Chi tiết tin tức

Đón một năm mới khác

20:59:00 - 07/02/2021
(PGNĐ) -  Có lẽ đây là cảm xúc chung của rất nhiều người khi chỉ còn chưa đầy nửa tháng nữa là Tết thì dịch Covid-19 đã bùng phát trở lại trong cộng đồng, tâm dịch ở Hải Dương, Quảng Ninh.

Nhiều người quyết định không về quê ăn tết để bảo đảm an toàn trước tình hình dịch bệnh

 

Đến nay, khi bài viết này được đăng tải thì đã có 402 ca nhiễm trên 12 tỉnh thành, trong đó có Hà Nội và TP.HCM.

Tuy nhiên, niềm tin vào việc chống dịch thành công của Chính phủ cùng các địa phương được nhen lên mạnh mẽ, khi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định sẽ dập dịch trước Tết, trong 8-10 ngày vì đã khoanh đúng ổ dịch. 

Dù vậy, không ai được phép chủ quan, tinh thần chống dịch cần phải kích hoạt ở mức cao nhất. Hay nói cách khác, mỗi người cần ý thức đón một năm mới khác: vừa ăn Tết vừa chống Covid.

Phòng dịch là một việc lành

Trước tình hình dịch bệnh ở Việt Nam, nhìn ra thế giới có thể thấy, chúng ta đang kiểm soát tốt. Nhiều người cảm thấy may mắn khi sống ở Việt Nam trong thời điểm này - khi nghe tin thế giới ghi nhận hơn 2 triệu người chết vì nCoV trong hơn 100 triệu người nhiễm. Và Mỹ là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch, tiếp theo là Ấn Độ và Brazil.

Với tinh thần chống dịch như chống giặc, cả nước đã làm nên điều kỳ diệu khi hạn chế thấp nhất số ca nhiễm, cũng như số bệnh nhân tử vong do Covid-19. Trong khi một vài nước láng giềng như Myanmar, Thái Lan vẫn còn khủng hoảng vì số ca bệnh tăng mỗi ngày với con số lên cả ngàn người, thì Việt Nam đã giữ được ổn định. Những khoảng trống một vài tháng giữa những đợt lây lan - nguyên nhân đến từ nhập cảnh trái phép, sơ hở trong cách ly y tế - đã giúp cho người dân được “dễ thở”. Đó là thời gian không phải quá lo lắng để tập trung vào hoạt động sản xuất, kinh doanh và cả từ thiện xã hội.

Chẳng hạn, giai đoạn miền Trung bị bão lụt, sạt lở đất nghiêm trọng hồi tháng 10, 11-2020, nếu lúc đó có dịch bệnh trong cộng đồng nữa thì sẽ khó khăn hơn. Những chuyến hàng cứu trợ hoặc sự chung tay chia sẻ có lẽ sẽ không nhiều, không tạo nên được cảm hứng mạnh mẽ như đã làm được trong năm qua. 

Có thể thấy, trong khó khăn, phước đức vẫn còn với người Việt Nam. Nhiều người thở phào nói về điều đó và nghĩ về ân đức tổ tiên sống hiền lành, ít nhiều người Việt cũng biết tu, biết “làm lành lánh dữ”. 

Minh chứng cho việc làm lành đó từ những đợt cứu trợ, chương trình “xuân yêu thương” mỗi cuối năm, hay bất cứ dịp lễ nào… cũng là cơ hội sẻ chia. Tất nhiên, trong dịch bệnh này, ngoài tặng quà như mọi năm, ủng hộ chống Covid-19 thì việc ý thức cao trong phòng dịch cũng là một việc lành.

Đón một năm mới khác ảnh 1

Phòng chống dịch là một việc lành

Bộ Y tế đã đưa ra nguyên tắc 5K (khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tập trung - khai báo y tế). Nếu tuân thủ tốt các khuyến cáo này cùng những hướng dẫn an toàn, tích cực chống dịch khác thì nguy cơ lây lan dịch bệnh sẽ càng thấp, tiến dần về 0.

Khi chống dịch thành công, không chỉ cá nhân mình được an toàn, gia đình mình được yên ổn mà cả xã hội cũng “hưởng” công đức đó. Thực tế, trong tương quan cuộc sống, mỗi người là một mắt xích, nên mỗi cơ thể có vấn đề cũng sẽ ảnh hưởng toàn bộ, nhất là với dịch bệnh như Covid-19. Do vậy, giữ an, mạnh cho bản thân cũng là một việc lành lớn mà người học Phật cần quán chiếu, giữ gìn. Ngược lại, lơ là trong phòng chống dịch chính là gây ra tội ác lớn, không chỉ vi phạm Luật Hình sự mà hậu quả để lại quá lớn cho cộng đồng, nhân đó sẽ để lại hậu quả mai sau khó mà gánh nổi!

Trong nguy có cơ

Dịch bệnh là điều không ai mong muốn, nhưng khi nó biểu hiện, chắc chắn có nhân duyên của nó. Đó có thể là lời cảnh báo về lối sống của chúng ta (từ ý-khẩu-thân) không lành mạnh. Và đó cũng là thông điệp về sự vô thường mà cuộc sống nhắc ta phải nhớ, thấy cho sâu sắc.

Có những người đã nhìn mặt tích cực của dịch bệnh ở chỗ đó - phản tỉnh con người dừng bớt lại, tập sống “ít muốn biết đủ”. Tinh thần này được nhà Thiền vận dụng bằng lối sống trung đạo: không ép xác cũng không phung phí. 

Xã hội hiện đại tạo ra những phương tiện khiến con người được thoải mái hơn, nhưng cũng bơm thúc con người sống vội hơn, không ngừng đòi hỏi thêm lên. Có thể nhìn qua quy trình tung ra các sản phẩm công nghệ hiện nay, cách người ta làm mới bản thân từ việc chạy theo công nghệ - để thấy rõ điều đó. Đáp ứng nhu cầu “muốn thêm lên, hơn nữa” của con người (nhân danh hiện đại) - để rồi chính con người tạo ra thói quen tiêu thụ không biết dừng, hướng ngoại nhiều hơn. 

Lẽ ra hạnh phúc phải được chế tác từ sự dừng lại, định tĩnh, ít muốn, biết đủ… thì nay nó được đắp xây bằng cách, ai có công nghệ hàng đầu trong tay. Tất nhiên, công nghệ mang rất nhiều tiện ích cho con người nhưng nếu nó chỉ đáp ứng mỗi phần thân, khiến con người lệ thuộc thì sẽ đánh mất hay làm lu mờ phần tâm (vốn là gốc rễ).

Mất gốc rễ, rơi cội nguồn thì sẽ không biết bám víu vào đâu. Như xây nhà, nếu trên cát, không có móng vững chắc thì càng cao sẽ càng dễ sụp đổ.

Tiếng chuông dịch bệnh toàn cầu này nhắc rằng, hóa ra, có những công nghệ dù cao vẫn không giải quyết được nỗi bất an của sinh tử. Cầm chiếc điện thoại mới nhất của hãng danh giá nhất thế giới mà không có sự vững chãi bên trong thì nó cũng không ý nghĩa gì. Có thể thấy, rất nhiều “người giàu cũng khóc” chính bởi vì họ thiếu chất liệu của bình an.

Thở vào, biết mình đang thở vào. Thở ra, biết mình đang thở ra. Mỉm cười, khỏe, nhẹ. Bài thực tập nhỏ này được Thiền sư Thích Nhất Hạnh giới thiệu một cách nhẹ nhàng đã đi vào lòng người phương Tây. Họ ở xứ sở hiện đại hơn, có nền văn minh công nghiệp bậc cao, nhưng họ vẫn khổ đau, vẫn đầy ắp lo lắng, sợ hãi. Tìm về tự thân qua cánh cửa của thiền, của chánh niệm, của hơi thở được nhận diện… đã cho họ một hạnh phúc khác, vốn sẵn có nơi mỗi người. Phật dạy đó là “ngọc trong chéo áo” mà ta không thấy, phí hoài.

Giữa cơn nguy của dịch bệnh, chúng ta nhận ra giá trị của sự quay về bên trong, sống với bản thể thanh tịnh mới là hạnh phúc thật sự. Nó giúp ta vững chãi cả khi khỏe lẫn lúc đau. Khi đó, những ngày “giãn cách xã hội” bỗng dưng trở thành phút giây sum họp gia đình đáng quý. Khi đó, những khóa tu bị hoãn, vài ba công việc bị mất hoặc giảm thu nhập… cũng là lúc ta được kiểm tra lại năng lực đối mặt với một trong những ngọn gió đời (là suy - hao tổn), xem mình có bị lay động không. Nếu còn, biết mình tu còn dở, phải tiếp tục gia công.

Thấy cơ trong nguy hay biến nguy thành cơ, đó là công thức của người tư duy tích cực. Họ sẽ không vì cái khó mà ngại, từ đó không chướng ngại. Hành trình họ đi sẽ là một lộ trình sáng đẹp dù bên ngoài có gió giông. Học họ, ta nghĩ về mùa xuân này, có thể ta đón một cái Tết khác, không náo nhiệt nhưng đủ lắng sâu để hoa trái nở ra trong lòng…

 

Chánh Quán

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin