Chi tiết tin tức Nhàn quá sinh tật xấu 18:23:00 - 25/08/2015
(PGNĐ) - Lười biếng là căn bệnh trầm kha của kẻ ăn không, ngồi rồi, chỉ muốn vui chơi, hưởng thụ cho riêng mình mà thôi. Hạng người này sẽ làm tổn hại kinh tế gia đình và làm thiệt thòi cho xã hội, vì không có tâm tư phục vụ, đóng góp cho ai. Sống an nhàn là thú vui của những kẻ chán ngán cuộc đời, vì thấy xã hội bất công, họ rút vào rừng để tìm sự an vui cho riêng mình.
Cuộc sống an nhàn là điều ai cũng ưa thích và ham muốn. An nhàn trong thời gian ngắn sẽ giúp ta phục hồi sức khỏe sau thời gian làm việc mệt nhọc khi được tịnh dưỡng, nghỉ ngơi. Nhưng nếu để sự an nhàn kéo dài thái quá sẽ làm cho ta cảm thấy nhàm chán, dẫn đến tình trạng “nhàn quá sinh tật xấu”. Một người nọ thường hay làm phước đặng mong cầu được ăn sung, mặc sướng, hưởng một cuộc đời ấm no, đầy đủ. Cả một đời người đó làm phước chỉ để cầu như vậy mà thôi, và cuối cùng nhân quả đã giúp cho anh toại nguyện. Sau khi chết đi anh ta được tái sinh vào một cung điện nguy nga, sang trọng. Một người chờ sẵn và bàn giao cung điện cho anh. Anh ta mừng quá liền nói, “tôi ở trần gian làm việc nhọc nhằn vất vả cả đời chỉ mong sao được sinh chỗ mới khỏi phải làm việc, chỉ ăn no rồi ngủ, ngủ dậy rồi ăn, không phải cử tay, động chân vất vả, đó là ước nguyện của tôi”. Người kia nói, “vậy là đúng theo sở cầu của anh rồi. Nơi đây, chúng tôi có đủ tất cả nhu cầu cần thiết ngài muốn gì cũng có, chỉ cần ngài khởi niệm muốn là có người phục vụ ngay. Nhà ở đây được xây theo kiểu biệt thự hiện đại, tiêu chuẩn 5 sao, giường nằm có hệ thống xoa bóp tự động, mọi tiện nghi đều được hài lòng, vừa ý”. Thời gian đầu mới đến, anh ta ăn rồi ngủ, ngủ dậy rồi ăn, cảm thấy hạnh phúc và sung sướng vô cùng. Nhưng dần dần, anh cảm thấy cô đơn và buồn tủi, vì tối ngày chỉ biết sống hết ăn rồi ngủ chỉ có một mình. Riết rồi anh cảm thấy mệt mỏi chán chường, bởi ăn ngủ hoài nên bụng anh cứ bự ra rồi xệ xuống và đầu óc anh lú lẩn dần dần. Anh muốn tìm một việc làm cho khuây khỏa tâm hồn, nên anh tìm đến người kia yêu cầu. Người đó đáp, “chỗ của tôi chỉ dành riêng cho hạng người thích ăn và ngủ thôi, ngoài ra không thể đáp ứng nhu cầu khác được”. Thời gian kéo dài và anh trở nên vô cùng khốn khổ. Cảm giác tù tùng, bực bội đến nỗi anh không còn chịu đựng được nữa. Vì bực quá nên anh thét lên một tiếng như trời long đất lở, “ tôi thà xuống địa ngục còn sướng hơn ở chỗ này”. Người kia đáp, “bộ anh tưởng nơi đây là thiên đường hay sao? Nơi đây chính là địa ngục trần gian, chỉ dành riêng cho những con người biếng nhác, thích ăn không ngồi rồi”. Lúc này, anh mới ngộ ra rằng, cuộc sống quá an nhàn dễ sinh ra nhàm chán, chỉ khiến mình càng khốn khổ, bức bách bởi bức tường vô minh mê muội, u ám che lấp. Tuy nó không phải nơi chứa đầy chông gai, núi đao, rừng kiếm hoặc chảo dầu sôi, nhưng nó làm cho tinh thần con người trở nên lú lẩn, mê muội theo thời gian và si dại vì thói quen ham ăn, mê ngủ. Liên hệ đến cuộc sống thực tế, có một sinh vật cũng được con người nuôi dưỡng rất tử tế, đàng hoàng, chỉ lo ăn rồi ngủ mà thôi. Suốt ngày, chúng chỉ nằm một chỗ, trong cái lồng sắt vừa đủ nhúc nhích, cục qua cựa lại. Nhân vật đó chính là họ heo nhà ta. So với thời xưa, loài heo nếu nuôi nhanh lắm cũng phải 6 tháng, nhưng heo vẫn được đi lại thoải mái trong chuồng lớn, vẫn được đùa giỡn, vui chơi, ăn uống, giành giựt lẫn nhau. Chú nào hám ăn táp nghe phầm phập, mau mập, mau lớn thì mau nhanh được đưa vào lò mổ. Chú nào chậm chạp kém ăn, hay bệnh thì lại càng sớm đi hơn, vì để lâu chủ sợ bị lỗ. Ngày nay, công nghệ nuôi heo hiện đại hơn, nên thời gian rút ngắn chỉ khoảng chừng 3 tháng. Nhưng heo ta chỉ được nằm một chỗ, hết ăn rồi ngủ, ngủ rồi lại ăn, và sau 3 tháng lại bị đưa vào lò mổ thịt. Heo ta quả thật sung sướng làm sao, được ăn một thứ thức ăn siêu nạc, được con người chăm sóc tắm rữa kỹ càng, sạch sẽ ngày ba bữa, nên heo mau mập, lớn nhanh. Nhưng lớn nhanh, mập mạp để làm gì, cuối cùng chúng được đưa vô lò mổ, làm thức ăn phục vụ cho con người. Tham ăn ngon và thích ngủ nhiều là một thói quen của người mê muội, một trong năm món dục lạc đức Phật thường xuyên khuyên nhủ hàng đệ tử chúng ta. Ăn quá nhiều, ăn trong vội vã, ăn đêm, ăn với sự thèm khát là những nguyên nhân gây nên bệnh béo phì, nhất là các chị em, phụ nữ trong thời hiện đại. Ai thích ăn ngon, ngủ nhiều thì chắc chắn trong tương lai sẽ được hài lòng vừa ý với kiếp sống mới đầyđủ sự an nhàn là làm loài heo công nghiệp. Lười biếng là căn bệnh trầm kha của kẻ ăn không, ngồi rồi, chỉ muốn vui chơi, hưởng thụ cho riêng mình mà thôi. Hạng người này sẽ làm tổn hại kinh tế gia đình và làm thiệt thòi cho xã hội, vì không có tâm tư phục vụ, đóng góp cho ai. Sống an nhàn là thú vui của những kẻ chán ngán cuộc đời, vì thấy xã hội bất công, họ rút vào rừng để tìm sự an vui cho riêng mình. Bởi vì sao? Vì chính nơi phồn hoa, phố thị, cấp trên chỉ một bề nghe theo sự tâu dối của bọn gian thần, nhiễu loạn dân chúng, làm mọi người lầm than cơ cực. Chốn quan trường là nơi tranh đua giành giựt, thuận theo thì tham quan hữu hóa, lợi dụng quyền hạn để cùng nhau thao túng lấy bớt của dân. Người có chút nhân cách sống cảm thấy hổ thẹn, buồn tủi nên rút lui để khỏi làm ô uế tâm sáng suốt, thanh tịnh, mà chấp nhận sống đời đạm bạc giản đơn. Cho nên, dân gian có câu: Khôn cũng chết, dại cũng chết, chỉ có biết khôn khéo từ chối, rút lui, mới có thể không rơi vào hố sâu tội lỗi. Ta thà sống đơn giản, đạm bạc mà vui cùng chân lý, chứ không vì cửa rộng, nhà cao, tiền bạc dồi dào mà làm mất hết phẩm chất nhân cách đạo đức của mình. Nhưng có mấy ai thấu suốt điều này mà vượt khỏi dòng đời nghiệt ngã. Chúng sinh vì tham đắm, mê muội, lầm chấp thân này là thật ta và của ta, mà tìm cách chiếm đoạt, bóc lột tha nhân dưới mọi hình thức. Ngày xưa, một chú ngựa con hằng ngày theo mẹ cùng chuyên chở đồ vật qua lại cho loài người. Chúng làm việc vất vả mà thức ăn chính chỉ toàn là cỏ khô, cỏ dại. Một hôm, chú ngựa con vô tình nghe được một mùi thức ăn thơm ngon hấp dẫn. Mùi thơm đó khiến chú thèm thuồng, khao khát mà lần theo mùi vị thì đến một trang trại nuôi heo. Tại đây, bọn heo được loài người cho ăn một thứ lúa mạch rang bơ thơm ngon đáo để. Cả bầy heo ăn rất ngon lành, táp nghe phầm phập, thoáng một chốc là hết thức ăn trong máng. Tiếp đến, chúng nằm phè ra, đánh một giấc ngon lành say sưa, trong có vẻ nhàn hạ. Ngựa con mủi lòng khóc ra nước mắt mà tiếc cho kiếp ngựa sao khó khăn, khốn khổ đến thế này. Cả một đời, tối ngày chỉ biết kéo xe chở người khắp nơi, mà thức ăn chỉ toàn là cỏ khô, cỏ úa. Nó vội vàng chạy về, tìm hỏi ngựa mẹ nguyên do vì sao lại có sự bất công đến như vậy. Ngựa mẹ nói, “con cứ yên tâm, một thời gian sau con sẽ hiểu thôi. Tuy loài ngựa chúng ta có vất vả, nhọc nhằn một chút, nhưng mà ta vẫn giúp được loài người thuận tiện đi lại dễ dàng, nhanh chóng, lại giúp loài người vận chuyển hàng hóa phục vụ tiêu dùng. Con có thể thấy loài ngựa dường như quá thiệt thòi hơn loài heo kia, và thức ăn của ta tuy đơn sơ, đạm bạc, nhưng tinh khiết, trong sạch. Do đó, ta có sức khỏe để đóng góp và phục vụ lợi ích cho loài người”. Chú ngựa con tuy nghe mẹ nói như vậy, nhưng trong lòng vẫn còn ấm ức, nên sinh ra phiền muộn, khổ đau vì tâm so đo, tính toán. Rồi một hôm, chú nghe tiếng heo kêu la thảm thiết, giọng điệu như van xin, cầu cứu, thất thanh gần như tuyệt vọng. Để thỏa mãn tính tò mò, ngựa con liền chạy một mạch tới xem. Một cảnh tượng quá hãi hùng đang phơi bày trước mắt. Loài người trói gô các con heo lại, nấu nồi nước sôi to đùng, rồi sau đó chế thẳng vào mình con heo từ đầu cho đến đuôi. Người thì cạo lông, kẻ thì mổ bụng. Trong chớp nhoáng, con heo bị chặt ra làm nhiều mảnh và được đưa dần lên xe chở đi. Giờ đây, chú ngựa con mới biết được nguyên nhân rõ ràng, và thở phào nhẹ nhõm, an tâm vui vẻ chấp nhận công việc hằng ngày của mình. Sở thích tham muốn, hưởng thụ nhiều là tâm tư của những người thiếu hiểu biết vì ngu si mê muội. Họ chẳng bao giờ tin sâu nhân quả, vì nghĩ rằng chết là hết, nên hiện đời lao vào các cuộc vui chơi thấp hèn, làm mất đi phẩm chất đạo đức. Kẻ si mê ham vui trong chốc lát mà chịu khổ đau ngàn đời, đó là thói quen thâm căn cố đế của kẻ lười biếng ăn không ngồi rồi. Họ có thói quen tham hưởng thụ quá đáng, nên không bao giờ có được một tương lai tốt đẹp. Những kẻ lười biếng muốn làm ít nhưng lại tham hưởng nhiều, thích dựa dẫm, và mong cầu sự giúp đỡ của người khác, nên thường sống ỷ lại vào gia đình, người thân. Họ hay cầu sự may mắn từ bên ngoài, vì tâm biếng nhác không nỗ lực hoàn thiện chính mình. Hạng người này hay lánh nặng, tìm nhẹ, vì mang cục nhớt trên lưng quá lớn. Họ không dám thức khuya, dậy sớm, hay chịu khó dầm mưa, dãi nắng để lao động góp phúc lợi cho cuộc đời. Những kẻ này thường lại hay nói khoát lác, nói chuyện trên trời mà việc dưới đất cũng chẳng làm được, sống như vậy chẳng khác nào mang thân người nhưng còn thua cả loài súc sinh, ngu độn. Việc được sẻ chia, nâng đỡ đôi khi cũng cần thiết, nhưng ta không nên ỷ lại, dựa mãi vào đó, mà đánh mất đi khả năng làm việc luôn tiềm ẩn nơi mình. Một người thiếu thốn khó khăn muốn vươn lên vượt qua hiểm nghèo, thì luôn cần một cần câu để câu những con cá. Ta không thể trông chờ vào sự giúp đỡ của người khác mãi, mà cần phải nỗ lực siêng năng, tinh cần chịu khó, chịu khổ mới có khả năng thay đổi cuộc đời. Sự chăm chỉ, cần cù siêng năng không sớm thì chày sẽ dẫn đến thành công ở một ngày không xa. Người có thói quen thích ăn không ngồi rồi, suốt ngày cứ vùi mình trong giấc ngủ thì tâm trí lúc nào cũng mờ mờ, mit mịt, trở nên lú lẫn, chán ngán cuộc đời, vì sự buông lung vô độ, để thời gian trôi qua vô ích. Siêng năng làm việc để phục vụ vì lợi ích tha nhân là công hạnh của các vị Bồ tát, nhất là Bồ tát Quán Thế Âm với chí nguyện độ sanh không mệt mỏi, không biết nhàm chán luôn sống vì người và làm lợi ích cho tất cả chúng sinh. Bồ tát đi vào đời với 32 ứng thân, hòa nhập vào cộng đồng, xã hội, làm việc nghĩa, việc ích dưới mọi hình thức. Bồ tát sẵn sàng chịu khổ thay cho tất cả chúng sinh không một lời than oán, như mẹ hiền thương con chỉ một lòng lo lắng, đáp ứng mọi nhu cầu cần thiết. Kẻ lười biếng vì đam mê hưởng thụ mà đánh mất dần nhân cách, phẩm chất con người, dễ dính vào vòng tệ nạn xã hội. Nếu có nhiều phước báu thì cũng đọa vào loài heo để sống kiếp súc sinh chịu ngu si, mê muội. Người trí, kẻ ngu khác nhau ở chỗ là biết nhận thức sáng suốt ngay nơi tâm niệm sống an vui, hạnh phúc hay chịu sa đọa, khổ đau. Ai làm người cũng hãy nên một lần chính chắn suy nghĩ, làm việc giúp ta cân bằng sự sống, thoải mái tâm hồn mà cùng nhau góp phần an sinh xã hội cho được vuông tròn, tốt đẹp.
Thích Đạt Ma Phổ Giác
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |