Chi tiết tin tức

Để bản làng vang vọng lời kinh

16:57:00 - 11/05/2015
(PGNĐ) -  Sau hơn 8 ngày di chuyển liên tục đến các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung Bộ, chuyến công tác thứ hai của Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương GHPGVN (HDPT TƯGH) đã kết thúc với những dư âm tích cực. Điều này dễ dàng nhận thấy thông qua sự trao đổi và chia sẻ thông tin 2 chiều giữa Trung ương - địa phương, dù chỉ là một hoạt động chuyên ngành.
 
H3.JPG
TT. Thích Thiện Toàn, Ủy viên HĐTS, Phó ban Thường trực Ban HDPT T.Ư
trò chuyện với Phật tử người dân tộc nhân chuyến công tác - Ảnh: Bảo Thiên

Sáng tỏ nhiều vấn đề

Sau hơn 30 năm thành lập Giáo hội, có thể đây là lần đầu tiên Ban HDPT TƯGH mới thực hiện chuyến công tác đến các tỉnh thành trong cả nước để trao đổi và giải quyết những vấn đề phát sinh liên quan đến công tác Phật sự chuyên ngành được tổ chức quy mô và chuẩn bị chu đáo. Đoàn công tác do đích thân HT.Thích Thiện Duyên, Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng ban HDPT TƯGH làm trưởng đoàn. Tham gia đoàn có gần 40 vị tôn túc lãnh đạo Ban, quý cư sĩ ủy viên và bộ phận hậu cần.

Lịch làm việc của đoàn dày đặc và phải di chuyển khá nhiều do khoảng cách giữa các điểm đến khá xa, trong khi đường sá xuống cấp nhiều nơi. Nhưng không vì thế mà chất lượng các buổi trao đổi tại mỗi địa phương kém đảm bảo, ngược lại, tinh thần làm việc cầu thị, nghiêm túc, đầy trách nhiệm được thể hiện khá rõ qua cách đón tiếp của các địa phương, việc chuẩn bị văn bản báo cáo và thành phần tham dự đông đảo.

Xuyên suốt 5 tỉnh Tây Nguyên và 3 tỉnh Nam Trung Bộ gồm Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, có nhiều vấn đề liên quan đến hoạt động chuyên ngành hướng dẫn Phật tử được nêu ra và bàn thảo giữa chư tôn đức đến từ Trung ương và địa phương để làm sáng tỏ, cùng tạo sự đồng thuận, thống nhất. Có đi, có gặp gỡ và tiếp xúc mới nhận thức hết những ưu tư của chư tôn túc Phật giáo địa phương khi phát tâm hành đạo, hướng dẫn tín đồ tu học và ứng phó với nhiều hiện tượng nảy sinh mà đời sống tu học không thể lường trước.

Đó có thể là sự phát sinh và rộ lên của phong trào tu học theo mô hình Tịnh độ đạo tràng hay các nhóm hộ niệm với phương thức khá “khác lạ”, chưa được sự đồng thuận. Chỉ có mặt vài năm trở lại đây nhưng mô hình này đang thu hút khá đông người, nhất là các tỉnh phía Bắc và Tây Nguyên nhờ tổ chức chặt chẽ, có nhiều đổi mới trong sinh hoạt, có áo lễ, logo riêng, nhưng xen lẫn vào đó là sự nguy hại khi khuyến khích việc xa lìa cơ sở tự viện và vai trò tâm linh của chư Tăng Ni.

Phát biểu về nội dung này, đại diện Ban HDPT tỉnh Đắk Lắk đưa ra ý kiến khá gay gắt, vì đến nay vẫn chưa có những phản hồi chính thức từ Trung ương Giáo hội, mặc dù vào ngày 7-10-2013, Ban Tôn giáo Chính phủ đã có Văn bản số 934/TGCP/PG gởi cho Hội đồng Trị sự GHPGVN thông báo không chấp thuận cho đăng ký sinh hoạt “Hội đoàn Tịnh độ đạo tràng”. HT.Thích Thiện Duyên đã nhắc nhở các BTS Phật giáo tỉnh cần lưu tâm vấn đề này, vì không giải quyết kịp thời sẽ xem như mặc nhiên công nhận khi chưa có chủ trương.

H2.JPG
Ngày càng đông đồng bào dân tộc đến với đạo Phật - Ảnh: Bảo Thiên

Mọi việc được giải tỏa khi TT.Thích Đức Thiện, Tổng Thư ký HĐTS cho rằng Giáo hội sẽ sớm có ý kiến về việc này trên cơ sở tôn trọng biệt truyền trong tu học của hàng Phật tử tại gia nhưng cần phải đúng Chánh pháp và lấy cơ sở tự viện làm gốc.

Sự sáng tỏ trong suốt chuyến đi còn được thể hiện khi các nội dung liên quan đến việc thành lập các Phân ban Thanh thiếu nhi Phật tử, Phân ban Phật tử dân tộc cấp tỉnh được quyết tâm thực hiện sau khi đoàn đến; việc trẻ hóa hàng ngũ Phật tử đến chùa cũng nhận được sự chia sẻ kinh nghiệm của nhiều vị tôn túc; hiện tượng cải đạo được cảnh giác và Ban HDPT Trung ương cũng có nhiều định hướng trong sinh hoạt của GĐPT thời hiện đại.

Mơ về ngôi chùa nơi bản làng

Một vấn đề bức thiết được nêu ra tại nhiều nơi và trở nên cấp bách, đó là vấn đề tu học của Phật tử người dân tộc thiểu số. Theo chư tôn đức phụ trách ngành HDPT nhiều tỉnh thành, nếu như nhiều năm trước việc vận động tín đồ người dân tộc đi chùa, lễ Phật, tụng kinh hoặc quy y Tam bảo được đặt lên hàng đầu thì nhu cầu lớn nhất hiện nay là nơi sinh hoạt mang tính đặc biệt của những vị “đồng bào sắc tộc”.

Theo số liệu thống kê sơ bộ, đến nay đã có hơn 6.000 đồng bào dân tộc tại Kon Tum quy y theo Phật giáo, gần 3.000 đồng bào tại Đắk Lắk quy kính Tam bảo. Tại các tỉnh Gia Lai, Lâm Đồng cũng đã có hơn 1.000 đồng bào dân tộc là Phật tử. Tuy vậy, hiện vẫn chưa có cơ sở thờ tự trong đất của đồng bào dân tộc sinh sống, được xây dựng theo phong cách văn hóa của đồng bào, và đặc biệt hơn, do chính đồng bào dân tộc điều hành sinh hoạt thông qua sự hướng dẫn của chư tôn đức Tăng Ni.

Theo HT.Thích Quảng Xả, Ủy viên Thường trực HĐTS, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Kon Tum, dù đã nhiều lần lên tiếng về nội dung này tại các phiên họp thường niên của Giáo hội, nhưng đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh từ các bộ phận liên quan. Trong khi đó, TT.Thích Châu Quang, Ủy viên HĐTS, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Đắk Lắk cho rằng vấn đề đồng bào thiểu số bản địa theo tín ngưỡng Phật giáo những năm gần đây có phần thuận lợi hơn nhờ được sự giúp đỡ của các cấp chính quyền. “Tuy nhiên, vấn đề khó hiện nay của Giáo hội địa phương là không có quỹ đất để xây dựng nơi thờ tự và tu tập riêng cho số Phật tử dân tộc đã quy y Tam bảo”, vị tôn túc đứng đầu Phật giáo tỉnh Đắk Lắk chia sẻ tại hội nghị.

Trong khi đó, TT.Thích Quảng Châu, Phó Trưởng ban Trị sự kiêm Trưởng ban HDPT tỉnh Gia Lai cho rằng, đồng bào dân tộc sau khi quy y đã có sự chuyển hóa rất lớn trong đời sống tâm linh và sinh hoạt đời thường, nhưng cái khó là cơ sở thờ tự nằm khá xa và việc đi lại nơi núi rừng không phải lúc nào cũng dễ dàng. Thượng tọa khẳng định việc xây dựng cơ sở thờ tự cho đồng bào dân tộc là cần thiết và đó là cách để bà con thấm nhuần giáo lý Phật-đà, chuyển hóa nhiều hủ tục lạc hậu sang nếp sống văn minh mà vẫn giữ gìn bản sắc địa phương đã có từ ngàn đời.

Thiết nghĩ, việc xây dựng ngôi chùa tại khu có đồng bào dân tộc là cần thiết và đến lúc phải thực hiện để đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng chính đáng của đồng bào. Tuy nhiên, việc thực hiện tốt chủ trương này nên có sự tham gia của Trung ương Giáo hội và ngành hướng dẫn Phật tử kết hợp với Phật giáo các địa phương trong quá trình làm việc với các cơ quan chức năng về xin quỹ đất, thiết kế tổng thể và vận động nguồn lực trong xây dựng theo như đề nghị của ông Nghiêm Văn Chuẩn, Phó Trưởng ban Tôn giáo tỉnh Đắk Lắk. Nếu có sự đầu tư đúng đắn về nhân sự, tài chính và thời gian, không bao lâu sau câu chuyện này sẽ không còn là vấn đề nóng trong các phiên nghị sự của các cấp Giáo hội.

 

TT. Thích Đức Thiện, Tổng Thư ký HĐTS GHPGVN:

H4.JPG
TT.Thích Đức Thiện

“Việc tổ chức đoàn công tác của Ban HDPT TƯGH đến các tỉnh, thành trong cả nước là hoạt động Phật sự cần thiết, vì nó diễn ra đúng thời điểm mà sinh hoạt, tu học của hàng Phật tử tại gia có nhiều phát sinh cần được định hướng. Có đi thực tế và có đến từng địa phương thì cấp Trung ương mới nhận ra nhiều động thái phải thực hiện và sự điều chỉnh trong chính sách ở tầm vĩ mô của mình.

Liên quan đến những nội dung mà các địa phương trao đổi dù ở phạm vi của ngành hướng dẫn Phật tử nhưng chúng tôi đều ghi nhận và sẽ có những tham vấn thích hợp cho Ban Thường trực HĐTS để điều hòa và giải quyết nếu liên quan đến nhiều ngành như sinh hoạt của Tịnh độ đạo tràng, việc hướng dẫn tu học của đồng bào dân tộc và hiện tượng cải đạo”.

 

 

Bài, ảnh Bảo Thiên

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin