Chi tiết tin tức Lắng nghe mình, lắng nghe người... 06:56:00 - 28/10/2015
(PGNĐ) - Trong đạo Phật, thực tập lắng nghe là một sự thực tập quan trọng, là sự thực tập thương yêu dựa trên sự hiểu biết sâu sắc bản thân mình, người khác và muôn loại. Hiểu để thương và hiểu thì mới thương đúng, đem lại hạnh phúc, bình an; muốn hiểu phải lắng nghe sâu...
Lắng nghe chính mình Để có thể lắng nghe được mình thì phải dừng lại. Nhà thiền gọi là “chỉ”, tức dừng lại. Dừng lại không phải chỉ là ngồi một chỗ, nhưng phải bắt đầu bằng việc cấm túc - ở yên một chỗ. Từ việc ở yên đó, mình có cơ hội để tâm an trụ nơi hiện tại, ngay chỗ mình đang sống để có thể lắng lòng lại.
Hàng ngày, vì công việc, vì những mối lo, vì tập khí nhiều đời nhiều kiếp đã khiến ta hướng ngoại, thích nghe ngóng chuyện này, chuyện nọ rồi phải trái, hơn thua các kiểu. Do vậy, khi quyết tâm cấm túc an cư, là ta quyết tâm ở yên một nơi, có thể không phải là trong nhiều ngày nhưng là mỗi ngày một ít, để cắt bớt duyên trần, tập trung suy ngẫm về bản thân mình, lắng nghe thân tâm của mình. Đó chính là “quán” - nhìn sâu vào chính ta, để hiểu mình. Thực sự, ta tưởng là đã hiểu mình rồi nhưng kỳ thực ta chưa hiểu mình nhiều. Chính vì vậy, trong cuộc sống có nhiều người đã nhiều lần thốt lên rằng, tôi chẳng hiểu sao mình làm vậy, không hiểu sao mình không thể dứt ra được việc gì đó dù biết nó không tốt... Không hiểu mình ở đây cụ thể là không hiểu sự có mặt của những hạt giống khổ đau trong tàng thức, không thấy được năng lượng tham-sân-si chi phối, đôi khi làm chủ ý-khẩu-thân của mình... Do vậy, có những người nhìn bên ngoài hiền khô nhưng lại có lúc phản ứng nóng nảy, cực kỳ khó coi. Lúc đó, họ và ta cứ nghĩ là “người ấy không còn là người ấy” hay “có ai dựa”. Thực tế, biểu hiện lúc đó của người ấy là “một con người khác” bởi năng lượng tham-sân-si trong họ lớn hơn nguyện lực sống tốt mà họ đang thực tập, thành ra họ không có khả năng làm chủ được mình, để ba nghiệp biểu hiện thô tháo, khó chấp nhận. Nhìn ra chỗ này để không quá thất vọng vào bản thân mình và cũng không quá bất ngờ với người, bởi ai cũng đang trên tiến trình học Phật, chỉnh sửa nội tâm, hành vi trước cuộc sống hàng ngày. Có nhiều khi ta thành công, nhiều lúc ta biểu hiện không khác một bậc thánh, hiền nhân, nhưng lắm lúc ta “hóa thân” thành người nóng nảy, tham lam, dục tính lớn lên bất ngờ. Cái quan trọng là còn nhận ra sự thật đó, nhận diện được sự tồn tại ấy để chuyển hóa - sửa đổi bản thân dần theo hướng tốt đẹp. Đức Phật xác định, người mạnh mẽ là người có khả năng nhận lỗi, sửa lỗi. Nếu giấu lỗi hoặc không dám thừa nhận lỗi lầm thì ta sẽ khó có cơ hội được chỉ bảo, được sửa chữa bản thân và do vậy, ta sẽ tiếp tục sai lầm vì tiếp tục gian dối để che đậy cho sai lầm trước đó của mình. Dừng lại, nhìn sâu vào những biểu hiện ở hiện tại nơi bản thân mình rất quan trọng, giúp ta hiểu được con người mình, nhận ra mình còn yếu kém ở mặt này, khoản khác để từ đó tìm cách khắc phục, phát nguyện sửa đổi. Một khi ta có khả năng lắng nghe, hiểu được mình thì sẽ không chối bỏ “cái mình” thực tế, không cố tô vẽ mình thành một người khác, cũng sẽ không cố tốt - một cách giả bộ để người ta ca tụng mình... Khi ta thực hiểu bản thân thì ta cũng sẽ không sợ hãi nữa, sẽ dám thừa nhận mặt chưa tốt để sống với con người thực của mình một cách bình yên. Lắng nghe người khác và muôn loại Sự ích kỷ ngăn không cho ta lắng nghe người khác và muôn loại. Nếu lắng nghe người khác, lắng nghe loài khác... ta sẽ không mặc kệ nỗi đau của họ, khai thác nỗi đau của họ để phục vụ cho mình. Để có thể ăn chay được, nhiều người quán niệm rằng, chúng sinh khác cũng có cha có mẹ, cũng biết đau biết buồn... Mình gây đau khổ, chia lìa, cướp đi mạng sống của loài khác chỉ vì một chút vị ngon nơi đầu lưỡi, ham thích “sơn hào hải vị” thì sẽ gieo hạt giống thiếu từ bi, vay sinh mạng, sức khỏe loài khác, tạo nhân chia lìa. Cứ lặp lại sự lắng nghe sâu sắc ấy, khởi lòng thương tưởng tới loài khác và đương nhiên thương tưởng tới mình (vì gieo nhân không lành ấy chắc chắn ta sẽ nhận lại quả đắng cay ở tương lai, đời này hoặc kiếp khác) thì ngay lập tức mình có thể dừng việc sát sanh, hại mạng, trường chay, bảo hộ mạng sống chúng sinh. Xóa đi sự ích kỷ chính là ta mở cửa từ bi, mở lòng nghe được sự khó khăn, ngăn ngại trong lòng người khác, thấy nghiệp riêng của họ mà cảm thông. Phương pháp lắng nghe để hiểu, nhìn lại để thương khơi dậy trong ta lòng từ hơn mức bình thường. Khi đó, ta sẽ nhận ra rằng, việc thương một người khổ đau, đói khát quá dễ; nhưng để có thể thương được người gieo hạt giống xấu hôm nay thì lại hơi khó. Làm sao có thể thương được người đã, đang làm khổ ta nếu như không quán niệm (lắng nghe sâu sắc) và nghe được rằng: họ cũng đang bị khổ rất nhiều, nếu họ có an vui thì họ sẽ không gây khổ cho ta như vậy. Lắng nghe sâu sắc những người tạo ác nghiệp hiện tiền, ta thấy, ta biết hàng ngày để hiểu được mẫu số chung của những người ấy chính là sự mê mờ, không tin nhân quả, chứa nhiều phiền não, đau khổ... thì ta sẽ có thể không trách móc họ, không tự hành quyết họ trong ý nghĩ chứa đựng sân giận của mình. Khi đó, ta chấp nhận việc họ phải chịu trả quả báo mà họ gây bằng tình thương của một người học Phật, thầm mong họ giác ngộ chứ không phải bằng cách: đáng đời tên ấy, kẻ ấy... vì hắn ác quá mà! Người học Phật tinh tế trong sự phản ứng trước nỗi khổ niềm đau của người, để không cười đùa khi biết ai đó cần sự chia sẻ, đang gặp bất trắc. Và, quan trọng, không hỉ hả trước những sự trừng phạt theo lẽ công bằng của cuộc sống trước pháp luật và luật nhân quả của một người nào đó (vì vô minh mà tạo ác nghiệp). Nếu làm được vậy có nghĩa là ta đang thương mình, đang gieo hạt giống lành nơi vườn tâm ta, dần dần ta sẽ có cơ hội khai mở tâm mình rộng ra với hoa trái yêu thương thay vì oán hận...
Lưu Đình Long (GNO)
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |