Chi tiết tin tức

Thực hành 5 nguyên tắc để hạnh phúc

12:36:00 - 17/10/2014
(PGNĐ) -  Tất cả chúng ta đều có những khổ sở ở những sắc thái khác nhau liên quan đến tình yêu. Tình yêu được gắn liền với những cảm xúc hạnh phúc và êm dịu, nhưng thật ra nó lại gây nhiều khổ đau hơn cả, bởi bản chất của tình yêu là vị kỷ và chiếm hữu, cho dù đó là tình yêu nam nữ hay tình mẹ yêu con.

Cô là một cô giáo may mắn. Sở dĩ cô tự cho mình “may mắn” bởi cô được các học trò của cô lựa chọn làm điểm tựa trong những lúc các em bơ vơ, cô đơn giữa cuộc đời. Cô thao thức hết đêm vì một mẩu tin nhắn đến lúc hai giờ sáng, khi em trải lòng với cô rằng em không biết mình thuộc về đâu, mình đang tồn tại giữa cuộc đời này vì một lý do gì nữa. Cô bần thần thương cảm khi đọc những dòng chữ tưởng như em viết bằng nước mắt, bởi em đã phải lớn lên trong sự lạnh lẽo thiếu vắng tình cảm ngay khi em đang sống giữa những người thân. Cô loay hoay cùng em tìm một con đường khi em lạc lối, cô độc trong một tình yêu biết chắc là vô vọng. Cô đau cùng nỗi đau thể xác của em khi biết em phải vật lộn với căn bệnh mà rồi đây em sẽ phải sống cùng nó suốt đời... Đã nhiều lần cô lặng lẽ lắng nghe, lặng lẽ chia sẻ để mong được giúp các em nhẹ lòng đôi chút, bởi một lẽ giản đơn là ở một thời điểm nào đó trong đời, chúng ta đã đủ “duyên” để gặp được nhau.  

 

 

Đã rất nhiều lần cô tự hỏi tại sao mình được các em lựa chọn? Tại trái tim cô rộng mở bao dung có thể mang lại cho em một bến bờ an nghỉ? Tại cô đã trải nghiệm cuộc sống với đủ các cung bậc cảm xúc nên biết kiên nhẫn lắng nghe và thấu hiểu những nỗi niềm chất chứa trong lòng các em? Hay tại những nỗi khổ, niềm đau cũng có mẫu số chung, để nỗi đau của cô và của các em rung cùng tần số mà tìm đến với nhau cho vơi khuây bớt? Và cô cộng gộp cả ba giả thiết để tìm cho mình một câu trả lời: người ta tìm đến nhau, cần đến nhau bởi họ muốn chia bớt nỗi khổ, và những người có cùng nỗi khổ sẽ dễ dàng mở lòng đón nhận để an ủi, cảm thông. Cô đón nhận, an ủi các em, và trong quá trình đó bản thân cô cũng được các em đón nhận và an ủi, bởi nhận và cho suy cho cùng cũng là hai thể hiện khác nhau của cùng một bản chất mà thôi.

Em ạ, cô muốn nói với em rằng trong cuộc đời ai cũng có những thử thách. Cái khó khăn mà cô và em đang phải trải qua nó không hề cá biệt, nó không chỉ của riêng cô hay của riêng em. Nhưng ta không nên nghĩ vậy để thấy được an ủi rằng bên cạnh nỗi bất hạnh của mình còn có những nỗi bất hạnh khác còn lớn hơn vậy nữa, bởi cách nghĩ như vậy tiềm ẩn một lòng ích kỷ. Vậy cả cô và các em hãy cũng thực hành một cách nghĩ khác nhé: ta hãy tập nhìn thử thách của ta từ bên ngoài, thay vì đắm chìm trong nó để phải chịu sự kiểm soát của nó.

Em đang khổ sở vì những lời nói cay độc, gây đau đớn của người thân và không biết mình nên đi đâu, về đâu sau giờ tan học. Thay vì oán trách họ, em hãy vượt thoát ra ngoài để tìm hiểu những nỗi khổ tâm nào đang chất chứa trong lòng họ, xui khiến họ phải thốt ra những lời chua xót ấy. Em hãy thực hành nguyên tắc thứ nhất để hạnh phúc: Tập tha thứ.   

Em đang bối rối hoang mang vì sức khỏe của em đang rõ ràng có những biểu hiện không tốt. Thay vì bất lực buông xuôi như em đang tâm sự, cô mong em hãy chuyển hóa thành một tâm trạng tích cực hơn, bởi tinh thần tốt cũng là một liệu pháp hỗ trợ mà cô nghĩ chắc em cũng biết. Y học đã phát triển, vậy em nên có niềm tin vào nó và hãy nhờ đến nó để cải thiện tối đa thể trạng của mình. Em hãy thực hành nguyên tắc thứ hai để hạnh phúc: Bớt lo lắng.

Em đang tự dằn vặt vì mình chưa làm được gì ở tuổi hai mươi mà còn phải là gánh nặng cho bố mẹ trong khi em không hề muốn làm một người tầm thường. Thay vì khổ sở vì khát khao quá lớn lao chưa thể thành hiện thực, em hãy tự bằng lòng với những gì em đã làm được cho đến thời điểm bây giờ và lấy chúng làm nền tảng vững chắc cho những bước đi tiếp theo. Tuổi hai mươi chưa phải là thời điểm để em có thể vá trời lấp bể, vậy em hãy bắt đầu bằng những kế hoạch cụ thể vừa sức với mình để tiến đến thành công. Em hãy nghĩ thêm về câu nói "Simplicity is the ultimate sophistication” của Leonardo da Vinci và thực hành nguyên tắc thứ ba để hạnh phúc: Sống đơn giản.  

Tất cả chúng ta đều có những khổ sở ở những sắc thái khác nhau liên quan đến tình yêu. Tình yêu được gắn liền với những cảm xúc hạnh phúc và êm dịu, nhưng thật ra nó lại gây nhiều khổ đau hơn cả, bởi bản chất của tình yêu là vị kỷ và chiếm hữu, cho dù đó là tình yêu nam nữ hay tình mẹ yêu con. Ta đi cùng nhau rồi lạc mất nhau nên ta đau khổ, ta gặp đúng người nhưng sai thời điểm nên ta đau khổ, ta yêu thật nhiều, cho thật nhiều nhưng người ta hết mực yêu thương đã không như ta mong muốn nên ta đau khổ. Vậy thì cùng với nhau, chúng ta hãy thực hành nguyên tắc thứ tư và thứ năm để sống hạnh phúc: hãy cho đi nhiều hơn nhưng đừng trông đợi quá nhiều.

Cô đang viết những dòng này  không chỉ để nói với các em mà cô cũng đang nói với chính mình, bởi lẽ cô luôn dặn lòng phải thực hành năm nguyên tắc đó nhưng cũng đã có khi cô mất phương hướng. Cô mong các em tiếp nhận, không phải như một bài giáo huấn, mà là một sự chia sẻ từ trái tim của một cô giáo - một người bạn để cùng nhau, ta nhìn cuộc sống ít khó khăn và ít thử thách hơn. Cầu mong tất cả chúng ta luôn cảm thấy hạnh phúc, an lành.

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin