Chi tiết tin tức Chuyển Hóa Tính Khí nóng Nảy 07:45:00 - 08/02/2015
(PGNĐ) - Theo từ điển Tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ học Việt Nam): Tính khí là chỉ tính tình và khí chất của con người, chẳng hạn như tính khí nóng nảy, tính khí thất thường, không ổn định…Những người có tính khí nóng nảy thì được ví là “Dữ như cọp”.
Người xưa có câu: “No mất ngon, giận mất khôn”, cho nên ai cũng hiểu rằng; tính tình nóng nảy là một hạn chế, một khiếm khuyết, yếu kém của con người cần sớm khắc phục, nhất là đối với những người đang ở cương vị lãnh đạo, đang làm “sếp” của thiên hạ.
Hình minh họa
Theo các nhà nghiên cứu Tâm lí-Giáo dục học: khi xã hội càng phát triển thì hiện tượng “stress” càng gia tăng. Căng thẳng do áp lực từ công việc, do đầu óc bị chi phối, phân tán bởi nhiều điều phải suy nghĩ, do bị cú sốc nào đó và còn muôn vàn lí do khác nữa. Tuy nhiên, để góp phần giải quyết “stress” là sự xuất hiện đồng thời các biện pháp, giải pháp chữa trị. Đó là các loại thần dược, thảo dược nào là Đông y, Tây y, các biện pháp luyện tập thể dục-thể thao để giảm “stress” trong cơ thể.
Suy cho cùng, bản tính nóng nảy (nóng trong người) xem ra rất khó khắc phục trong một sớm một chiều, mà đòi hỏi phải có sự kiên trì luyện tập, bền gan vững chí, quyết tâm thay đổi tính nết, và đặc biệt là phải “uống thuốc đúng liều” trong một thời gian dài, thậm chí là suốt cả cuộc đời.
Trong quan hệ ngoại giao hay ứng xử với người khác, nhất là đối với cấp trên nếu chúng ta tỏ ra tức giận hay nóng nảy một chút là hỏng việc ngay, thế nên phải kiên trì tu hạnh nhẫn nhục để đạt sự an vui cho cả đôi bề: “Người kia nóng giận nói ồn ào/Chẳng lẽ ta đây cũng thế sao/Họ đã cộc cằn thêm ta nữa/Thành ra ta-họ giống như nhau”. Trong công việc, tính khí nóng nảy thường phải chuốt lấy thất bại, nào là không được hài lòng lãnh đạo, không được cân nhắc ở vị trí cao hơn (mặc dù có thực lực), thậm chí còn có nguy cơ mất việc, bị sa thãi thế là bao công sức bồi đắp, xây dựng bấy lâu nay đã tan thành mây khói chỉ trong một phút nóng nảy, cãi cự mà thôi. Đúng là “kiếm củi ba năm, thiêu củi một giờ”.
Tôi có đồng nghiệp công tác gần 20 năm, tính tình bộc trực tâm sự: Vẫn biết là “mật ngọt chết ruồi” nhưng không hiểu sao tôi “ngọt” không được chứ, không biết tâng bốc lãnh đạo đúng cách, đúng chỗ nên mãi mãi tôi vẫn là hạ cấp hạng bét, năm nào cũng đứng cuối sổ về danh hiệu thi đua. Tôi ngắt lời: “nóng trong người là do uống rượu bia nhiều đấy!”. Anh ta cật lực phản đối: Uống ít thì không tài nào ngoại giao được, bị người ta cho là không nhiệt tình, là thiếu thiện chí, từ đó mà công việc không được giải quyết một cách trôi chảy, êm ru như mình mong muốn.
Lâu nay, vấn đề ngoại giao công sở nó không còn diễn ra ở công sở nữa mà diễn ra ở các quán nhậu, các nhà hàng, khách sạn…Người ta cho rằng, đó là địa chỉ lí tưởng để góp phần thúc đẩy các cuộc ngoại giao song phương hoặc đa phương “thành công tốt đẹp”. Trong quá trình ngoại giao ấy, nếu tính khí nóng nảy sẽ dẫn đến “Thôi rồi chú ơi!”.
Trở lại vấn đề “Tính khí”, phải chăng những người tính khí nóng nảy là những người thật thà (vì họ phản ánh đúng sự thật, đúng bản chất vấn đề) mà người thiệt thà thì thường bị thiệt thòi nhiều mặt về quyền lợi, thiệt thòi ắt sẽ thiếu thốn (?). Cổ nhân có câu: “Hổ báo bất tương thực-Ai tai nhân thực nhân”. Nghĩa là: Hổ báo không ăn thịt lẫn nhau – Đáng thương thay người lại ăn thịt người. Thế nên, những người có tính khí nóng nảy phải biết tự kiềm chế bản thân trong mọi hoàn cảnh, mọi tình huống, đừng để mang biệt danh: “Dữ như cọp”, hoặc là “Đại sư cộc” đi đâu cũng bị người ta né tránh, từ đó mà ít bạn, cuộc sống trở nên cô đơn, buồn tẻ. Tuy nhiên, cọp cũng có nhiều loại: Cọp hoang dã đang sống trong rừng rậm quen với cuộc sống của tổ tiên nó thời nguyên thủy, và cọp đã thuần dưỡng đã thích nghi với cuộc sống hiện đại, với xã hội đầy biến động và không ngừng phát triển. Vấn đề là làm sao cho “tính khí” trong mỗi con người chúng ta biết điều tiết hợp lí, bằng cách hạn chế phần “cọp hoang dã” và tích cực phát huy phần “cọp đã thuần dưỡng” để cuộc sống càng thêm tiếng cười và niềm vui càng…bất tận.
Vẫn biết, “Giang sơn di cải-Bản tính nan di” (Sông núi dễ đổi-bản tính khó thay), nhưng với ý chí và nghị lực phi thường của người Việt Nam, nhất định phần “tính khí” nóng nảy trong mỗi chúng ta sẽ được hạn chế, tính tình đằm thắm, nhẹ nhàng sẽ được phát huy để sớm hòa nhập vào môi trường sống của xã hội./.
Tác giả: Võ Văn Dần Trường THCS Phú Mậu, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |