Chi tiết tin tức

Những người sung sướng

21:48:00 - 21/04/2015
(PGNĐ) -  Đạo bình thường đó khiến chúng tôi nhìn các Phật tử gần xa này như là những người sung sướng (xin tạm dùng từ “sung sướng” như mọi người). Các chị không phải dễ dàng kiếm sống nhưng biết đủ, các chị thực sự đã thấy an lạc trong đời sống cá nhân và gia đình, đã chia sẻ niềm tin về đạo giải thoát cho những người thân và người sơ. Nếu quan niệm sung sướng như là trạng thái hài lòng, như là niềm vui lâu dài, thì được sống an lạc, sống với niềm tin chánh pháp và từ bi với chúng sinh thì đúng là hơn cả sung sướng!

 

Người ở phương xa

Mới đây, bạn tôi đã vui vẻ chia sẻ với tôi về một cuộc điện thoại từ xa. Sau một chút ngỡ ngàng, anh bạn đã nhận ra người quen, tưởng đã mất hút đâu rồi, không ngờ vẫn giọng nói tình cảm, nhẹ nhàng, trong trẻo từ bên Mỹ. Người xưa vốn là một học trò, một người cộng sự của anh bạn tôi tại Trung tâm Văn hóa Thiếu nhi, thành phố Huế, từ những ngày đầu thành lập, sau năm 1975. Riêng tôi, câu chuyện của anh bạn tôi khiến tôi nhớ hình ảnh cô ca sĩ mảnh mai hát những bài tình cảm cách mạng trong sáng trên các buổi biểu diễn ca nhạc nhà văn hóa hay đêm văn nghệ xung kích. Thế rồi con chim họa mi biến mất, và sau một thời gian khá lâu, nghe đâu cô đã tốt nghiệp piano trường nhạc. Tuy thế, cuộc đời cô không theo nghiệp ca, mà theo nghiệp cầm: cô dạy đàn piano và kinh doanh nhạc cụ. Cách đây chưa đầy hai năm, cô qua định cư tại Mỹ.

Trở lại với cuộc điện đàm nói trên. Người thân của bạn tôi cho biết, qua bên đó con cái đều học tốt, và cô may mắn hành nghề dạy piano tại tư gia cho con em các gia đình Mỹ. Cuộc sống của em ư, không vui, không buồn, nhưng dầu ở trong nước hay ở đây, em luôn luôn có Phật, vì hàng ngày, hàng giờ em chuyên tâm niệm Phật. Cô học trò và cộng sự giờ đây đã đổi ngôi với anh bạn tôi. Anh nhớ niệm Phật, đọc kinh nghe! Đọc kinh rồi hiểu, thấm lần lần. Kinh là để mình tu, mình thực hành, không phải đọc mà hiểu hết liền. Bạn tôi nhớ lại, hồi cô còn ở Huế, cô đã từng thuyết cho anh: Đọc kinh Phật là phải nghiêm chỉnh, sách kinh để chỗ trang trọng, dầu có đọc dở dang thì cũng phải gấp sách, cất sách tử tế. Giờ đây, được người cũ tiếp tục “lên lớp”, bạn tôi vui ra mặt, ngay cả khi kể cho tôi nghe.

Người từ Buôn Hồ

Không ngờ anh bạn tôi chia sẻ chuyện trên với tôi thì tôi cũng hứng khởi chia sẻ chuyện vui với bạn, lạ thay, cũng trùng hợp thời gian, một ngày đông, đầu năm 2013. Trong ngày hôm đó, mấy đạo hữu chúng tôi được dự cơm chay tại chùa Hải Đức. Ngoài mấy thầy cô xuất gia, ngoài nhóm đạo hữu chúng tôi, dự cơm chay còn có một số các chị Phật tử trung niên từ thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắc Lắc. Các cư sĩ được sắp vào bàn ghế dài bình dị trong phòng ăn, cạnh nhà bếp. Trong khung cảnh đơn sơ và đạo tình đó, chúng tôi và khách từ Buôn Hồ trao đổi chuyện đạo đời vui vẻ, rôm rả. Các chị đã theo quý sư cô về Huế làm Phật sự, và vừa mới phóng sanh trên sông Hương.

Chúng tôi hỏi về đạo Phật tại quê hương mới Buôn Hồ (các chị vốn là người Huế, đã vào Tây Nguyên 30 năm về trước), các chị vui vẻ cho biết bây giờ trên đó đã có nhiều chùa, Phật tử đông, rất thành kính, nhất là mỗi khi có đại lễ; không những người Kinh mà còn rất nhiều đồng bào dân tộc dự lễ trang nghiêm. Đặc biệt nhiều Phật tử trên đó chuyên tâm niệm Phật, siêng đi chùa và ăn chay trường. Mấy chị thì ăn chay trường từ lâu và hỏi chúng tôi: Mấy bác có ăn chay trường không? Thôi rồi, chuyện này thì thua các chị rồi! Anh bạn tôi, với giọng trầm ấm áp, tự “kiểm điểm”: Tui cũng muốn như rứa, nhưng còn con cháu tui chưa ăn chay trường được, cho nên tui chỉ một tháng mấy ngày thôi; chừ nếu tui ăn riêng thì cũng phiền chuyện nấu nướng, dọn dẹp trong nhà. Tức thì, phe kia “phản pháo” liền: Mấy bác lạ chưa! Mấy bác là lớn nhất trong nhà thì phải làm gương, mấy bác ăn chay trường thì con cháu mới theo được! Mấy chị hay quá, tranh luận làm gì nữa. Câu chuyện vui vẻ nhưng bữa ăn đã xong. Mọi người đứng dậy, thế rồi một chị sực nhớ: Ủa, ăn xong mà để ri à! Phải dọn cho chùa!

Bữa ăn chay hôm đó đã để lại niềm vui lâu dài cho chúng tôi, cũng như cuộc điện đàm với người thân ở Mỹ đã để lại dư vị ngọt ngào cho anh bạn tôi. Duyên may được gặp và biết những người Phật tử có đạo tâm trong sáng như bắt được cái đẹp chân chất, không màu mè. Chúng tôi và những Phật tử từ Buôn Hồ đã quên đi vai trò xã hội, nào là buôn bán, nào là đi dạy, nào là dân văn nghệ… để chỉ đối đãi với nhau đơn giản là Phật tử, và chúng tôi vui vẻ nghe “bài pháp” từ những cư sĩ suốt đời niệm Phật, tụng kinh, ăn chay trường, quen cúng dường, thực hành bố thí, phóng sanh… Những hạnh tu tập đó đối với các chị ở Buôn Hồ, đối với người phương xa ở bang Oregon (Mỹ) trở thành đơn giản, bình thường như hơi thở, như ngọn cỏ ngậm sương mai. Đạo bình thường như thế thật quý.

Đạo bình thường đó khiến chúng tôi nhìn các Phật tử gần xa này như là những người sung sướng (xin tạm dùng từ “sung sướng” như mọi người). Các chị không phải dễ dàng kiếm sống nhưng biết đủ, các chị thực sự đã thấy an lạc trong đời sống cá nhân và gia đình, đã chia sẻ niềm tin về đạo giải thoát cho những người thân và người sơ. Nếu quan niệm sung sướng như là trạng thái hài lòng, như là niềm vui lâu dài, thì được sống an lạc, sống với niềm tin chánh pháp và từ bi với chúng sinh thì đúng là hơn cả sung sướng! Thực ra, chân lý của cuộc đời là khổ, nhưng nhận chân được khổ, và tu để tự tại thì các chị đã biết nương tựa vào Tam bảo.

Các chị đã có viên ngọc quý giá, sáng lên từ tâm trong hành trình cuộc đời này và mai sau. „

CAO HUY HÓA

Tạp Chí Văn Hóa Phật giáo số 173

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin