Chi tiết tin tức Phật giáo và khủng hoảng thế giới 07:05:00 - 15/06/2015
(PGNĐ) - (Đây là bài Diễn văn của Giáo sư Tiến sĩ Damien Keown trong Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc – lần thứ 12, tổ chức tại Thái Lan từ ngày 28 – 30 tháng 5 năm 2015 với chủ đề hội thảo “Phật giáo và Khủng hoảng Thế giới”).
Damien Keown, Giáo sư danh dự Tôi rất vinh dự được mời đọc bài diễn văn trong Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc lần thứ 12 này. Chủ đề của bài diễn văn hôm nay là “Phật giáo và Khủng hoảng Thế giới”. Trong khi xem lại thuật ngữ “khủng hoảng”, tôi nhớ đến một lời nói đáng ghi nhớ của Tổng thống Mỹ – John F. Kennedy trong một bài nói chuyện mà Ông trình bày ở bang Indiana vào năm 1959. Ngài Tổng thống nói: “Người Trung Hoa sử dụng hai ký tự để viết từ ‘khủng hoảng’. Một ký tự chỉ cho sự nguy hiểm và ký tự thứ hai nói đến cơ hội. Trong một cuộc khủng hoảng, ‘cần biết rõ sự nguy hiểm, tuy nhiên cũng nhận ra nơi đó còn có cơ hội’”. Tôi không biết sự hiểu biết về văn hóa Trung Hoa nơi Ngài Tổng thống có chính xác không, nhưng tôi muốn lấy từ ngữ đó để trình bày những quan điểm của tôi ngày hôm nay. Đúng là thế giới đang trong tình trạng khủng hoảng và biểu hiện cuộc khủng hoảng này dưới nhiều dạng thức. Trong khi thế giới đã đối mặt với nhiều khủng hoảng trong quá khứ, mối đe dọa dường như lớn hơn trong giai đoạn hiện nay do sự phát triển hiện đại như toàn cầu hóa, công nghệ tiên tiến, di cư hàng loạt, tốc độ tăng tốc của vận tải và thông tin liên lạc. Tốc độ thay đổi nhanh chưa từng thấy, và ít cho phép có thời gian nghỉ ngơi khi đối mặt với những thách thức phát sinh từ mọi phía, và cũng có ít thời gian để phát triển những giải pháp khôn ngoan. Trong khi đối mặt với những thách thức này, một cảm giác phổ biến cả giữa các công dân và các lãnh đạo chính trị, đó là cảm giác bị mất thăng bằng, hụt hẫng bởi các sự kiện; bị cuốn theo bởi những lực lượng quá mạnh như sóng thần, nó vượt quá khả năng kiểm soát thậm chí của chính phủ và các nhà lãnh đạo thế giới. Trong bối cảnh này, sự cần thiết hơn hết đó là lắng nghe giáo pháp của Đức Phật, và chẳng những chỉ nghe mà còn thực hiện với sự phát nguyện và quyết tâm. Các chủ đề hội thảo trong hội nghị này sẽ tìm hiểu vai trò của Phật giáo trong tình hình cuộc khủng hoảng thế giới đang diễn ra hiện nay theo 4 nhóm khác nhau: 1. Phản hồi của Phật giáo trước xung đột xã hội. 2. Phản hồi của Phật giáo trước sự suy thoái về môi trường. 3. Phật giáo và cộng đồng ASEAN. 4. Phản hồi của Phật giáo trước khủng hoảng về giáo dục. Đây là những chủ đề có liên quan với nhau, và tôi sẽ lần lượt trình bày đại cương về từng chủ đề, ở đây tôi bắt đầu nói về nhóm thứ ba trước “Phật giáo và cộng đồng ASEAN”. Tôi bắt đầu với tên gọi ASEAN bởi 2 lý do. Thứ nhất, bởi vì năm 2015 là năm đánh dấu cộng đồng ASEAN đi vào hoạt động và thứ hai là vì những vấn đề nan giải như xung đột xã hội, môi trường và giáo dục ngày càng cần có những giải pháp địa phương, quốc gia hay khu vực. ASEAN Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á được thành lập tại Bangkok với việc ký kết Tuyên bố ASEAN vào ngày 08 – 08 – 1967. Năm quốc gia sáng lập đó là Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan. Tiếp sau đó có nhiều nước tham gia như Brunei, Campuchia, Lào, Miến Điện và Việt Nam đưa tổng số lên thành 10 và tính luôn cả kế hoạch của Đông Timor, tổng số sẽ là 11. Hiến chương ASEAN có hiệu lực từ ngày 15 – 12 – 2008 đã đưa ra một khuôn khổ pháp lý và thể chế cho việc sáng lập Cộng đồng ASEAN. MỤC TIÊU VÀ HOẠCH ĐỊNH Phương châm của ASEAN là “Một tầm nhìn, một bản sắc, một cộng đồng”, và các mục tiêu và hoạch định của ASEAN như đã nêu trong tuyên bố thành lập như sau: *Đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, tiến bộ xã hội và phát triển văn hóa trong khu vực ngang qua các nỗ lực chung trên tinh thần bình đẳng và hợp tác để củng cố nền tảng cho một cộng đồng thịnh vượng và hòa bình của các quốc gia Đông Nam Á. *Thúc đẩy hòa bình và ổn định khu vực thông qua sự tôn trọng công lý và pháp quyền trong mối quan hệ giữa các nước trong khu vực và tuân thủ các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hiệp Quốc. *Thúc đẩy sự hợp tác tích cực và hỗ trợ lẫn nhau về những vấn đề cùng quan tâm trong lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, kỹ thuật, khoa học và hành chính. *Thúc đẩy sự hỗ trợ cho nhau trong hình thức của các cơ sở đào tạo và nghiên cứu trong các lĩnh vực giáo dục, chuyên môn, kỹ thuật và hành chính. *Phối hợp hiệu quả hơn trong việc sử dụng nhiều hơn trong nông nghiệp và các ngành công nghiệp, mở rộng thương mại, bao gồm cả việc nghiên cứu các vấn đề THƯƠNG MẠI HÀNG HÓA QUỐC TẾ, cải thiện phương tiện giao thông, truyền thông và nâng cao mức sống của nhân dân các nước. *Thúc đẩy nghiên cứu Đông Nam Á. *Duy trì hợp tác chặt chẽ, có lợi với các tổ chức quốc tế và khu vực đang có mặt với mục tiêu và hoạch định tương tự, khám phá con đường giúp cho sự hợp tác gần gũi với nhau hơn. Tôi sẽ không thảo luận về bảy tiêu điểm cụ thể và tự giới hạn để làm nổi bật những gì có thể đối với tôi cho là những thuật ngữ quan trọng. Những thuật ngữ mà tôi cho là nổi bật như: hội nhập, hòa bình, thịnh vượng, tôn trọng, cộng tác, hỗ trợ, và hợp tác. Đến mức độ nào thì bảy mục tiêu và hoạch định hài hòa với các giá trị Phật giáo? Giống như chúng ta, Đức Phật cũng đã sống tại một thời điểm có nhiều thay đổi và bất ổn: lúc bấy giờ, các quốc gia nhỏ hơn được sát nhập vào những chính thể lớn hơn, không còn sự chọn lựa nào khác cũng như trong trường hợp của ASEAN, và cũng giống như là kết quả do các chính sách hung hăng của những láng giềng bành trướng. Để thay thế mô hình chinh phục và sát nhập này, Đức Phật đã tuyên dương một mô hình chính trị thay thế dựa trên sự hợp tác và chung sống hòa bình thông qua việc thực hiện điều mà Ngài gọi là “Bảy pháp bất thối” (hay Bảy điều lợi ích [Satta aparihāniyā dhamma] D.ii. 73ff). BẢY ĐIỀU KIỆN VỀ AN SINH *Thường xuyên tổ chức họp. Điều này ngụ ý nói đến hệ thống dân chủ, trong đó người dân hoặc đại diện của họ thường xuyên gặp gỡ để bàn bạc các vấn đề. *Các cuộc hội họp gặp gỡ trong tinh thần hòa hợp, phát triển tinh thần hòa hợp và thực hiện công việc trong tinh thần hòa hợp. Ở đây nhấn mạnh đến hành động thống nhất trong việc thiết lập một bản tuyên ngôn có sự đồng thuận, một chương trình hành động và thực hiện chính sách dân chủ nhất trí. Nó cũng có ý rằng các cộng đồng sẽ giúp lẫn nhau trong những lúc cần thiết. *Họ không thi hành những điều gì chưa được thiết lập ban hành và không bãi bỏ những gì mà đã được thiết lập ban hành và tiếp tục thực thi các thể chế đã có từ trước. Có lẽ điểu này nghe có vẻ quá bảo thủ và cho thấy Đức Phật đã phản đối việc cải tổ chúng. Tôi nghĩ rằng họ làm như vậy là vì để bảo vệ danh tính của cộng đồng và thành lập nguyên tắc rằng các nghị quyết đều phải được tất cả mọi người tán thành trong tinh thần hòa hợp với hiến pháp và các giá trị của cộng đồng. Nói một cách đơn giản là tất cả mọi người nên tôn trọng luật pháp. * Họ tôn vinh, kính trọng, cung kính và đảnh lễ các trưởng lão, tin tưởng và lắng nghe lời của họ. Điều này liên quan đến việc công nhận đóng góp của các chính khách và các nhà lãnh đạo chính trị. Đó cũng có thể được xem như là một lời kêu gọi tôn trọng và tham gia vào công cuộc dân chủ. * Họ không dùng vũ lực để cướp đoạt hay bắt cóc, bắt giữ vợ và con gái của người. Ở đây chúng ta thấy Đức Phật hoàn toàn không tán thành việc dùng bạo lực đối với nữ giới và đây là một lời ngầm kêu gọi tinh thần bình đẳng giới. Trong khi trực tiếp nói đến nữ giới song cũng còn nói rộng đến những nạn nhân có thể bị xúc phạm trong xã hội và ngăn cấm việc bóc lột như đối với nô lệ, buôn bán người và lao động trẻ em. *Họ tôn vinh, kính trọng, cung kính và đảnh lễ những nơi thờ tự tại nhà cũng như bên ngoài, không lấy lại những vật đã ủng hộ dâng cúng. Đây là lời kêu gọi hãy tôn kính tôn giáo, biểu tượng tôn giáo và văn hóa vật chất. Điều đó bao gồm những nơi thiêng liêng của các tôn giáo như là chùa tháp, lễ đường, nhà thờ và điện thờ cùng với những cộng đồng tôn giáo. *Cúng dường chân chính tạo sự an ổn cho các bậc A-la-hán để có thể từ xa đến chung sống hòa bình cùng với mọi người đang có mặt ở nơi này. Kết hợp với điều kiện trước đây, điều này có thể được giải thích như là một lời kêu gọi hãy sống khoan dung và tự do tôn giáo trên toàn cộng đồng. Ngoài ra, nó còn gợi ý rằng những hạn chế trong hoạt động tự do nên được loại bỏ, những ai mong muốn sống trong hòa bình, mang lại lợi ích cho cộng đồng đều được hoan nghênh. Tôi không cho là hai danh sách về 7 pháp này hoàn toàn giống nhau, ít nhiều Đức Phật cũng đã đặt nền móng cho hiến pháp của ASEAN. Tôi chỉ đề nghị là cả hai danh sách đều có cùng một khuynh hướng. Về bản chất, những gì tôi nghĩ chúng ta thấy được đó là Đức Phật kêu gọi một hệ thống dân chủ minh bạch được xây dựng xung quanh sự đồng thuận và dựa trên một hiến pháp gìn giữ các giá trị nhân đạo, bảo vệ không để bị tình trạng bị xúc phạm và tự do tín ngưỡng. Tôi nghĩ rằng chúng ta có thể nói không có sự không tương thích nhiều giữa hai danh sách và có vẻ như hiến pháp chính trị và cơ sở hạ tầng kinh tế do ASEAN quy định có thể tiếp tục cho phép các cộng đồng cùng tồn tại trong hòa bình và thịnh vượng trong thế giới hiện đại, một lý tưởng mà Phật tử có thể tán thành một cách hoan hỷ. CỘNG ĐỒNG ASEAN Để dẫn đầu các nước thành viên trong cộng đồng hoạt động là mục tiêu của Tầm nhìn ASEAN 2020, được thông qua vào năm 2006. Tại đây, các nhà lãnh đạo ASEAN đã nhất trí về một tầm nhìn chung của ASEAN là “một sự hòa hợp của các quốc gia Đông Nam Á, hướng ra bên ngoài, sống trong hòa bình, ổn định và thịnh vượng, liên kết với nhau trong quan hệ đối tác trong phát triển năng động và trong một cộng đồng xã hội quan tâm”. Cộng đồng ASEAN được tạo thành từ ba cột chống: 1. Cộng đồng Chính trị – An ninh ASEAN. 2. Cộng đồng Kinh tế ASEAN. 3. Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN. Trong khi các quốc gia có ảnh hưởng từ Phật giáo cũng giống như các nước thành viên khác quan tâm đến 2 trụ cột đầu tiên, sự đóng góp của Phật pháp và các giá trị sẽ đặc biệt trở nên quan trọng ở cột thứ ba. Mục đích của Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN, trong đó các vấn đề như niềm tin và các truyền thống tôn giáo sẽ đóng vai trò quan trọng đặc biệt, bao gồm việc đạt được “sự bền vững lâu dài và tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc và các quốc gia thành viên của ASEAN. Nó tìm cách vươn đến một bản sắc chung và xây dựng một xã hội quan tâm và chia sẻ, đó là hòa nhập và làm cho niềm hạnh phúc, đời sống, phúc lợi của mọi người được nâng cao”.[1] Các khuynh hướng khác nhau của ASEAN đề cập hiện nay kết nối theo nhiều cách khác nhau với các chủ đề được thảo luận tại hội nghị này. Phật giáo không phản đối về sự thịnh vượng kinh tế và mở rộng thương mại, cung cấp, dĩ nhiên, sự thịnh vượng không dẫn đến việc tiêu thụ tràn lan, và phát triển kinh tế diễn ra một cách bền vững và có trách nhiệm với môi trường. Ở đây chúng ta có một liên kết với chủ đề hội thảo thứ hai, cụ thể là mối quan tâm đến việc suy thoái môi trường. Sự ổn định và hòa bình khu vực, tôn trọng công lý và pháp luật, cũng là những mục tiêu khát ngưỡng, và kết nối với chủ đề hội thảo đầu tiên, đó là giải quyết vấn đề xung đột xã hội. Cam kết của ASEAN loại bỏ việc sử dụng vũ lực và cảm kết giải quyết tranh chấp mang lại ổn định hòa bình có tầm quan trọng then chốt ở đây. Chủ đề thứ 4 của hội thảo – Phản hồi Phật giáo trước khủng hoảng giáo dục được chọn ngang qua tài liệu tham khảo trong điều thứ 4 và thứ 6 của bảy nguyên tắc ASEAN đối với việc cung cấp, hỗ trợ trong đào tạo và nghiên cứu và cũng để thúc đẩy các nghiên cứu Đông Nam Á. Mục cuối cùng đề cập đến nền tảng cho việc mở rộng nghiên cứu Phật giáo ở các cấp độ khác nhau trong chương trình giảng dạy, tôi sẽ bàn trở lại điểm này ngay. Trong khi các giá trị Phật giáo gối chồng lên nhau ở một mức độ lớn đối với các thành viên của ASEAN, trên mức độ thực tế, đó là nhiệm vụ của người đại diện các quốc gia thành viên theo đạo Phật phải thận trọng trong việc đảm bảo rằng việc xây dựng và thực hiện các chính sách cụ thể phản ánh các giá trị của các cử tri khu vực. Các nhóm và tổ chức Phật giáo cần phải đảm bảo rằng quan điểm của họ về các vấn đề xã hội, kinh tế và chính trị được thể hiện ở mức độ thích hợp trong Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN. SUY THOÁI MÔI TRƯỜNG Chúng ta đã nói đôi chút về mục đích và các nguyên tắc của ASEAN, cho phép tôi chuyển đến 3 chủ đề còn lại của hội thảo. Trong số này, khủng hoảng môi trường có lẽ là nghiêm trong nhất. Nó nghiêm trọng là bởi vì tính chất toàn cầu của nó và khả năng đe dọa của nó đến hạnh phúc của hành tinh này một cách cơ bản. Ngoài tác hại đến tự thân môi trường, suy thoái môi trường đã gõ cửa, gây ảnh hưởng dây chuyền ở các khu vực khác nhau: nó ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển kinh tế và có khả năng làm phát sinh xung đột vì các nguồn tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt. Quan trọng hơn, đối với ảnh hưởng của suy thoái môi trường những người nghèo nhận thấy rõ nhất. Để chuyển hóa thách thức này trở thành cơ hội đòi hỏi sáng kiến, suy tư và có kế hoạch. Tuyên bố ASEAN về Phát triển môi trường bền vững khẳng định: ASEAN hướng tới việc đạt được phát triển bền vững cũng như thúc đẩy môi trường sạch và xanh bằng cách bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên làm nền cho việc phát triển xã hội và kinh tế bao gồm cả việc quản lý bền vững và bảo tồn đá, nước, khoáng sản, năng lượng, đa dạng sinh vật, rừng, bờ biển và tài nguyên biển cũng như những cải tiến trong nước và chất lượng không khí cho khu vực ASEAN. ASEAN sẽ tích cực tham gia vào các nỗ lực toàn cầu nhằm giải quyết những thách thức về môi trường toàn cầu, bao gồm biến đổi khí hậu và bảo vệ tầng ô-zôn, cũng như phát triển và áp dụng công nghệ âm thanh môi trường cho các nhu cầu phát triển và tạo sự bền vững cho môi trường. Sự phát triển trong lĩnh vực này đã được tiến hành. Một chương trình do Trung tâm Đa dạng Sinh học ASEAN (ACB) kết hợp với Đức được đưa ra tại Jataka vào ngày 07 – 04 – 2015. Dự án có tên là “Bảo vệ đa dạng sinh học ở các nước thành viên ASEAN hợp tác với Trung tâm Đa dạng Sinh học ASEAN”, mục đích hướng đến là “bảo vệ đa dạng sinh học, thúc đẩy quản lý bền vững các hệ sinh thái tự nhiên, và cải thiện sinh kế của người dân địa phương trong khu vực ASEAN”. Hồi đầu tháng trước, Tổng Thư ký ASEAN, ông Lê Lương Minh đã phát biểu tại Hà Nội, chấp nhận rằng “ASEAN cũng như các nơi khác trên thế giới, mặc dù tiềm năng con người và tài nguyên thiên nhiên phong phú vẫn đang phải đối mặt một thách thức lớn trong việc giữ mức cân bằng uyển chuyển giữa sự bền vững môi trường và phát triển kinh tế”.[2] Trong phát biểu của mình, Tổng Thư ký đã nói “Có sự đồng thuận rộng rãi rằng liên quan đến phát triển bền vững, Tầm nhìn sau 2015 của ASEAN cần tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, bền vững và tăng trưởng kinh tế hợp lý và phát triển bền vững, phù hợp chương trình phát triển sau 2015 của Liên Hiệp Quốc”, trong đó “đảm bảo một sự cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường”. Công việc đáng quan tâm khác đã được thực hiện là khám phá những cách thức mà nền kinh tế đặc trưng có thể phát triển mạnh trong ASEAN trong khi vẫn giữ các giá trị sinh thái truyền thống của họ. Công việc trên màn hình là một ví dụ cụ thể về điều này và bao gồm các văn bản từ hội thảo tại Đại học Assumption năm 2013. Một tác giả, trong đóng góp của ông có tựa đề “Kinh tế và Sinh thái Phật giáo: Một bài học cho tương lai của Cộng đồng ASEAN”, trái ngược với “nền kinh tế có xu hướng chủ đạo là nền kinh tế của sự tham lam với kinh tế Phật giáo có mục đích không phải để tối đa hóa tiện ích mà là để thúc đẩy một cuộc sống lành mạnh cho từng cá nhân và chăm sóc sức khỏe, hòa bình và an lành cho xã hội”.[3] Trong thời Đức Phật, không có những khủng hoảng môi trường như chúng ta phải đối mặt ngày nay. Tuy nhiên, Ngài vẫn ý thức rất rõ rằng tự nhiên có thể là một đồng minh mạnh mẽ hoặc cũng có thể là một kẻ thù nguy hiểm, và rằng mối quan hệ giữa con người và thế giới tự nhiên rất phức tạp, cần điều lý cẩn thận. Con người nơi Ngài ở rất yêu mến môi trường thiên nhiên và kinh điển thời kỳ đầu có đề cập đến thiên tai như lũ lụt hay hạn hán dẫn đến nạn đói, dân số giảm (A. I, 160), nghèo đói và tội phạm (Ja.II, 367 ; VI, 487).[4] Đức Phật nhận ra rằng, sự tồn tại của rừng, hoang địa cần cho con người cũng như đối với chính Ngài khi từ bỏ gia đình sống đời sống tâm linh. Thời gian và một lần nữa, Ngài khuyến khích Tăng Ni đệ tử của mình dành thời gian rời khỏi nơi cư dân cư trú ồn ào, vào sống tu tập trong rừng (A.III, 87). Đối với động vật, các giá trị Phật giáo về bất bạo động và từ bi được thể hiện rõ trong sự phản đối của Đức Phật trước việc mang động vật làm lễ hiến tế. Nhiều quan điểm Phật giáo được rút ra để thúc đẩy các giá trị môi trường và nhận thức về sinh thái. Ảnh hưởng trong việc xác định thái độ đạo đức đối với thế giới tự nhiên là Bốn Phạm Trú (Brahma vihāras) hay cũng còn gọi ‘bốn trạng thái tâm’ tức từ (metta), bi (karunā), hỷ (muditā) và xả (upekkhā). Những thái độ này nuôi dưỡng ý niệm hướng đến việc bảo vệ và đảm bảo hạnh phúc của thế giới tự nhiên. Trong khi phải đối diện với các vấn đề môi trường ngày nay đang ở trên một quy mô rộng lớn hơn, chúng ta có thể tìm thấy trong giáo pháp của Đức Phật có những nguyên tắc chủ đạo giúp cho chúng ta tư duy. MÂU THUẪN XÃ HỘI Tôi quay lại chủ đề xung đột xã hội, một chủ đề khiến chúng ta phải đối diện với một số câu hỏi khó. Đó là một sự thực không may, sự phân biệt đối xử tôn giáo, đe dọa, quấy rối, bạo lực với các nhóm dân tộc thiểu số và tôn giáo nhỏ hiện nay đang gia tăng, thậm chí ở những nước Phật giáo cũng có. Những sự kiện đương đại cho thấy quan điểm đơn giản rằng Phật giáo là một tôn giáo riêng dành cho hòa bình, và chỉ có những tôn giáo khác khuyến khích bạo sẽ không kéo dài lâu hơn nữa. Phật giáo cũng giống bất kỳ tôn giáo nào có thể trở nên vướng vào chủ nghĩa dân tộc và bị cuốn vào cuộc xung đột sắc tộc. Tất nhiên, điều này rõ ràng là trái với giáo lý của đạo Phật về bạo lực mà kinh điển vẫn thường nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Kinh Pháp Cú, kệ 129 đưa ra “Nguyên tắc vàng” khuyên không bạo lực và Giới thứ nhất cấm gây hại có chủ ý với bất kỳ sinh vật nào. Đức Phật giải thích mâu thuẫn thường phát sinh từ tham lam, sân hận, si mê như thế nào và dạy những hạnh lành như nhân ái, từ bi, không bạo lực, chánh niệm, nhẹ nhàng, vừa lòng, bố thí, và trí tuệ, những hạnh lành này thúc đẩy sự sống chung hòa hợp, và chỉ trích những thói xấu như kiêu ngạo, tự hào, tham lam, ích kỷ, đó là những nhiên liệu làm phát sinh tình trạng thù hận xung đột. Tham lam làm phát sinh thêm việc mê đắm vào những thú vui, sở hữu vật chất, lãnh thổ, sức mạnh kinh tế và chính trị. Mê tin vào những tín điều võ đoán, những hệ tư tưởng chính thống cứng nhắc có thể dẫn đến sự bắt bớ và cuộc thập tự chinh đẫm máu. Trong thế kỷ trước, hàng triệu người tử vong có thể là do thái độ như vậy. Lời tuyên bố như “Chỉ có sự thật, tất cả điều khác là sai” (idam eva saccam moghamannam) (M.ii.170) tức là có thái độ chia rẽ xã hội. Hận thù và thành kiến trở nên cố thủ trong từng thế hệ và rất khó đánh bật. Ảo tưởng rằng bản thân hoặc cộng đồng của mình là duy nhất có đặc quyền và phải được bảo vệ bằng mọi giá, củng cố thêm quan điểm ích kỷ và chủ nghĩa dân tộc mà thấy các cộng đồng khác như là kẻ thù hay mối đe dọa. Đức Phật đặc biệt cảnh báo phản đối thái độ này, Ngài tư vấn cho các đệ tử không phản ứng một cách giận dữ cho dù Phật, Pháp, Tăng bị người khác xem thường (D.i.3). Đại đế Asoka vĩ đại đã không xa lạ đối với chuyện xung đột và chịu trách nhiệm trước nỗi khổ và cái chết trên quy mô lớn như chính ông đã thừa nhận. Ăn năn từ những chiến dịch chinh phục, sau đó ông đã tìm cách để thực hiện các giá trị của lòng bao dung và trong bia ký thứ 12, ông đã nói về tầm quan trọng của sự khoan dung tôn giáo và mong muốn của mình rằng “Tất cả cần được học theo đúng giáo pháp tốt đẹp của các tôn giáo”. Ông nói rằng ông “trân trọng các bậc tu hành và tín đồ của tất cả các tôn giáo” và mong họ phát triển hưng thịnh. Chốt lại vấn đề này, ông gợi ích, hãy cẩn trọng trong lời nói, có nghĩa là: …Không ca ngợi tôn giáo của mình hoặc lên án tôn giáo người khác mà không có lý do chính đáng. Và nếu có lý do để chỉ trích, cũng nên nói một cách ôn hòa. Tuy nhiên, điều tốt đẹp hơn là hãy trân trọng tôn giáo khác vì lý do này. Làm như vậy sẽ có lợi ích cho tôn giáo mình và cũng cho tôn giáo khác thay vì làm điều có hại cho tôn giáo mình và cho tôn giáo khác. Không nói lời chia rẽ rất quan trọng, hóa giải và tránh được xung đột, và người tránh được trường hợp mâu thuẩn được gọi là: “Người làm cho những người khác không chia rẽ, làm vững chắc thêm tình bạn, người yêu mến hòa hợp, thích hòa hợp, vui trong sự hòa hợp, một lời nói tạo sự hòa hợp tốt đẹp hơn”.[5] Mặc dù đã ra đời cách đây nhiều thế kỷ, lời khuyên trí tuệ này đặc biết rất hợp thời hợp lúc trước ngưỡng cửa hội nhập siết chặt hơn giữa các quốc gia ASEAN và các tín ngưỡng đa dạng. Viện ASEAN vì Hòa bình và Hòa giải (AIPR) vào năm 2011 đã được thành lập dưới sự bảo trợ của Hội đồng Chính trị – An ninh ASEAN và đã tổ chức Hội nghị Hội đồng Quản trị đầu tiên tại Jataka hồi tháng 12 năm 2013. Kể từ đó, viện đã tổ chức hai lần hội nghị chuyên đề vào năm 2014, lần đầu tiên tại Manila và lần thứ hai tại Bali. Nó đóng vai trò quan trọng và phải gặp nhiều khó khăn trong việc hòa giải và giải quyết căng thẳng không tránh khỏi sẽ xảy ra trong cộng đồng tôn giáo của 600 triệu dân. Quan hệ giữa hai tôn giáo lớn nhất ASEAN là Hồi giáo và Phật giáo sẽ giữ một vai trò then chốt trong việc hội nhập của cộng đồng. Theo một học giả: Cơ cấu tổ chức sắp tới của cộng đồng ASEAN 2015 nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết về vấn đề tôn giáo của khu vực Đông Nam Á đi đến đối thoại cùng tồn tại. Khi 10 quốc gia ASEAN được tích hợp về kinh tế, Phật tử sẽ chiếm khoảng 40% và Hồi giáo 42%. Do đó sự hình thành của một cộng đồng ASEAN năng động về kinh tế, chính trị ổn định và hòa bình sẽ tùy thuộc vào tương lai của mối quan hệ giữa Phật giáo và Hồi giáo.[6] Ngoài việc khoan dung đối với các tôn giáo khác, xung đột cũng có thể phát sinh từ nhiều nguyên nhân. Sự bất đồng về kinh tế trong việc phân phối các nguồn lực có thể dẫn đến tội phạm và tình trạng bất ổn xã hội, và một chính phủ khôn ngoan sẽ tìm cách tránh cuộc cách mạng và nổi dậy bằng cách đảm bảo rằng phải hỗ trợ vật chất cho những người nghèo nhất trong xã hội. Kinh Chuyển Luân Thánh Vương Sư Tử Hống (Cakkavatti-Sīhanāda Sutta) chỉ cho cái cách để không rơi vào hoàn cảnh vương quốc của một người cai trị bị sụp đổ. Đối với nguồn nhân lực lớn hơn là tầng lớp người thường, Đức Phật cho họ một lời khuyên hữu ích về cách tạo ra tài sản và chi dùng như thế nào cho đúng (ví dụ như trong S.iv.331-7). Trong Kinh Giáo thọ Thi-ca-la-việt (Sigālovāda Sutta), Ngài đề nghị rằng một phần tư thu nhập được sử dụng cho những nhu cầu cá nhân, một nửa góp vào công việc kinh doanh, và phần còn lại cất giữ phòng lúc gặp khó khăn (D.iii.188). Kinh Sigālovāda cũng cho lời khuyên về các mối quan hệ xã hội, và các văn bản kinh khác cũng tặng cho bảng hướng dẫn trong việc sắp xếp ngành nghề và nghề nghiệp nên làm hay không nên làm. Như vậy, Phật giáo có hàng loạt chiến lược để thực hiện, trong đó có chánh niệm và thiền định giúp tránh xung đột xã hội và xoa dịu một khi mâu thuẫn phát sinh. KHỦNG HOẢNG GIÁO DỤC[7] Bây giờ chúng ta đi đến phần chủ đề cuối của hội thảo bàn về khủng hoảng giáo dục, Phật giáo là một truyền thống tri thức năng động lưu giữ khối kiến thức vĩ đại, tuyệt vời. Kiến thức uyên thâm hayganthadhura được xem trọng và chính đáng trong sự nghiệp Tăng lữ. Tuy nhiên, thật không may, khối kiến thức này cũng có thể suy hoại trong việc sao chép thuộc lòng hay tán tụng mà không hiểu gì về ý nghĩa thật sự. Để tránh điều này đòi hỏi một hệ thống giáo dục toàn diện từ cấp cơ bản học đến đại học trong đó việc đặt câu hỏi, tìm hiểu nguồn gốc, phân tích và suy tư quán chiếu, phê bình cần được khuyến khích. Tuyên bố của Bộ trưởng UNECOSOC năm 2011 nói về “mối quan hệ tương tác giữa giáo dục và sự tiến bộ của tất cả các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ khác. Chúng ta nhận ra rằng giáo dục đóng một vai trò cơ bản trong việc tạo ra một xã hội hòa nhập và giảm thiểu sự không công bằng và bất bình đẳng cũng như để đạt được sự bền vững, tăng trưởng kinh tế toàn diện và công bằng, xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững”. Sau khi đánh giá hai năm của chương trình giảng dạy của các nước thành viên, ASEAN đã hình thành một Bộ Sách Tài liệu Chương trình Giảng dạy ASEAN như một công cụ cho các nhà giáo dục. Bộ Sách Tài liệu định rõ: …nguồn tài liệu mà các giáo viên trong ASEAN có thể sử dụng để giúp người học khám phá những liên kết của họ với người khác và nhận thức nơi họ về cả hai – cá nhân cũng như thành viên tham gia cộng đồng, quốc gia, khu vực của họ và thế giới. Khi làm như vậy, họ sẽ hiểu được những con đường khó khăn mà các dân tộc và các vùng đất được kết nối qua ASEAN, có thể được trao đổi, đánh giá cao quan điểm khác nhau, và hình dung cách thức mới mà ở đó họ có thể làm việc với nhau để thực hiện một mục tiêu chung và một tương lai sáng lạng hơn.[8] Bộ Sách Tài liệu khám phá 5 chủ đề (i. Nhận thức ASEAN, ii. Trân trọng Tính Đồng nhất và Đa dạng, iii. Kết nối Toàn cầu và Địa phương, iv. Thúc đẩy Công bằng và Công lý, v. Cùng nhau Làm việc cho một Tương lai Bền vững); ngang qua 4 Con đường (Nhân dân, Địa điểm, Vật chất và Ý tưởng). Thành phần thứ ba là “Những Câu hỏi Thiết yếu” phù hợp với những Con đường này, kết nối các Chủ đề với ý tưởng và quan điểm riêng của người học, hướng dẫn họ áp dụng các kỹ năng tư duy và giải quyết vấn đề quan trọng khi họ tiếp xúc với tài liệu. Ba yếu tố này hình thành nền tảng cho các dàn ý bài học mà chúng cũng được xem là những bài giảng linh động. Trong khi Sách tài liệu được dự định sử dụng chủ yếu trong các trường cơ bản, trung học, nó còn cung cấp một kế hoạch chi tiết có thể được điều chỉnh để sử dụng trong giáo dục đại học. Các tổ chức cần xem lại chương trình hiện có để đảm bảo rằng chúng đáp ứng nhu cầu của sinh viên sắp tốt nghiệp, những công dân của cộng đồng ASEAN. Hiệp hội Quốc tế các trường Đại học Phật giáo (IABU) với các trường đại học thành viên ở Miến Điện, Thái Lan, Lào, Cam-pu-chia, Việt Nam, Singapore và Indonesia dường như cũng phối hợp công việc này trong số các trường đại học Phật giáo và đại diện cho quan điểm của Phật giáo về giáo dục trong Cộng đồng Văn hóa Xã hội ASEAN. Tầm nhìn, sứ mệnh, và mục tiêu của IABU xa rộng phù hợp với mục tiêu giáo dục của ASEAN, UNESCO, UNECOSOC và các cuộc thảo luận đã diễn ra trên mô hình Chương trình Phật học ASEAN. Các tổ chức thành viên có lẽ đều công nhận và biết làm thế nào thực hiện tốt công việc này.[9] Một nhân tố khác được gọi là chương trình trao đổi giáo dục để học sinh từ quốc gia ASEAN có thể tham gia các khóa học tại các viện đại học khác. Tôi không chắc chắn phải chăng nên tạo điều kiện thuận lợi cho một chương trình đã được thực thi. Trong số các vấn đề khác, việc yêu cần tiêu chuẩn hóa các tín chỉ dĩ nhiên phải có uy tín để các khóa học đều có mức quan trọng như nhau trong các học viện tham gia. Một hệ thống như vậy đã hoạt động thành công ở châu Âu từ năm 1987 theo Chương trình Erasmus và giúp thúc đẩy việc lưu động sinh viên và kinh nghiệm trong lĩnh vực văn hóa và giáo dục rộng lớn hơn. Chương trình Erasmus là chương trình trao đổi sinh viên với mục đích cung cấp tùy chọn sự trao đổi với sinh viên nước ngoài đến từ Liên minh Châu Âu và nó liên quan đến rất nhiều tổ chức tốt nhất trong ngành giáo dục đại học ở châu lục này. Chương trình này nhằm mục đích hợp tác xuyên biên giới giữa các quốc gia đễ hỗ trợ sự phát triển học tập quốc tế và với hơn 4000 sinh viên tham gia chương trình vào bất cứ lúc nào, nó tạo một cơ hội tuyệt vời để thu thập trải nghiệm ở nước ngoài. Học sinh có thể đi ra nước ngoài từ 3 đến 12 tháng (tính luôn thời gian học tập bồi dưỡng, nếu có kế hoạch). Sinh viên cũng có thể nhận tài trợ cho nghiên cứu hoặc đang được đào tạo ở nước ngoài với tổng giá trị lên đến 12 tháng tối đa cho mỗi đợt nghiên cứu. Erasmus+ (Erasmus Plus) là phiên bản mới nhất của chương trình kết hợp tất cả chương trình hiện hành của EU dành cho giáo dục, đào tạo, thanh niên và thể thao, được bắt đầu vào tháng Giêng, năm 2014 với kinh phí gần 15 triệu Euro. Điều này dường như là một mô hình hữu ích cho các trường đại học ASEAN xem xét. KẾT LUẬN Cũng như việc tôi đã nhắc lại lời của Tổng thống John F.Kennedy lúc vào đầu diễn văn, trong kết luận,tôi xin trích dẫn lời của Winston Churchill, một chính trị gia nổi tiếng. Churchill nổi tiếng với câu nói: “Đừng bao giờ lãng phí một khủng hoảng tích cực”, và trong khi ông đề cập đến cuộc khủng hoảng có tính chất chính trị, tôi nghĩ rằng lời nói của ông cũng được áp dụng rộng rãi hơn. Cuộc khủng hoảng mang lại cơ hội cho sự thay đổi và hội nghị của chúng ta sẽ khám phá bốn lĩnh vực của cuộc khủng hoảng hiện nay và cơ hội hiện hữu. Trong khi những cuộc khủng hoảng này có thể được giải quyết một cách độc lập, tôi gợi ý rằng chúng có nối kết với nhau. Kết quả tích cực chúng ta hướng đến để giải quyết thành công những khủng hoảng này là ở khu vực người dân có giáo dục tốt, hưởng được sự thịnh vượng dựa trên sự phát triển bền vững và sinh hoạt hòa bình với các cộng đồng. Tôi hy vọng điều này không phải là quá không tưởng và rằng đây là một thành quả mà các cuộc thảo luận của chúng ta trong hội nghị này có thể mang lại gần hơn chút nữa. Chân Nguyên chuyển ngữ Theo Thư viên Hoa Sen
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |