Chi tiết tin tức

Suy ngẫm về giá trị đích thực của chính mình

07:19:00 - 22/04/2015
(PGNĐ) -  Từ hình thức bên ngoài cho đến tiền bạc, bằng cấp, nghề nghiệp, quyền lực, tôi chỉ là con số 0 to tướng. Những ai quen biết tôi sẽ phải thở dài mà công nhận: quả đúng như vậy, không phải do tôi khiêm tốn gì đâu.Vậy nên, nếu đứng ở góc độ giá trị ảo mà quy chiếu thì tôi thảm hại đến mức chẳng dám ngẩng mặt nhìn ai. Còn nếu thay đổi góc nhìn từ giá trị thực mà xem xét thì sao? Một trí tuệ bình thường, một tâm hồn yếu đuối, một thái độ sống chán nản, bất mãn, thử hỏi giá trị thực của tôi có nặng được ký lô nào so với giá trị ảo.

Tôi có thể đổ lỗi cho thủ phạm của tất cả những điều ấy là do bệnh tật. Nó đã cướp đi gần như toàn bộ tương lai và niềm vui sống của tôi, khiến tôi trở thành kẻ ăn bám gia đình, người thừa của xã hội, gánh nặng của cộng đồng, mọi người phải ra sức cưu mang, giúp đỡ.

Không những chẳng làm được gì cho ai mà ngay chính bản thân mình, tôi còn dày vò, hành hạ nó. Đã có lúc không làm chủ được cảm xúc, tôi rơi vào khủng hoảng trầm trọng: khóc lóc, gào thét, muốn đập phá các thứ, nghĩ đủ mọi cách để chết đi được dễ dàng. Bi kịch của tôi là ở chỗ: khát khao khẳng định giá trị bản thân, trong khi thực tế sự tồn tại của mình hoàn toàn vô nghĩa, thừa thãi, trống rỗng; bất lực giữa ước muốn và hoàn cảnh.

Có ai đã từng rơi vào trạng thái khắc khoải, vật vã đi tìm ý nghĩa bản thân như tôi chưa? Một mặt ra sức phủ nhận giá trị của mình, mặt khác lại thiết tha mong mỏi có cơ hội tìm thấy nó. Những cuộc đấu tranh nội tâm, những lý lẽ giằng xé luôn diễn ra.

Thử hình dung nếu tôi không còn trên cõi đời này nữa, ai sẽ là người đau khổ, thiệt thòi nhất? Ồ, có chứ, mẹ tôi, con tôi và có thể cả chồng tôi nữa. Thử hình dung nếu tôi không có mặt ở ngôi nhà này thì sao, mọi việc có thay đổi gì không? Ồ, có chứ, chẳng đến mức đảo lộn tùng phèo nhưng chắc chắn sẽ xáo trộn ít nhiều, giống như cỗ máy đang vận hành trơn tru bỗng bị tuột một chiếc đinh ốc vậy.

Đơn giản hơn nữa thử hình dung tôi bị ốm vài ngày không làm được việc gì cả thì sao? Ai nấu cơm, ai rửa bát, ai giặt quần áo, ai lau chùi quét dọn nhà cửa, ai dạy con học, ai… làm đủ thứ việc linh tinh khác? Lại còn giấy bút, sách vở cũng buồn vì không có dấu tay tôi nữa chứ.

Đấy, rõ ràng tôi cũng có chút giá trị nào đó. Chỉ là giá trị ấy mờ nhạt quá, bình thường quá đến mức hiển nhiên, không ai nhận ra nó. Mọi người và chính bản thân tôi đã vô tình “giẫm đạp” lên nó, “chôn vùi”nó dưới ba lớp đất sâu.

Chúng ta thường có thiên hướng nghĩ về những điều lớn lao, còn những việc nhỏ bé lại dễ dàng bỏ qua, theo kiểu: “Ôi dào, việc ấy ai chẳng làm được, giá trị với không giá trị cái nỗi gì.” Nhưng sự thực là một bữa cơm ngon, một căn phòng sạch, một cái tủ quần áo ngăn nắp, một cái giường ấm áp cũng phải có bàn tay ai đó chứ. Không thế, sao người ta luôn muốn trở về nhà sau mỗi ngày làm việc! Không thế, sao người ta luôn khao khát một mái ấm gia đình! Không thế, sao người ta vẫn thường nhắc nhau hãy bằng lòng với những gì mình đang có!

Phải rồi, vấn đề đối với những người không nhận biết được giá trị của mình như tôi là chúng ta cần một “cú hích”. Cú hích ấy đơn giản lắm! Có thể chỉ là lời ngợi khen chân thành, đúng mức từ một ai đó, một người nào đó ít nhiều hiểu về bạn, “gạn đục khơi trong” được chút ưu điểm của bạn. Thậm chí cả lời khen vu vơ, không chủ ý của một người xa lạ cũng có tác dụng không kém. Thật đấy!

Không biết mọi người sao chứ, riêng tôi rất thích được khen ngợi. Mỗi lần nghe người khác khen mình là lâng lâng sung sướng, mỉm cười vui vẻ, thấy cuộc đời đẹp hẳn lên, bản thân được tiếp thêm bao nhiêu sức lực để tiếp tục phấn đấu cho xứng với lời khen ấy. Tuy giá trị đích thực của mình không phụ thuộc vào lời khen chê của người ngoài nhưng không thể phủ nhận ý nghĩa to lớn của những lời khen. Trừ sự giả dối và khách sáo ra, lời khen thường màu nhiệm hơn lời chê

. Mỗi lời khen như chắp thêm đôi cách cho tâm hồn vốn đang bị đè nén của tôi. Càng góp nhặt được nhiều lời khen, tôi càng đẩy lùi được sự tự ti ra xa, giá trị đích thực của tôi càng có cơ hội vén lớp sương mờ để ló rạng. Ngay lúc này đây, tôi có một ý định hơi buồn cười là tập hợp tất cả những lời khen mà tôi có được vào một tờ giấy dán lên tường, để nó luôn đập vào mắt tôi, thúc giục tôi hãy cố gắng, kiên trì xác lập giá trị đích thực của bản thân.

“Cú hích” ấy còn có thể là khi tôi phát hiện được niềm đam mê của mình. Lúc đầu đam mê ấy chưa định hình ngay nhưng nó đã lớn dần lên cùng năm tháng. Để tôi kể bạn nghe. Ngày xưa, có nằm mơ tôi cũng chẳng dám nghĩ có một ngày mình lại mê viết như bây giờ. Mang tiếng là học chuyên văn suốt thời đi học nhưng tôi lại rất sợ viết văn. Mỗi lần phải viết văn theo yêu cầu của đề bài là tôi cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi, ép buộc, cố làm cho xong để kiếm điểm thôi, chứ tuyệt nhiên  không hứng thú gì. Bây giờ có lẽ do đọc nhiều, thời gian nhiều, bầu tâm sự nhiều không biết trút cùng ai nên mới tìm đến viết lách như một cứu cánh…

Cú hích ấy cũng có thể là khi tôi bất ngờ tìm ra điểm mạnh của mình. Bạn có biết điểm mạnh của những người khiếm thính  như tôi không? Đó chính là sự yên lặng tuyệt đối. Ngay giữa đám đông ồn ào, ngay khi mọi người đang cười nói ở xung quanh, ngay trên đường phố náo nhiệt, tôi vẫn có thể miên man theo dòng suy nghĩ của mình mà không sợ ai, không sợ bất cứ điều gì làm cắt đứt mạch liên tưởng đó. Điều ấy vô cùng thuận lợi cho sự tập trung cao độ , cho những cuộc đối thoại với từng trang viết.

Hiện giờ, mỗi ngày của tôi trong mắt người khác tuy vẫn nhàm chán, vô vị nhưng trong sự cảm nhận của chính tôi đã thay đổi. Ngoài những công việc cố định hàng ngày, tôi thường xếp kín lịch cho mình, thậm chí còn luôn cảm thấy thiếu thời gian. Tôi đọc, tôi viết, tôi học bất cứ thứ gì mà tôi muốn biết, chưa tìm hiểu xong điều này tôi đã nghĩ ngay đến điều khác rồi. Tâm hồn và trí tuệ tôi dần được mở rộng phong phú, vượt ra khỏi bốn bức tường tôi đang sống. Chỉ tiếc là sức khỏe không cho phép bản thân học nhiều hơn nữa.

Lúc này đây, tôi mới hiểu mình may mắn hơn nhiều người khi không phải lo nghĩ đến chuyện cơm ăn, áo mặc, đến những bon chen, vật vã ngoài xã hội. lúc này đây, tôi mới thấy cái sung sướng của một người mưa chẳng đến mặt, nắng chẳng đến đầu, những bực mình nho nhỏ trong nhà so làm sao được với những bực dọc mà cuộc sống khắc nghiệt ngoài kia đưa lại…

Bạn thấy không, một người luôn mặc cảm, tự ti vì sự tồn tại vô nghĩa của mình, cuối cùng còn tìm được giá trị đích thực của mình huống chi là bạn?

Phương Liên ( THĐP )

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin