Chi tiết tin tức

Rừng hay ngôn ngữ của sự sống

21:07:00 - 12/07/2020
(PGNĐ) -  Là một người đệ tử Phật, yêu thiên nhiên, bảo vệ môi trường và trồng rừng, đều là những nghĩa vụ và trách nhiệm mà người tu học có trí tuệ phải thấy, phải biết và phải thực hành. Đó cũng là thước đo của đạo đức con người, đạo tâm của một người tu tập và bước đi trên con đường Thánh đạo! “

“Trong cuộc sống hiện đại và văn minh ngày nay, trừ những ai quá cứng đầu cố chấp mới phủ nhận mối tương quan giữa rừng và con người quan trọng và mật thiết như thế nào. Còn lại ngày nay, đa phần chúng ta ai cũng hiểu rằng, bao nhiêu điều mầu nhiệm hay giản đơn trên Trái Đất này có được, đều là do những đóng góp âm thầm của rừng cây!

Chủ đề môi trường, và bảo vệ rừng, không biết đã tốn bao nhiêu giấy mực của báo chí, các nhà hoạt động môi trường. Bên cạnh việc phát triển kinh tế đi cùng thời đại, chúng ta cũng nên lặng mình nhìn lại cái mà chúng ta chạy theo, liệu nền văn minh này, nhìn từ không gian vũ trụ vào chỉ toàn màu xám xịt của bụi bẩn, màu vàng trơ của sa mạc hay màu cam sòng như máu thịt của Trái Đất chảy ra như đang kiệt quệ năng lượng để cho chúng ta phục vụ đời sống hiện đại của mình? Hoặc, chúng ta thay đổi, cân bằng giữa phát triển bền vững và dựa vào thiên nhiên, cùng phát triển và cùng tồn tại!

Lắng nghe tiếng gọi rừng xanh

Cùng nhau tuyên truyền về Nhân quả của việc phá rừng cũng như việc trồng và bảo vệ rừng, để mọi người chung tay xây dựng một thế giới văn minh, trong đó con người và thiên nhiên cùng chung sống hòa hợp.

Người có đạo đức, văn minh là người ít hưởng thụ một cách tùy tiện mà có suy xét trong mọi việc, làm sao để bảo tồn tốt nhất môi trường xung quanh, trong đó có môi trường sống và môi trường thiên nhiên. Khi con người càng hưởng thụ, tham lam thì càng đốn triệt dần những cây gỗ quý, nhẫn tâm tàn phá những cánh rừng trăm năm tuổi, diện tích rừng cạn kiệt dần đẩy chính con người vào hiểm họa thiên tai, chết chóc và sự hủy diệt.

Một bậc đại trí tuệ, đại giác ngộ như Đức Phật, Ngài chọn rừng xanh là nơi đản sinh, xuất gia, thành đạo và nhập Niết bàn. Trong kinh có ghi lại rằng, sau khi thành đạo dưới cội bồ đề, Đức Phật đã đứng yên bất động trong một tuần chỉ để nhìn cây bồ đề, để biểu lộ lòng biết ơn đối với cội cây đã che chở mưa nắng cho Ngài trong suốt thời gian tu tập. Đó là một bài học vĩ đại về lòng biết ơn mà Đức Phật gửi lại cho muôn đời.

Chúng ta hãy đem thông điệp yêu quý và biết ơn rừng xanh, trân trọng sự sống của muôn loài để nói với mọi người, phải xem đó là bổn phận, là trách nhiệm sống còn trong cuộc đời mỗi người để bảo vệ tương lai của trái đất này.

Hãy hạn chế tối đa tiến đến không sử dụng gỗ trong xây dựng, trang trí nội thất mà vẫn bền đẹp, hiện đại bằng việc sử dụng các vật liệu thay thế.

Gia đình, nhà trường, xã hội cần giáo dục con trẻ từ lúc nhỏ ý thức yêu quý và bảo vệ cây xanh, xem cây xanh cũng có sự sống, cũng biết đau như mình; Tổ chức các chương trình trồng cây, trồng rừng để tăng thêm ý thức cho cộng đồng.

Pháp luật cần có chế tài đẩy hình thức xử phạt lên mức cao nhất dành cho những kẻ phá rừng vì phá rừng đồng nghĩa với việc hủy diệt sự sống của cả hành tinh này. Tội phá rừng thậm chí còn nặng hơn tội giết người.

Cùng nhau tuyên truyền về Nhân quả của việc phá rừng cũng như việc trồng và bảo vệ rừng, để mọi người chung tay xây dựng một thế giới văn minh, trong đó con người và thiên nhiên cùng chung sống hòa hợp. Cứ trồng thêm một cây xanh là trồng thêm một cội phúc. Trái đất này sẽ ngập tràn hạnh phúc bởi những tâm hồn biết yêu thương, biết ơn những điều cao quý, như rừng đã cho con người biết bao điều…

“Hãy hứa trước khi lìa xa cõi đời

Gắng sức đắp xây lại cho đất trời

Rừng cây bóng cao mênh mông vời vợi

Là chút tri ân tặng đến con người”

Công đức trồng cây

Trồng một cây xanh là gieo trồng cội phúc cho mình.

Công đức của việc trồng rừng rất lớn vì trồng rừng là giữ lại sự sống cho thế giới. Điều này cũng có ý nghĩa như bố thí thuốc men, tiền bạc, cơm gạo, thả phóng sinh chim, cá,...

Có thể những Kinh điển, những kinh sách của đạo Phật từ trước tới nay không nói đến điều này vì lúc bấy giờ, việc phá rừng chưa nghiêm trọng. Nhưng ngày hôm nay, việc phá rừng đã diễn ra tràn lan đến mức báo động thì việc trồng rừng là điều hết sức quan trọng. Chúng ta phải có thái độ với việc phá rừng, phải thấy đó là tội ác chống nhân loại.

Rất tiếc, hiện nay nhiều người chưa ý thức đúng mức điều đó. Ngay đến những nhà lãnh đạo trong nước và thế giới cũng chưa thấy được mức độ nguy hiểm của việc phá rừng nên chưa triệt để trừng trị những kẻ phá rừng. Chừng nào những vị lãnh đạo của các nước trên thế giới hiểu được phá rừng là tội ác chống nhân loại, chừng đó họ mới có ý thức mạnh mẽ hơn trong việc bảo vệ rừng.

Hiện nay, họ chỉ thấy tội ác chống nhân loại ở việc cầm súng bắn giết con người. Họ không ngờ những người cầm cưa máy vào rừng cũng là những người chống nhân loại. Vì thế, rừng sẽ còn tiếp tục bị tàn phá và sự sống của con người còn tiếp tục bị đe dọa. Theo Nhân quả, người siêng năng trồng cây xanh sẽ là người giàu có, người chặt phá cây rừng sẽ là người nghèo khó.

Ông bà ta đã từng nói: "Nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá". Những người phá rừng cuối cùng sẽ phải chịu số phận thê thảm, đau khổ vô cùng.

Người siêng năng trồng rừng sẽ gặp may mắn, giàu có, trồng một cây xanh là gieo được một cội phúc cho mình.

Nên nếu ta trồng nghìn nghìn cây xanh cho đời là ta đã gieo được nghìn nghìn cái cội phúc cho mình, nên cái Nghiệp trồng cây xanh tạo nên cái Phước rất lớn. Do đó Phật tử dù là người không biết trồng cây, không biết trồng rẫy cũng phải tìm mọi cách trồng nhiều cây xanh. Mua đồi hoang, đất trống và góp tiền với nhau để trồng rừng, gieo trồng cội phúc cho mai sau.

Trồng một cây xanh là gieo trồng cội phúc cho mình.

Ta trồng cây xanh, để bảo vệ ươm màu xanh cho trái đất, tạo không khí tốt lành, tạo cho trái đất này. Nên một cây xanh mọc lên là một cội phúc ta gieo đến cho đời và ta gieo đến cho ta.

Trong đời ai chưa một lần trồng được một cái cây vươn lên thì phải hiểu rằng cuộc đời mình rất bất hạnh.

Người cả đời không trồng được một cây xanh nào thì phải hiểu đời mình sau này sẽ khô khan, nắng nóng không có bóng mát. Đời mình sẽ có nhiều vất vả ở tương lai.

Cho nên dù kinh doanh, buôn bán hay làm nghề gì đó thì cũng phải tìm cách có một chỗ nào đó để trồng một cây xanh cho đời. Hễ có cây xanh mình trồng mọc lên thì nên biết cội phúc của mình được gieo xuống.

Còn người nào mà cưa cây, phá cây thì kết cục là sẽ nghèo khó.

Đạo Phật nằm ở tâm con người chứ không nằm ở hình thức. Đạo Phật chỉ tồn tại khi con người biết sống vị tha, thương yêu lo lắng cho nhau chứ không tồn tại nhờ những ngôi chùa to mà bên trong Tăng Ni không hòa hợp. Vì vậy, chúng ta đừng bao giờ nghĩ rằng xây những ngôi chùa to là có nhiều công đức. Trồng rừng mới là việc đem lại nhiều công đức lớn cho thế giới này.

 

Khánh Quản

Nguồn: phatgiao.org.vn

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin