Chi tiết tin tức

Hồi sinh

07:54:00 - 20/06/2015
(PGNĐ) -  Sau khi dự buổi tiệc do các y, bác sĩ – những người mà chúng tôi đã góp phần đào tạo cách đây hơn ba mươi năm – chiêu đãi, tôi và anh Hai M. lên xe ra về. Trên đường, trời chợt đổ mưa, hai anh em ghé vào một quán ven đường uống cà phê chờ mưa tạnh mới đi tiếp. Nhìn những giọt cà phê rơi trong ly, tôi trầm ngâm suy nghĩ, thời trai trẻ tôi thích đến quán uống cà-phê phin, nghe nhạc, còn bây giờ cứ mỗi lần nhìn cà phê nhẩn nha rơi từng giọt, tôi lại thấy nóng ruột, có cảm giác như đang hoang phí quỹ thời gian ngày càng hạn hẹp của mình.

 

Đâu đó có người mới chết, tiếng trống, kèn đám ma hòa lẫn tiếng mưa rơi nghe buồn não ruột, tôi nhìn mái tóc đã bạc trắng của anh Hai M. rồi hỏi: Có bao giờ anh nghĩ đến cái chết không? Anh ấy hớp một chút cà-phê, trả lời: “Rất ít khi nghĩ tới nó vì mỗi ngày mình đều đã chết ngộp với gánh nặng cơm áo, gạo tiền rồi”. Tôi hiểu và thông cảm lời nói của anh. Một người vợ đi đứng khó khăn do căn bệnh viêm đa khớp hành hạ, một đứa con bệnh tật triền miên, một công rưỡi vườn dừa chưa cho trái và một số tiền khiêm tốn từ tiêu chuẩn trợ cấp thương binh đã biến anh từ con người nhanh nhẹn, hoạt bát trở thành lặng lẽ, u uất. Mưa càng lúc càng nặng hạt, tôi bâng khuâng ngồi nhớ lại chuyện xưa…

Thuở ấy, tôi và anh ấy cùng công tác ở trường Trung học Y tế tỉnh nhà, anh là y sĩ dân y được đào tạo trong kháng chiến, tôi là bác sĩ ra trường với bằng cấp ưu hạng, cả hai cùng quê nên rất thân nhau. Sau năm năm công tác, góp phần đào tạo mấy trăm thầy thuốc Tây y, tôi và anh xin chuyển về quê công tác vì gia cảnh. Thời đó, quê chúng tôi hệ thống y tế rất thiếu và yếu. Theo sự chỉ đạo của lãnh đạo ngành, chúng tôi cùng các đồng nghiệp triển khai xây dựng phòng khám khu vực, phục vụ nhu cầu khám bệnh cho dân chúng năm xã vùng ven. Phòng khám đi vào hoạt động một thời gian rất được sự tín nhiệm của người dân. Anh ấy phụ trách các chương trình y tế cộng đồng, tôi lo phần điều trị. Là một cán bộ, anh Hai M. rất tích cực công tác, luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao, tánh tình lại tốt, tận tâm lo cho quyền lợi của anh em, ai cũng thương, duy có một điều anh khoái nhậu, hay mua chó về đập đầu, chế biến đồ nhắm rượu, anh còn làm món tiết canh vịt xiêm, dân nhậu rất thích nhưng ai nhìn vào cũng sợ, anh lấy tiết vịt bằng cách chặt ngang mỏ con vịt còn sống, anh bảo lấy như thế tiết mới sạch, tôi đã mấy lần cự anh ăn uống bất nhơn nhưng anh vẫn chứng nào tật đó.

 Một hôm, lúc đi kiểm tra hệ thống y tế tư nhân, anh Hai M. tịch thu dụng cụ nhổ răng và một số thảo dược của những người dân tộc thiểu số nhổ răng dạo. Không hiểu họ chạy vạy thế nào mà hôm sau đem đến một giấy quyết định của Ủy ban Nhân dân huyện, yêu cầu trả lại dụng cụ, thuốc men cho họ. Anh Hai M. coi rồi nói chỉ nghe sự chỉ đạo của ngành dọc, không thực hiện theo yêu cầu của tờ lệnh trên. Những người dân tộc thiểu số đó, sau khi năn nỉ không được đã hằn học hăm sẽ yếm cho anh tan nhà nát cửa. Dĩ nhiên anh ấy chả sợ gì lời đe dọa, một người đã vào sanh ra tử trong bão đạn mưa bom thời chiến tranh thì có lời hăm dọa nào làm nao lòng. Đối với anh thì vậy, nhưng đối với dân chúng miền quê thời đó, họ rất sợ những người dân tộc thiểu số đi bán dạo vì những lời đồn về khả năng bỏ bùa, yếm thư của họ. Nhiều người sống quanh phòng khám, biết chuyện, khuyên anh nên trả lại đồ đạc cho yên chuyện nhưng anh cương quyết không nghe. Trùng hợp, một tháng sau, vợ anh sanh con lần thứ năm, thấy sức khỏe của vợ không tốt, anh cho vợ lên nằm ở bệnh viện tỉnh, không ngờ tới giờ sanh, tim thai đột ngột mất, vợ anh thì cào cổ than khó thở rồi chết trên bàn sanh. Lãnh đạo bệnh viện và khoa sản rất bối rối vì trường hợp tử vong này, họ đều là bạn bè kháng chiến cũ của anh, họ không thể có kết luận chính xác về nguyên nhân cái chết vì anh không cho mổ tử thi. Vợ mất đột ngột, anh bị suy sụp hoàn toàn, xin thôi việc, hưởng chế độ trợ cấp một lần. Sau đám tang một thời gian, gặp anh, tôi nhìn không ra, tóc chấm vai, râu dài tận ngực, anh bảo chỉ cắt tóc, cạo râu khi mãn tang vợ, thật tội nghiệp vô cùng.

Khoảng hai năm sau, một hôm tôi ghé thăm thì mẹ anh khóc bảo với tôi rằng anh dẫn vợ hàng xóm bỏ đi mất rồi, tôi bàng hoàng không tin vào những điều vừa nghe. Hỏi kỹ ra, trong ấp anh ở có một người đàn bà lấy chồng mười mấy năm không có con, người chồng cứ mỗi lần đi nhậu về lại lôi chị ấy ra đánh đập, chửi bới là lấy phải con vợ đực. Sau những trận đòn dã man, chị phải lê thân đến phòng thay băng, tiêm thuốc của anh nhờ săn sóc vết thương. Từ hoàn cảnh người thì mất vợ còn kẻ thì bị hất hủi, họ đã đến với nhau, anh dẫn chị ấy đến tận Cà Mau để sinh sống. Tôi thông cảm nhưng cũng thầm trách anh lo hạnh phúc cá nhân mà quên chữ hiếu, quên trách nhiệm làm cha, bỏ bốn đứa con còn thơ dại cho mẹ già đã bảy mươi mấy tuổi – nay ốm, mai đau – nuôi dưỡng. Anh lại là người con duy nhất của bà, cha thì đã mất từ lâu.

 Khoảng ba năm sau, một hôm mẹ anh đến phòng mạch của tôi khám bệnh, sức khỏe bà suy sụp nhiều do mắc bệnh Zona (giời leo) kết hợp với rối loạn nhịp tim – biến chứng của bệnh cường giáp trạng. Sau khi lo phần thuốc men, tôi chở bà về nhà, bảo với đứa con trai lớn của anh nhắn cha về gấp vì bà nội bệnh nặng. Hay tin, anh trở về nhà được một ngày thì mẹ anh mất. Ngày tang lễ, thấy anh mặc đồ tang, quỳ khóc trước quan tài mà tôi giận trong lòng, bỏ mẹ già đi biền biệt, không biết đến mẹ cực nhọc, khổ đau ra sao, bây giờ ngồi khóc, ngẫm có ích gì!

Sau lễ tang của mẹ, anh ở lại nhà không đi nữa, bán tất cả cơ ngơi gầy dựng trong Cà Mau được một số tiền, anh mua hai công đất ruộng ở huyện giáp ranh xã nhà để cất nhà và lên mô đất trồng dừa, còn tất cả tài sản của gia đình cũ anh giao hết cho bốn người con vợ trước quản lý. Do mới gầy dựng, cuộc sống gặp nhiều khó khăn, nghề y thì anh đã bỏ từ lâu, chỉ trông cậy vào việc nuôi gà, nuôi cá và tiền trợ cấp thương binh khiến cuộc sống lâm vào cảnh thiếu trước hụt sau. Lúc ấy vợ sau của anh sanh được một người con trai, do sống thiếu thốn, đứa bé bị suy dinh dưỡng, cứ hết nay ốm, mai đau. Còn người chồng trước của chị ta cũng đã cưới vợ khác, nhưng mấy năm cũng chẳng có con, thì ra anh ta“tịt ngòi”mà cứ đổ cho chị ấy.

Thấy hoàn cảnh gia đình khó khăn, vợ của anh lên thành phố HCM làm thuê cho một nhà hàng, sau một năm làm việc do phải tiếp xúc nhiều với nước rửa chén bát cộng với thức khuya, chị mắc bệnh viêm khớp biến chứng vào tim, phải nghỉ việc trở về nhà; bấy giờ tất cả mọi việc đều đổ vào vai anh đến tối tăm mặt mũi. Biết cảnh khó khăn của anh, tôi và các đồng nghiệp cũ thỉnh thoàng ghé thăm, tặng chút ít tiền bạc, bánh trái, sữa cho vợ con anh nhưng chỉ như muối bỏ biển. Đã vậy, chuyện sản xuất của anh gặp toàn những điều không may, nuôi gà thì bị cúm chết hàng bầy, nuôi cá cũng vậy, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường do thuốc trừ sâu rầy, cá chết nổi trắng mặt nước. Cứ mỗi lần gặp, tôi thấy anh già đi nhiều, ánh mắt nặng trĩu ưu tư. Dù khó khăn chồng chất nhưng có một điều đáng nể ở anh là dứt khoát không tơ hào dù một đồng bạc từ sản nghiệp gầy dựng với vợ trước, có lần anh tâm sự với tôi mình thiếu trách nhiệm làm cha, bây giờ còn dự phần trong tài sản đó coi sao được.

… Mưa đã tạnh, tôi chở anh chạy một mạch về tới nhà, bước vào cổng thấy vợ anh chân bước khập khễnh, da mặt vàng võ, tay run run rải thóc cho bầy gà; trong nhà, tiếng con anh ho nghe như xé ruột, anh bảo hôm nay thằng bé đã đỡ nhiều, mấy ngày trước nó ho dữ lắm. Thăm đứa nhỏ một lát, hai anh em ra uống trà dưới tàng cây trứng cá vì trong nhà nóng hầm hập, anh lắc đầu ngán ngẩm: Cái khổ nó cứ đeo theo mình riết nên chán đời chẳng muốn đi đâu, nếu chú không đốc thúc, anh cũng không đi dự buổi tiệc này, thấy người ta thành đạt mà lòng càng thêm tủi. Tôi quyết định nói thẳng với anh: Mỗi người sinh ra đều có hoàn cảnh riêng, không ai giống ai, người vui kẻ khổ, người bình an kẻ lận đận, theo Phật dạy, tất cả đều do nghiệp của người đó tạo tác trong kiếp này và những kiếp trước. Tôi thấy anh khốn khó như bây giờ chắc cũng do nghiệp không tốt mà anh đã tạo trong quá khứ. Vì tôi xem anh như anh ruột nên nói thẳng, xin anh đừng giận, chuyện anh khoái sát sanh, đập đầu chó làm đồ nhậu, chặt mỏ vịt làm tiết canh, bấy nhiêu cũng đủ khiến anh bị quả báo rồi chứ chưa nói đến chuyện bỏ mẹ già, con dại bơ vơ lo để lo hạnh phúc riêng cho mình. Ngoài những điều đó còn bao nhiêu chuyện trong quá khứ đã tạo mà anh biết và những điều đã tạo trong những kiếp trước mà anh không thể biết.Ta cứ nhìn những việc xảy ra trong hiện tại sẽ đoán được những gì đã làm trong quá khứ. Anh trầm ngâm: Chú nói đúng, anh không giận đâu, đôi khi nhớ lại thấy ân hận trong lòng, nhưng mọi việc đã trễ, biết phải làm sao. Tôi lại nói tiếp: Không trễ, nghiệp không tốt đã gây thì phải lãnh quả xấu nhưng anh có thể chuyển được nghiệp xấu bằng việc làm tốt trong hiện tại, việc tạo nghiệp tốt không có cách nào nhanh hơn là thờ Phật và sống theo lời Phật dạy. Anh nên thờ Phật và đọc kinh sách để biết cách sống cho đúng hầu tạo phước mới bù những lỗi lầm cũ.

Anh ấy suy nghĩ một lát rồi nắm tay tôi nói: Anh sẽ thờ Phật, nhưng từ trước tới giờ anh chưa từng đặt chân tới cửa chùa, bước đầu mọi việc xin nhờ chú giúp anh. Tôi rất mừng, nhận lời, xong giã từ anh ra về.

Đến ngày rằm tháng Tư – ngày Phật đản- tôi mang ảnh Phật Thích-ca đã được chú nguyện, ba quyển kinh Phật và một ít trái cây tươi đến nhà anh, hai anh em sau khi an vị ảnh Phật, cùng thắp hương lạy Phật, tôi thầm cầu nguyện mong anh sớm giác ngộ, chú tâm học Phật để chuyển nghiệp xấu.

Loay hoay công chuyện nghề nghiệp và gia đình, thoắt một cái tám tháng đã trôi qua. Vào cuối năm, đứa cháu ở Sài Gòn gởi về cho tôi mười khuôn ảnh Bồ-tát Quán Thế Âm, nhờ tôi tặng cho người nào phát tâm thờ ngài. Nhớ đến anh, tôi liền mang ảnh Bồ-tát đến nhà anh, dọc đường, tôi mua một cặp nước ngọt, trà bánh để sẵn tặng anh ăn Tết. Đến nơi, tôi ngơ ngác nhìn, căn nhà lụp xụp của anh đã biến đâu mất, thay vào đó là một căn nhà tường to lớn, dán gạch men bóng lộn, cửa nhôm sang trọng. Tôi thắc mắc nghĩ thầm, không lẽ ảnh dời nhà rồi. Đang suy nghĩ chợt thấy anh mở cửa bước ra, nói lớn: Đức hả, vô đây, làm gì đứng tần ngần vậy. Tôi chợt tỉnh hồn, nói: Vậy mà tôi tưởng anh dời nhà đi mà không báo cho anh em chứ! Vừa bước vào nhà tôi vừa hỏi: Bộ anh trúng số độc đắc sao mà làm nhà coi đã quá vậy. Anh cười trả lời: Cũng gần như vậy, vô uống nước rồi anh kể cho chú nghe. Sau khi an vị ảnh Bồ-tát Quán Thế Âm, tôi ngồi nghe anh kể chuyện đã xảy ra. Anh nói, sau khi thờ Phật được hơn hai tháng, vợ anh phát bệnh nhiều, phải lên bệnh viện tỉnh nằm điều trị. Người em ruột duy nhất của vợ anh ấy đang làm công nhân ở Sài Gòn, xin nghỉ phép về thăm chị. Trước khi giã từ, người em cho chị mình một triệu đồng và hai tờ vé số kiến thiết trong mười tờ vé số đã mua, không ngờ chiều đó, các tờ vé số đều trúng giải đặc biệt. Từ số tiền có được, anh đã đưa chị lên thành phố trị bệnh, nhờ thuốc hay thầy giỏi chị ấy đã hết bệnh; số tiền còn lại anh xây nhà mới, mua được năm công vườn dừa đang cho trái, còn đứa con trai nhờ thuốc men, ăn uống đầy đủ đã không còn đau ốm liên miên nữa. Anh lại chỉ đất phía trước bên kia lộ bảo rằng mai mốt nơi đó sẽ mở trường học, vợ chồng anh tính sẽ mở quán bán dụng cụ học sinh, cuộc sống sau này chắc không còn vất vả như trước nữa.

Trước khi ra về, tôi trao cho anh quyển Kinh Phổ Môn, dặn anh đọc tụng thường xuyên vì cuộc sống luôn đầy bất trắc, việc đọc tụng kinh này sẽ được Bồ-tát Quán Thế Âm cảm ứng hộ trì. Anh bắt tay tôi cảm ơn, hứa sẽ làm theo những điều tôi căn dặn, anh còn nói mùng một Tết sẽ đến nhà tôi cùng đi chùa lễ Phật.

Về sự chuyển biến tốt đẹp của cuộc đời anh Hai M. sau khi anh ấy thờ Phật, tôi nghĩ rằng ai đó cũng có thể bảo đấy chẳng qua chỉ là điều trùng hợp giữa lòng tin cầu và sự ngẫu nhiên gặp vận may, được trúng số khiến cuộc sống trở nên dễ dàng hơn. Tuy nhiên, nghĩ về điều đó, tôi vẫn cảm nhận một cảm xúc ngọt ngào dâng trào; tôi đã đúng khi dẫn dắt một người từ biển khổ đến với Phật pháp. Chuyện thần kỳ đâu chỉ có ở truyện cổ tích – nó nằm ngay trong cuộc sống đời thường – nếu ta biết bỏ nẻo sai quay về đường chánh. Phật pháp nhiệm mầu luôn mở rộng đón chúng sanh bỏ mê lầm quay về với chánh giác. Thân tâm an lạc sẽ đến với người hết lòng thờ Phật và sống theo lời Phật dạy. ■

HƯƠNG ĐỨC

Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số 178

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin