểu rộng, thì được cho là người có trí tuệ; nhưng trí tuệ này do học mà được nên xuất phát từ lòng tham của con người. Vì vậy, họ si mê, chấp ngã càng cao, thấy mình là trung tâm của vũ trụ, thấy mình là thầy thiên hạ, nên độc tài thao túng, dùng mưu ma chước quỷ để bình thiên hạ, tạo ra ân oán, oan gia trái chủ, dùng miệng lưỡi biện tài vô ngại để lung lạc lòng người, nói một đường làm một nẻo, chẳng khác gì con vẹt bắt chước nói tiếng người. Bởi nói được mà làm chẳng được, nên có địa vị cao trong xã hội càng làm tổn hại cho nhiều người. Do ý thức vận hành của sự chấp ngã sai khiến nên càng làm tổn hại nhiều cho thiên hạ; như sự nghiệp của Tần Thủy Hoàng, vì muốn gôm thâu lục quốc mà máu người biến thành biển cả. Do lòng tham chi phối và sai sử nên con người đa số đều xây dựng sự nghiệp của mình bằng xương máu của thiên hạ. Sử sách còn ghi lại biết bao ông vua thời phong kiến vì chủ nghĩa cá nhân mà tàn sát, giết hại vô số con người.

Do đó, trí tuệ thế gian chỉ giúp con người tăng trưởng thêm lòng tham vô bờ bến. Vì vậy, nếu ai là người tài giỏi thì cần phải học hỏi và trau dồi đạo đức để nâng cao sự hiểu biết, giúp nhân loại bằng tình thương yêu chân thật. Nhờ có tu tập chúng ta mới biết được giá trị thật giả của cuộc đời, do đó dễ cảm thông, chia sẻ, bao dung và tha thứ để không làm tổn hại cho nhau.

_ Trí tuệ xuất thế gian: Để không nhầm lẫn với trí tuệ thế gian, nhà Phật gọi là trí tuệ bát nhã, nhưng trí tuệ xuất thế gian cũng có ba loại: Trí tuệ lộn ngược, trí tuệ bắp vế, trí tuệ rộng lớn

+ Trí tuệ lộn ngược: là loại trí tuệ không phân biệt được đầu đuôi, trước sau một cách rõ ràng, nó giống như cái bình lật úp trở lại, dù có chế nước vô bao nhiêu cũng bị tràn ra, không chứa được chút nào. Hạng người này tuy có nhiệt tình học hỏi nhưng không có định tâm tỉnh giác, tuy có cố gắng học lời Phật dạy nhưng vì nghiệp chướng sâu dày nên chẳng hiểu biết gì hết. Do đó, thế gian thường gọi hạng người này như nước đổ lá môn, như nước xao đầu vịt, đổ vô bao nhiêu cũng bị trôi đi hết, nên nói là trí tuệ lộn ngược.

Khi đã đến chùa nghe pháp, học xong trả lại cho thầy, thật là uổng công, vô ích biết chừng nào! Tu học như thế biết đến bao giờ mới được trí tuệ rộng lớn. Phật pháp tuy khó nghe, nhưng chúng ta đang nghe và đã nghe, chẳng lẽ nghe xong rồi trả lại cho thầy hay sao? Nếu có, chúng ta phải sanh tâm hổ thẹn, biết đây là nghiệp chướng sâu dày do nhiều đời không gieo trồng hạt giống trí tuệ, nên bây giờ mới bị lú lẫn, ngu ngô như thế. Biết được như vậy, chúng ta hãy nên thành tâm sám hối, cố gắng siêng năng, tinh tấn học hỏi chuyên cần. Tại sao có người nghe một hiểu mười, nghe mười hiểu trăm, còn ta nghe xong chẳng hiểu gì hết. Bởi ta không gieo nhân thông minh trí tuệ, nên phải chậm lụt hơn người và kém hiểu biết. Biết được vậy rồi, chúng ta phải làm sao cố gắng học hỏi, suy tư, quán tưởng. Ta không gieo nhân trí tuệ thì làm sao có quả trí tuệ. Có người sở dĩ thông minh, sáng suốt là do đã học hỏi và huân tập nhiều đời, không có gì là do bỗng nhiên khi không mà có được.

Thời Phật còn tại thế có một tăng sĩ tên là Châu Lợi Bàn Đặc, cùng xuất gia một lượt với anh mình, cùng nghe giảng pháp và tu tập như nhau. Vậy mà người anh lại biện tài vô ngại và chứng quả A La Hán, còn người em không thuộc nỗi một bài kệ 4 câu, dù thầy đã cố gắng hết sức để học nó suốt mấy tháng trời. Người anh thấy thế, sợ em mình thọ dụng của đàn na tín thí mà không tu tập được sẽ bị tổn phước, bị người đời chê trách, nên khuyên em mình hãy nên hoàn tục, về sống đời cư sĩ tại gia nuôi dưỡng cha mẹ, bố thí cúng dường, giúp đỡ chia sẻ khi gặp người khó khăn, hoạn nạn để gieo trồng phước đức.

Ngược lại, Lục tổ Huệ Năng cũng dốt nát, quê mùa, làm nghề đốn củi nuôi mẹ, chỉ nghe một câu kinh liền ngộ đạo và sau đó phát tâm xuất gia. Trong suốt 8 tháng trời, ngài chỉ làm một việc giã gạo, nấu cơm; ấy thế mà ngài được truyền y bát, làm vị Tổ thứ sáu Thiền tông Trung Hoa. Sau này, ngài đã báo trước ngày giờ ra đi trước 3 tháng và để lại nhục thân không bị hoại cho đến ngày hôm nay.

Còn Châu Lợi Bàn Đặc mặc dù đã hết sức cố gắng học hỏi, nhưng vẫn không thuộc một bài kệ 4 câu? Được người anh khuyên hoàn tục, ngài buồn vô hạn vì luôn mơ ước được sống phạm hạnh trong vòng tay che chở của đức Thế tôn. Đang suy nghĩ miên man trước dòng đời nghiệt ngã, nửa muốn ở lại tu tập, nửa muốn trở về thế tục. Cuối cùng, thầy đành chấp nhận hoàn tục. Ngài vừa đi vừa buồn, sực nhớ vì mình chưa từ giã đức bổn sư nên Châu Lợi Bàn Đặc quay trở lại, đến Thiền thất đức Phật cung kính thưa về. Phật hỏi, “này đệ tử, có chuyện gì không tốt đến với con?” “Dạ! Kính bạch đức Thế tôn, không biết trước kia con gieo nhân gì mà hiện tại con hết sức cố gắng để học một bài kệ 4 câu, đến nay đã hơn 6 tháng mà con vẫn không thuộc. Con học trước quên sau, học sau quên trước, nên anh con nói thôi đừng tu nữa, hãy về nhà đi, làm nhiệm vụ của một cư sĩ tại gia hộ trì Tam bảo sẽ tốt hơn”.

Phật biết được nhân duyên của người đệ tử, vẫn muốn tiếp tục đời sống xuất gia thoát tục, vì bất đắc dĩ mà phải chịu nghe lời anh, nên Ngài an ủi, động viên một cách khéo léo. “này đệ tử, không thuộc một bài kệ 4 câu không phải là lỗi lầm đáng tiếc để con hoàn tục ra đời. Do túc duyên đời trước của con chưa được khai phát, chỉ cần con thiết tha thành tâm sám hối, phát nguyện được trí tuệ rộng lớn và chia sẻ cùng với tất cả mọi người thì sau này con sẽ được toại nguyện”. Nói xong, đức Phật đưa cho ngài Châu Lợi Bàn Đặc chiếc khăn trắng và căn dặn kỹ càng, “mỗi ngày con chỉ cần quan sát chiếc khăn này, cố gắng theo dõi sự chuyển biến của nó ra sao, con chỉ làm một việc đó thôi, đây là pháp yếu tu hành đặc biệt cho hạng người như con”. Lời nói của Đức Phật như được rót mật vào lòng, làm cho tâm của Châu Lợi Bàn Đặc cảm thấy an ổn, nhẹ nhàng, trào dâng lên niềm vui vô hạn.

Đây là một đề mục Thiền quán, đòi hỏi Thiền sinh cần phải chú tâm cao độ, không dùng nhận thức để phân biệt so sánh mà chỉ nhìn một cách tường tận sự vật như thế nào thì biết rõ như thế đó, không thêm một niệm thứ hai vào. Như hai con mắt người thợ mộc, muốn ngắm cho chính xác khúc gỗ thì phải nhắm bớt lại một con. Tu tập cũng thế, nếu chúng ta cứ để tâm mình muốn chạy đi đâu thì chạy, như khỉ leo cây, như vượn chuyền cành, tu học như vậy biết đến bao giờ mới được thành tựu đạo quả. Dưới sự hướng dẫn, chỉ dạy sâu sắc của đức Thế tôn, ngài Châu Lợi Bàn Đặc đã nhận thức rõ ràng lợi ích của sự chú tâm miên mật đúng pháp. Rồi thời gian trôi qua, chiếc khăn từ màu trắng chuyển sang màu ngà, nhờ vậy Châu Lợi Bàn Đặc thấy rõ sự vô thường của vạn vật, chiếc khăn lúc này không còn mới như xưa nữa. Con người cũng vậy, khi được sinh ra và lớn lên, rồi già-bệnh-chết giống hệt như chiếc khăn hiện giờ. Nhờ quán chiếu tinh cần như thế mà cuối cùng Châu Lợi Bàn Đặc đã chứng quả A La Hán với chiếc khăn nhiệm mầu.

Chúng ta tu theo Phật, khi nghe câu chuyện trên đừng để tình trạng trí tuệ lộn ngược chi phối thì uổng cả đời tu. Muốn vậy, ta cần phải nương tựa thầy lành bạn tốt, cố gắng tinh cần quán chiếu lời dạy của Ngài; nếu không việc tu học của chúng ta sẽ bị rơi vào trí tuệ lộn ngược thì uổng công vô ích, như nước đổ lá môn, như nước xao đầu vịt, đổ vô bao nhiêu cũng bị trôi đi hết.

+ Trí tuệ bắp vế: Chúng ta đến chùa nghe Pháp đều ghi nhớ rõ ràng từng câu, từng chữ, nhưng khi đứng dậy ra về đều quên hết. Người học đạo như thế gọi là trí tuệ bắp vế, vì khi nghe quí thầy hướng dẫn thì nhớ, lúc về thì quên, giống như người ăn bánh kẹo để trên bắp vế, khi đứng dậy rớt hết. Đây là hạng người nếu được đến chùa học hỏi, tu tập, cảm thấy an lạc và hạnh phúc, chẳng khác nào người đang lạnh gặp được áo ấm; nhưng khi trở về nhà thì mọi thứ đâu vào đấy, phiền muộn, khổ đau, bực bội cứ tiếp tục phát sinh. Học đạo như vậy uổng công vô ích, người tu như thế cần phải biết hổ thẹn, sám hối, gắng sức ra công học hỏi, thường xuyên quán chiếu, suy tư không một phút giây lơ là, biết cách sắp xếp công việc cho hợp lý, làm việc nào biết việc đó.

Khi đến chùa nghe pháp, chúng ta cố gắng học hiểu rõ ràng nghĩa lý lời Phật dạy, để rồi sau khi ra về nhớ đó mà ứng dụng, thực hành. Nghe học như thế thật sự mới có lợi ích thiết thực và xứng đáng là người Phật tử. Nếu đã đến chùa khi nghe thì hiểu, khi về thì quên, nên đụng chuyện phát sinh đủ thứ phiền não, làm cho mọi người mất niềm tin và không còn muốn tu học nữa. Tu học như thế vô tình phỉ báng Phật pháp; cho nên, chúng ta phải cố gắng tu học trí tuệ rộng lớn để chuyển hóa u mê, tối tăm thành trong sáng, thanh tịnh, chuyển hóa khổ đau thành an vui, hạnh phúc. Tu học như vậy mới xứng đáng là người con Phật.

+ Trí tuệ rộng lớn: Đây là loại trí tuệ do siêng năng rèn luyện, quán chiếu, tu tập, không phải do học hỏi, hiểu biết mà được nên nói là trí tuệ rộng lớn. Trí tuệ rộng lớn là trí tuệ thấy biết đúng như thật, tuy sống giữa dòng đời ô nhiễm mà không bị tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, ăn ngon, mặc đẹp, ngủ kỹ chi phối; luôn sống vì mọi người, phục vụ chúng sinh không biết mệt mỏi, không biết nhàm chán; sống vì tha nhân chứ không vì lợi ích riêng tư, lấy niềm vui nhân loại làm niềm vui chính mình. Muốn được như vậy, chúng ta phải phát nguyện đời đời kiếp kiếp đi theo con đường Phật đạo vì lợi ích chúng sinh, thấy ai cũng là người thân, người thương của mình nên dễ dàng cảm thông và tha thứ, bao dung và độ lượng, thương yêu và hiểu biết, sẵn sàng đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau trên tinh thần vô ngã, vị tha.

Tổ Bát Nhã Đa La được nhà vua tặng cho hạt châu, một hôm ngài gọi ba vị hoàng tử con vua lại hỏi rằng, “hạt châu này vô giá nhất trên đời, vậy có thứ gì quý hơn không?” Hai vị hoàng tử lớn đều đồng ý với nhau, “hạt châu này quý nhất không gì có thể sánh bằng!” Ngược lại, hoàng tử út không chịu, nên nói “kính bạch thầy! có một thứ quý hơn hạt châu này nhiều, đó là trí tuệ!” “Con làm sao chứng minh được điều đó?” “Thưa thầy, hạt châu này tuy quý giá nhưng nó là vật vô tri, nó không tự biết tốt hay xấu, quý hay tiện, mà phải nhờ trí tuệ của con người xem xét, nhận định, nên nó mới trở thành hạt châu vô giá, bằng không thì nó chỉ giá trị như viên đá, hòn sỏi, không hơn không khác”.  Tổ liền thọ ký, “ngươi về sau sẽ làm lợi ích cho nhiều người”. Sau này, hoàng tử xuất gia, trở thành vị tổ thứ hai mươi tám của Ấn Độ, tên Bồ Đề Đạt Ma. Ngày nay, chúng ta biết tu Thiền là nhờ công giáo hóa rộng khắp của ngài.

Thế nhân lúc nào cũng quý trọng tài sản, vật thực nên phân chia ra có quý, có tiện, có tốt, có xấu. Tài sản là vật vô tri phụ thuộc vào con người nhưng chúng sinh vì không hiểu biết nên tìm cách gom chứa về mình, do đó sanh ra cướp bóc, giết hại lẫn nhau, gây ra phiền muộn, khổ đau cho nhân loại rồi rơi vào tối tăm, si mê, mờ mịt. Riêng người con Phật lấy trí tuệ làm nền tảng, chính nhờ có trí tuệ nên chúng ta thấu rõ bản chất vạn vật là vô thường, tạm bợ, huyễn hóa, không thật nên bớt si mê, chấp ngã. Nhờ vậy, cuộc sống ngày càng thêm thăng tiến, giảm bớt tham lam, sân giận, si mê, chuyển hóa nỗi khổ, niềm đau thành an vui, hạnh phúc ngay tại đây và bây giờ. Thế gian ai cũng ước muốn được thọ hưởng đầy đủ các nhu cầu cần thiết trong cuộc sống như tiền tài, danh vọng, sắc đẹp, ăn ngon, mặc ấm, ngủ kỹ nên dễ dàng làm hại lẫn nhau bất chấp luân thường đạo lý.

Để đáp ứng nhu cầu của con người, một vị thần hiện ra nhờ người nông dân truyền trao lại cho nhà vua 4 viên ngọc quý. Người nông dân thật thà, tốt bụng cầm 4 viên ngọc hăng hái lên đường trao lại cho nhà vua. Trước tấm lòng chân thật của người nông dân, nhà vua cảm động nên thương tình cho phép anh chọn lấy một viên ngọc. Trước một sự thật không thể ngờ làm bác nông dân không khỏi lúng túng, nhưng giá trị của viên ngọc chỉ cho được một công dụng nhất định. Bác nông dân xin phép nhà vua để chờ bàn lại với gia đình nên lấy viên ngọc nào cho phù hợp. Về nhà, ông trình bày công dụng và giá trị của mỗi viên ngọc để gia đình tùy nghi chọn lựa.

Viên ngọc thứ nhất sẽ đem lại cho chủ nhân những thức ăn ngon lành theo ý muốn, dù trên đời này có một thợ nấu tài ba, lỗi lạc cách mấy cũng không bằng. Viên ngọc thứ hai sẽ đem lại cho chủ nhân tất cả trang sức, quần áo, lụa là, gấm vóc sang trọng nhất. Viên ngọc thứ ba sẽ đem lại cho chủ nhân các loại vũ khí tối tân, hiện đại nhất để các chàng trai đủ khả năng thành người hùng và dễ dàng thu phục thiên hạ. Viên ngọc thứ tư sẽ đem lại cho chủ nhân muốn cần bao nhiêu tiền bạc, của cải, vật chất cũng có, không cần phải đổ mồ hôi, tốn công sức và làm lụng vất vả vẫn có được. Bà vợ là người lên tiếng đầu tiên khuyên chọn viên ngọc thứ nhất để được muốn ăn gì có đó, thế gian này ăn no, ngủ kỹ là sung sướng và khoái lạc nhất trên đời. Đám con trai không chịu, chúng đòi chọn viên ngọc phò vua, giúp nước, bình thiên hạ, lập chiến công hiển hách để được lưu danh vào sách sử muôn đời. Phía con gái cũng không vừa, chúng nhao nhao phản đối, “đâu được như thế! Thắng người thì sinh ra oán hận, ăn nhiều thì sinh lười biếng, thà nhịn ăn mà trang sức lộng lẫy, thơm tho, vậy không khoái hay sao?” Thế là ba phe muốn bảo thủ ý kiến của mình làm bác nông dân càng thêm rối rắm. Cả nhà cùng nhau tranh cãi loạn xạ, chẳng bên nào chịu nhân nhượng và từ đó cuộc chiến tranh lạnh bắt đầu xảy ra, ai cũng cho ý kiến của mình là đúng nên không ai chịu nhường cho ai. Cuối cùng, hơn một tuần lễ trôi qua, mọi việc trong nhà đều bị đình trệ vì chẳng ai muốn làm gì cả.

Sớm hơn ngày hẹn, bác nông dân đã có mặt trước bệ rồng. Vua ngạc nhiên hỏi, “gia đình khanh đã chọn được viên ngọc nào?” “Muôn tâu bệ hạ, xin cho phép gia đình con không nhận viên ngọc nào hết?” “Ủa, tại sao lạ vậy?” Đức vua ngạc nhiên! Bác nông dân liền kể lại sự việc, “trên đời này không gì quý bằng an vui và hạnh phúc. Vàng bạc, gấm vóc, lụa là, thức ăn sơn hào hải vị, vũ khí tối tân chỉ làm con người tăng trưởng thêm lòng tham lam, ích kỷ, sân si nóng giận và giết hại lẫn nhau. Gia đình con là một bằng chứng thiết thực, hơn mười ngày qua chúng con đang sống trong địa ngục hiện tiền”. Càng mưu cầu, tham đắm riêng tư càng nhiều thì càng thêm khổ đau chồng chất, chỉ cần muốn ít biết đủ theo khả năng hiện tại dù nghèo khó vẫn an vui, hạnh phúc. Trớ trêu thay, thế gian này không biết bao nhà tỉ phú đã phải bỏ mạng sa trường vì hụt hẫng bên bờ hạnh phúc, họ cứ mải mê chạy theo trường đời danh lợi, quyền cao chức trọng, để rồi phải ra đi trong tủi hận, ưu phiền. Chúng ta cứ bám víu, dính mắc vào nhu cầu vật chất quá nhiều nên quanh năm suốt tháng luôn bị nó trói buộc. Các nhà tỉ phú đâu có thiếu thốn, nghèo khó, tại sao họ vẫn phải tự tử? Hạnh phúc nhất của con người là từ nội tâm trong sáng, thanh tịnh. Sống giữa cõi đời nhiều ô nhiễm đầy dẫy tham lam, thù hận, si mê mà chúng ta không bị dòng đời cuốn trôi và nhấn chìm, vẫn làm việc phục vụ chúng sinh vô điều kiện mà không dính mắc, đắm nhiễm thì đó mới là người có trí tuệ rộng lớn.

Đôi lời tâm sự chân thành xin được bộc bạch cùng các chư huynh đệ pháp lữ gần xa. Chúng tôi xin nguyện được kết duyên sâu cùng với tất cả mọi người.

 

Thích Đạt Ma Phổ Giác                                                                                                    

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin