Chi tiết tin tức

Cúng dường

20:39:00 - 10/03/2016
(PGNĐ) -  Chuyện cúng dường, sao kể cho hết, kể cả nói rộng ra là những hoạt động xã hội, nghề nghiệp, khoa học, văn hóa đa dạng trong đời sống, miễn sao người thực hiện làm với tâm của người Phật tử.

Vào một buổi chiều đầu thu 2013, chúng tôi đến Tuệ Tĩnh đường Hải Đức, thấy một bác sĩ trẻ đang loay hoay tìm cách vận hành hoàn chỉnh một hệ thống nồi sắc thuốc Bắc và chiết nước thuốc từ nồi qua thiết bị tự động vào bao bì, cuối cùng cho ra từng bao thuốc đủ dùng một ngày cho người bệnh. Chúng tôi ghi nhớ hình ảnh đó; và sau này mới biết chính người loay hoay đó, cùng với một Phật tử trẻ khác, đã tặng những thiết bị này cho Tuệ Tĩnh đường. Nhìn cơ ngơi khang trang của Tuệ Tĩnh đường, ta không thể không nghĩ đến những vị khai sinh cơ sở khám chữa bệnh từ thiện này từ bao khó khăn; không thể không nghĩ đến người đã tặng những chi phí xây dựng và trang thiết bị ban đầu, những tấm lòng vàng xa gần tặng các phương tiện máy móc, thuốc men, những người lặng lẽ tặng Tuệ Tĩnh đường một số tịnh tài góp phần nhỏ vào chi phí hoạt động khám, chữa bệnh của nơi này; và trên hết là những người áo trắng trực tiếp phục vụ tại đây, đã đem bàn tay, trái tim và khối óc để sống trọn vẹn lòng nhân ái.

Những người như thế đã thể hiện sự cúng dường thiết thực và hiệu quả. Chỉ một nơi như Tuệ Tĩnh đường này mà đã có biết bao nhiêu người cúng dường, chứng tỏ mọi người cần có nhau như thế nào. Nhưng… chuyện này có phải cúng dường đâu (!), vì đây đâu phải là chùa? Cúng dường tại chùa mới nhiều lợi lạc chứ? Rất nhiều người đã suy nghĩ như vậy. Thật ra, Tuệ Tĩnh đường thể hiện việc cứu khổ, là noi theo hạnh nguyện của Bồ-tát Quán Thế Âm, thì cũng đúng là nơi để mọi người thể hiện công đức. Vả chăng, và điều này mới quan trọng, Phật đã dạy: “Phụng sự chúng sinh là cúng dường chư Phật”, vậy thì biết bao nhiêu cách, biết bao nhiêu địa chỉ để phụng sự chúng sinh? Cũng “cúng dường chúng sinh là cúng dường chư Phật” là những người đóng góp trong lãnh vực văn hóa văn nghệ Phật giáo, văn hóa dân tộc, giáo dục Phật giáo, cơ sở từ thiện Phật giáo, cụ thể là những người làm việc thầm lặng mà cao cả ở trường mầm non Phật giáo, cơ sở nuôi dạy trẻ mồ côi, lớp tình thương, nhà dưỡng lão, Tuệ Tĩnh đường… Chuyện cúng dường, sao kể cho hết, kể cả nói rộng ra là những hoạt động xã hội, nghề nghiệp, khoa học, văn hóa đa dạng trong đời sống, miễn sao người thực hiện làm với tâm của người Phật tử.

Là Phật tử, ai ai cũng cúng dường Tam bảo, tức là cúng dường Phật bảo, Pháp bảo, Tăng bảo, vì ai cũng muốn đạo pháp trường tồn, Pháp của Phật như mưa lành, như nắng ấm khắp nơi nơi; như thế, từng Phật tử đều phải góp phần vào sự nghiệp trọng đại đó. Ngay cả trẻ em, nhân đầu năm mới đến lễ Phật tại chùa, xúng xính trong bộ đồ mới tinh, vui vẻ cúng một chút ít tiền vào thùng phước sương (thùng công đức). Cúng dường Phật bảo là góp phần xây dựng chùa, thỉnh tượng, đúc chuông, dâng hương hoa trầm trà cúng Phật, đóng góp tịnh tài và vật chất cho ngôi nhà Tam bảo, để cho những người con Phật, trong đó có mình, có nơi tu tập và sống an lạc. Cúng dường Pháp bảo là góp phần truyền bá Pháp của Phật trong gia đình và ngoài xã hội trong điều kiện có thể, đó cũng là góp phần ấn tống, truyền bá kinh Phật và văn hóa phẩm Phật giáo cho mọi người. Cúng dường Tăng bảo là cúng dường những gì cần thiết cho đời sống của Tăng Ni; từ thời Đức Phật, đó là tứ sự cúng dường: ẩm thực, thuốc men, chỗ ở, y phục. Ngày nay, tiến bộ xã hội đi xa, phương tiện đời sống dồi dào, nhu cầu đa dạng phát sinh, cúng dường có nhiều dạng thức phù hợp với thời đại mới (ví dụ như phương tiện di chuyển, phương tiện tu học, phương tiện sinh hoạt trong chùa…), nhưng nói chung, tứ sự cúng dường vẫn có ý nghĩa đẹp nhất.

Cúng dường nói lên một vẻ đẹp, và cũng là sức mạnh của Phật giáo, Phật tử xem chùa như nhà của mình – ngôi nhà thiêng liêng mà gần gũi – vì vậy đều hoan hỷ, cho dầu tịnh tài, tịnh vật lớn hay nhỏ. Tôi nhớ không lầm, xem trên mạng, có nhiều chùa làng ở miền Bắc vào dịp kỵ tổ hay tổ chức đại lễ, dân chúng Phật tử đóng góp hoa quả, rau đậu, trái cây, nếp gạo… đến cúng, làm bếp, như là ngày hội. Đẹp thay hình ảnh đội gạo lên chùa của ngày xưa!

Nhưng dần dần vẻ đẹp đó ngày càng nhợt nhạt đi, nhiều Phật tử ít đến chùa, hoặc không mấy khi đến chùa, nói gì đến cúng dường. “Người ta cúng chùa nhiều quá, và không biết bao nhiêu chuyện cúng, còn mình thì…”, thế là ngoảnh mặt làm ngơ chuyện bình thường của người Phật tử. May thay, vừa qua, ở Huế, hiện tượng khất thực làm sống lại tập tục đẹp thời Đức Phật, là cơ hội để Phật tử rộng rãi cúng dường Tăng, thật cảm động khi thấy nhiều người lao động quỳ lạy và cúng dường vật phẩm cho quý sư.

Nguyên nhân dẫn đến sự lãnh đạm trong cúng dường thì có nhiều, nhưng tôi nghĩ: Phật tử nên vượt thắng những cái cớ này, mình hãy cứ đem sơ tâm trong trắng cúng dường chùa, không địa chỉ này thì địa chỉ khác, cũng như cúng dường quý Tăng Ni, không kể nhiều hay ít. Càng nhiều người cúng dường càng quý, người cúng dường càng được hưởng phước đức, càng hưởng niềm vui, với cái tâm hướng về Tam bảo.

Cúng dường Tam bảo, chủ yếu là cúng dường chư Tăng Ni để quý vị sống và tu hành theo giáo pháp giải thoát của Đức Phật, đồng thời đem lại lợi lạc cho chúng sinh. Tùy theo điều kiện sống mà mỗi người cúng dường theo cách khác nhau. Phật tử cúng dường đúng pháp thì quý Tăng Ni càng thấy mình phải tinh tấn trên đường tu. Tất nhiên người giàu có thể cúng dường vật chất phong phú và dễ dàng hơn người nghèo. Lịch sử Phật giáo còn lưu lại những cư sĩ đem rất nhiều của cải cúng dường, mà điển hình là ngài Cấp Cô Độc, ngài đã hiến tặng Tăng đoàn của Đức Phật khu vườn quý giá mà ngài đã mua của thái tử Kỳ-đà. Những vị đó không vì lợi ích cá nhân, không vì ham mê tiếng tăm, mà chỉ vì thực hiện lý tưởng của người Phật tử muốn cúng dường Tam bảo và lợi lạc quần sanh. Ngày nay cũng thế, rất nhiều người giàu đóng góp Phật sự lớn lao, như xây dựng trùng tu chùa, đúc chuông, dựng tượng, xây tháp, xây dựng cơ sở của Phật giáo. Cảnh chùa trên khắp đất nước có bộ mặt khang trang như ngày hôm nay, một phần quan trọng là nhờ sự cúng dường của những người có điều kiện vật chất dồi dào.

Tuy thế, có nhiều hoạt động tiếng là vì chùa, vì Phật giáo, nhưng lại lộ ra ý đồ quảng cáo, hoặc vì mục đích riêng tư nào đó, đã làm mất ý nghĩa của cúng dường, nhiều khi làm khó cho chùa, cho đạo. Cũng có nhiều trường hợp sự đóng góp cho chùa ra quá xa tứ sự cúng dường, như đem “trang bị” tượng đá sư tử Trung Quốc cho rất nhiều chùa và cơ sở Phật giáo khiến gây phản cảm trong dư luận, hoặc tạo điều kiện cho người tu quá phong lưu, khiến người bình thường e ngại tiếp xúc.

Vậy thì, người giàu cúng dường biết đâu lại “khó” hơn người nghèo? Đức Phật thì không cần quan tâm người giàu hay người nghèo, miễn sao người Phật tử cúng dường với tâm trong sáng là tốt. Chuyện dưới đây kể   về một bà lão cúng dường mà không có chút của cải gì, được ghi nhận trong A-xà-thế vương thọ quyết kinh.

Vào thời Đức Phật, có một bà lão đi xin, hàng ngày trên đường đi thỉnh thoảng được ngắm những vị vua, hoàng tử và nhiều người đến cúng dường Đức Phật và Tăng đoàn. Bà ngẫm nghĩ, mình không có gì cả, thôi thì đi xin cho có tiền đã. Thế nhưng, cuối ngày bà cũng chỉ được một đồng tiền. Bà đến người bán dầu để mua chút dầu. “Ồ, một đồng thì mua được cái gì?”, người bán nói như thế. Nhưng khi nghe bà dùng chút dầu để cúng dường Phật, thì ông cảm động và tặng dầu cho bà. Bà đi đến tinh xá, và thắp lên một cây đèn. Bà đặt đèn trước Đức Phật, và thưa: “Bạch Phật, con chẳng có gì cúng dường, ngoại trừ cây đèn nhỏ này. Con mong sao ngọn đèn trí tuệ sẽ mãi mãi thắp sáng trong con. Con sẽ được giải thoát khỏi bóng đêm của vô minh. Con sẽ giải tỏa mọi ngăn ngại, và nhờ thế con giác ngộ”.

Đêm đó, dầu trong những ngọn đèn khác đều cạn và đèn tắt. Nhưng đèn của bà lão ăn xin vẫn sáng cho đến sáng sớm hôm sau, đến khi Tôn giả Maudgalyayana (Mục-kiền-liên) đi thu lại tất cả các cây đèn. Khi thấy có một cây đèn còn sáng, đầy dầu, và với bấc mới, Tôn giả Maudgalyayana nghĩ, “Mình tắt đi, ban ngày cần gì đèn!” và ngài thổi tắt. Nhưng đèn vẫn sáng. Ngài thử lấy hai ngón tay giập tắt, đèn vẫn cứ sáng. Ngài lấy áo giập đi, nhưng vô hiệu. Đức Phật đã thấy mọi chuyện, và bảo: “Này Mục-kiền-liên, thầy muốn tắt ngọn đèn đó phải không? Không được đâu! Nếu thầy tưới hết nước của đại dương lên nó, nó cũng không tắt. Nước của mọi sông hồ cũng thế mà thôi. Vì sao thế? Bởi vì ngọn đèn đó được cúng dường với lòng thành kính và tâm trong sáng. Và chính động lực đó đã tạo nên lợi lạc vô cùng to lớn, thầy ạ!”. ■

 

CAO HUY HÓA

Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số 192

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin