Chi tiết tin tức

Mẹ tôi cũng bán bắp

11:04:00 - 03/11/2015
(PGNĐ) -  Trên đường từ Trường Đại học Quy Nhơn về phòng trọ, chỗ gần ngã tư có một người phụ nữ lớn tuổi bán bắp luộc hay ngồi ở đấy. Tôi đi bộ đến trường, chiều nào tan học về cũng gặp cô và nghe cô mời chào.

Hình như tôi chưa mua bắp luộc của cô bao giờ, vì nhà tôi ở quê cũng trồng nhiều bắp; vả lại, tôi cũng không thích ăn vặt. Nhưng vì chiều nào tan học về cũng gặp cô và phải nghe tiếng chào hàng, nhiều khi tôi cảm thấy khó chịu.

Chiều nay Quy Nhơn trời dịu nắng, tôi thấy trong lòng thoải mái vô cùng; phần vì gió nồm từ biển thổi vào mát rượi, nhưng chủ yếu là bởi tôi vừa lãnh học bổng của học kỳ vừa rồi. Tôi đang hớn hở trên đường về, dự định tối nay sẽ không nấu cơm mà tự thưởng cho mình một bát phở thật ngon ở một quán ăn nổi tiếng nào đó thì lại gặp cô bán bắp.

– Con mua giùm cô trái bắp.

Tôi đã nghe quá nhiều lần lời này, thành ra dửng dưng.

– Không, con không mua đâu cô.

– Con mua cô một trái cũng được, bắp mới luộc dẻo lắm con.

– Không, cô.

– Con mua cô một trái đi con, chiều nay cô chưa bán được trái nào.

Lần này thì tôi phát bực thật:

– Con đã bảo là không mua, sao cô nói mãi thế. Con sinh viên không có tiền đâu cô.

Rồi tôi bỏ đi, trong lòng thấy rất khó chịu, sao mà có người “chai mặt” như vậy chứ. Nhưng rồi ý nghĩ về bát phở bò thơm phức khiến tôi háo hức. Tôi dễ dàng quên đi lời chào hàng buồn buồn cùng hình ảnh cô bán bắp  ngồi mòn mỏi bên vệ đường và đã có bữa tối hài lòng tại một quán phở Hà Nội mà tôi rất thích.

Tối về phòng, nằm một mình trên chiếc giường nhỏ, tôi mở nhạc nghe và thử tính xem mình sẽ làm gì với số tiền vừa nhận được này. Tôi sẽ đóng tiền trọ sớm hơn, đi mua một chiếc áo mới, mời vài đứa bạn thân một chầu cà-phê,… Đang bận rộn với những dự tính ấy thì nhạc tắt, chuông điện thoại reo, một đoạn nhạc chuông quen thuộc mà tôi cài riêng cho số người thân. À, thì ra mẹ tôi ở quê gọi lên. Mẹ hỏi thăm tình hình ăn ở của tôi trên thành phố. Tôi khoe với mẹ mới nhận học bổng. Mẹ tôi ừ, bảo để dành mà mua thêm đồ ăn. Rồi bà lại thở dài. Mấy bữa này trời mưa dầm, bắp vừa luộc ra đã nguội, người ra đường thì ít nên bán chẳng được mấy, toàn đem về nhà ăn, ăn không hết thì đem cho heo, gà ăn. Năm nay bắp đã lép hạt, lại gặp mưa thế này, bán cả buổi cũng chẳng được mấy. Giọng bà nghe buồn buồn, mẹ bảo tôi ráng chăm học, rồi tắt máy.

Tôi sực nhớ đến cô bán bắp bên đường tôi vẫn gặp thường ngày. Chiều nay tôi đã tỏ thái độ khó chịu và có những lời không phải với cô ấy. Tôi chợt giật mình, biết đâu cô cũng đang nuôi con học đại học, thu nhập mỗi ngày chỉ trông vào mấy chục quả bắp luộc, nếu bán hết thì cũng chỉ được hơn trăm ngàn, thì sao? Sao tôi lại có thể dửng dưng với cô như thế? Biết đâu chiều nay ở quê nhà, trong màn trời mưa lạnh, mẹ tôi co ro một xó chợ, cũng tha thiết mời khách để rồi nhận lại sự thất vọng vì người ta lạnh lùng, có khi còn buông lời ác cảm. Sao tôi không mua giúp cô một quả bắp chỉ đáng giá hai ngàn trong khi tôi vừa nhận học bổng gần ba triệu. Mẹ tôi ở quê cũng là người bán bắp cơ mà. Chợt thấy mình có lỗi… ■„

TƯ HƯƠNG

Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số 187

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin