Chi tiết tin tức

Bóng tối của thói mê tín - thách thức cho Phật giáo Việt Nam

09:09:00 - 16/09/2015
(PGNĐ) -  Mê tín là một kiểu tin tưởng vào đấng thần linh, có quyền năng ban thưởng, giáng họa.... một cách mù quáng, thiếu cơ sở, thiếu suy xét, điều mà Phật giáo không thể chấp nhận bởi đạo Phật là một đạo trí tuệ, đạo như thật, và đến bằng sự giác ngộ giải thoát.

Chính theo nghĩa Hán Việt là sự đúng đắn, ngay thẳng, liêm khiết; Tín là niềm tin. Hai từ “chính” và “tín” ghép lại có thể được hiểu là niềm tin đúng đắn.

Trái với từ chính tín là “mê tín”, là một dạng tin tưởng thiếu cơ sở, mơ hồ, hoang tưởng, thiếu sự nhận định sáng suốt...không đem đến lợi ích cho cuộc sống cá nhân hay xã hội.

Trong đạo Phật, chính tín phải được hình thành trên cơ sở chính pháp. Những gì đức Phật nói ra, giảng dạy trong kinh điển của Ngài được gọi chính pháp.

Dựa trên kinh điển đó, chư vị Bồ tát Tổ sư diễn đạt bằng sự giác ngộ của mình, mà được nhiều thế hệ hiện tại và về sau chấp nhận, có thêm thắt các ý làm cho nội dung sáng tỏ hơn, nhằm đem lại phương pháp cho người sau tu tập “luận” cũng có thể gọi là chính pháp.

Chính pháp như đã nói phải do chính đức Phật thuyết giảng, sự phát triển ý của đời sau phải dựa trên cơ sở này; tuy nhiên vẫn chưa đủ, đạo Phật không dừng lại ở một lĩnh vực khoa học thông thường mà đó là một tôn giáo của thực hành, do đó người kế tục muốn hiểu thấu lời kinh Phật nhất định phải thực hành, ta gọi là hành giả. Như vậy để hiểu đúng về lời Phật dạy nhất định chúng ta phải nghiên cứu kinh điển do chính Ngài thuyết ra đó là điều kiện cần thiết, và chắc chắn phải thực hành đó mới là điều kiện đủ, thực hành để kiểm nghiệm giá trị của chính pháp.

Ngược lại với chính tín là mê tín, là một kiểu tin tưởng vào đấng thần linh, có quyền năng ban thưởng, giáng họa.... một cách mù quáng, thiếu cơ sở, thiếu suy xét, điều mà Phật giáo không thể chấp nhận bởi đạo Phật là một đạo trí tuệ, đạo như thật, và đến bằng sự giác ngộ giải thoát.

Soi vào lịch sử Phật giáo để thấy rằng, đã hơn 2500 qua Phật giáo đã tồn tại bền vững ở nhiều quốc gia trên thế giới mà tôn giáo này đã đi qua, đến đâu đạo Phật cũng được sự đón nhận một cách chắc chắn, chân lý tuyệt đối không thể bàn cãi và không cần xét lại những gì đức Phật nói cùng với một giáo lý khéo léo và tùy nghi áp dụng. Hơn nữa tôn giáo này được tiếp nhận một cách dễ dàng là do sự phù hợp với mọi thành phần giai cấp, với mỗi dân tộc và với trình độ mỗi người.

Việt Nam là một quốc gia ảnh hưởng đạo Phật khá lâu, nhưng không phải là sớm nhất trong vùng bán đảo Trung Ấn và khu vực Đông Nam Á. Đạo Phật du nhập vào nước ta qua hai con đường chính là Bắc truyền từ Trung Quốc bằng đường bộ, và Nam truyền bằng đường biển từ các nước Thái Lan, Miến Điện, Campuchia...

Nếu như bằng đường biển, Phật giáo vào Việt Nam theo các thuyền buôn, sự thấu đáo kinh điển của những người chủ thuyền này chưa đủ để tạo ra sự ảnh hưởng lớn của Phật giáo ở nước ta, hay nói cách khác là sự hiểu biết của những người lái tàu chỉ dừng lại ở chỗ tín ngưỡng, điều đó chứng tỏ trên các thuyền buôn luôn có hình tượng đức Phật Thích Ca và được gọi là ông Bụt (Ông Bụt là cách gọi trại ra từ Buddha = đức Phật: theo nghĩa Pali đó là sự giác ngộ, thấu đáo, thông suốt), trong cổ tích Việt Nam ông Bụt là hiện thân của các vị trên trời, có khả năng tạo ra sự công bằng cho người cùng khổ, chỉ đơn giản như vậy.

Trái với cách du nhập bằng đường biển, Phật giáo du nhập từ Trung Quốc rõ ràng có tính quy mô và bài bản hơn hẳn, một hệ thống kinh điển đồ sộ cộng với những nhà truyền đạo giỏi đã mang đến Việt Nam một đạo Phật với giáo lý thâm cao, uyên bác. Những thành tựu vĩ đại về một giáo lý uyên thâm đã đem lại cho mọi người có cái nhìn hết sức kính trọng về đạo Phật, nhờ những nỗ lực nghiên cứu cộng với đời sống thanh cao của các Tổ Sư đã khiến Phật giáo trở thành chỗ dựa lớn trong lòng dân tộc.

Tuy nhiên, cũng chính từ đây chúng ta cần tỉnh táo và xét lại, vì bên cạnh giáo lý thâm cao do các Tổ phát triển thêm, Phật giáo Bắc truyền vẫn mang những ảnh hưởng văn hóa bản địa khá lớn. Nếu xét về những quốc gia dân tộc trên thế giới thì Trung Quốc được xem là một cường quốc về văn hóa, đất nước này đã ảnh hưởng văn hóa ở nhiều quốc gia trên thế giới, với Việt Nam không ngoại lệ bởi sự gần gũi láng giềng, và Phật giáo Việt Nam khó tránh khỏi sự ảnh hưởng bởi một quốc gia nặng về phong tục, tập quán như Trung Quốc.

Sự tín ngưỡng nếu không tỉnh táo sẽ dẫn đến cuồng tín, cuồng tín là một sự tin tưởng thái quá, không kiểm soát. Trong quyển Đức Phật và Phật pháp của tác giả Narada Thera do Nhà xuất bản Đạo Phật Ngày Nay xuất bản, được Kim Khánh dịch lại, có câu Phật nói: “Hãy đến với giáo lý và hãy kiểm chứng nó”.

Do đó, không có lý gì chúng ta - một hàng hậu học kém phước sinh sau thời đức Phật đến 26 thế kỷ lại không thể kiểm chứng lại bất cứ thứ gì đã ảnh hưởng vào đạo Phật, để tìm cho ra thế nào là chính pháp của đức Phật từ đó mới có cơ sở hình thành chính tín.

Đi ngược lại giáo lý của Phật đều bị xem là mê tín; mê tín là dạng biểu hiện tâm lý yếu đuối, thiếu niềm tin vào bản thân, cầu viện vào một đấng siêu nhiên, thần lực để cầu xin vụ lợi cá nhân mà bản thân không tự nỗ lực.

Sự thờ cúng và cầu nguyện vào một đấng siêu nhiên nào đó để được sự lợi lạc về vật chất rõ ràng đã đi rất xa so với bản chất của đạo Phật, một tôn giáo muốn thoát khỏi sự lệ thuộc của vật chất. Sự giúp ích cho các hiện tượng này vô tình đẩy người đó vào bóng đêm của trí tuệ, dẫn đến một lối sống bế tắc và thiếu định hướng tâm thức.

Cúng sao, giải hạn để tránh những tai ương là điều mà chưa từng thấy kinh điển nguyên thủy nào của đức Phật nói đến. Đạo Phật chỉ dựa vào luật Nhân quả để hướng dẫn con người thoát khỏi những tai ương, đó là ra sức tu tập trì chay, giữ giới và giữ tâm tỉnh táo, tránh luyến ái vụ lợi…đó mới là cách duy nhất để chuyển nghiệp.Sự cầu nguyện vào một thế lực nào đó bên ngoài để cầu đến ngày vãng sinh mà bản thân không tự nỗ lực trau dồi đạo đức, để tâm tham dục luyến ái thì có ai cứu nỗi? Sự giúp ích cho các hiện tượng này chẳng khác nào tạo một tâm lý ỷ lại cho họ, đó là một điều hết sức sai lầm và đồng thời coi con đường tu tập của đạo Phật có vẻ đơn giản quá, quá dễ đạt được thành tựu trong khi đức Phật của chúng ta đã phải nỗ lực và đánh đổi nhiều đời nhiều kiếp như thế nào mới có được sự chứng đắc?

Sự tự lực trong đạo Phật mới là căn bản nhất để tự cứu mình, “Hãy tự đốt đuốc mà đi” – đó mới chính là con đường cứu giúp chúng ta.

Rõ ràng cần có sự suy xét thấu đáo để hiểu hơn về đạo Phật, làm tốt điều đó mới hiểu được thế nào là chính tín theo đúng tinh thần nhà Phật.

 

PHẬT GIÁO VIỆT NAM

 

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin