Chi tiết tin tức

Lương tâm giáo dục

15:45:00 - 20/11/2014
(PGNĐ) -  Đức Phật sau khi thành đạo, trải qua một thời gian quán tưởng dưới gốc cội bồ đề, thấy căn tính chúng sinh cao thấp bất đồng và chưa thể tiếp nhận giáo lý thậm thâm vi diệu mà Ngài chứng ngộ, nhưng với lòng đại bi của một bậc đạo sư, Ngài quyết định chuyển bánh xe Pháp để truyền trao giáo lý.
1. Có người nọ từ nhỏ đã có ước muốn sau này sẽ trở thành một nhà giáo dục. Hai mươi tuổi, anh bắt đầu sự nghiệp của mình bằng công việc giảng dạy lớp Một ở một trường tiểu học. Mười năm sau, người thầy giáo đó trở thành  tiến sĩ giáo dục đầu ngành và một số năm sau nữa ông được phong giáo sư.

Nhiều trường đại học danh tiếng mời ông về giảng dạy nhưng ông vẫn một mực từ chối. Ông rất yêu trẻ con và không ngừng tin rằng, nền tảng của giáo dục phải được chú trọng từ những bước đi đầu tiên của con người cùng với sự hình thành ý thức.

Sự thành công vượt bậc của ông không dừng lại ở tài năng, tâm huyết mà còn là những chiến lược giáo dục đầy ắp tính nhân văn. Năm năm mươi tuổi, vị giáo sư vẫn ngày ngày đến trường tiểu học dạy cho những đứa trẻ cao chưa quá chân ông đọc a, b, c, d… với một niềm vui rạng ngời và đầy ắp hồn nhiên.
 
2. Theo lệ thường, những năm gần đây sau mỗi kỳ tuyển sinh đại học ở nước ta là mùa của những đợt xét tuyển. Sĩ tử đi thi không còn lo thi hỏng, thi rớt như trước đây nữa. Thôi thì hết nguyện vọng một đến nguyện vọng hai, hết hai tới ba; hết đại học xuống cao đẳng, hết cao đẳng xuống trung cấp, hết trường này lọt qua trường khác. Nói tóm lại là cánh cửa các trường đại học, cao đẳng… luôn luôn rộng mở và có xu hướng ngày càng rộng mở.
 
Tại một trường X nọ cũng tuân thủ nguyên tắc “lọt sàng xuống nia” tuyển sinh một năm có vài ngàn sinh viên hệ trung cấp; trong đó chủ yếu là sinh viên các ngành sư phạm. Con số trên ngàn sinh viên này mỗi năm sẽ là nguồn lực thay thế cho các thế hệ thầy cô đến tuổi về hưu, mất sức lao động hoặc chuyển công tác… ở các trường tiểu học trong khu vực và thậm chí trên toàn quốc. Gọi là tuyển nhưng thực tế trường X cũng chỉ làm thủ tục nhận hồ sơ và cho các em vào học (vì nếu không các trường khác cũng sẽ tuyển mất) bất luận trình độ, chất lượng thí sinh như thế nào. Và chưa bao giờ, người ta cảm nhận được rõ khái niệm kinh tế tri thức được hiện thực hóa một cách cụ thể như vậy.
 
Có hai nghề từng được xem là cao quý hơn cả trong xã hội đều có liên quan đến chữ thầy, đó chính là làm thầy thuốc và làm thầy giáo. Trường đào tạo y khoa nào chắc chắn cũng đều dạy cho sinh viên của họ lời thề cao quý của người thầy thuốc. Bác sĩ khi cầm con dao mổ trên tay là trí óc hiện ra lời thề  Hypocrat mà cẩn trọng hơn, đường dao mũi chỉ khéo léo hơn vì dưới tay họ là một sinh mạng.
 
Người thầy giáo khi được đào tạo trong nhà trường không phải thề và cũng không bắt buộc học một lời thề sinh mạng nào cả. Nhưng khi người thầy tay cầm viên phấn (bây giờ thầy cũng không cần cầm phấn nữa), bước lên bục giảng thì đối diện với họ không còn là sinh mạng xương thịt riêng lẻ mà là cả những sinh mạng tâm hồn. Và rồi hết lớp người này đến lớp người khác, thế hệ này nối tiếp thế hệ khác.

Vận mệnh quốc gia, vận mệnh dân tộc được trao vào tay họ. Để cứu một mệnh người, lương y Lê Hữu Trác – “ông già lười” sống ở thế kỷ XVIII từng nổi danh với lời huấn thị mà bất kỳ người hành nghề y nào cũng không thể bỏ qua là: “Nghĩ thật sâu xa, tôi hiểu rằng thầy thuốc là người bảo vệ sinh mạng con người, sống chết trong tay mình nắm, họa phúc trong tay mình giữ. Thế thì đâu có thể kiến thức không đầy đủ, đức hạnh không trọn vẹn, tâm hồn không rộng lớn, hành động không thận trọng mà làm liều lĩnh học đòi cái nghề cao quý đó chăng!”(1).
 
Quay trở lại với câu chuyện vị giáo sư nổi danh cả một cuộc đời tận tụy với việc dạy những con chữ đầu tiên khi trẻ vừa rời tay mẹ. Với ông, hình ảnh “Ngày đầu tiên đi học/ Mẹ dắt tay tới trường/ Em vừa đi vừa khóc…” của đứa trẻ “vào lớp Một” có một ý nghĩa thật đặc biệt với người thầy giáo. Đó là trọng trách của một con người đại diện cho cả xã hội tiếp nhận và bắt đầu giáo dục cho sự trưởng thành của một tâm hồn, một trí tuệ, một nhân cách tiếp nối. Nhà trường giờ đây giống như một chủ thể bắc cầu: đón nhận một hài nhi từ phía gia đình để rồi trao trả cho cộng đồng, cho xã hội với đầy đủ trách nhiệm một con người, một sản phẩm hoàn hảo. Và cánh tay đưa ra từ phía nào cũng đòi hỏi một lương tâm – lương tâm giáo dục.
 
Không biết bạn có đang thắc mắc vị giáo sư đó là ai? ở đâu? Ông ta hiện làm gì…? Xin thưa, đó là những nghi vấn mà bản thân người viết cũng từng quan tâm nhưng mỗi lần nhớ đến câu chuyện này, trong lòng còn có chút ngậm ngùi. Tôi còn có một hàng xóm tương đối thân tình, thường cùng đàm đạo buổi trà dư tửu hậu chuyện nhân sinh cũng khá tương đắc. Bỗng một hôm ông đột ngột hỏi tôi (đang giảng dạy ở một trường nọ) đã có bằng thạc sĩ chưa, tôi hỏi lại để làm gi. Ông bảo thấy ai cũng học thạc sĩ để tăng lương, để nâng ngạch, để vinh danh với thiên hạ…, nếu học hành chẳng ra gì thì thi vào thạc sĩ quản lý quản trò chi đó nghe nói dễ như không. Câu chuyện vào hồi bỏ ngỏ vì thực tế mặt trái của vấn nạn bằng cấp còn đau xót hơn nhiều.
 
Câu chuyện giáo dục là một câu chuyện quá dài. Bên nỗi ngậm ngùi chất lượng về người giảng dạy, học trò, chương trình, nội dung… chắc chắn nhiều thành viên xã hội cũng canh cánh nỗi lo cho tương lai. Không, phải nói đó là một nỗi sợ thật sự không mơ hồ chút nào khi biết chúng ta đang đào tạo một lượng đông đảo sinh viên yếu kém đang theo học ngành sư phạm. Giảng dạy một vài lớp trong hơn ngàn sinh viên trường X nọ, nhiều giáo viên chắc chắn sẽ bị sốc khi nghĩ đến chính con cháu mình phải “vào lớp Một” với rất nhiều “thầy, cô” mà hôm nay họ không biết gì về lịch sử, địa lý, toán học… Và thậm chí đến cả chính tả tiếng Việt các em cũng không có cách nào đảm đương nổi. Lỗ hổng tri thức này chắc chắn không thể được bù đắp (dù là rất nhỏ) chỉ với vài ba năm ở trường đại học, cao đẳng. Chưa kể đến các nhà giáo tương lai này còn vô vàn những khiếm khuyết khác và rất khó có cơ hội trở thành một bậc thiện tri thức như vị giáo sư đáng kính nọ. Chỉ có một điều chắc chắn rằng, nhất định rồi sẽ có một ngày nọ họ sẽ bước lên bục giảng bất luận hậu họa.
 
3. Đức Phật sau khi thành đạo, trải qua một thời gian quán tưởng dưới gốc cội bồ đề, thấy căn tính chúng sinh cao thấp bất đồng và chưa thể tiếp nhận giáo lý thậm thâm vi diệu mà Ngài chứng ngộ, nhưng với lòng đại bi của một bậc đạo sư, Ngài quyết định chuyển bánh xe Pháp để truyền trao giáo lý. Sơ tổ Thiền Trung Hoa Bồ – đề Đạt – ma khi mới tới đất nước này phải trải qua “cửu niên diện bích” mới tìm ra học trò đầu tiên trao truyền tâm ấn là Huệ Khả. Trải qua hàng ngàn năm, đạo Phật vẫn tồn tại và ngày càng phát triển. Thiền tông vẫn được xem là một giá trị vượt bậc huy hoàng trong nhiều thời đại. Đó chính là sức mạnh, là thành quả của một nền tảng giáo dục hữu tâm: niềm vui của người thầy không chỉ ở chỗ họ biết cái gì mà là họ đem lại cái gì.
 
Chúng ta đang biết hôm nay còn quá ít mà cái chúng ta đem lại, hình như, còn chứa đựng một cái gì vô tâm.

Nguyễn Thị Thanh Thảo
Nguồn: Tạp chí Văn hóa Phật giáo số 69 năm 2008
----------------------------------------------------------------
Chú thích:
1.Trích Hải Thượng vi tông tâm lĩnh – Lê Hữu Trác

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin